Thứ ba, ngày 23 tháng bảy năm 2013
“Thay cũ đổi mới” vốn là lẽ thường xưa nay, thế gian
này sự vật nào cũng tuân theo quy luật đó cả. Khi cái cũ đã hết vai trò lịch sử
thì sẽ phải nhường chỗ cho cái mới hữu dụng hơn. Vì rằng, con người của thời
đại nào thì sử dụng những phương tiện sinh hoạt của thời đại đó. Quy luật của
cuộc sống là không ngừng tiến lên phía trước. Cái cũ dù là hữu ích cũng chỉ có
vị trí xứng đáng nơi Viện bảo tàng, chỉ có cái mới tiến bộ là hiện hữu cùng
thời gian hiện tại.
Mấy hôm trước tôi có vào một cửa hàng băng đĩa để
hỏi mua mấy đĩa nhạc CD. Người chủ hàng ngồi buồn thiu đến độ ruồi bâu không
muốn đuổi. Thấy tôi, anh hé mắt nhìn vào kệ đĩa CD rồi nói:
- Anh cứ vào mà chọn. Cũng chỉ còn những đĩa cũ, lâu
nay tôi không lấy thêm vì không bán được, bây giờ không ai dùng đĩa CD nữa.
Thời buổi này người ta sử dụng internet cả rồi.
Tôi xem kệ đĩa CD một lúc rồi cũng quay ra, vì quả
thực không có đĩa hát nào mới, có lẽ người ta cũng không sản xuất nữa. Anh chủ
quán nhìn tôi đồng cảm, rồi buông một câu não nùng:
- Có lẽ cũng sắp dẹp tiệm đến nơi rồi, sắp tới tôi
cũng phải xoay sang bán hàng khác để kiếm sống thôi...
Tôi cười cảm thông với anh, và cám cho cái cảnh mạt
vận của những phương tiện thông tin đã từng một thời thao túng thị trường âm
nhạc. Tuy có buồn, nhưng lại thấy vui vui trong lòng. Vui là vì xã hội đã tiến
lên, thời đại đã đổi mới. Có công nghệ mới thì cuộc sống con người mới có những
bước phát triển vượt bậc. Cái mới thay thế cái cũ lạc hậu, xưa nay vốn vẫn là
quy luật mà.
Từ chuyện băng đĩa mà lại ngẫm về thế sự nước nhà.
Ấy là việc nhà cầm quyền vẫn không chịu từ bỏ cái mô hình nhà nước lạc hậu để
mà cải cách chính trị. Vì rằng theo tôi, cái mô hình nhà nước độc tài chỉ tồn
tại nhờ vào sự tuyên truyền lừa bịp và đàn áp dân chúng nay đã hết thời. Kiểu
nhà nước đó bây giờ đã lạc hậu với thời đại đến 4 – 5 thập kỷ. Vậy mà họ vẫn
quyết tâm “bảo vệ vững chắc chế độ xã hội chủ nghĩa”, mà không chịu nhìn ra thế
giới để mà học hỏi và thay đổi.
Không nói đâu xa, Myanmar là một đất nước ở cùng khu
vực Đông Nam Á với Việt Nam ta, họ đã có những thay đổi và cải cách chính trị
ngoạn mục để mà tiến tới dân chủ. Vì vậy mà từ chỗ độc tài, bây giờ họ đã là
một đất nước dân chủ tiến bộ. Cải cách chính trị là để có một mô hình nhà nước
hiện đại, hiệu quả hơn trong mục tiêu phục vụ con người, vì sự nghiệp làm chủ
của người dân.
Ngẫm cho cùng, thì mô hình nhà nước (thể chế chính
trị) cũng giống như những sản phẩm khác mà ta sử dụng hàng ngày, chỉ khác nhau
ở tầm mức và quy mô mà thôi. Ví như cái điện thoại cầm tay được nối bằng dây,
bây giờ được thay bằng điện thoại không dây và di dộng. Và rồi điện thoại di
động cũng không ngừng cải tiến hình thức và tính năng để trở nên một sản phẩm
thông minh hữu dụng hơn. Cái xe máy hay ô tô cũng vậy, nó cũng không ngừng được
cải tiến và thay đổi theo hướng phục vụ con người. Mà mô hình chính trị nó bao
trùm mọi lĩnh vực đời sống, nếu chính trị lạc hậu thì thử hỏi làm sao mà các lĩnh
vực khác tiến bộ được?
Ngày nay, với sự phát triển vượt bậc của khoa học
công nghệ và internet, thì con người đã thực sự trở thành công dân toàn cầu.
Mọi ranh giới về không gian và thời gian đã không còn mấy ý nghĩa nữa. Vì thế
cho nên, những quốc gia có thể chế chính trị lạc hậu sẽ phải gánh chịu sự thiệt
hại nặng nề về mọi mặt. Mà thực thể nạn nhân là những con người sống trong đất
nước đó. Vậy nên, cải cách chính trị là một nhu cầu sống còn để quốc gia có thể
cạnh tranh và phát triển.
Thay cũ đổi mới, vốn là quy luật phát triển xưa nay.
Mong rằng Chính phủ hiện thời hãy vì lợi ích dân tộc mà tuân theo quy luật đó,
chớ vì lợi ích riêng tư của bè đảng mà đi ngược lại xu thế toàn cầu.
“Sen tàn Cúc lại nở hoa
Đông qua Hè tới nay đà sang Xuân”
Thời tiết luân chuyển theo mùa, cũng như sự phát
triển đi lên của vạn vật, đó vốn là những quy luật của thời gian vậy.
No comments:
Post a Comment