Monday, 22 July 2013

NHÂN QUYỀN CHO VIỆT NAM : TT MỸ SẼ PHẢI LẮNG TIẾNG ? (Phạm Chí Dũng - RFA)




Phạm Chí Dũng gửi RFA từ VN
2013-07-22

Liệu nước Mỹ có kỳ vọng vào một cá nhân lãnh đạo nào đó của Việt Nam – người có hy vọng trở thành Thein Sein thứ hai để cứu vãn dân chủ, hòa hợp hòa giải các thế lực và cả các thế hệ, nhưng trên tất cả là vực dậy một nền kinh tế lụn bại đang sa chân vào vực thẳm khủng hoảng?

“A delicate line”

“Một đường đi mỏng manh” (a delicate line) có thể là biểu tượng mô phỏng cho kết quả của chuyến viếng thăm Nhà Trắng của nhân vật số 2 của chính đảng cầm quyền ở Việt Nam, sẽ diễn ra vào ngày 25/7/2013 và mở đầu cho một chu trình mới sau khi vòng tròn sáu năm trước tạm khép lại.

Và đó cũng là một phép thử cho những gì còn lại về lợi ích chiến lược chung đụng giữa Hoa Kỳ và đối tác cựu thù đang cần đến tinh thần chú Sam.

Đã từ lâu, giới chuyên gia sừng sỏ của Hoa Kỳ luôn nói đến các mục tiêu chiến lược, kinh tế và giá trị - một hệ tư tưởng mà giới ngoại giao địa chính trị của Mỹ đã tuân thủ không ít lần ở không ít quốc gia trên thế, chẳng hạn như Arap Saudi.

Xét theo logic có tính biện chứng lịch sử ấy, nếu triển vọng về chiến lược đồn trú tại khu vực biển Đông nói riêng và Thái bình dương nhìn rộng hơn của Mỹ có thể đạt được thông qua một “chiến lược toàn diện” nào đó với Nhà nước Việt Nam, thì lại khá chua chát cho phong trào dân chủ còn phôi thai và những người bất đồng chính kiến lẻ loi ở quốc nội, bởi chủ đề nhân quyền ở một quốc gia ngàn năm văn hiến có thể không còn quá quan trọng trong nhận diện về quyền lợi chiến lược của người Mỹ - như nhận xét của những chuyên gia phản biện không mấy lạc quan vào sự cải thiện của xu thế.

An ninh khu vực biển Đông lại đang hóa thân như một chủ đề then chốt cho cuộc gặp Obama – Sang, hay ngọn nguồn hơn là Sang – Obama vào ngày 25/7/2013. Bởi bất kể quan điểm “đi dây” ra sao giữa Bắc Kinh và Washington của chủ tịch nước, Việt Nam vẫn đang lọt thỏm trong mối nguy hiểm rất cận kề từ lịch sử “ngàn năm Bắc thuộc”.

Trong khi đó, “kẻ thù số 1” lại không còn quá nguy cơ. Về mặt lý thuyết, cảng Cam Ranh ở Việt Nam vẫn có thể hóa thân thành Subic ở Philippines nếu chính sách “bảo vệ người Mỹ ngoài biên giới Mỹ” còn có tác dụng quân sự cũng như tiết giảm nhiều khoản chi phí không cần thiết cho Lầu năm góc.

Thậm chí, người Mỹ còn đang hứa hẹn cho Việt Nam gia nhập TPP trước cả Myanmar, dù rằng Thein Sein được đánh giá là người đi trước Hà Nội nhiều năm về công cuộc chuyển hóa dân chủ êm thấm và kỳ diệu hơn là tránh được một cơn can qua đổ máu vô ích.

Có lẽ chính vì thế mà đại sứ Hoa Kỳ David Shear đã có một lời khẳng định là nếu Việt Nam không có tiến bộ về mặt dân chủ, nhân quyền thì sẽ rất khó để có được sự ủng hộ chính trị ở Quốc hội Mỹ để thông qua hiệp ước TPP.

