Tuesday, 9 July 2013

NHẬT BẢN CÔNG KHAI LÊN ÁN HÀNH VI NGUY HIỂM CỦA TRUNG QUỐC (RFI / BBC)




Trọng Nghĩa   -   RFI
Thứ ba 09 Tháng Bẩy 2013

Ngày 09/07/2013, Tokyo một lần nữa lên tiếng tố cáo các hành vi bị coi là « nguy hiểm » của Bắc Kinh ngoài Biển Hoa Đông. Trong quyển Sách trắng quốc phòng thường niên, chính quyền Nhật Bản ghi nhận rằng « Trung Quốc đã có những hành động uy hiếp đã dẫn đến những hành vi nguy hiểm », có nguy cơ tạo nên sự cố tại vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư dưới quyền kiểm soát của Tokyo nhưng bị Bắc Kinh đòi chủ quyền.

Tài liệu dày 450 trang đặc biệt nêu lên các hoạt động của Trung Quốc như « xâm nhập lãnh hải Nhật Bản, vi phạm không phận Nhật Bản và cả những hành động nguy hiểm có thể gây ra sự cố với hậu quả khôn lường. »

Tokyo đã đề cập đến trường hợp xảy ra vào cuối tháng Giêng, khi một chiến hạm Trung Quốc đã « khóa » radar điều khiển đường bắn trên một chiến hạm Nhật Bản ngoài khơi quần đảo Senkaku. Hành động chốt radar được cho là bước chuẩn bị cho hành động tấn công thực thụ.

Sách trắng Nhật Bản nói rõ : « Các hành vi đó (của Trung Quốc) rất đáng tiếc, Trung Quốc phải chấp nhận và tuân thủ các chuẩn mực quốc tế ».

Bắc Kinh luôn luôn phủ nhận cáo buộc trên đây của Tokyo, và tố cáo ngược lại rằng Nhật Bản đã phóng đại « cái gọi là mối đe dọa Trung Quốc » để « bôi nhọ hình ảnh của Trung Quốc » trong dư luận quốc tế.

Đây là lần đầu tiên Nhật Bản công bố Sách trắng về quốc phòng kể từ tháng 9/2012, khi chính quyền Nhật Bản đã quốc hữu hóa ba trong số năm hòn đảo thuộc nhóm đảo Senkaku bằng cách mua lại từ chủ sở hữu tư nhân. Hành động của chính quyền Tokyo khi ấy đã làm dấy lên các cuộc biểu tình chống Nhật, đôi khi rất dữ dội, tại nhiều thành phố của Trung Quốc.

Đây cũng là quyển sách trắng quốc phòng đầu tiên được công bố từ khi ông Shinzo Abe, một nhân vật nổi tiếng là dân tộc chủ nghĩa lên làm Thủ tướng vào tháng 12/2012.

Chỉ ít lâu sau khi nhậm chức, ông Abe đã nói rõ là ông sẽ không ngần ngại sử dụng vũ lực nếu Trung Quốc đổ bộ lên quần đảo Senkaku, cách bờ biển phía đông Đài Loan 200 km, và cách đảo Okinawa của Nhật Bản 400 km về phía tây. Ngoài vị trí chiến lược, đáy biển trong khu vực quần đảo này được cho có tài nguyên dầu khí dồi dào.

Phải nói là nguy cơ xung đột đã lộ rõ tại khu vực Senkaku/Điếu Ngư, với việc Bắc Kinh liên tục cho tàu lượn ra, lượn vào bên trong khu vực 12 hải lý quanh các đảo, khiêu khích lực lượng Tuần duyên Nhật Bản được trang bị hiện đại luôn tuần tra trong khu vực.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản hiện đang tăng cường các biện pháp đẩy mạnh phối hợp giữa quân đội Nhật với lực lượng cảnh sát biển trong công tác tuần tra các vùng biển của Nhật Bản, sử dụng đến cả phi cơ và các loại phương tiện khác.

Cho đến tháng 3/2013, chiến đấu cơ Nhật Bản đã thực hiện 300 phi vụ đã sẵn sàng đối phó với các máy bay Trung Quốc áp sát không phận Nhật Bản.

Sách trắng quốc phòng được Tokyo loan báo hôm nay còn nhấn mạnh đến nhu cầu siết chặt liên minh quân sự với Washington để đối phó với các động thái ngày càng quyết đoán của Bắc Kinh.

Ngoài Hoa Kỳ, chính quyền Abe còn đẩy mạnh tiến trình xích lại gần Đông Nam Á, trợ giúp phương tiện cho các nước nào cần, để hạn chế đà bành trướng của Trung Quốc. Thủ tướng Abe đã hai lần công du các nước Đông Nam Á. Trong tháng này, có thể sẽ thực hiện chuyến đi thăm thứ ba, đặc biệt là ghé Philippines, nước đi đầu trong việc phản đối các hành vi lấn lướt của Trung Quốc.


