Sunday 21 July 2013

CHIẾN LƯỢC LỚN CỦA THỦ TƯỚNG NHẬT BẢN (Tài liệu tham khảo đặc biệt của TTXVN)




Tài liệu tham khảo đặc biệt của THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM  20-7-2013
Posted by basamnews on July 21st, 2013

Theo Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe và Đảng Dân chủ Tự do (LDP) trở lại nắm quyền vào tháng 12/2012, phần lớn sự chú ý đều hướng tới chương trình kích thích tiền tệ – tài chính và cải cách cơ cấu của chính phủ mới”, được biết đến như là chính sách kinh tế của Abe (Abenomics), nhằm chấm dứt tình trạng kinh tế trì trệ kéo dài. Tuy nhiên, ông Abe cũng có một chương trình nghị sự không kém phần quan trọng trong chính sách ngoại giao và an ninh nhằm tái khẳng định vai trò của Nhật Bản là một cường quốc trong khu vực và trên thế giới.
Ông Abe, người từng giữ chức thủ tướng năm 2006 – 2007, trở lại nắm quyền sau chiến thắng của LDP trước Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ). Liên minh với Đảng Công Minh Mới, LDP đã giành được 2/3 số ghế trong Hạ viện. Là một người theo chủ nghĩa dân tộc, ông Abe tuyên bố rằng ưu tiên cao nhất của ông là kích thích tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản, chấm dứt hai thập kỷ chìm trong giảm phát và nhu cầu sụt giảm nghiêm trọng. Chính phủ đang nỗ lực thúc đẩy chi tiêu công và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) cũng đã công bố chương trình cung cấp tiền mặt mở rộng với mục đích tăng tỷ lệ lạm phát, một động thái được coi là khác thường đối với một ngân hàng trung ương. Hiện vẫn chưa biết hết kết quả của những chính sách quyết liệt này, vốn cũng mang nhiều rủi ro trong bổi cảnh nợ của chính phủ tăng cao, nhưng các thị trường tài chính ban đầu đã phản ứng tích cực trước khi trở nên bất ổn hơn.

