Friday, 26 July 2013

ĐIỂM NHẤN TRONG CHUYẾN THĂM VN CỦA TT CLINTON SAU 13 VẪN CÒN NÓNG HỔI (Cầu Nhật Tân)




26/07/2013

Ngày 3/7/2000 hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ ký Hiệp định thương mại song phương, mở đường cho thương mại hai nước phát triển mạnh , làm nền tảng VN gia nhập WTO, tạo điều kiện cho một số cải cách về chính trị. Ngày 17/11/2000, Clinton nói chuyện tại ĐH Quốc gia HN đề cao tầm quan trọng của công dân với các quyền tự do, tầm quan trọng của nhà nước pháp quyền trong phát triển kinh tế, tầm quan trọng của nền kinh tế thị trường, vai trò của kinh tế tư nhân. Chiều 18/11/2000, tại trụ sở Trung ương Đảng, đ/c Lê Khả Phiêu tiếp Tổng thống Clinton. Trước buổi tiếp, Bộ chính trị đã họp rất kỹ để thống nhất nội dung. Mọi người đều cảm nhận là sẽ có những pha khá căng nên đồng chí Giang “dài” – hiện là đại sứ, Phái đoàn thường trực của VN bên cạnh LHQ được chọn dịch buổi này cho thoát ý của Tổng bí thư. Vừa rồi, đồng chí Giang cũng tháp tùng Chủ tịch  nước thăm Hoa Kỳ.

Về buổi tiếp Clinton tại ĐH Quốc gia, cố giáo sư Nguyễn Văn Đạo (Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc) đã phải rất vất vả và chịu nhiều sự giám sát. Ông từng tâm sự: “người ta” xuống tận trường, bắt phải vỗ tay thế nào, đi đứng, chào nhau ra sao, chỉ được nói cái gì, không được vỗ tay hưởng ứng cái gì, cười như thế nào v.v. Mà chỉ đạo là trực tiếp từ lãnh đạo cao nhất. Đảng – Đoàn nhà trường có trách nhiệm chọn những sinh viên thuộc thành phần “ưu tú” cho vào dự.

Hơn 10 năm sau, những nội dung mà Clinton nhắc nhở đối với VN còn nguyên giá trị đến ngày nay tại nước ta. Hãy suy ngẫm mà xem: Vấn đề hiến pháp dân chủ. Các quyền tự do cơ bản được tôn trọng thế nào? Xây dựng nhà nước pháp quyền ra sao? Trách nhiệm của nhà nước đối với nhân dân, vấn đề chống tham nhũng, tư pháp độc lập, vai trò của báo chí tự do, sự phát triển kinh tế tư nhân … Những sợi chỉ trên tại Việt Nam dường như càng ngày càng rối rắm trong một định hướng mà đích đến còn rất mịt mờ với cái đuôi XHCN (nên nhớ rằng văn kiện ký kết Hiệp định và văn kiện VN gia nhập WTO không có chỗ nào có cái đuôi XHCN – cái này là sản phẩm thuần túy “nội địa hóa”). Hơn chục năm sau, những người nông dân mất sinh kế, mất ruộng đồng và những công nhân mất nhà máy, mất việc làm giật mình tự hỏi họ đang đi về đâu với cái đuôi XHCN này?


Lược trích bài phát biểu của Clinton tại ĐH quốc gia Hà Nội ngày 17/11/2000 (muốn xem toàn bộ video, bấm vào đây).

… Trong mùa hè năm nay, điều mà tôi tin tưởng sẽ được xem là một bước trọng yếu trên con đường các bạn tiến tới sự thịnh vượng trong tương lai, Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký một hiệp định thương mại song phương có tính lịch sử, xây dựng một nền tảng để Việt Nam cuối cùng gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Theo Hiệp định này, Việt Nam sẽ cho phép công dân của mình, và dần dần sẽ cho phép công dân nước khác, quyền được nhập khẩu, xuất khẩu và tự do buôn bán hàng hoá; cho người dân Việt Nam các quyền lớn hơn để quyết định vận mệnh kinh tế. Việt Nam đã nhất trí rằng các chính sách quan trọng khi ban hành phải tuân thủ nguyên tắc nhà nước pháp quyền và các nguyên tắc của hệ thống thương mại quốc tế. VN sẽ tăng cường nguồn thông tin tới mọi người dân (tự do báo chí, tự do thông tin), và thúc đẩy mạnh hơn sự phát triển nền kinh tế tự do và khu vực kinh tế tư nhân.

