Ngô Nhân
Dụng
Friday,
July 12, 2013 3:49:41 PM
Tuần trước, sau bài thuyết trình về Phong trào Nhà Ánh Sáng trong cuộc hội thảo kỷ niệm 80 năm Tự Lực Văn Ðoàn, nhiều thính giả ở lớp tuổi trên 60 thú nhận lâu nay đã đọc hầu hết các tiểu thuyết của Nhất Linh, Khái Hưng, đọc thơ Thế Lữ, xã luận của Hoàng Ðạo, mà chưa hề biết rằng các tác giả đó đã có thời cũng là những “thanh niên” hăng say đi làm “công tác xã hội;” không khác gì các sinh viên học sinh thời 1960, 70.
Thế Lữ còn đặt lời các bài hát cho thanh thiếu niên đồng ca, ông đi trước những thế hệ Hoàng Quý hoặc Nguyễn Ðức Quang, Tiến Lộc sau này.
Thiếu sót đó thật đáng tiếc! Vì các nhà nghiên cứu thường chỉ chú trọng đến vai trò của Tự Lực Văn Ðoàn trong lịch sử văn chương nước ta, ít người tìm hiểu về hoạt động và chủ trương của họ trong phạm vi xã hội. Mà chính các nhà văn này đã tích cực dấn thân thật sự vào việc phục vụ xã hội, bằng các công tác cụ thể, hữu ích. Nhắc lại công trình đóng góp của họ, chúng ta có thể thấy những tấm gương tốt, khích lệ các thế hệ thanh niên sau này.
Phải nói, qua việc thành lập Hội Ánh Sáng, Tự Lực Văn Ðoàn và Tuần báo Ngày Nay đã gây nên một phong trào văn hóa xã hội ở nước ta vào cuối thập niên 1930. Chương trình thành lập hội được công bố trên báo Ngày Nay số 38, ngày Chủ Nhật, 13 Tháng Mười Hai năm 1936. Tờ báo kêu gọi lập một hội bài trừ những nhà hang tối, còn gọi là Hội Ánh Sáng. Họ đưa ra ba châm ngôn Xã hội-Nhân đạo-Cải cách. Tầm ảnh hưởng của các hoạt động đó lan rộng trong xã hội, ảnh hưởng đến tâm lý rất nhiều người Việt Nam, nhất là giới trung lưu, trí thức, thanh niên ở đô thị trong thời gian từ năm 1937 cho tới năm 1940.
Nhìn vào danh sách những người góp công cổ động thành lập hội và tham gia vào hội từ lúc đầu chúng ta thấy chương trình này được giới trí thức đương thời ủng hộ, tạo nên một phong trào có chiều rộng và chiều sâu. Một ủy ban chuẩn bị thành lập hội do ông Phạm Văn Bính làm “thư ký tạm thời” từ Tháng Năm, 1937 đã có mặt 14 người, nhiều nhân vật nổi tiếng thuộc các lớp trung lưu, trí thức thời đó. Chẳng hạn, có các bác sĩ Phạm Hữu Chương, Ngô Trực Tuân, kỹ sư Trần Văn Tiết, các kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện, Hoàng Như Tiếp, Luật sư Trần Văn Chương, thân phụ bà Ngô Ðình Nhu sau này; các thương gia như ông Phạm Tá, các nhà văn Phan Trần Trúc, Phạm Lê Bổng và nhiều người đại diện các tờ báo khác như Tam Lang Vũ Ðình Chí (Việt Báo), Lê Văn Thu (Ðông Pháp), Dương Mậu Ngọc (Trung Bắc). Nhiều đồng nghiệp và giới trí thức hỗ trợ một chương trình của tuần báo Ngày Nay từ lúc phát khởi, cho thấy văn hóa Việt Nam thời đó vẫn còn thuần hậu, mọi người đối xử với nhau trong tinh thần tương kính; khác hẳn tình trạng phân hóa, nghi kỵ và thù hằn, đến mức nhỏ nhen, ti tiện, trùm lên xã hội sau khi con người phải sống trong chế độ công an toàn trị nhiều năm.
Trong danh sách những người tham gia và hỗ trợ hội Nhà Ánh Sáng, chúng ta cũng thấy nhiều khuynh hướng chính trị khác nhau. Có ông bà Hoàng Xuân Hãn, sau này ông làm bộ trưởng giáo dục trong chính phủ Trần Trọng Kim; có Vũ Ðình Huỳnh và Trần Huy Liệu, Vũ Ðình Hòe, sau làm việc với Hồ Chí Minh. Ông Phạm Văn Bính sau này trở thành một bí thư và làm bộ trưởng trong chính phủ Bảo Ðại. Danh sách các ủy viên trong các “ủy ban hành động” của hội còn những nhân vật nổi tiếng như Luật sư Hoàng Cơ Thụy, Nha sĩ Hoàng Cơ Bình (năm 1954 đứng đầu Ủy ban Bảo vệ Bắc Việt, chống lại việc chia đôi nước Việt Nam), Luật sư Bùi Tường Chiểu, Bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ, một nhà chính trị hoạt động trong các đảng phái quốc gia, huynh trưởng hướng đạo Trần Duy Hưng (sau làm thị trưởng Hà Nội thời Việt Minh), Dược sĩ Thẩm Hoàng Tín (thị trưởng Hà Nội thời Bảo Ðại), Kiến trúc sư Vũ Ðức Diên, sau này cộng tác với chính phủ Ngô Ðình Diệm.