Chiến lược lớn của ông Abe

Vượt trên cả yêu cầu phục hồi kinh tế là mong muốn của ông Abe đưa Nhật Bản trở lại vị trí một cường quốc thế giới và quan điểm này được nhóm người theo chủ nghĩa xét lại trong LDP ủng hộ. Để làm được điều này, họ cho rằng Nhật Bản phải thoát ra khỏi những hạn chế lỗi thời và di sản của thời kỳ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Theo ông Abe, Nhật Bản có thể trở thành một “đất nước tươi đẹp” với việc phá bỏ những cải cách được áp đặt lên đất nước này trong suốt thời kỳ bị lực lượng nước ngoài do Mỹ đứng đầu chiếm đóng.
Ưu tiên cao nhất trong chương trình nghị sự của ông Abe là việc sửa đổi Hiến pháp Nhật Bản, được duy trì từ năm 1947, và đặc biệt là Điều 9 vốn hạn chế việc sử dụng sức mạnh quân sự VF mục đích đảm bảo an ninh quốc gia. Trong thời gian giữ ghế thủ tướng lần trước, ông Abe đã đưa việc này vào chương trình xây dựng luật, theo đó một cuộc trưng cầu dân ý về việc sửa Hiến pháp có thể được tổ chức nếu, giành được đa số phiếu ủng hộ ở cả Hạ viện và Thượng viện. Ông Abe cũng đã thành lập một ủy ban nghiên cứu những kịch bản mà theo đó Nhật Bản có thể tham gia các hành động tự vệ nhằm hỗ trợ Mỹ. Từ khi trở thành thủ tướng lần thứ hai, ông Abe vẫn chưa đề cập đến bất cứ sáng kiến cải cách hiến pháp nào, nhưng ông có hàm ý rằng đó vẫn là một mục tiêu chính của chính phủ trong nhiệm kỳ này.
Ngoài ra, ông Abe và những người ủng hộ ông từ lâu vẫn phản đối quan điểm về lịch sử trước và trong thời kỳ xảy ra chiến tranh thuộc địa. Theo quan điểm này, Nhật Bản là nước duy nhất chịu trách nhiệm gây ra xung đột ở Đông Á và do đó làm hủy hoại ý thức về bản sắc dân tộc của Nhật Bản. Trước đây, ông Abe từng đến thăm ngôi đền gây tranh cãi Yasukuni, nơi tưởng niệm những người Nhật Bản chết trong chiến tranh. Một số thành viên trong Nội các của ông, trong đó có Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Taro Aso, cũng đã đến thăm ngôi đền này hồi tháng Tư vừa qua. Ông Abe cũng từng chất vấn những tuyên bố chính thức của Chính phủ Nhật Bản nhiệm kỳ trước về mức độ của hệ thống “phụ nữ mua vui” mà theo đó hàng trăm nghìn phụ nữ ở Đông Á đã bị cưỡng ép phục vụ quân Nhật trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Chính phủ nhiệm kỳ trước của ông Abe cũng đã thông qua luật nhằm khuyến khích “giáo dục yêu nước” trong các trường học ở nước này.
Không thể thiếu trong kế hoạch tái khẳng định vị trí cường quốc thế giới của Nhật Bản là việc tăng cường Lực lượng Tự vệ Nhật Bản (JSDF). Chính phủ nhiệm kỳ mới của LDP đã công bố các hợp đồng mua thêm máy bay trực thăng mới và đang nỗ lực tăng ngân sách chi tiêu dành cho quân sự thêm 1% trong năm tài khóa 2013-2014. Mặc dù mức tăng thêm này khá khiêm tốn so với các nước láng giềng như Trung Quốc nhưng đây là lần đầu tiên trong vòng 11 năm qua, ngân sách quốc phòng của Nhật Bản được tăng thêm và điều này mang tính tượng trưng cho ý định của LDP. Chính phủ cũng đang có kế hoạch khởi xướng một tiến trình trong năm 2013 nhằm điều chỉnh lại Hướng dẫn chương trình quốc phòng. Được coi là cẩm nang để phác thảo học thuyết quân sự cơ bản của Nhật Bản, Hướng dẫn chương trình quốc phòng được điều chỉnh lần gần đây -nhất là năm 2010. Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản cũng có ý định khởi động lại các nỗ lực thành lập Hội đồng an ninh quốc gia (NSC) nhằm, nâng cao khả năng đối phó với các cuộc khủng hoảng an ninh.
Ông Abe cho rằng trong khi những hạn chế ở trong nước đang dần dần được dỡ bỏ, Nhật Bản cần phải áp dụng chính sách ngoại giao và an ninh quyết đoán hơn. Ưu tiên hàng đầu của ông Abe là tăng cường mối quan hệ đồng minh với Mỹ và coi đây là nền tảng của chính sách an ninh của Nhật Bản. Kết quả là hồi tháng 1/2013, Tokyo và Washington đã khởi động việc rà soát lại Hướng dẫn hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật. Được điều chỉnh lần cuối cùng vào năm 1997, Hướng dẫn hợp tác quốc phòng Mỹ- Nhật trình bày chi tiết về quy mô của hỗ trợ hậu cần mà Nhật Bản sẽ cung cấp cho Mỹ trong trường hợp xảy ra các chiến dịch quân sự trong khu vực. Việc rà soát lại được dự báo là sẽ tập trung vào việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tình báo, giám sát và do thám nhằm đảm bảo an ninh hàng hải xung quanh Nhật Bản và ở vùng Biển Hoa Đông, cũng như trong lĩnh vực phòng thủ mạng và hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Theo tầm nhìn của ông Abe, Nhật Bản cũng sẽ tăng cường quan hệ an ninh với các đồng minh và đối tác khác của Mỹ. Ông Abe đã cố gắng xây dựng lại mối quan hệ với Hàn Quốc, vốn bị xấu đi dưới thời chính phủ tiền nhiệm của DPJ do tranh chấp chủ quyền về quần đảo Takeshima/Dokdo. Hồi tháng 1/2013, ông Abe đã cử chính trị gia của LDP, ông Fukushiro Nukuga, sang Hàn Quốc để gặp gỡ Tổng thống mới đắc cử Park Geun-hye và nói với nhà lãnh đạo này rằng Hàn Quốc là “nước quan trọng nhất đối với Nhật Bản”. Từ lâu, ông Abe đã mong muốn mở rộng quan hệ an ninh với Ôxtrâylia và Ấn Độ. Năm 2007, ông Abe từng sang thăm Ấn Độ với mục đích thúc đẩy mối quan hệ “đối tác chiến lược toàn cầu” Nhật – Ấn thành mối quan hệ hợp tác mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực an ninh hàng hải. Tháng Năm vừa qua, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Aso cũng sang thăm Ấn Độ nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ chiến lược giữa hai nước, và đẩy mạnh hợp tác song phương trong lĩnh vực an ninh hàng hải và chống khủng bố.
Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Abe sau khi trở lại ghế thủ tướng là đến Việt Nam và Inđônêxia, hai nước mà ông đã cam kết sẽ tăng cường hợp tác an ninh hàng hải. Các đối tác an ninh mà ông Abe quan tâm thậm chí còn mở rộng tới Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ông Abe là Thủ tướng Nhật Bản đầu tiên đến thăm trụ sở NATO vào năm 2007 và ông có hàm ý rằng Nhật Bản muốn gia nhập tổ chức này. Tháng 12/2012, ông Abe đã gửi thư đến Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen nhằm nhắc ông Rasmussen lưu ý đến tình hình an ninh trong khu vực cũng như những quan ngại của Nhật Bản về Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Tháng Tư vừa qua, ông Rasmussen đã đến thăm Tokyo và trong chuyến thăm này, Nhật Bản và NATO đã ký tuyên bố chung thúc đẩy quan hệ trong các lĩnh vực như không phổ biến vũ khí hạt nhân, cứu trợ thiên tai và an ninh hàng hải.
Những hoạt động của ông Abe là một phần trong nỗ lực lớn hơn nhằm tạo ra cái gì đó giống như “bản hợp ca dân chủ” – các quốc gia cùng chia sẻ những giá trị quốc tế tương tự nhau – nhằm hạn chế ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc. Ông Abe tin rằng Nhật Bản cần lôi kéo Mỹ, Ôxtrâylia và Ấn Độ vào một “hình thoi dân chủ” để đảm bảo an ninh hàng hải và quan trọng hơn là ủng hộ dân chủ tự do, kinh tế thị trường và nhân quyền. Như một phần của ý tưởng này, ông Abe cũng đã đề cập đến việc Nhật Bản gia nhập Hiệp ước phòng thủ FPAD hiện nay, bao gồm 5 nước Ôxtrâylia, Niu Dilân, Malaixia, Xinhgapo và Anh.
Nỗ lực xây dựng các mối quan hệ an ninh mạnh mẽ hơn làm hồi sinh mối quan tâm của Chính phủ Nhật Bản trong nhiệm kỳ đầu của ông Abe về “ngoại giao hướng tới giá trị” thông qua khái niệm “Vòng cung Tự do và Thịnh vượng”. Ý tưởng là kết nối các quốc gia có cùng các giá trị, kéo dài từ Đông Á sang Trung Đông, Trung Á và Đông Âu. Mặc dù khái niệm này không nhận được sự ủng hộ dưới thời các chính phủ sau đó của Nhật Bản, ông Abe đâ bắt đầu phục hồi quan điểm này trong chính sách ngoại giao với các nước láng giềng trong khu vực Đông Á. Ông Abe đã phác thảo khái niệm này trong chuyến thăm tới Mông cổ hồi tháng Ba nhằm lôi kéo nước này cùng hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc. Ông Abe sang thăm Trung Đông và Nga hồi tháng Tư vừa qua và cũng sang thăm Anh để dự Hội nghị Thượng đỉnh G8 trong tháng Sáu nhằm tìm kiếm các đối tác để tăng cường sự hiện diện của Nhật Bản trên trường quốc tế.

