Friday, 19 July 2013

NGƯỜI Ả RẬP NỔI LOẠN VÌ MUỐN CÓ CHỦ NGHĨA TƯ BẢN (Hernando de Soto | The Spectator)




Hernando de Soto | The Spectator

Hoàng Yến Hằng dịch
July 17, 2013 

Các cuộc biểu tình ở Trung Đông không phát sinh từ chủ nghĩa Hồi giáo mà từ các doanh nghiệp đang phẫn nộ.

Hai năm trước người phương Tây tưởng rằng họ hiểu được những gì đang diễn biến trong thế giới Ả Rập: người dân ở đó muốn có dân chủ và đang tạo ra các cuộc cách mạng để đạt được nó. Tuy nhiên, những sự kiện diễn ra gần đây tại Ai Cập đã làm nhiều người phải ngỡ ngàng. Tại sao các tướng lĩnh ở đó lại được mọi người chào đón trở lại? Vì sao cũng chính là những đám đông từng tụ tập tại quảng trưởng Tahir để phản đối chế độ cũ giờ đây lại hoan hô khi thấy vị tổng thống được bầu bị hạ bệ? Phải chăng Mùa Xuân Ả Rập cuối cùng là một điều gì đó khác?

Tôi tin là như thế. Mùa xuân Ả Rập là cuộc biểu tình đồng loạt về kinh tế: một nhu cầu rằng người nghèo phải có những quyền cơ bản như mua, bán và kiếm sống ở mọi nơi. Tôi có gan nói như vậy, vì sau cái chết của Mohammed Bouazizi, kẻ bán trái cây người Tuynidi đã tự thiêu và làm châm ngòi Mùa xuân Ả Rập, nhóm của tôi đã bỏ công nghiên cứu 20 tháng ở khu vực đó để tìm hiểu thêm: Tại sao một người lại phải tự vẫn chỉ vì bị mất giỏ trái cây và cái cân cũ kĩ? Chúng tôi nhận ra rằng báo chí đã lỡ mất vụ này: Anh ta không phải là người duy nhất. Không ít hơn 63 người gồm cả đàn ông lẫn đàn bà, hết từ nước này sang nước khác, đã bắt chước kiểu biểu tình của Bouazizi trong vòng 2 tháng sau khi anh ta chết.

Chúng tôi đã phỏng vấn gia đình những người đó và bắt đầu lắp ghép các câu chuyện của họ lại để tạo thành một câu chuyện có thật về Mùa Xuân Ả Rập. Bức tranh giờ đây đã hoàn chỉnh và chứa đựng trong đó sự thật. Sự thật này dẫn đến những hệ lụy sâu xa cho chính quyền của ông David Cameron (Chính phủ Anh – ND). Qua các cuộc nghiên cứu chúng rằng cuộc cách mạng ở khu vực này mới chỉ bắt đầu và có khả năng chuyển hóa thế giới Ả Rập. Nhưng chỉ khi phương Tây hiểu được những gì đang thực sự diễn ra và chịu dang tay giúp đỡ.

Giống như trường hợp của các vị anh hùng dân tộc khác, Mohammed Bouazizi cũng được gán cho đủ các danh hiệu. Một số người cho rằng anh ta là biểu tượng chống lại sự bất công, những người khác thì cho rằng anh ta là tấm gương đấu tranh chống lại cường quyền. Năm ngoái, các nhà hoạt động của phong trào chiếm phố Wall còn liệt anh ta vào danh sách liên minh tinh thần. Đến Bouazizi thật nếu còn sống cũng khó có thể nhận ra mình trong bất cứ vai trò nào trên đây.

Khi chính quyền địa phương lấy mất giỏ trái cây và cái cân, điều đó có nghĩa là cướp mất kế sinh nhai của anh ta. Ngay lúc đó, anh ta đã biết được rằng từ giờ trở đi mình sẽ không bao giờ có quyền được bán hàng hợp pháp nữa. Anh ta cũng không có cách nào khác để nộp số tiền hối lộ mà anh ta thường xuyên phải trả để có quyền buôn bán. Điều này có thể làm cho anh ta mất khả năng vay tiền để mua chiếc xe tải mà anh ta hằng mơ ước. Chính phủ có đủ quyền lực để nghiền nát một người như Bouazizi và anh ta đoán là họ sẽ làm như thế với mình. Anh ta đã phản đối và hành động này đã được 21 người khác ở Tuynidi, 29 người ở Algeria, 5 người ở Ai Cập, 4 người ở Marocco, 2 người ở Syria, 1 người ở Ả Rập Xê Út, và một người ở Yemen bắt chước theo.