Theo báo cáo của mật thám Pháp thì vào năm 1938, Hội Ánh Sáng có ba ngàn người tham dự ở Bắc Kỳ. Buổi ra mắt công chúng đầu tiên của Hội Ánh Sáng tại Nhà Hát Lớn Hà Nội, vào 9 giờ tối Thứ Hai, 16 Tháng Tám năm 1937, có tới bốn ngàn người tới dự, mà trong rạp hát chỉ có chỗ cho hai ngàn người, những người khác phải đứng ngoài nghe các bài diễn thuyết qua máy phóng thanh, nhưng họ đứng nghe tới gần nửa đêm mới giải tán. Các buổi “ra mắt” ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Ðịnh đều đông như vậy, mặc dù không có “văn nghệ giúp vui” trừ một số “Sói Con” trong Hướng Ðạo ra hát những bài ngắn, phần lớn do Thế Lữ soạn lời dựa trên các bài hát phổ thông của Pháp và các điệu nhạc cổ, như điệu Mãi Tạp Hóa, Ngũ Ðiểm Mai.
Các tiểu thuyết luận đề của Tự Lực Văn Ðoàn đã đưa ra chủ trương nâng cao địa vị phụ nữ trong gia đình và xã hội. Hội Ánh Sáng thể hiện chủ trương đó trên một bình diện rộng hơn. Trong buổi ra mắt Hội Ánh Sáng ở Hải Phòng kể trên, bà Nguyễn Thị Phú đã đọc một bài diễn văn nói về hoạt động xã hội ‘đưa đường chị em đến sự giải phóng.” Bà cổ động: “Các bạn nên ra ngoài xã hội, cùng các bạn trai gánh vác lấy công việc chung... Các chị em nghèo kém hiện nay đương chìm đắm trong tối tăm, sẽ được các bạn săn sóc thân yêu đến và gia đình các bạn nghèo đó, trong các thôn trại Ánh Sáng, sau đây sẽ là gia đình thứ hai của các bạn.” Bà Vũ Ngọc Phan viết bài thơ khuyên mọi người gia nhập Hội Ánh Sáng, “Chốn thôn ổ bấy lâu tăm tối - Nghĩ dân quê lắm nỗi lầm than;” với kết luận, “Vậy hỡi ai là bạn đồng tâm - Rủ nhau vào hội cho đông...”
Dù giấy phép hoạt động bị giới hạn ở miền Bắc, dư luận cả nước ủng hộ chương trình Nhà Ánh Sáng. Báo Tràng An ở Huế, báo Ðiện Tín ở Sài Gòn hoan nghênh Hội Ánh Sáng và kêu gọi giới trí thức Nam Kỳ hãy hoạt động như họ. Trên các trang báo Ngày Nay, chúng ta đọc thấy những tin tức về các người đóng góp cho Hội Ánh Sáng. Một độc giả ký “Vô Danh” từ Quy Nhơn gửi hai đồng về giúp quỹ hội. Các học sinh ở Huế và Quy Nhơn góp nhau được vài ba đồng cũng gửi về giúp. Có cả những công nhân người Việt ở Pnom Penh cũng chung tiền đóng góp, dù chỉ có 5 đồng. Hội tổ chức một cuộc đấu quyền lấy tiền làm việc nghĩa, Võ sĩ Mai Thanh Ngọ mang đến tặng hội 5 đồng “để mua gạo phát chẩn cho dân bị lụt.” Con số 5 đồng đó cũng lớn bằng số tiền ông Thống sứ Châtel (Bắc Kỳ) tặng cho hội! Chủ hiệu may Tân Mỹ ở Phố Bờ Hồ xin trích 5% số tiền bán hàng lẻ trong hai tháng để “biếu anh em bị lụt và Hội Ánh Sáng.” Trong số báo 83 (ngày 3 tháng 10, 1937) tờ báo loan tin nhận được 25 đồng của một vị ẩn danh, do “Sư cụ chùa Quán Sứ” đem tới. Nhà hảo tâm này đến chùa nhờ cúng giỗ “làm chay” cho cha mẹ, sư cụ khuyên đem tiền giúp một công cuộc từ thiện, và họ đã chọn Hội Ánh Sáng. Tuần sau, sư cụ lại đưa thêm 50 đồng nữa, cũng do một tín chủ ẩn danh tặng hội, bỏ việc “làm chay” để góp quỹ từ thiện. Một hội thể thao, Tổng Cuộc Vận Ðộng Bắc Kỳ đã tổ chức một ngày thao diễn với các môn bóng rổ, bóng tròn, một nửa số tiền thu được đem cho Ban Từ Thiện Hội Ánh Sáng mua gạo giúp đồng bào bị nạn lụt.
