John
Sifton
Diên Vỹ chuyển ngữ
Thứ Sáu, 26/07/2013
Hôm nay, Tổng thống Barack
Obama đang tiếp đón một vị khách khác thường tại Nhà Trắng: chủ tịch Việt Nam
Trương Tấn Sang. Nhà Trắng cho biết rằng những đề tài thảo luận bao gồm thương
mại và việc gắn chặt hơn nữa các mối quan hệ an ninh và quốc phòng. Nhân quyền
cũng nằm trong lịch trình, nhưng với việc chính quyền Mỹ đang theo đuổi các mục
tiêu "chuyển hướng" và "tái cân bằng" ở châu Á, câu hỏi là
Obama sẽ cứng rắn đến đâu trong việc thúc đẩy vị lãnh đạo nhà nước độc đảng cố
hữu này.
Việt Nam có một
hồ sơ nhân quyền ngày càng tồi tệ, nổi bật là việc đàn áp có hệ thống các quyền
tự do ngôn luận, lập hội và biểu tình ôn hoà, việc kiểm duyệt báo chí và đàn áp
quyền của người lao động. Ngày càng lo lắng về việc nắm giữ quyền lực, Đảng
Cộng sản cầm quyền đã tăng cường việc ức hiếp những công dân nào đặt vấn đề với
những hoạt động của chính quyền hoặc kêu gọi việc bầu cử dân chủ.
Kể từ khi Nhà
Trắng tiếp đón một vị lãnh đạo Việt Nam lần cuối vào năm 2008, chính quyền Việt
Nam đã bỏ tù ngày càng nhiều những nhà chống đối, các bloggers và những nhà
lãnh đạo tôn giáo, những người này đã bị toà án do đảng chỉ đạo tuyên phạt
những bản án tù ngày càng dài thêm. Những bản án chính trị trong nửa năm đầu
2013 đã vượt qua tổng số án trong năm 2012, vốn cũng đã vượt quả con số của
những năm 2011 và 2010.
Tồi tệ hơn, việc
đàn áp giới đối lập chỉ là một mặt trong những vi phạm nhân quyền của Việt Nam.
Những vi phạm khác còn bao gồm việc công an tra tấn và giết chết người, tịch
thu đất đai không qua quá trình thương lượng và bồi thường, và đàn áp những tổ
chức tôn giáo không được phép hoạt động công khai cũng như những nhóm dân tộc
ít người. Những người chạy xe gắn máy đã bị đánh đập khi dám tranh cãi với công
an. Đất đai của nông dân bị cướp đoạt. Những tín đồ bị ép buộc từ bỏ đạo. Những
người dân thiểu số bị đàn áp khi tập hợp chống lại nạn kỳ thị. Nhiều người dân
Việt phải vất vả trước nạn đàn áp dã man vô kiểm soát, hoặc là phải đổ máu khi
dám chống lại hoặc bắt buộc phải im lặng.
Chính quyền Obama thừa biết những tiêu cực trên, và nhấn
mạnh rằng họ đang đưa vấn đề nhân quyền vào các trao đổi với chính phủ Việt
Nam. Và đúng như thế. Đại Sứ quán
Hoa Kỳ ở Hà Nội thường xuyên can thiệp và thúc đẩy Việt Nam về các trường hợp
vi phạm quyền con người, và Bộ Ngoại giao cũng tham gia vào cuộc thảo luận
thường niên với Việt Nam về vấn đề nhân quyền. Nhà Trắng đã cam kết với các dân
biểu Quốc hội cũng như các tổ chức nhân quyền rằng các vấn đề nhân quyền sẽ
được "đưa ra" trong chuyến viếng thăm này.
Nhưng không rõ là liệu những
trường hợp cụ thể sẽ được đưa ra hay không, và liệu chúng có được đưa ra một
cách công khai hay không. Trong bài phát biểu công khai của mình, liệu Obama sẽ
nhắc đến các trường hợp cụ thể như nhà đối lập Cù Huy Hà Vũ, blogger thẳng thắn
Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày), và luật sư Lê Quốc Quân, một người liên tục chỉ
trích chính quyền hiện đang đợi ra toà với tội danh đầy giả tạo là "trốn
thuế"?
