27-7-2013
Tôi không quen anh Điếu Cày,
chưa từng gặp anh. Khi anh bị bắt và bị kết án tù năm 2008, tôi vẫn là một
người hầu như không quan tâm đến chính trị, có thể gọi là vô cảm cũng được.
Tôi cũng là một phóng viên
(không phải là “nhà báo” theo luật pháp Việt Nam hiện hành, vì không có thẻ).
Trong nghề, tôi thường tìm cách tránh viết các bài chân dung, vì tôi rất ngại
phải đánh giá về một cá nhân, qua một bài báo cũng vậy mà qua vài dòng comment
trên Facebook lại càng không! Khi buộc phải viết, tôi thường bị ám ảnh vì câu
hỏi: “Làm cách nào chúng ta có thể viết chính xác về cả một con người? Làm sao
chúng ta có thể tự tin đến thế?”.
Bài trong link dưới đây của tôi
(tháng 12/2012) là lần đầu tiên tôi viết chân dung một cách tự nguyện, không
phải là nhiệm vụ. Và đó lại là bài viết bằng tiếng Anh về một người mà tôi chưa
từng đọc được về anh trên báo chí-truyền thông các lề: blogger Điếu Cày. Lại là
một người mà tôi không quen và chưa từng gặp.
Tôi muốn nói với những độc giả
của bài này, rằng hãy thứ lỗi cho tôi, khi bài chân dung đầu tiên tôi tự nguyện
viết lại là một bài rất không khách quan, tức là đã vi phạm một trong những
nguyên tắc căn bản của báo chí. Thật là khó để viết về một người đang sống mà
ta lại không thể gặp mặt, và tất cả những gì ta biết được chỉ là thông qua bạn
bè, người quen của ông/bà ta. Nếu muốn khách quan và có được cái nhìn nhiều
chiều khi nói về Điếu Cày, tôi sẽ phải gặp cả kẻ thù của anh, những người căm
ghét anh, đối đầu với anh. Nhưng… làm sao tôi gặp họ được?
Chưa kể, bài có thể có thông
tin không chính xác, vì trong điều kiện của mình, tôi không kiểm chứng nổi.
Trong cái nền chung của báo chí Việt Nam, của văn hoá và chính trị Việt Nam –
vốn dĩ không ưu tiên công việc lưu trữ hồ sơ, ghi chép – tất cả dữ kiện đều có
thể bị nhoà đi, sai lệch đi qua một tấm màn là trí nhớ của người kể.
Tôi đã không khách quan. Nhưng
thật sự, tôi cũng không định cố gắng tỏ ra khách quan khi viết, bởi vì, trong
mắt tôi, Điếu Cày là hiện thân mãnh liệt của một thứ quyền rất quý giá, quyền
mà người dân Việt Nam chưa từng hưởng và thực chất là họ rất thèm có nó nhưng
lại ít ai ý thức được sự khao khát đó: QUYỀN ĐƯỢC BIẾT.
Saturday, July 27, 2013
No comments:
Post a Comment