Vì đất nước Hoa Kỳ có ưu thế để đưa ra những vấn đề này” - David Shear “tống đạt” một kết luận, được giới bình luận nhận định có giá trị như một lời cam kết.

Dĩ nhiên, lời cam kết này không thể làm cho Hà Nội hài lòng.

Tôi nói điều này với các viên chức cao cấp của Việt Nam. Tôi nói với Chủ tịch Sang, tôi nói với Thủ tướng Dũng, tôi nói với Tổng bí thư Trọng, tôi nói với Bộ trưởng ngoại giao Minh. Tôi và các nhân viên ngoại giao đoàn nói điều này với tất cả các viên chức Việt Nam nào mà chúng tôi có cơ hội gặp” - David Shear trần thuật trước báo chí vào tháng 5/2013.

Ông cũng không quên nêu ra những điều Hoa Kỳ đã đòi hỏi ở Việt Nam: thả tù chính trị, tăng cường tự do ngôn luận, tự do hội họp, tăng cường tự do tôn giáo và công nhận thêm nhiều tổ chức tôn giáo, thông qua Công ước chống Tra tấn của Liên Hiệp Quốc.

Còn thái độ của Hà Nội như thế nào – cho hiện tại và cho cả sáu năm qua, tính từ thời điểm một chủ tịch nước bước qua cửa Nhà trắng bằng con đường ngoại giao?

Một tuần sau cuộc đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ tại Hà thành, đại sứ Liên hiệp châu Âu ở Việt Nam là Franz Jessen kể lại câu chuyện hấp dẫn về một hiện tượng “tâm lý học”: các quan chức Việt Nam hoàn toàn ý thức được các vấn đề mà họ đang đối mặt và đang gây lo ngại cho các đối tác.

Trước đó vào giữa tháng 2/2013, Franz Jessen đã có những cuộc gặp riêng với một số quan chức đầu ngành Việt Nam là tướng Tô Lâm - thứ trưởng công an, và Thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Thanh  Sơn. “Tôi khá ngạc nhiên khi tới đây và thấy sự thông hiểu vấn đề ở các bộ, bao gồm cả Bộ công an. Họ hiểu rõ nhưng vẫn chưa biết phải làm gì với những người, chủ yếu là ở trong nước, bày tỏ những ý kiến mà họ không muốn thấy” – ông kể lại.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh  Sơn còn nói với ông Franz Jessen là “Chúng tôi hiểu nhưng hãy cho chúng tôi thời gian”.

Nhưng đến giữa năm 2013, điều được gọi là ‘thời gian”đã chứng thực giá trị nhân từ của nó: chính quyền bắt một hơi 3 blogger và còn hứa hẹn sẽ “nhập kho” nhiều nhân vật bất đồng chính kiến khác.

Thế là dư luận trong nước lại càng có cớ để truyền tin cho nhau về một thực trạng khác biệt về chính kiến và quan điểm xử lý vấn đề nội chính và cả câu chuyện đối ngoại giữa một số nhà lãnh đạo nào đó.

Tình hình phát triển đến mức mà ngay cả một nhà ngoại giao như David Shear cũng phải tường tỏ. Trong một buổi gặp mặt cộng đồng người Việt ở Little Saigon, Nam California, viên chức này giải thích: Ý kiến của giới lãnh đạo Việt Nam về Hoa Kỳ rất là phức tạp. Có những người từng tham chiến trong chiến tranh, và họ chưa hoàn toàn thân thiện với Hoa Kỳ. Có những người giáo điều ý thức hệ và lo ngại về những biến đổi về xã hội và chính trị nếu bang giao quá mật thiết với Hoa Kỳ”.

Viên đại sứ này cũng mô phỏng một khái niệm mới mẻ “A delicate line”: “Vâng, họ đang đi một đường rất mong manh, mà phía chúng ta cũng vậy”.