Tất cả bọn họ cũng giống như Bouazizi đều là những doanh nghiệp ngoài vòng pháp luật, phải đấu tranh cho quyền được tồn tại, quyền được sở hữu và cải thiện cuộc sống của họ, quyền tích lũy tư bản, và không bị tùy tiện chiếm đoạt. Công việc của họ thuộc các ngành nghề đa dạng khác nhau như nhà hàng, máy tính, bất động sản, bác sĩ mắt, hay lái xe taxi. Quyết định tự tử của họ tại nơi công cộng thường xảy ra sau khi bị chính quyền tịch thu hàng hóa hoặc giấy tờ. Theo lời một người Tuynidi sống sót đã nói với chúng tôi: “Tôi không có vấn đề gì về việc cạnh tranh nhưng tước quyền sở hữu là một hành vi đê tiện. Những kẻ nắm quyền không chịu thừa nhận những gì thuộc về chúng tôi, mà điều này thì không thể chịu đựng nổi“.

Trường hợp này không chỉ xảy ra ở phần lớn thế giới Ả Rập mà hầu hết ở các nước trong thế giới thứ ba. Thuật ngữ “chợ đen“ theo cách hiểu của của phương Tây là kiểu kinh doanh luồn lách ngoài luồng. Nhưng trong thế giới Ả Rập thì luật pháp lại chỉ tồn tại ngoài luồng. Các nhà kinh tế chỉ nhìn vào các thống kê chính thức và hình dung rằng, Ai Cập, lấy ví dụ, bị nạn thất nghiệp cao. Tuy nhiên, nếu bị thất nghiệp ở Ai Cập, người ta có thể bị chết trong vòng 3 đến 4 tháng vì không có đủ thức ăn, trong khi hầu hết người Ả Rập đều đang làm việc theo cách mà chính phủ ở nước họ và người phương Tây không nhìn thấy.


Bên ngoài thủ đô Cairo, người nghèo nhất trong số những người nghèo sống ở một khu vực có nhiều mộ cổ gọi là ’thành phố của người chết’. Nhưng hầu như toàn bộ Cairo là thành phố của người chết – gọi một cách khác: thành phố chết. Tài sản không được sử dụng tối đa và cũng không được thế chấp làm vốn vay hoặc đổi thành các tài sản khác. Giống như hạt giống không bao giờ được gieo trồng. Những người này vẫn đang làm việc, nhưng không theo cách mà chính phủ các nước phương Tây nhận ra được. Nếu cho cơ hội, họ sẽ tự thúc đẩy bản thân và đất nước thoát khỏi cảnh nghèo đói. Nhưng họ đã bị tước bỏ cơ hội, bởi vì nhà nước pháp quyền giống như một câu lạc bộ ấm cúng chỉ dành cho giới tinh hoa.

Về tỷ lệ thì như thế nào? Riêng ở Ai Cập, các ngành nghề ngoài vòng pháp luật chiếm 84% số doanh nghiệp và 92% đất ruộng. Theo nghiên cứu của tổ chức tôi, Viện Nghiên cứu Tự Do và Dân chủ có trụ sở tại Pê ru, ước tính có khoảng 380 triệu người Ả Rập có thu nhập từ nền kinh tế “mờ ám“ này.

Nếu mùa xuân Ả Rập được ví như là một cuộc cách mạng, thì nên so với cuộc cách mạng ở Anh năm 1668. Sau cuộc Cách Mạng Vinh Quang, giới hoàng gia phải chấp nhận bị giới hạn bởi nhà nước pháp quyền. Người Anh từ đó có quyền sở hữu tài sản mà thậm chí vua chúa cũng không được xâm phạm. Họ được phép cho vay mượn bằng tài sản, bất kể nhiều hay ít. Kết quả cuối cùng là cuộc cách mạng công nghiệp nổ ra. Quá trình này gây ra cuộc chuyển hóa không ngờ về nền kinh tế của phương Tây, nhưng vẫn còn chưa xảy ra trong thế giới thứ ba. Và như thế hàng tỷ người vẫn bị nạn nghèo đói đe dọa.