Những phát biểu mạnh mẽ của tổng thống thì rất quan
trọng. Vào tháng Năm 2012, Obama từng
nhắc đến Nguyễn Văn Hải trong một phát biểu nhân Ngày Tự do Báo chí Quốc tế, ca
ngợi tinh thần dũng cảm của anh ta trong hoàn cảnh "chính quyền Việt Nam
đàn áp rộng khắp giới nhà báo công dân." Đại Sứ quán Hoa Kỳ cũng đã vài
lần lên tiếng quan tâm đến trường hợp Lê Quốc Quân - những can thiệp này có thể
đã góp phần vào việc trao trả tự do cho ông trong những lần trước. Những tuyên
bố công khai này giúp gửi một thông điệp đến những nhà hoạt động dũng cảm ở
Việt Nam rằng thế giới đang đứng về phía họ, và đặt áp lực đòi hỏi chính quyền
Việt Nam phải thay đổi đường lối.
Tuy nhiên, nói cho cùng, việc nhấn mạnh các vấn đề nhân
quyền vẫn chưa đủ. Câu hỏi
thực sự là liệu chính quyền Hoa Kỳ có sẵn sàng đưa ra những áp lực thực sự và
có những biện pháp hữu hiệu để giải quyết tình trạng vi phạm nhân quyền rộng
rãi của Việt Nam hay không. Thất bại trong việc giải quyết vấn đề rộng
lớn hơn - và vượt trên cả việc can thiệp vào các trường hợp cụ thể - có thể
khiến cho Hà Nội càng lấn lướt hơn: làm giới lãnh đạo Việt Nam nghĩ rằng họ có
thể đạt bất cứ điều gì mình muốn từ Hoa Kỳ trong khi chỉ hứa hẹn nhân quyền
bằng đầu môi chót lưỡi.
Vào ngày 24 tháng Bảy, một ngày
trước chuyến thăm, một số các tổ chức công đoàn Hoa Kỳ đã kêu gọi chính phủ
đình chỉ việc thương lượng về Hiệp ước Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TTP)
với Việt Nam cho đến khi các vấn đề nhân quyền then chốt được giải quyết. Một
số các nghị sĩ Quốc hội cũng đã yêu cầu Nhà Trắng cân nhắc phương hướng này.
Cách đây vài năm, chính phủ Hoa
Kỳ hy vọng rằng việc cởi mở thương lượng mậu dịch và một đối thoại chiến lược
quân sự với Việt Nam sẽ được xem là một động cơ khiến chính quyền Việt Nam thay
đổi, và có lẽ nhẹ tay hơn trong chính sách độc tài của mình. Giờ đây dường như
hy vọng ấy đã bị đặt nhầm chỗ.
Rõ ràng là chính sách của Hoa Kỳ cần phải thay đổi - câu hỏi là bằng cách
nào. Hoa Kỳ cần bắt đầu liên kết quan hệ kinh tế và những quan hệ khác với Việt
Nam với những cải cách nhân quyền cụ thể. Và thông điệp về vấn đề này phải được
đưa ra công khai và rõ ràng. Bước đầu, Obama nên ra lệnh cho Phòng Đại diện
Thương mại Hoa Kỳ công khai những đòi hỏi cơ bản của mình trong quá trình
thương lượng về TTP, để cho người lao động và người dân Việt Nam cũng như Hoa
Kỳ có thể xem xét các quyền lao động căn bản thực sự được cải thiện.
Chính quyền Obama cũng nên đưa ra một câu hỏi cơ bản cho chính mình: Liệu
Hoa Kỳ có nên tiếp tục việc đối tác bình thường với một nhà nước chuyên hình sự
hoá hành động kêu gọi dân chủ và chẳng có dấu hiệu nào hướng đến cải cách?
John Sifton là giám đốc hỗ trợ
khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền
No comments:
Post a Comment