02:50:pm 18/07/13
Với sự phát triển của các phương tiện truyền thông
trên internet, cơ hội bày tỏ quan điểm cá nhân trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Bất chấp những biện pháp hạn chế của Nhà cầm quyền, các bàn luận về chính trị
xã hội trên không gian mạng ngày một đa dạng, sôi nổi. Không bàn về chất lượng,
các bài viết trên Facebook, blog cá nhân và blog truyền thông tập thể ngày một
nhiều và sự tham gia của các bạn sinh viên thanh niên ngày một năng động hơn.
Chưa bao giờ trong lịch sử của chúng ta, việc thể
hiện quan điểm của người dân lại dễ dàng như vậy. Sức mạnh của truyền
thông xã hội đang khiến nhà cầm quyền sợ hãi nhưng hầu như vô vọng về một
phương thức “giải quyết” triệt để. Đó là thế mạnh của chúng ta. Nhà cầm quyền
biết điều đó, nên ”tương kế tựu kế” họ cũng tung ra một đội ngũ đông đảo
những tên an ninh chuyên làm nhiệm vụ “phản truyền thông” trên các trang mạng
xã hội, các blog tập thể cũng như blog cá nhân lề dân.
Giống như đội ngũ an ninh bên ngoài cuộc sống thực,
lực lượng an ninh trên không gian ảo cũng đông đảo và len lỏi khắp nơi, trên
các trang thông tin quốc tế, các trang mạng xã hội, các blog cá nhân và tập
thể…Và đương nhiên những người này có trình độ tri thức và truyền thông cao hơn
nhiều so với các đồng nghiệp chuyên thực hiện các nhiệm vụ cơ bắp của họ.
Với kinh nghiệm và nguồn lực của một Nhà nước, những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam hiểu rất rõ tầm quan trọng của đội ngũ “dư luận viên” này và họ cũng hoàn toàn có khả năng nuôi dưỡng đội quân trung thành đó để thực hiện nhiều nhiệm vụ đa dạng từ việc bôi nhọ tấn công cá nhân; phản biện các bài viết của những nhà đấu tranh; hoặc định hướng dư luận theo hướng có lợi cho Nhà cầm quyền khi không thể đưa ra được những phản biện trắng trợn một cách hiệu quả; đến việc đưa lên một cây bút mới gia nhập vào lực lượng tranh luận lề dân để đến một lúc nào đó có đủ uy tín, những người này sẽ có ích cho chính quyền…Tóm lại là họ có đủ khả năng để vừa chiếm lĩnh truyền thông nhà nước, lẫn từng bước chiếm vai trò quan trọng trong truyền thông xã hội.
Với kinh nghiệm và nguồn lực của một Nhà nước, những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam hiểu rất rõ tầm quan trọng của đội ngũ “dư luận viên” này và họ cũng hoàn toàn có khả năng nuôi dưỡng đội quân trung thành đó để thực hiện nhiều nhiệm vụ đa dạng từ việc bôi nhọ tấn công cá nhân; phản biện các bài viết của những nhà đấu tranh; hoặc định hướng dư luận theo hướng có lợi cho Nhà cầm quyền khi không thể đưa ra được những phản biện trắng trợn một cách hiệu quả; đến việc đưa lên một cây bút mới gia nhập vào lực lượng tranh luận lề dân để đến một lúc nào đó có đủ uy tín, những người này sẽ có ích cho chính quyền…Tóm lại là họ có đủ khả năng để vừa chiếm lĩnh truyền thông nhà nước, lẫn từng bước chiếm vai trò quan trọng trong truyền thông xã hội.
Cẩn thận không bao giờ là thừa khi chúng ta phải đối
phó với cả một tập đoàn với kinh nghiệm lừa đảo đầy mình như thế. Cho nên chúng
ta cần nỗ lực đánh bại kế sách của họ bằng cách “thực hoá” không gian ảo, không
cho nó quá “ảo” để trở thành địa bàn dễ hoạt động, xâm chiếm và gây ảnh hưởng
của “dư luận viên” trên mạng. Internet là một phương tiện tạo ra không
gian hoạt động ảo nhưng không gì có thể ngăn chúng ta dùng một phương tiện ảo
để bảo vệ những giá trị thật và đề cao sự minh bạch trên không gian ảo đó.
Với
lương tâm, danh dự và trách nhiệm của người cầm bút, việc công khai danh tính
là điều cực kỳ quan trọng. Nếu các thông tin về nhân
thân người viết bị che giấu thì danh dự và trách nhiệm đối với những gì họ viết
cũng ảo như không gian mạng vậy. Bởi, nếu “bạch hoá” nhân thân khi viết bài,
điều này sẽ tạo ra một rào cản vô hình giúp chúng ta cẩn thận và có trách
nhiệm hơn với mọi phát ngôn; vì dù hoạt động ảo nhưng chúng ta phải chịu trách
nhiệm thực trước công luận và có lẽ là trước cả Nhà cầm quyền độc tài.