Đây không phải là ý đồ độc quyền của phương Tây. Người Mỹ, người châu Âu hay người Nhật coi quá trình tạo ra của cải là đương nhiên đến mức họ quên mất rằng tài sản bao gồm những gì còn hơn cả bất động sản và quyền sở hữu. Vấn đề ở đây là bản sắc, hợp đồng, quy tắc, bảo lãnh tín dụng và các thông tin được xác nhận, cho phép doanh nhân sử dụng con người, đồ vật và tiền vốn vào những liên kết có giá trị hơn. Những công cụ cần thiết để thoát khỏi sự nghèo đói vẫn nằm ngoài tầm với của hầu hết các doanh nghiệp Ả Rập.  Lấy ví dụ, tại Ai Cập để sở hữu hợp pháp một doanh nghiệp nhỏ như một hiệu bánh mì, cần phải giải quyết với 29 cơ quan chính phủ khác nhau và phải lách qua 215 khoản luật. Tại các nước thuộc khối Ả Rập, quyền giao dịch của các doanh nghiệp nghèo lại bắt nguồn từ thiện chí của chính quyền địa phương thay vì luật pháp. Khi Bouazizi và những người khác đánh mất thiện chí đó thì quyền buôn bán, sở hữu, và quyền tiếp cận những công cụ hợp pháp khác cũng tan biến. Các nhà cầm quyền đó không chỉ tước đoạt tài sản mà còn cả tương lai của họ nữa. Đó là lý do tại sao họ lại tự thiêu sống như thế.

Anh quốc trước giờ vẫn rất hảo tâm giúp đỡ cộng đồng quốc tế. Nhưng nếu chính quyền của ông Cameron có thể tạo chuyển hóa bằng cách chỉ ra những trở ngại mà người nghèo ở các nước Ả Rập đang phải đối mặt thì mới gọi là thay đổi đáng kể. Ông Cameron vẫn luôn là người lên tiếng ủng hộ quyền sở hữu tài sản và nhà nước pháp quyền là những yếu tố quan trọng đối với phát triển kinh tế. Còn thời điểm nào tuyệt vời hơn để chuyển thông điệp đó đến với thế giới Ả Rập? Không nên để cho các chính phủ Ả Rập mới coi sự xóa đói giảm nghèo như là một hành động từ thiện. Ngược lại, cải cách luật pháp đang là vấn đề quan trọng hàng đầu trong chương trình nghị sự của các chính phủ mới về tăng trưởng kinh tế.

Triết gia người Anh, ông Gilbert Ryle, đã tạo ra thuật ngữ “sai lầm phạm trù“. Ông ta cho rằng nếu không xác định đúng phạm trù thì sẽ không thể phân tích đúng tình hình. Nếu phương Tây nhìn Ai Cập và Mùa Xuân Ả Rập theo phạm trù “sự nổi dậy của chủ nghĩa Hồi giáo“, thì họ không chỉ hiểu lầm niềm hy vọng của hàng triệu người, mà còn bỏ lỡ một cơ hội đáng kể. Theo ước tính của chúng tôi, những doanh nhân mong muốn một hệ thống pháp luật bao gồm quyền sở hữu tài sản, giống như những người ở phương Tây, nhiều hơn hẳn số thành viên Al-Qaeda ở các nước này với tỷ lệ là 100.000 trên một.

Anh quốc đứng ở một vị trí lý tưởng để nhìn thấy mối liên hệ giữa Cuộc cách mạng Vinh Quang năm 1688, với những gì mà nó đã đạt được nhằm bảo đảm rằng có nhiều người được hưởng lợi ích của cuộc cách mạng công nghiệp, và những gì đang xảy ra ở thời điểm này tại Ai Cập. Nếu nước này có thể thực hiện như vậy, sự nhầm lẫn về những gì làm nền cho Mùa Xuân Ả Rập sẽ bị xóa bỏ. Đây không chỉ là một hiện tượng của khu vực Ả Rập. Cần có một người phương Tây giỏi hùng biện ủng hộ, và chỉ ra những tiềm năng kinh tế trong việc phát triển nhà nước pháp quyền, tài sản và doanh nghiệp cho đa số, thay vì thiểu số. Phương Tây đã mất hàng thập kỉ mắc “sai lầm phạm trù“ trong cách nhìn nhận sự nghèo đói và ổn định ở các nước thứ ba. Vấn đề này cần một tiếng nói mới, thông qua một cách tiếp cận mới. Không có lý do nào để nói rằng đó không phải là tiếng nói của ông David Cameron.

* Hernando de Soto, là chủ tịch Viện Nghiên cứu Tự do và Dân chủ, tác giả cuốn Bí Mật của Tư Bản (The Mystery of Capital).

 Bài viết này xuất hiện trước tiên trong ấn bản in của tạp chí Spectator, ngày 13 Tháng Bảy 2013.

Nguồn: Hernando de Soto, “Arabs are rebelling because they want capitalism. Why can’t the West see it?“, The Spectator, ngày 13 Tháng Bảy 2013.

Bản Tiếng Việt © 2013 The Pacific Chronicle



No comments:

Post a Comment

View My Stats