Phong trào Nhà Ánh Sáng không phải chỉ nhắm vào mục đích xây cất nhà rẻ tiền, như viết trong điều lệ của họ, mà còn nuôi những tham vọng lớn hơn. Trong bài diễn thuyết của Nhất Linh ở Hải Phòng, ngày 13 Tháng Giêng năm 1938, ông đã nói đến viễn tượng xây dựng những “thôn Ánh Sáng” để cải thiện toàn thể xã hội nông thôn Việt Nam. Nhất Linh đã đánh thức lương tâm của giới trí thức thành thị khi kêu gọi họ coi việc phục vụ dân nghèo là một trách nhiệm, một bổn phận. Ông nói, “Ta không nên nói việc sắp làm là một việc thi ân cho các bạn nghèo.
Chúng ta phải tự cho rằng hững hờ với họ là một sự không công bằng, là một tội lỗi nữa. Và ngay từ bây giờ đây, ta phải cố sức để chuộc cái lỗi đó với các bạn nghèo kém trong xã hội.” Trong bài nói chuyện trên Nhất Linh vẽ ra triển vọng một thời kỳ “Thay đổi toàn diện xã hội cũ” theo “cảnh đời mẫu trong các thôn trại Ánh Sáng.” Ðến cuối năm 1938, hội đã xây dựng được ba khu nhà ở bãi Phúc Xá, Hà Nội cho các gia đình nghèo thuê với giá rẻ (dưới 2 đồng một tháng); và đang đấu thầu làm khu (lot) thứ tư. Hội cũng lập dự án xây dựng một thôn Ánh Sáng ở Voi Phục, ngoại ô Hà Nội.
Hội Ánh Sáng chỉ là một biểu hiện trong biến chuyển của xã hội Việt Nam vào thập niên 1930, sau các biến cố trong thập niên trước như đám tang Phan Châu Trinh, các cuộc biểu tình khi Phan Bội Châu ra tòa, và cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Ðảng. Dân ở các thành phố bắt đầu thành lập hội đoàn tư nhân. Phong trào Hướng đạo ra đời trong thập niên 1930, lần đầu tiên một đoàn thể thu hút giới trẻ mà trong đó họ có thể “tuyên thệ” một cách công khai là phải “Trung thành với Tổ quốc.” Cũng trong thời gian này, các hội Tăng Già (Shangha) của các tu sĩ Phật giáo cũng như các hội Phật học của giới cư sĩ đã lần lượt ra đời. Tại Nam Kỳ, có các đảng chính trị xuất hiện, hoạt động trong khuôn khổ luật lệ Pháp.
Trong các thập niên 1960, 70 sau này, ở miền Nam có những thanh niên tham dự các phong trào xã hội như Học Ðường Phục Vụ Xã hội, Thanh Niên Chí Nguyện, hoặc Trường Thanh Niên Phụng sự Xã hội của Giáo hội Phật Giáo Thống Nhất, Phong Trào Xây Ðời Mới ở Quận Tám Sài Gòn, vân vân. Các đoàn thể tự nguyện, vô vị lợi trên cũng vẫn theo đuổi công việc phục vụ đồng bào trong các khu lao động và nông thôn; họ cũng nhắm tác động đồng bào theo lối sống mới, giống như chủ trương của Phong trào Nhà Ánh Sáng. Các hội đoàn tư nhân tự nguyện này đã mở rộng các hoạt động, vượt ra ngoài các hoạt động “bác ái” hay “bố thí” của những cơ sở từ thiện Công giáo hay Phật giáo. Họ muốn tác động trên thái độ, ý thức và hành vi của những người yếu kém về kinh tế và bị bỏ quên trong xã hội. Các đoàn thể này cũng chỉ nối tiếp tinh thần dấn thân phục vụ mà các nhà văn trong Tự Lực Văn Ðoàn đưa ra trong thế hệ trước. Các hiệp hội tôn giáo, từ thiện, các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, các đoàn hướng đạo, do người dân tự động thành lập, tự nguyện tham gia, trong những năm từ 1964 đến 1975 ở miền Nam cho thấy nền tảng tinh thần cho một xã hội công dân của dân Việt vẫn có sẵn, đã được một nhóm nhà văn gieo mầm ngay từ thập niên 1930. Vì vậy khi nói đến Tự Lực Văn Ðoàn thì chúng ta không thể chỉ chú ý tới sự nghiệp văn chương mà bỏ qua không nhắc tới các nỗ lực đóng góp của họ vào việc phục vụ đồng thời thay đổi nếp sống cả xã hội. Họ là những người đi tiên phong gieo rắc những hạt giống cho xã hội công dân và tinh thần dân chủ trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
--------------------------------
VIDEO :
No comments:
Post a Comment