Thursday, 18 July 2013

MYANMAR SẼ THẢ HẾT TÙ NHÂN CHÍNH TRỊ, CÒN VIỆT NAM ? (Song Chi)




Thu, 07/18/2013 - 10:32 — songchi

Ngày 15 tháng Bảy, trong cuộc viếng thăm chính thức nước Anh, Tổng thống Myanmar Thein Sein đã cam kết sẽ trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị vào cuối năm nay.

Từ khi lên cầm quyền vào tháng Ba năm 2011, ông Thein Sein đã ra lệnh thả hàng trăm tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị. Như nhiều nhà bình luận chính trị trên thế giới cũng đã nhận xét, con đường cải cách mà vị cựu tướng quân đội này thực hiện trong hơn 2 năm qua nhằm chuyển đổi đất nước từ một chế độ quân sự và độc đoán sang nền dân chủ, đang chứng tỏ là một con đường đúng hướng, đáng học hỏi cho nhiều quốc gia còn đang loay hoay, bế tắc, chưa tìm được lối thoát khỏi một chế độ độc tài.

Trước hết, đối với chính những nhà lãnh đạo và cựu lãnh đạo của Myanmar, họ vừa tránh được sự lật đổ, trả thù của nhân dân nếu bị dồn đến đường cùng, họ vừa bảo toàn được sinh mạng, của cải, lại được nhân dân biết ơn vì đã đặt quyền lợi đất nước, dân tộc lên trên quyền lợi của bản thân, của chế độ.

Đối với đất nước, sự chuyển đổi êm ả này vừa tránh được bạo loạn, đổ máu một cách vô ích, vừa tạo cơ hội cho các tổ chức, đảng phái đối lập khác nhau tham gia vào chính trị và tích lũy kinh nghiệm, còn nhân dân cũng có thời gian để chọn lựa ra những khuôn mặt xứng đáng tiếp tục lãnh đạo đất nước.

Khác với nhiều quốc gia, sau khi chế độ độc tài bị sụp đổ bất ngờ, thường để lại một khoảng trống rỗng về nhân sự, dẫn đến rối loạn kéo dài, hoặc hậu quả chỉ là sự thay thế từ một chế độ độc tài này sang một chế độ độc tài/ngụy dân chủ khác. Như có thể nhìn thấy ở một số quốc gia Ả rập hiện nay.
Câu hỏi vì sao Myanmar, cụ thể là Tổng thống Thein Sein đã chọn được con đường cải cách đúng đắn, cũng đã từng được nhiều người đặt ra và phân tích, lý giải. Ngoài nguyên nhân mà ai cũng thấy, ông Thein Sein đã biết đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, biết nhìn ra sự bế tắc cũng như hậu quả của mô hình độc tài khiến Myanmar bị thế giới cô lập suốt nhiều năm dài và phải phụ thuộc vào mối quan hệ lợi ít hại nhiều với Trung Cộng. Bên cạnh đó, là nguyên nhân thuộc về con người và nền văn hóa của Myanmar mà bản thân ông Thein Sein hay bà Aung Sann Suu Kyi là những ví dụ.

Myanmar là một chế độ độc tài nhưng không bị hủy hoại đến tận gốc rễ về mọi mặt bởi chủ nghĩa Mác Lênin (Marxism–Leninism) như Liên Xô, TQ hay VN. Quốc gia này vẫn còn giữ được những nền tảng văn hóa thấm đẫm tinh thần khoan dung của triết học Phật giáo. Tổng thống Thein Sein hay nhà dân chủ Aung Sann Suu Kyi cũng vậy. Họ biết lắng nghe nguyện vọng của nhân dân, đối thoại và lắng nghe lẫn nhau, biết chia sẻ quyền lực, biết tìm cách thỏa hiệp với những nhóm sắc tộc khác nhau-vốn là điều không hề dễ dàng bởi xung đột giữa chính quyền với hơn chục nhóm sắc tộc đã bùng phát từ hàng chục năm nay, với những sự chia rẽ, hận thù sâu sắc về chủng tộc, tôn giáo. Nhưng ông Thein Sien đã cố gắng và thế giới có thể nhìn thấy những thành quả ban đầu từ những hành động cụ thể của ông.

Trong khi đó, ở VN, kể từ khi đảng cộng sản lên nắm quyền ở miền Bắc vào tháng Chín năm 1945 và trên toàn quốc vào tháng Tư năm 1975 cho đến nay, số lượng người bị bức hại cách này cách khác vì lý do quan điểm chính trị không sao kể xiết, danh sách tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị theo nhau “nhập kho” dài dằng dặc nhưng con số được thả ra trước thời hạn có thể đếm trên đầu ngón tay.