… Trong suốt 226, à 224 năm qua, chúng tôi đã học được một vài bài học. Chẳng hạn, chúng tôi đã thấy rằng những nền kinh tế hoạt động tốt hơn khi báo chí được tự do tố cáo tham nhũng, và toà án độc lập có thể đảm bảo rằng các hợp đồng được tôn trọng, sự cạnh tranh được tiến triển mạnh mẽ và công bằng, và các quan chức nhà nước tôn trọng nguyên tắc pháp quyền.

…. Từ kinh nghiệm của chúng tôi, việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và quyền bất đồng chính kiến không những không đe doạ sự ổn định xã hội mà trái lại, các quyền này tạo niềm tin của người dân vào sự công bằng của hiến pháp, và buộc chúng tôi phải thực hiện hiến pháp cho dù không đồng ý một quyết định nào đó. Tất cả những điều này sẽ làm cho đất nước của chúng tôi mạnh hơn trong các thời điểm thuận lợi hoặc khó khăn. Theo kinh nghiệm chúng tôi, thanh niên sẽ có nhiều niềm tin hơn vào tương lai nếu họ có tiếng nói trong việc định hướng tương lai, trong việc lựa chọn các nhà lãnh đạo chính quyền của họ và có một chính quyền chịu trách nhiệm trước nhân dân.

… Tương lai của các bạn đang nằm trong đôi bàn tay của mình, đôi bàn tay của nhân dân Việt Nam. Nhưng tương lai của các bạn cũng quan trọng đối với chúng tôi. Vì khi Việt Nam thành công, việc ấy sẽ mang lại lợi ích cho khu vực này cùng các đối tác kinh doanh và những người bạn của các bạn trên toàn thế giới.


Bài phát biểu của đồng chí Lê Khả Phiêu, Tổng bí thư Ban chấp hành TW Đảng CSVN trong buổi tiếp Bill Clinton tại trụ sở Trung ương Đảng chiều ngày 18/11/2000.


Thưa Ngài William J. Clinton, Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ,

Tôi hoan nghênh Ngài và phu nhân cùng phái đoàn Hoa Kỳ sang thăm Việt Nam. Tôi đã được thông báo về Hội đàm giữa Ngài và Chủ tịch nước Trần Đức Lương, cuộc gặp giữa Ngài và Thủ tướng Phan Văn Khải cũng như cuộc nói chuyện của Ngài tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Đúng là mỗi nước, mỗi dân tộc có lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa riêng. Hoa Kỳ cũng vậy. Việt Nam cũng vậy. Dân tộc chúng tôi có mấy ngàn năm văn hiến.

Về quá khứ, tôi đồng ý với Ngài là chúng ta không quên quá khứ, không làm lại được quá khứ. Vấn đề quan trọng là hiểu cho đúng thực chất cái quá khứ ấy. Cụ thể là hiểu cho đúng thực chất cuộc kháng chiến chống xâm lược mà chúng tôi đã phải tiến hành. Căn nguyên cuộc kháng chiến chống xâm lược của chúng tôi là từ đâu” Sâu xa là từ khi chủ nghĩa đế quốc đi đánh chiếm thuộc địa. Nước Việt Nam có đem quân đi đánh Hoa Kỳ đâu mà Hoa Kỳ lại đem quân sang đánh Việt Nam” Kết quả của cuộc kháng chiến chống xâm lược của chúng tôi là chúng tôi đã giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Cho nên đối với chúng tôi, quá khứ không phải trang sử đen tối, đau buồn và bất hạnh. Nói về trách nhiệm đối với quá khứ, đối với cuộc chiến tranh vừa qua, thì không thể đánh đồng; vì nó đã để lại những hậu quả nặng nề cho nhân dân và đất nước Việt Nam. Về bài học của quá khứ, điều quan trọng là những người có trách nhiệm đừng để lặp lại những việc như đã làm trong quá khứ. Đối với chúng tôi, quá khứ là gốc rễ, là nền tảng, là sức mạnh của hiện tại và tương lai.

