Saturday, 6 July 2013

QUYỀN SỞ HỮU ĐẤT ĐAI : CỦA CHUNG NHƯNG TAO GIỮ, TAO QUYẾT ĐỊNH, TAO ĂN (D.T.Hương - Dân Luận)




D. T. Huong
Thứ Sáu, 05/07/2013

Quyền sở hữu: một quyền thiêng liêng
Chết rồi, vẫn mong được sở hữu, chứng tỏ đây là một quyền rất thiêng liêng. Những đồ tùy táng trong các ngôi mộ cổ cho thấy người tiền sử đã ước ao và coi trọng xiết bao cái quyền này. Chôn theo người chết là những vật dụng hàng ngày, những đồ ăn, thức đựng, vật che thân, đồ trang sức… để người quá cố đủ tiện nghi ở thế giới “bên kia”. Dẫu sao, những thứ này dùng mãi sẽ hao mòn hoặc sẽ hết. Hậu duệ cần tiếp tục cung cấp để tiền nhân an lạc. Có lẽ vì vậy nước ta có tục cúng giỗ và đốt vàng mã?
Sẽ tới lúc người ta hiểu ra và chôn theo người quá cố cả những công cụ sản xuất, ví dụ con dao, ngọn giáo, cái cung, bó tên, thậm chí cả nông cụ… để người quá cố có thể tự mưu toan cuộc sống.
Tài sản để mưu sinh quý hơn các tài sản khác. Đây là nhận thức mà con người trước sau sẽ có. Và có rất sớm: Ngay từ thời thượng cổ.

Bước nhận thức mới về quyền sở hữu
Gọi là mới, nhưng đã từ 4 hoặc 5 trăm năm nay

1) Quyền sở hữu là một quyền con người
Nó giúp ta một trong những tiêu chuẩn để phân biệt con người với con vật. Đó là công lao nghiên cứu của nhà triết học nhân quyền Jonn Locke (1632 - 1704). Để được xem là một con người, phải có 3 quyền cơ bản: Quyền sống, quyền tự do và quyền sở hữu. Không thế, không ra “con người”.
Hãy bàn riêng về quyền sở hữu.

2) Quyền sở hữu (đúng nghĩa) phải gồm 3 quyền hợp thành
Các nhà triết học thời Locke và sau ông đã phân tích để mọi người hiểu thấu đáo rằng, khi sở hữu một tài sản - ví dụ một ngôi nhà - phải gồm đủ 3 quyền: Chiếm hữu (hay nắm giữ); sử dụng và định đoạt (hay quyết định) đối với tài sản đó. Nói đơn giản, một người được thuê canh giữ một ngôi nhà chỉ có quyền nắm giữ nó (để bảo vệ nó), mà không có quyển sử dụng và càng không có quyền định đoạt nó (bán, tặng hoặc phá hủy nó). Nhưng khi ông ta thuê ngôi nhà đó để ở, ông có thêm quyền sử dụng, nhưng vẫn chưa có quyền định đoạt. Muốn sở hữu đúng nghĩa, ông ta phải tự làm nhà hoặc mua nhà. Khi đó, ông mới có đủ 3 quyền, nói lên sự sở hữu.

Ai cũng cần đất để ở
Lãnh thổ, đất đai Việt Nam là sở hữu của toàn dân Việt Nam vì dân tộc này từ bao đời đã kiến tạo nên, nắm giữ, bảo vệ và sử dụng mảnh đất này.
Sở hữu đất ở là nguyện vọng ngàn đời của mọi cá nhân và mọi dân tộc.
Ai cũng sống trên mặt đất và cần có một diện tích đất để sống. Dân vạn chài hoặc những dân tộc xa xưa sống trên cây (để tránh thú dữ) thì dưới chân họ vẫn là đất.
Quyền sở hữu cá nhân một mảnh đất để trú ngụ là quyền con người, không đợi ai ban phát.
Thời phong kiến, đất đai cả nước là của vua, do vua “thống nhất quản lý”. Vua có quyền ban phát đất đai, nhưng đó là thời chuyên chế, người dân dưới chế độ này chưa đáng gọi là “người”. Khi được vua ban phát đất thì tất nhiên chỉ có quyền sử dụng và trao đổi với nhau cái quyền này mà thôi. Không thể đưa văn tự mua đất ra để tránh bị vua thu hồi khi vua cần đất. Đã có quyền ban phát, tất nhiên vua có quyền lấy lại (thu hồi), kể cả quyền đàn áp để lấy lại (nay gọi là cưỡng chế)…

Nông dân càng cần đất để sinh tồn
Sở hữu đất đối với người nông dân, đang chiếm 2/3 số dân, càng là quyền thiêng liêng. Vì đó là sở hữu phương tiện sinh lợi duy nhất, để có thể sinh tồn. Quyền sở hữu đất quý gấp trăm lần sở hữu cái cày, con trâu và gấp ngàn lần sở hữu cái bát hoặc cái rổ. Nông cụ và trâu bò sẽ vô dụng nếu không có đất để chúng phát huy tác dụng. Do vậy, bị tước đoạt quyền sở hữu đất, người nông dân đau đớn như bị tước đoạt mạng sống.