Đã khá rõ ai, hoặc những ai, là kẻ “ném đá dò đường” trong bóng đêm tĩnh mịch.

“Thein Sein thứ hai”?

Chỉ có điều, đã chưa từng xuất hiện thuật ngữ “A delicate line” trong mối bang giao Hoa Kỳ và Trung Quốc từ đầu năm 2013 đến nay, và đặc biệt sau cuộc gặp Obama và Tập Cận Bình tại Nhà trắng vào đầu tháng 6 năm nay. Cũng không có điểm nhấn nào về nhân quyền mà phía Mỹ đặc tả về bầu không khí như bị bóp nghẹt tại Tân Cương, Tây Tạng và phần còn lại của Trung Hoa.

Còn với Việt Nam thì sao? Liệu ứng xử của người Mỹ với Hà Nội về vấn đề nhân quyền có mềm dẻo như được thể hiện với Bắc Kinh?

Hay ngược lại – cứng rắn?

Có lẽ đây là một ẩn số trong phương trình Bắc Kinh – Washington mà Hà Nội rất muốn giải mã. Tuy thế, dường như não trạng một số lãnh đạo vẫn chưa thật cảm thông với quy luật những ẩn số chính trị vào thời chiến tranh lạnh lại hầu như được quyết định bởi phương trình kinh tế.

Vào năm 2012, kim ngạch thương mại của Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - đã lần đầu tiên vượt Mỹ, trở thành nước có tổng kim ngạch thương mại lớn nhất thế giới.

Các số liệu công bố của cả giới chức Trung Quốc và Mỹ cho thấy trong năm 2012, tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc đạt 3.866,76 tỷ USD, trong khi kim ngạch trao đổi buôn bán của Mỹ thấp hơn một chút - 3.862,86 tỷ USD.

Nếu năm 2009, Trung Quốc đã trở thành quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới, thì vào năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc đạt đến 2.048,93 tỷ USD so với mức 1.563,58 tỷ USD của Mỹ.

Trong khi đó, kim ngạch buôn bán hai chiều giữa Mỹ và Việt Nam, dù đã được “nâng lên một tầm cao mới” sau hơn một thập kỷ, vẫn chỉ vỏn vẹn 24 tỷ USD, chiếm có 2,4% tổng kim ngạch thương mại giữa Hoa Kỳ và khối EU trong năm 2012.

Không có gì để đối sánh với quan hệ Trung – Mỹ, điều hoàn toàn có thể chắc chắn là tương quan chính trị Việt – Mỹ sẽ không tránh khỏi nhiều điều kiện ràng buộc từ ông chủ Nhà trắng.

Nền kinh tế Việt Nam lại đang ở vào thế gần như suy kiệt về cái được định nghĩa là “nội lực”.
Từ năm 1975 đến nay, chưa bao giờ kinh tế Việt Nam lại rơi vào tình trạng bấp bênh nguy hiểm như giờ đây, với quá nhiều hệ lụy từ hệ thống ngân hàng và các thị trường đầu cơ như bất động sản, vàng, chứng khoán, cùng khối nợ xấu khổng lồ có thể lên đến trên 500.000 tỷ đồng và nợ công quốc gia và nợ nước ngoài có thể lên đến 95 - 106% GDP nếu tính theo tiêu chuẩn của Liên hiệp quốc, trong đó có đến vài chục tập đoàn kinh tế quốc doanh đang quá khó có khả năng thu hồi vốn từ đầu tư trái ngành những năm trước và quá khó có khả năng trả nợ cho Nhà nước từ tình trạng  chúa chổm hiện nay.

Tất cả đều như dẫn đến độc đạo khủng hoảng kinh tế và cả khủng hoảng xã hội trong không bao lâu nữa.

