Wednesday 24 July 2013

CHỦ TỊCH NƯỚC VN GẶP CÁC GIỚI CHỨC MỸ NHÂN NGÀY ĐẦU CHUYẾN CÔNG DU HOA KỲ (RFI, BBC)




Trọng Nghĩa   -  RFI
Thứ tư 24 Tháng Bẩy 2013

Đến Hoa Kỳ kể từ hôm qua, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang vào hôm nay 24/07/2013 có cuộc tiếp xúc đầu tiên với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, một hôm trước cuộc họp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng.

Nhân chuyến viếng thăm hiếm hoi của một nguyên thủ Nhà nước Việt Nam, hai bên sẽ thảo luận về việc thúc đẩy quan hệ thương mại và an ninh song phương trong bối cảnh giới bảo vệ nhân quyền liên tiếp kêu gọi Tổng thống Mỹ gây áp lực để Việt Nam tôn trọng nhân quyền nhiều hơn.

Theo lịch trình được bộ Ngoại giao Mỹ loan báo, vào 12 giờ trưa nay, giờ Washington, Ngoại trưởng John Kerry có một buổi ăn trưa làm việc với ông Trương Tấn Sang. Mối quan tâm của Mỹ về hồ sơ nhân quyền thể hiện qua việc cùng tham gia buổi tiếp xúc có Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Dân chủ, Nhân quyền và Lao động Zeya, cùng với Đại sứ Lưu động đặc trách việc chống tệ nạn buôn người Luis Cdebaca.

Trong những ngày qua, các lời kêu gọi Hoa Kỳ gây áp lực với Việt Nam trên vấn đề nhân quyền - cụ thể là yêu cầu trả tự do cho các blogger hay nhân vật bất đồng chính kiến đang bị giam giữ - không ngớt vang lên từ phía các hội đoàn, tở chức đấu tranh cho nhân quyền.

Giới lập pháp Mỹ cũng nhập cuộc. Vào hôm qua, một nhóm dân biểu Mỹ thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã họp báo để tố cáo các hành động vi phạm nhân quyền tại Việt Nam và kêu gọi Tổng thống Obama gây sức ép trên Chủ tịch Trương Tấn Sang để Việt Nam chấm dứt các hành động này.

Trong số các nhà lập pháp này, có ông Ed Royce, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, các dân biểu Loretta Sanchez, Alan Lowenthal, và Susan Davis thuộc bang California, nơi có một cộng đồng người Việt rất đông đảo.

Theo hãng AFP, các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã cảnh báo rằng họ có thể đấu tranh chống lại Hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP mà Tổng thống Obama rất muốn đúc kết xong trong năm nay - trừ phi Việt Nam cam kết cải thiện nhân quyền. Việt Nam đang đàm phán với 11 nước để cùng tham gia hiệp ước thương mại mà Hoa Kỳ rất mong muốn này.

Nữ dân biểu Loretta Sanchez, cùng Đảng Dân chủ với ông Obama, phát biểu : « Một thỏa thuận tự do thương mại – cụ thể là Hiệp ước TPP - phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn và chúng tôi kêu gọi Tổng thống Obama chuyển đi thông điệp này vào hôm Thứ Năm tới đây ».


---------------------------------


BBC
Cập nhật: 15:22 GMT - thứ tư, 24 tháng 7, 2013

Chủ tịch Trương Tấn Sang nói Việt Nam coi Hoa Kỳ là đối tác quan trọng hàng đầu.
Phát biểu tại buổi ăn trưa cùng ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry hôm 24/07, ông cũng cho biết hai nước đã và đang hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Trước đó ông Sang đã đã tiếp xúc với Bộ trưởng Thương mại Penny Pritzker để thảo luận về Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), đang được 12 nước tham gia thương lượng.
Hoa Kỳ đã bày tỏ hy vọng sẽ hoàn tất đàm phán với Việt Nam trong năm nay.
Bộ trưởng Penny Pritzker cũng nói về công nghệ hạt nhân dân sự của Mỹ, trong bối cảnh Việt Nam dự định triển khai nhiều lò phản ứng.

Trong ngày hôm nay, ông Sang dự kiến ăn trưa với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và có buổi tiệc tối với các lãnh đạo doanh nhân Mỹ.

Phái đoàn Việt Nam đặt chân xuống sân bay quân sự Andrews thuộc tiểu bang Maryland vào tối thứ Ba ngày 23/7 theo giờ địa phương, tức sáng sớm ngày 24/7 giờ Việt Nam, bắt đầu thăm chính thức Hoa Kỳ.
Theo bản tin của Thông tấn xã Việt Nam thì ông Sang đã được các ông David Shear, đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Nguyễn Quốc Cường, đại sứ Việt Nam tại Mỹ và ‘đại diện Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ’ ra đón tại sân bay.
Vị đại diện này là bà đại sứ Capricia Penavic Marshall, phụ trách lễ tân của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Đến nơi vào lúc tối nên hoạt động đầu tiên của ông Sang trên đất Mỹ trong ngày 23/7 là đến nói chuyện tại Đại sứ quán Việt Nam ở Washington DC.

Nâng cấp quan hệ?

