Thứ sáu, ngày 26 tháng bảy năm 2013
Mấy hôm nay mải tập trung vào
vụ anh Điếu Cày, choáng hết thời gian. Bỗng thấy hình ảnh NoU Việt Nam trong
đoàn người biểu tình chống Tàu của người dân Philippines. Mặc dù đang buồn vì
chuyện anh Điếu Cày, nhưng niềm vui nho nhỏ vẫn len lỏi đâu đó trong người. Ít
ra tinh thần chống Tàu của anh Nguyễn Văn Hải khi xưa đã không tắt lịm theo bản
án đầy hăm dọa hơn một thập niên ngục tù, mà trái lại tinh thần yêu nước ấy còn
lan khắp nước, thậm chí sang cả nước bạn Phi.
Rồi lại có cả bài viết về người
Việt Nam trong đoàn biểu tình ấy. Hóa ra có cả Nguyễn Lân Thắng bạn FB
của mình, giờ lại thấy Thắng năm tay, sát cánh cùng nữ ca sĩ Phi Lip Pin biểu
thị tinh thần đoàn kết chống Tàu nữa mới thật là vui.
Trong khi Trung Cộng cố áp đặt
đàm phán song phương để chia rẽ sự đoàn kết các chính phủ có liên quan đến biển
Đông, thì người dân nhỏ bé của hai nước đã tự tìm đến nhau để bày tỏ sự đoàn
kết ấy.
Hồi hè năm 2011 biểu tình chống
Tàu xảy ra được hai hay ba cuộc gì đó, mình và bà Hằng ngồi uống cà fe ngay đầu
ngõ nhà mình. Bàn bên có mấy chàng trai, cô gái ngồi. Họ nói loáng thoáng gì
đó, chị Hằng nghe thấy nói:
- Này bọn bàn bên kia nhắc đến
Gió đấy, chắc nó biết Gió.
Mình quay sang, thấy bàn bên đó
toàn gái xinh, trai cũng đẹp, họ nhìn mình cười vẻ rất thân thiện. Mình cũng
cười chào lại. Lát sau mọi người làm quen nhau, hẹn ad FB và cho nhau số điện
thoại. Nhìn FB nhận thấy Thắng là dân "phượt" thích chụp ảnh.
Vài hôm sau, buổi tối thứ bảy,
mình đi trinh sát vườn hoa trước cửa sứ quán TQ xem có hàng rào, cơ động cảnh
sát gì không. Ngồi la cà ở đó, chợt nhớ vợ chồng nhà Lân Thắng mới gọi điện rủ
ra đó ngồi chơi. Vợ chồng nhà Lân Thắng ra, ngồi một lúc mình nói chuyện biểu
tình chống Trung Quốc. Nghĩ là bọn dân ''phượt '' này chỉ chim, hoa, cá, gái
chơi bời. Chú ý gì đến chống Tàu, nhưng hết chuyện nói thì nói. Mình kể mai ở
đây sẽ có biểu tình chống TQ, nếu các em rảnh ra xem chụp ảnh cho vui. Lân
Thắng ok đồng ý ngay. Cái kiểu đồng ý tắp lự của Lân Thắng như là kiểu đồng ý
của kẻ ham chơi, ham vui, thấy đông là táp vô xem, mình cảm giác lúc đó Thắng
chỉ nghĩ đơn giản vậy. Vợ Thắng thì nói câu với vẻ mặt vô tư, bất cần đời,
không quan tâm lắm, Vượng nói:
- Anh có vụ gì cứ gọi bọn em.
Mình hơi ngạc nhiên, lẽ nào cô
ấy coi chuyện chụp ảnh, tham gia biểu tình là bình thường như đi chơi hội.
Dường như thấy câu hỏi trên mặt mình, Vượng nói:
- Anh đừng ngại, bọn em chả
ngại đâu.
Đến câu này mình mới biết, cả
anh và ả đều ý thức được việc biểu tình chống TQ là thế nào.
Từ đó Lân Thắng luôn có mặt
trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội. Những lúc khó khăn bị vây
nhà, anh khăn gói quả mướp dạt vòm đi từ vài hôm trước. Chấp nhận rời giường
êm, điều hòa mát rượi để chui rúc, chen chúc ba bốn thằng một giường giữa những
ngày hè nóng bức. Để được ngày mai có mặt giữa Hồ Gươm ghi lại những khoảnh
khắc lịch sử, cùng hô vang những lời tâm khảm, cho thế giới thấy bộ mặt xâm
lược của chính phủ Trung Cộng.