Nhưng với mối tương quan kinh tế quá dị biệt giữa hai quốc gia vốn là cựu thù, giới phân tích quốc tế lại càng ngạc nhiên về tâm thế lắng tiếng hoàn toàn không bình thường của chính quyền Obama, ít ra trong nửa đầu năm 2013 và vào nhiệm kỳ cuối cùng của một tổng thống – được quy định bởi hiến pháp Hoa Kỳ?

Phải chăng đó là một tâm thế bị động của giới chính trị Mỹ trước những chính khách cựu thù đang cực kỳ chủ động tìm kiếm mối quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện”?
Còn nếu đó chỉ là một thái độ lắng tiếng giả tạo, liệu người Mỹ đang suy ngẫm gì về một “chiến lược mới” đối với Việt Nam?

Khác với cuộc gặp Bush – Triết vào năm 2007, giới lãnh đạo đương thời ở Việt Nam đang được xem là “phức tạp” – như ẩn ý của đại sứ Hoa Kỳ David Shear, hoặc ở vào thế “đa cực” mà không còn “nhất trí cao” trong cách nhìn của giới phân tích chính trị phương Tây.

Cách nhìn đó lại như mô tả một ốc đảo, trên đó mỗi người lại nhìn về một góc trời đối ngẫu.
Có lẽ đã xa hẳn rồi cái thời đồng thuận đồng nghĩa với tinh thần minh triết.

Trong những tháng tới đây, cùng với những chuyển động về TPP, không khí tiềm ẩn sắc tố quân sự trên biển Đông, và cả những dấu hiệu khác như hoạt động “lobby” của Việt Nam cho một ghế nhân quyền tại Liên hiệp quốc, người Mỹ sẽ chờ đợi và trông đợi gì đối với giới lãnh đạo Việt Nam?

Từng thấm trải kinh nghiệm và bài học từ một Myanmar quân phiệt và chuyên chế, liệu nước Mỹ - với tầm nhìn và cả với “giác quan thứ sáu” của họ - có kỳ vọng vào một nhân tố mới hay cụ thể hơn vào một cá nhân lãnh đạo nào đó của Việt Nam – người có hy vọng trở thành Thein Sein thứ hai để cứu vãn dân chủ, hòa hợp hòa giải các thế lực và cả các thế hệ, nhưng trên tất cả là vực dậy một nền kinh tế lụn bại đang sa chân vào vực thẳm khủng hoảng?

Không ít lần trong lịch sử, khủng hoảng vẫn có thể được xử lý bằng chính khủng hoảng. Nếu quả thực có được “giác quan thứ sáu”, người Mỹ sẽ làm gì để linh cảm chuyển hóa thành hiện thực?


3 comments:

  1. Tại sao lúc nào Mỹ cũng muốn can thiệp vào Việt Nam như vậy. Nhân quyền ở Việt Nam không có vấn đề gì, mọi thứ vẫn được Nhà nước đảm bảo, vẫn được thực hiện một cách đầy đủ. Một đất nước mà ở đó nhân quyền vẫn chưa được đảm bảo như đất nước Mỹ thì càng không có lý do gì lại lấy cách của Mỹ để áp dụng vào Việt Nam chúng ta.

    ReplyDelete
  2. Mỹ và các tổ chức phi chính phủ đang có cái nhìn quá không khách quan về các vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, và Mỹ đang lợi dụng vấn đề này để can thiệp vào Việt Nam. Thực chất thì nhân quyền ở Việt Nam vẫn được đảm bảo và thậm chí được đảm bảo hơn ở Mỹ. Vì thế không có gì hải thay đổi.

    ReplyDelete
  3. Vấn đề nhân quyền ở Việt Nam chúng ta, các tổ chức phi chính phủ đang có cái nhìn phiến diện, chủ yêu họ dựa vào những thông tin trên BBC, RFA... mà độ lá cải của các trang báo này thì mọi người cũng đã biết. Ở Việt Nam nhân quyền luôn được đảm vảo, nhân dân được Nhà nước tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phát triển.

    ReplyDelete

View My Stats