Cuộc chiến tranh mà các Ngài gọi là chiến tranh Việt Nam, chúng tôi gọi là cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Sau Hiệp định hòa bình năm 1954, đất nước chúng tôi tạm thời chia làm hai miền, lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến tạm thời. Theo Hiệp định, sau hai năm sẽ có tổng tuyển cử nhưng chế độ Ngô Đình Diệm không thực hiện, dùng bộ máy của ông ta để giết hại nhân dân Việt Nam. Lại có người nói, có nước ở Tây bán cầu muốn lấy vĩ tuyến 17 của Việt Nam làm biên giới. Một nước ở Tây bán cầu mà lấy vĩ tuyến 17 của chúng tôi làm biên giới là vô lý quá. Không thể thống nhất bằng phương pháp hòa bình nên chúng tôi phải dùng chiến tranh giải phóng để thống nhất đất nước. Đó là căn nguyên gây ra cuộc chiến tranh vừa qua. Từ trước đến nay, nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Nhân dân Mỹ, nhân dân thế giới, toàn thể loài người đã ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của chúng tôi. Từ quá khứ đó, chúng ta phải rút ra kinh nghiệm và phải có trách nhiệm đúng đắn với quá khứ. Ngài McNamara trong một cuộc Hội thảo cũng nói rằng cần phải rút kinh nghiệm.

Về công cuộc đổi mới của chúng tôi, đổi mới bắt nguồn từ mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội và vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Trong sự nghiệp này, chúng tôi cảm ơn cộng đồng quốc tế đã hợp tác giúp đỡ chúng tôi. Mục tiêu đổi mới mà chúng tôi phải đi đến là xây dựng một nền kinh tế độc lập tự chủ, định hướng xã hội chủ nghĩa. Nền kinh tế của chúng tôi có nhiều thành phần, trong đó kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo. Chúng tôi có kinh tế tư nhân, nhưng chúng tôi không tư nhân hóa nền kinh tế. Chúng tôi tổ chức lại hợp tác xã chứ không phải giải tán hợp tác xã. Trong nền kinh tế mà chúng tôi đang xây dựng thì kinh tế nhà nước và kinh tế hợp tác có vai trò rất quan trọng. Hơn 30 năm chiến tranh, 19 năm bị cấm vận, gặp vô vàn khó khăn, thách thức, nhưng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam vẫn tồn tại, vẫn phát triển và nhất định sẽ phát triển. Tôi được mời đi thăm Pháp, Italy và Cộng đồng châu Âu, tôi cũng nói như vậy. Bà Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ trong một lần gặp tôi có hỏi: “Chủ nghĩa xã hội có tồn tại được không”" Tôi nói: “Không những tồn tại mà chủ nghĩa xã hội sẽ tiếp tục phát triển thắng lợi.”

Về đối ngoại, Việt Nam chúng tôi muốn là bạn với tất cả các dân tộc, các quốc gia trên thế giới, cùng phấn đấu vì hòa bình, độc lập, hữu nghị và phát triển, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi. Chúng tôi theo đuổi một đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ, chúng tôi không đóng cửa. Việc ký Hiệp định thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ chính là cũng nằm trong đường lối đó. Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với gần 170 nước, quan hệ thương mại với hơn 150 nước, Đảng chúng tôi có quan hệ với hơn 180 đảng cộng sản, cánh tả, đảng cầm quyền. Trong quan hệ quốc tế ngày nay, mọi quốc gia, dân tộc đều cần hợp tác để cùng phát triển. Chúng tôi tôn trọng sự lựa chọn, cách sống và chế độ chính trị của các dân tộc. Chúng tôi cũng đòi hỏi các nước tôn trọng chế độ chính trị, sự lựa chọn của dân tộc chúng tôi. Việc các nước có chế độ chính trị khác nhau cũng không ngăn cản sự hợp tác để cùng phát triển, nếu biết tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi.

Điều chắc chắn là trong thế kỷ 21, khoa học công nghệ sẽ phát triển như vũ bão. Nhưng lại có một nghịch lý là hố ngăn cách giữa nước giàu và nước nghèo lại ngày càng lớn. Ngày nay, tổng số tài sản của hơn 300 tỷ phú trên thế giới bằng thu nhập của hơn 2 tỷ người ở các nước nghèo.

Tương lai của dân tộc chúng tôi là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Tôi mong quan hệ giữa hai nước chúng ta tiếp tục phát triển, không lặp lại những việc làm như trong quá khứ đã xảy ra. Chúng tôi quý trọng nhân dân Mỹ, cảm ơn nhân dân Mỹ đã ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Thấy hình ảnh cháu Chelsea, tôi chạnh nhớ cháu Emily con gái của Morison, và mẹ cháu cũng đã từng sang thăm Việt Nam. Đó là biểu tượng đẹp của tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Dù sau này, Ngài bàn giao nhiệm vụ cho tổng thống mới thì tôi vẫn xin mời Ngài và gia đình sang thăm lại Việt Nam.

Chúc Ngài, cụ bà, phu nhân và cháu gái Chelsea dồi dào sức khỏe và hạnh phúc.



No comments:

Post a Comment

View My Stats