Đối với những bài viết tường thuật sự kiện, bản thân
những hình ảnh, âm thanh, nhân chứng đã đủ giá trị thực để được tin cậy.
Còn đối với những bài nghị luận hoặc tản văn bày tỏ quan điểm của người viết,
nếu tác giả ẩn danh thì khó có thể thuyết phục được độc giả, dù biện luận có
sắc sảo đến mấy. Bởi, những vấn nạn chính trị và xã hội của đất nước là những
vấn đề thâm niên, đang bị bế tắc bởi hệ thống chính trị độc tài; việc trình bày
quan điểm cá nhân đối với các vấn đề đó chỉ giúp làm sống lại những đề tài đã
cũ. Đối với những trường hợp như thế, danh tính và trách nhiệm của tác giả có
giá trị hơn nhiều so với điều tác giả viết. Sự xác quyết bằng danh dự của
tác giả đối với những gì mình viết là một bằng chứng sống động hơn tất cả mọi
biện luận, cho thấy rằng ở xứ sở này đang thực sự tồn tại những vấn nạn như thế.
Thật vậy, việc lấy mình làm chứng nhân cho hiện trạng xã hội quan trọng
và hiệu quả hơn việc nói suông.
Hơn nữa, việc viết bài ẩn danh không những không
giải toả được nỗi sợ hãi của người dân mà còn làm trầm trọng thêm sự sợ hãi và
mối nghi ngờ về tính xác thực của những vấn đề được trình bày. Một con người có
thể xác định danh tính , sống tại một địa chỉ cụ thể, khi lên tiếng sẽ là một
minh chứng hùng hồn cho tinh thần trách nhiệm và danh dự, điều đó góp phần giảm
bớt nỗi sợ hãi và sự nghi ngờ đã trở nên thâm căn cố đế trong đất nước này.
Không thể
dùng an toàn cá nhân để biện minh cho sự ẩn danh. Khi lên tiếng công khai
tất nhiên không sớm thì muộn bạn sẽ bị trấn áp. Nhưng từ trong sự áp bức đó,
bạn vẫn lên tiếng bảo vệ Công lý và sự thật thì việc lên tiếng càng ý nghĩa vô
cùng đối sự lớn mạnh của truyền thông độc lập cũng như có tác động lớn đến khối
dân chúng còn im lặng kia. Còn nếu bạn chỉ lên tiếng ẩn danh thì mãi mãi bạn
chỉ là một cái nick ảo trên không gian mạng. Bạn chứng minh được gì ngoài nỗi sợ
hãi không vượt qua được của chính bản thân mình và dụng tâm mờ ám nào đó?
Không có tự do nào đến được với những con người nhát
sợ và không có khả năng chịu trách nhiệm đối với những phát ngôn của mình.
Những người đang đấu tranh cho tự do cần phải để cho đại bộ phận dân chúng còn
sợ hãi biết rõ về danh tính của mình để cổ vũ họ với cả lương tâm, trách nhiệm
và danh dự. Điều này không chỉ cần được áp dụng với người cầm bút mà còn
cả với những người điều hành các trang thông tin tập thể khác. Hành động trong
bóng tối luôn có xu hướng trở nên thiếu trong sáng và thiếu trách
nhiệm. Nếu tất cả những người viết và các admin của các trang blog tập thể
bước ra khỏi bóng tối để trực diện thách thức nhà cầm quyền thì có thể chúng ta
tạm thời bị họ trấn áp nhưng nhờ đó phong trào dân chủ sẽ bước sang một giai
đoạn trưởng thành mới; và cũng nhờ đó vô hiệu hoá một phần mưu chước cài dư
luận viên thâm nhập vào truyền thông xã hội, lợi dụng tình trạng ảo để
thực hiện những thủ đoạn có lợi cho Nhà cầm quyền.
Như tôi luôn nói, không ai muốn phải
trả giá, hy sinh. Nhưng cuộc đấu tranh cho tự do này đòi hỏi ở những người đấu
tranh bản lĩnh và trách nhiệm. Đây là một cuộc đấu tranh cam go với chế độ độc
tài để mở sinh lộ cho đất nước, hy sinh là điều không tránh khỏi. Và khi chúng
ta càng nỗ lực vượt thắng mình, hy vọng vượt thắng chế độ càng gần, càng lớn.
Đó là những điều tôi muốn chia sẻ với mọi người mà cũng là nói với chính mình.
Sài Gòn tháng 7 năm 2013
© Huỳnh Thục Vy
© Đàn Chim Việt
No comments:
Post a Comment