BBC
Cập nhật: 10:52 GMT - thứ ba, 9 tháng 7, 2013

Nhật Bản công bố Sách Trắng Quốc phòng 2013, nhấn mạnh vào “hành vi nguy hiểm” của Trung Quốc trên biển trong lúc có ý kiến đề nghị tăng cường hợp tác với ASEAN.
Thái độ chỉ trích của chính phủ Nhật Bản trong nhiệm kỳ hai của Thủ tướng Shinzo Abe với Trung Quốc lần đầu được nêu rõ trong phúc trình gồm 450 trang, đồng thời chia sẻ quan ngại quốc tế về Bắc Triều Tiên.
Không chỉ phê phán Bắc Kinh xâm phạm lãnh hải và vùng trời Nhật Bản, Sách Trắng cũng chỉ trích Bắc Kinh đã giải thích không đúng sự thật sau vụ một tàu chiến Trung Quốc khóa radar ngắm vào tàu khu trục của Nhật Bản đầu năm nay.
Được thủ tướng Abe và các bộ trưởng thông qua hôm 9/7/2013, văn bản xác định tiêu chí an ninh, quốc phòng cho Nhật và hoạch định lại chính sách quân sự của Nhật và cũng nói thẳng về vụ khóa radar tháng 1/2013 cùng các vụ xâm phạm của Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera nói tại cuộc họp báo ở Tokyo cùng ngày:
“Đây là các hành động hết sức đáng tiếc và Trung Quốc cần chấp nhận và làm đúng với thông lệ quốc tế.”
Tính đến tháng 3 năm nay, Nhật Bản đã phải cử phi cơ chiến đấu lên không trung hơn 300 lần để ngăn máy bay Trung Quốc bay gần không phận Nhật, theo Sách Trắng.
Dù có Hiến pháp hoà bình, không cho lập quân đội như một quốc gia bình thường kể từ khi bại trận sau Thế Chiến 2, Nhật Bản vẫn có Lực lượng Phòng vệ gồm 140 nghìn quân, 140 tàu chiến, 410 phi cơ chiến đấu.
Ngân sách quốc phòng Nhật cũng tăng thêm 0,8% tính từ đầu năm đến tháng 3, lần đầu tiên trong 11 năm.
Nhật Bản qua Sách Trắng cũng tái khẳng định Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, là lãnh thổ của Nhật và có tầm quan trọng cho cả nước này và Đài Loan.

Nhìn về phía Nam

Hiện đã là đồng minh quân sự của Hoa Kỳ, Nhật Bản được một số giới trong nước này khuyến khích phát triển quan hệ quân sự với ASEAN.
Giáo sư Takehiko Yamamoto, chuyên về quan hệ quốc tế tại Đại học Waseda ở Tokyo được AFP trích lời nói:
“Nhật Bản có thể cần hợp tác với ASEAN để cùng nhau đưa Trung Quốc vào cuộc đối thoại,”
Tuy nhiên, theo ông, “điều này cũng cần thời gian”.
Trong các nước ASEAN, Việt Nam và Philippines đang đối mặt với sức ép mạnh từ Trung Quốc về biển đảo.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh gần đây đã nói Nhật Bản “thổi lên cái gọi là mối đe dọa từ Trung Quốc” và bác bỏ các cáo buộc của Nhật Bản về những vụ xâm phạm là ”hoàn toàn không có cơ sở”.

Nhà phân tích Trần Bình Nam từ Hoa Kỳ, trong một bài đăng trên BBC Tiếng Việt gần đây cho rằng “thế cài răng lược hiện nay tại Á châu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ con đường tốt nhất và an toàn nhất của Nhật Bản là tái vũ trang”.
Ông cũng so sánh vị thế của Nhật Bản với Việt Nam:
“Trong cuộc tranh chấp ngấm ngầm hiện nay tại Á châu Thái Bình Dương, Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn trong sự chọn lựa chính sách.”
“Sự đe dọa của Trung Quốc đối với sự vẹn toàn của đất, biển và nền độc lập của nước nhà lồ lộ trước mắt, nhưng tiến thoái lưỡng nan vì Việt Nam cũng không thể tin vào chính sách lâu dài của Hoa Kỳ, nhất là khi Hoa Kỳ không còn sức mạnh như trước.”
“Và trước sự khó khăn này, một Nhật Bản mạnh có chính sách độc lập làm trái độn có thể là một chỗ dựa tốt cho Việt Nam.”
Ông Trần Bình Nam nêu quan điểm rằng “Nhìn về mặt nào, sự tái võ trang của Nhật Bản để Nhật Bản có thể đóng một vai trò trên vũ trường Thái Bình Dương và thế giới là một sự suy nghĩ tích cực và hợp thực tế”.
Tuy thế, một Nhật Bản tái vũ trang sẽ không làm Trung Quốc hài lòng vì quá khứ lịch sử tàn khốc quân đội Nhật Hoàng gây ra khi chiếm Trung Quốc hồi Thế Chiến 2.
Không chỉ Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay lên tiếng phê phán Sách Trắng Quốc phòng của Nhật mà Hàn Quốc cũng chỉ trích tài liệu này vì tranh chấp đảo Dokko giữa hai nước.
Thủ tướng cánh hữu Shinzo Abe của Nhật Bản sau khi lên nhậm chức đã có chuyến thăm đến Việt Nam.
Tokyo cũng hỗ trợ cho Hà Nội và cả Manila một số tàu nhẹ để tuần tra biển và Sách Trắng Quốc phòng Nhật nói chung về các hoạt động mang tính "cưỡng bức" của Trung Quốc trên biển.
Tuy thế, chưa có dấu hiệu gì rằng Nhật Bản xây dựng một liên minh quân sự với Việt Nam.
Mặt khác quan hệ giữa hai đảng cộng sản ở Bắc Kinh và Hà Nội cũng được tăng cường mạnh mẽ những tháng qua, trong chiến lược đa phương quan hệ của Việt Nam với nhiều nước lớn.



No comments:

Post a Comment

View My Stats