Trước đây, khi internet chưa ra đời, khi VN còn là một xã hội bị bưng bít, đóng cửa với thế giới, có rất nhiều người bị bắt vào tù, bị giam hàng chục năm thậm chí chết trong tù mà không ai hay. Sau này, tình hình có khác nhưng chúng ta cũng không biết hết các trường hợp tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị, đặc biệt nếu họ bị giam từ nhiều năm trước.

Nhưng cũng có những số phận mà thông tin lọt ra ngoài.

Như người tù Nguyễn Văn Trại bị kết án 15 năm với tội danh “đi ra nước ngoài chống chính quyền” đã qua đời vào tháng Bảy năm 2011, 74 tuổi, vì ung thư tại trại giam Xuân Lộc, Đồng Nai khi chỉ còn 5 tháng nữa là mãn án. Điều đáng nói là bản thân ông Trại và gia đình đã có nguyện vọng “xin về nhà chờ chết” nhưng trại giam vẫn không chấp nhận, sau khi chết xác cũng không được đưa về nhà.

Ông Trương Văn Sương, nguyên trung úy địa phương quân chế độ VNCH, chết trong tù vào tháng Chín năm 2011 sau gần một tháng bị buộc quay trở lại trại tù. Trước đó vì bị bệnh tim nặng, ông được cho về nhà một năm để chữa bệnh. Tổng cộng cho đến lúc qua đời, ông đã bị tù hơn ba thập niên.

Có những người vẫn đang thụ án hàng chục năm như Bùi Đăng Thủy, cựu phi công VNCH, bị kết án 18 năm từ năm 1999 vì “trốn ra nước ngoài chống lại nhân dân”, Bùi Tấn Nhã, Phật giáo Hòa Hảo, bị kết án chung thân từ năm 1997 về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều luật 79, Đỗ Hường (Đoàn Hùng), cựu đại úy quân đội VNCH, bị kết án chung thân từ năm 1993 cũng theo điều luật 79 v.v…

Hay người tù thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu, nguyên đại úy quân đội VNCH, bị tù cho đến nay đã 37 năm, bệnh tật đầy người, gia đình và nhiều tổ chức quốc tế đã từng lên tiếng kêu gọi trả tự do cho ông trước khi ông có thể chết trong tù nhưng nhà cầm quyền vẫn làm ngơ. Thử hỏi một người già hai mắt đã gần như lòa, sức khỏe suy kiệt như vậy thì có hại gì cho chế độ mà còn phải giam giữ?

Chỉ có thể giải thích do nhà nước này lòng dạ sắt đá, luôn nuôi giữ thù hận đối với tất cả những ai đối kháng lại với chế độ.

Theo thời gian, ngày càng có thêm tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị và “chân dung” của họ cũng ngày càng đa dạng. Họ có thể là tín đồ Thiên Chúa giáo, Tin lành, Phật giáo Hòa Hảo, Cao đài…bị đàn áp về tôn giáo, người dân tộc thiểu số bị đàn áp về sắc tộc, là các blogger, nhà báo, kỹ sư, luật sư, bác sĩ…viết blog, viết báo phản đối Trung Cộng xâm lược, đòi tự do ngôn luận, bất đồng chính kiến hay các nhà hoạt động dân chủ…Những bàn án dành cho họ thường rất nặng nề.

Hiện tại, có đến hàng trăm tù nhân chính trị như vậy còn đang bị giam giữ trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt.

Như linh mục Nguyễn Văn Lý, bị bắt vào tù nhiều lần, đang tiếp tục thi hành bản án 8 năm về tội “tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa VN” sau phiên tòa xét xử năm 2007, hiện đã ngoài 60, sức khỏe suy yếu, bệnh tật, từng bị tai biến mạch máu mấy lần, nhà cầm quyền buộc phải cho về địa phương chữa trị một thời gian.

Kỹ sư, doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức bị kết án 16 năm về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” từ năm 2010, gia đình lên thăm cho biết có những giai đoạn anh bị biệt giam nhiều ngày.

Đỗ Thị Minh Hạnh, người đang phải thi hành bản án 7 năm về tội danh "phá rối an ninh trật tự nhằm chống lại chính quyền nhân dân" theo điều 89 Bộ luật Hình sự, từng gửi thư ra ngoài cho biết cô bị quản giáo sử dụng tù hình sự đánh đập nhiều lần.

Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ cũng đang chịu án 7 năm về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” mới đây đã phải tuyệt thực suốt 25 ngày để phản đối cách đối xử của cán bộ trại giam.

Và hiện tại, thông tin từ trong tù lọt ra cho biết, blogger Điếu Cày tức nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải cũng đang tuyệt thực hơn 25 ngày tại trại giam Nghệ An để phản đối điều kiện giam giữ khắc nghiệt. Trước đây blogger Điều Cày đã từng tuyệt thực 28 ngày suýt chết.

Cùng với vụ tù nhân hình sự tại phân trại 1, trại giam Z30A Xuân Lộc, Đồng Nai bạo loạn nổi dậy để phản đối việc đối đãi trong tù không được tốt, đánh đập, cắt xén khẩu phần ăn của tù nhân, cũng như không đáp ứng những yêu cầu chính đáng của anh em tù nhân, đã phần nào hé lộ điều kiện giam giữ và cách đối xử tàn ác phi nhân của các cán bộ trong các trại giam của nhà tù cộng sản VN.

Trong những năm qua, nhà nước cộng sản VN đã nhanh chóng bỏ qua quá khứ, bắt tay với những cựu thù như Trung Cộng hay Mỹ. Đặc biệt, với Trung Cộng là kẻ thù truyền kiếp của dân tộc, đã chiếm đoạt Hoàng Sa Trường Sa, hàng trăm kilo mét vuông đất đai dọc biên giới phía Bắc, hàng ngàn dặm lãnh hải của VN, nhưng Hà Nội đã bình thường hóa quan hệ vào năm 1991, 12 năm sau cuộc chiến biên giới 1979 và chỉ 3 năm sau Hải chiến Trường Sa trong đó TQ chiếm đảo Gạc Ma từ VN.

Nhanh hơn so với việc chính thức nối lại quan hệ với Mỹ vào năm 1995, 22 năm sau khi Hoa Kỳ ngừng tham chiến ở Việt Nam.

Và nếu so với những người Việt cùng một dòng máu thì càng chậm chạp, khó khăn hơn gấp bội. Đối với những người VN, dù là “cựu thù” thuộc chế độ VNCH hay những người bất đồng chính kiến, những nhà hoạt động dân chủ…nhà nước này thù dai hơn rất nhiều.

Nhìn lại cách ứng xử của người Mỹ trong cuộc nội chiến Bắc Nam xa xưa, các dân tộc Đông Âu sau khi lật đổ chế độ cộng sản hay mới đây nhất, như đã đề cập, là ví dụ về Tổng thống Myanmar Thein Sein và nhà hoạt động dân chủ Aung Sann Suu Kyi, người ta thấy họ văn minh, bao dung hơn nhà cầm quyền VN từ trước đến nay nhiều.

Chính nhà nước cộng sản, với lòng thù hận sắt đá, những suy nghĩ hẹp hòi, thiếu một tầm nhìn xa trông rộng…đã khiến đất nước này, dân tộc này đã và đang phải gánh chịu bao nỗi điêu linh, thiệt thòi, những sự chia rẽ trầm trọng chưa thể hàn gắn. Nhưng quan trọng hơn, đối với chính nhà cầm quyền, là một tương lai đen tối không chỉ dành cho cả dân tộc mà cho chính họ, bởi hận thù thường được trả bằng thù hận, nợ máu thường trả bằng máu.

Riêng đối với những nhân viên, cán bộ trại giam các nhà tù lớn nhỏ, nhất là những nơi có giam tù nhân chính trị, hãy nhìn một ví dụ từ Roumania. Nhà nước Roumania vừa tuyên bố sẽ điều tra và đưa ra xét xử các quản giáo nhà tù giam giữ tù chính trị vì những tội ác mà họ đã gây ra trước đây. Dù đã hơn 20 năm sau khi chế độ cộng sản bị sụp đổ tại Roumania, nhưng cuối cùng những kẻ độc ác này cũng sẽ không thoát khỏi bị trừng phạt bởi công lý.

Hãy nhìn vào đó và biết sợ cho tương lai của mình.

Ngay cả các lãnh đạo và cựu lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản VN. Khi mà trong vô vàn tội ác họ đã gây ra cho đất nước này, dân tộc này suốt hơn tám thập niên qua, có một cái tội nặng nhất, khó tha thứ nhất là tội bán nước.

Nhà Phật dạy quay đầu là bờ. Buông dao thành Phật. Tự mình cải cách, đối với các lãnh đạo VN, không chỉ cứu đất nước mà còn là cứu chính mình, gia đình, con cháu mình.





No comments:

Post a Comment

View My Stats