Tại buổi nói chuyện ở Sứ quán, ông Sang được hãng tin nhà nước Việt Nam dẫn lời nói trong thời gian tới mối quan hệ Việt-Mỹ ‘sẽ được nâng cấp’.
Ông Sang mô tả mối bang giao Mỹ-Việt là ‘đối tác tích cực, hữu nghị, xây dựng, hợp tác nhiều mặt, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi’.
Trước đó, phát biểu với truyền thông trong nước trước chuyến thăm, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường cũng bày tỏ hy vọng hai nước sẽ ‘xác lập khuôn khổ đối tác mới’ trong chuyến thăm lần này của ông Sang.

Lâu nay vấn đề nhân quyền vẫn là rào cản lớn nhất khiến Washington chưa muốn có quan hệ đối tác chiến lược với Hà Nội.
AFP dẫn lời các quan chức Mỹ nói Tổng thống Barack Obama sẽ tập trung vào chủ đề thương mại trong cuộc hội đàm với nguyên thủ Việt Nam và cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu.
Việt Nam hiện đang muốn tham gia vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Quốc gia Đông Nam Á này cũng là một trong 10 nước bị tác động nặng nề nhất của tình trạng ấm lên toàn cầu.
Tuy nhiên, các nhà lập pháp cũng như các nhà hoạt động dân chủ Mỹ đã kêu gọi Nhà Trắng gây sức ép với Hà Nội về hồ sơ nhân quyền của họ.

Một số nghị sỹ đã cảnh báo rằng họ sẽ tìm cách ngăn cản TPP nếu như Việt Nam không cam kết cải thiện nhân quyền.
“Một thỏa thuận thương mại tự do – nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương – cần phải đáp ứng một số chuẩn mực và chúng tôi kêu gọi Tổng thống Obama hãy chuyển thông điệp này vào thứ Năm (ngày hai nguyên thủ gặp nhau),” AFP dẫn lời hạ nghị sỹ Dân chủ Loretta Sanchez nói.
Còn Hạ nghị sỹ Ed Royce thuộc Đảng Cộng hòa, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, thì mô tả chuyến thăm của ông Sang là ‘cơ hội đặc biệt để truyền cảm hứng cho những người dân Việt Nam hiện đang khao khát tự do’.

Sẽ nhắc về nhân quyền

Trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh tại Tòa Bạch Ốc, một số nghị sỹ cùng Đảng Dân chủ đã đến gặp Tổng thống Obama để yêu cầu ông phải nhấn mạnh vấn đề nhân quyền với chủ tịch Việt Nam.

Bốn hạ nghị sỹ Zoe Lofgren, Susan Davis, Scott Peters và Alan Lowenthal đã ra thông cáo báo chí cho biết Tổng thống Obama đã cam kết với họ là ‘sẽ nêu những quan ngại về nhân quyền với phía Việt Nam’ và đây sẽ là ‘một ưu tiên trong cuộc hội đàm sắp tới’.
“Tôi hài lòng khi hôm nay nghe tổng thống bày tỏ quan ngại về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam và việc ông thừa nhận rằng đã đến lúc phải nêu vấn đề này với Chủ tịch Sang,” dân biểu Alan Lowenthal nói trong thông cáo báo chí.
Còn dân biểu Susan Davis thì nói rằng: “Chúng ta cần phải gửi một thông điệp mạnh mẽ và rõ ràng rằng những vi phạm nhân quyền ở Việt Nam cần được chấm dứt ngay lập tức. Giao thương không thể trả giá bằng nhân quyền.”

Tuy nhiên, ông Carl Thayer, người chuyên theo dõi tình hình Việt Nam tại Đại học New South Wales của Úc, nhận định với hãng tin Mỹ AP rằng ‘dường như vấn đề nhân quyền sẽ được đề cập một cách rất tế nhị’.
“Trong phòng họp kín Obama có thể nêu quan ngại của Mỹ (về nhân quyền),” ông nói, “Nhưng rõ ràng nó không phải là một nội dung quan trọng.”
“Đối với Obama, vấn đề là làm sao tạo ra thêm nhiều việc làm cho dân Mỹ. Nếu bán được thêm nhiều hàng hóa ở châu Á thì đó là lợi ích lớn hơn cả,” ông nói thêm.

---------------------------------------------------

DANH SÁCH PHÁI ĐOÀN ĐI THEO TRƯƠNG TẤN SANG
BMH
Washington, D.C

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh;
Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung;
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng;
 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận;
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát;
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh,
Thứ trưởng Bộ Công an Tô Lâm;
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Cường;
Trưởng phái đoàn đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc Lê Hoài Trung;
Phó trưởng Ban Thường trực, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Vương Thừa Phong;
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Hà Huy Thông;
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Võ Văn Thưởng;
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Bùi Thanh Quyến;
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Bùi Thế Đức;
Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Phạm Dũng;
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc;
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tp Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Hồng;
Chủ tịch Hội Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Vũ Xuân Hồng;
Trợ lý Chủ tịch nước Nguyễn Văn Thạo;
Trợ lý Chủ tịch nước Nguyễn Đức Dị;
Trợ lý Chủ tịch nước Vũ Quang Tuấn;
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộ


No comments:

Post a Comment

View My Stats