Câu chuyện này đơn giản chỉ có
thế, đọc thì không có gì phức tạp hay đáng nói. Nhưng điều đáng chú ý là chuyện
biểu tình chống Trung Quốc xâm lược nó đến tự nhiên như thế trong lòng người
Việt, như thể đó là điều có sẵn trong máu của những người con dân yêu đất nước.
Từ ngàn đời để lại trong huyết quản, đến lúc đất nước nguy nan thì tình yêu ấy
sống lại.
Tình yêu đất nước không đến bởi
bài giảng lê thê, hoành tráng, lắm từ đao to búa lớn đầy học thuật của một giáo
sư,phó giáo sư hay tướng, tá, quan lại nào.
Lòng yêu nước cũng đến đơn
giản, qua cốc trà đá, cốc cà fe, vài câu chuyện đâu đâu. Chẳng có thế lực thù
địch thâm độc nào xúi dục, chẳng có hứa hẹn tiền trăm, bạc triệu nào trao cho
người đi biểu tình.
Vấn đề là tại sao hàng trăm
kiểu lý luận của đoàn thể địa phương, hàng chục các bài viết của giáo sư, nhà
báo, tướng tá trên báo, công văn của ủy ban thành phố, giấy triệu tập của an
ninh....lại không bằng một cú điện thoại,bằng một tin nhắn bỗ bã trên FB của
vài kẻ quen biết nhau sơ sơ, của bọn người tứ xứ, chả thân thuộc gì cho nhau
lắm.
- Mai mày có đi không, chờ tao đi
cùng nhé.
Những nhà lý luận phản đối biểu
tình, dày công vu vạ thế lực thù địch xúi giục, tốn sức dựng vài nhân vật làm quần chúng lên
truyền hình phản đối, huy động hàng trăm công an ngăn chặn, rồi đoàn thể này nọ
nhưng hiệu quả thì chẳng đến đâu. Cuối cùng muối mặt dùng biện pháp côn đồ tấn
công đánh đập người biểu tình.
Vì sao họ thất bại về mặt tuyên
truyền, đến nỗi phải ô nhục dùng biện pháp côn đồ tấn công người biểu tình?
Bởi họ cố gắng dựng nên một
nguyên nhân không có thật, họ tô vẽ cho nguyên nhân ấy là ghê gớm, là âm mưu,
là thế lực lớn, là tiền bạc hỗ trợ... họ cứ nghĩ đám biểu tình ấy phải có tổ
chức, cấp trên dưới, có hội họp và có tiền để lo kinh phí, có thế lực nào đứng
đằng sau như chính bọn họ.
Họ chẳng ngờ cái lũ người tứ
xứ, quen nhau sơ sơ ấy chỉ cần nhắn tin một câu, gọi nhau cú điện là ào ào đi
biểu tình. Xông vào cứu nhau, đứng đợi nhau cửa đồn công an đấu tranh đòi thả
người.
Xong là giải tán, ai về nhà
đấy, sau có biểu tình chống Tàu lại đi. Chả có bình thưởng xem xét chiến công
nào cả gữa đám ấy với nhau.
Đôi khi sự lớn lao, hình ảnh
đẹp, đặc biệt, rạng rỡ khiến chúng ta bất ngờ lại đến từ sự giản dị. Tấm hình
của Nguyễn Lân Thắng đứng cạnh một ca sĩ nổi tiếng người Phi trong cuộc biểu
tình chống TQ ở Malina cũng đến từ những điều giản dị. Và điều giản dị trở nên
thành đặc biệt, thành lịch sử chính là bởi sự giản dị ấy là lòng yêu nước.
Thế giới đã chứng kiến người
dân hai nước Việt - Phi sát cánh bên nhau, không cần sự đồng ý hay chỉ đạo nào
của chính phủ trong mối họa Trung Cộng đang ngày ngày lộng hành.
Thông điệp bức ảnh thật tuyệt
vời.
--------------------------------------
Từ
ngõ Phất Lộc tới Weimar [11] 12:00:am
27/07/13
Từ ngõ Phất Lộc tới Weimar [10] 12:00:am 17/07/13
Từ ngõ Phất Lộc tới Weimar [9] 12:00:am 13/07/13
Từ ngõ Phất Lộc tới Weimar [8] 12:00:am 09/07/13
Từ ngõ Phất Lộc tới Weimar [7] 03:13:am 06/07/13
Từ ngõ Phất Lộc tới Weimar [5] 11:00:pm 01/07/13
Từ ngõ Phất Lộc tới Weimar [4] 12:00:am 30/06/13
Từ ngõ Phất Lộc tới Weimar [3] 12:00:am 29/06/13
Từ ngõ Phất Lộc tới Weimar [2] 12:00:am 27/06/13
Từ ngõ Phất Lộc đến Weimar 12:01:am 21/05/13
No comments:
Post a Comment