Trung Quốc và Bán đảo Triều Tiên

Thách thức quốc tế chính của ông Abe và động cơ đằng sau những nỗ lực tiến hành một chiến lược lớn, quyết đoán hơn chính là tình trạng xấu đi trong quan hệ Trung – Nhật và yêu cầu cấp thiết phải ngăn chặn mối đe dọa từ sự trỗi dậy của Trung Quốc. Trong chiến dịch tranh cử, LDP đã nhấn mạnh sự cần thiết phải có quan điểm cứng rắn hơn đối với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc về quần đảo tranh chấp Senkaku ở Biển Hoa Đông mà phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Kể từ khi bước chân vào văn phòng thủ tướng, ông Abe đã có một quan điểm mang tính hòa giải hơn, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Trung Quốc với tư cách là một đối tác kinh tế lớn, cũng như sự cần thiết phải phục hồi mối quan hệ “Đối tác chiến lược cùng có lợi” Nhật-Trung mà ông đã thiết lập năm 2007 nhằm mục đích cải thiện mối quan hệ song phương hiện nay.
Tuy nhiên, ông Abe cũng thể hiện quan điểm rõ ràng là thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc với thế mạnh của Nhật Bản, vì ông cho rằng Trung Quốc là một cường quốc đang lên, không có dân chủ và về cơ bản nước này sẽ thách thức hiện trạng quốc tế cũng như an ninh quốc gia của Nhật Bản. Ông cũng bảo vệ quan điểm của DPI là quần đảo Senkaku thuộc chủ quyền của Nhật Bản và do đó, không có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Ông Abe nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ của các nước khác trong khu vực trong tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Hoa Đông và ngược lại, ông cũng đề cập đến sự cần thiết phải ngăn chặn Biển Đông trở thành “cái ao nhà của Trung Quốc”.
Một mối lo ngại khác của ông Abe là Bắc Triều Tiên, nước trở thành chủ đề “nóng” trên các trang báo ở Nhật Bản hồi đầu năm nay với lời đe dọa thử tên lửa. Ông Abe đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ ở trong nước khi ông lên tiếng sẵn sàng đàm phán với Bình Nhưỡng để giải quyết vấn đề các công dân Nhật Bản bị Bắc Triều Tiên bắt cóc trước đây và thể hiện quan điểm cứng rắn đối với chương trình tên lửa và hạt nhân của nước này. Ông Abe có vẻ sẽ quan tâm đến vấn đề bắt cóc công dân Nhật Bản này và sẽ gia tăng các biện pháp trừng phạt tài chính và giao thông đối với Bắc Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ ba vào tháng 2/2013.