Câu bất di bất dịch trong Luật Đất Đai
Đã sửa chục lần, nhưng dẫu có sửa trăm lần thì câu sau vẫn bất di bất dịch:
Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước thống nhất quản lý.
Nó tồn tại dai dẳng đến nỗi ai cũng thuộc.

Không khó lắm để vạch ra tim đen của các tác giả viết ra cái câu “chơi chữ” này.

- Đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Nghe khá êm tai, dễ bị lừa. Khốn nỗi, phải là “toàn dân” mới có quyền sở hữu đất đai. Chớ từng cá nhân, từng hộ gia đình, từng nhóm, từng xóm, từng làng, từng huyện hay từng tỉnh… vẫn chưa phải “toàn dân”. Vậy, làm sao dám đòi quyền sở hữu đất đai? Đó là về lý lẽ. Nhưng… thực tế, nếu tập hợp được 20 hay 40% nông dân đồng loạt đòi quyền sở hứu đất đai (một quyền làm người) thì các tác giả của cái câu “bất di bất dịch” trong Luật kia, sẽ mất đất chôn thây.

- Nhà nước quản lý đất cho dân. Dân là chủ; nhà nước “của dân, do dân, vì dân” chỉ là người quản lý. Họ được ông chủ thuê mượn để quản lý tài sản quý nhất - tài sản sinh lợi - của chủ. Thì ra, thoạt xem, đây vẫn là quan hệ Chủ - Tớ. Quả là mỵ dân có nghề.
Dù chỉ là người quản lý, nhưng nhà nước vẫn phải có một số quyền nào đó, để có thể làm quản lý.

Chẳng cần đợi ai giao quyền, nhà nước ta cứ tự nhận (và đã thực thi) 4 quyền mà Luật Đất Đai không cần úp mở, như sau đây:

1) Quyền ban phát đất. Trong Luật, người ta gọi là quyền “giao đất” cho đỡ chướng. Đầy tớ tuyên bố từ nay đất đai không thuộc sở hữu tư nhân nữa, mà là “toàn dân” - dù trước đó mảnh đất có nguồn gốc nào. Trong phút chốc, 90 triệu dân mất quyền sở hữu đất. Thay vào đó, người dân được giao một quyển “sổ đỏ” - chỉ nói lên quyền sử dụng; y hệt như tình cảnh người dân thời phong kiến. Tạm yên tâm, vì họ vẫn được cày cấy và thu hoạch trên mảnh đất cũ, vẫn được trao đổi, sang nhượng cho nhau theo giá thị trường. Không ai lường nổi tai họa, cho tới khi các vị đầy tờ thực thi quyền thứ hai của mình. Gần đây nhất, các trí thức chính thống còn tán tụng rằng “quyền sử dụng đất có giá trị như quyền tài sản”. Nghe bùi tai đấy chứ?

2) Quyền thu hồi. Nhận “sổ đỏ” tức là thừa nhận mình đã được ban phát đất, dù là khai hoang mà có, dù là mua được hoặc do tổ tiên để lại. Tức là thừa nhận có thể bị thu hồi. Ban phát thì giả, nhà nước chỉ cần in ra một tờ giấy (sổ đỏ) để phát; nhưng thu hồi thì rất thật, dù là thu hồi “có bồi thường”. Mảnh đất thân yêu sẽ ra đi vĩnh viễn để rơi vào tay những thế lực cố ý trở thành thù địch của dân.

3) Quyền định giá bồi thường. Luôn luôn rẻ mạt và áp đặt. Hai từ này ghép lại, chỉ có một nghĩa: Ăn cướp giữa thanh thiên bạch nhật.

4) Quyền cưỡng chế, nếu không chấp nhận giá bồi thường.
Với 4 quyền trên, đầy tớ có thực quyền làm chủ, đẩy ông chủ danh nghĩa xuống hàng nô bộc, rơi vào thân phận như tá điền thời phong kiến.

Ý muốn thông qua Luật Đất Đai trước khi thông qua hiến pháp là một mưu đồ, nhưng tạm thời bất thành. Tên nước ta vẫn có cụm từ XHCN, nói lên sự kiên định mục tiêu, trong đó đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý là phần quan trọng bậc nhất của mục tiêu.




No comments:

Post a Comment

View My Stats