Những trở ngại lớn của ông Abe

Sự thành công của chiến lược lớn của ông Abe phụ thuộc vào các yếu tố cả trong và ngoài nước. Việc đầu tiên là yêu cầu tăng cường liên minh Mỹ-Nhật thông qua việc thúc đẩy hai vấn đề có tấm quan trọng đối với Washington: Căn cứ quân sự của Mỹ ở Okinawa và việc Nhật Bản tham gia Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Ông Abe được “thừa hưởng” vấn đề di dời sân bay trong căn cứ quân sự Futenma của Mỹ tới Henoko ở thành phố Nago thuộc tỉnh Okinawa từ chính phủ tiền nhiệm. Chính phủ của ông Abe đã nhất trí với kế hoạch di dời này và cũng xin phép chính quyền tỉnh Okinawa bắt đầu công tác chuẩn bị cho việc xây dựng một đường băng thay thế và cam kết đưa ra lịch trình đầy đủ của việc chuyển giao các cơ sở khác của Mỹ cho chính quyền địa phương. Tuy nhiên, kế hoạch này hiện đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân tỉnh Okinawa và chính phủ có thể sẽ phải đối mặt với sự bế tắc trong vấn đề này. Nếu không giải quyết được, vấn đề này chắc chắn sẽ làm nản lòng đồng minh Mỹ.
Tương tự, ông Abe cũng đang đối mặt với một lựa chọn khó khăn là có nên gia nhập TPP hay không. Việc Nhật Bản tham gia hiệp định thương mại tự do đa phương do Mỹ đứng đầu này sẽ củng cố thêm quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-Nhật cũng như vị thế của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, tham gia hiệp định này có nghĩa là Chính phủ Nhật Bản sẽ phải thực hiện một số biện pháp tự do hóa, trong đó có tự do hóa thị trường nông sản vốn không được người dân nước này ủng hộ. Hồi tháng Ba vừa qua, ông Abe đã cam kết Nhật Bản sẽ đàm phán để gia nhập TPP nhưng nước này cũng sẽ tìm cách bảo vệ những người sản xuất hàng nông sản. Kế hoạch của ông hiện vẫn đang vấp phải sự phản đối từ một số nghị sĩ trong chính LDP cũng như các hội nông dân.
Một yếu tố nữa có thể cản trở chiến lược của ông Abe đó là tình trạng xấu đi trong quan hệ giữa Nhật Bản với các nước láng giềng trong khu vực Đông Á. Ông Abe đã cố gắng làm dịu những vấn đề liên quan đến lịch sử khi tuyên bố rằng ông không có ý định chất vấn những lời xin lỗi của Nhật Bản về lịch sử thời thuộc địa. Hồi tháng Năm, ông Abe đã chất vấn rằng liệu quá khứ thực dân của Nhật Bản có thể xem xét một cách nghiêm túc là “xâm lược” hay không, tuy nhiên ông lại bỏ qua những chuyến viếng thăm của các thành viên nội các tới ngôi đền gây tranh cãi Yasukuni. Các nước Đông Á khác hiện vẫn nghi ngờ những tuyên bố của ông về quá khứ thực dân. Bất cứ động thái nào của ông Abe gợi lại những vấn đề như vậy sẽ đều ảnh hưởng đến quan hệ với những quốc gia này. Cho đến nay, Đối thoại ba bên Nhật-Trung-Hàn đã bị ảnh hưởng: Trung Quốc và Hàn Quốc từ chối tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Nhật Bản nhằm phản đối các vấn đề lãnh thổ và lịch sử.
Ngoài ra, ông Abe cũng phải thận trọng với các vấn đề lịch sử có liên quan đến Mỹ. Các cựu tù binh chiến tranh của Mỹ từng lên tiếng chỉ trích Chính phủ Nhật Bản về quan điểm xét lại đối với vấn đề chiến tranh. Ông Abe cũng đang tìm cách tăng cường sức mạnh của Nhật Bản bằng cách gia tăng sự độc lập của nước này đối với Mỹ, nước đã áp đặt lên Nhật Bản những hạn chế và các giá trị thời kỳ hậu chiến vốn không được ưa thích.
Thêm nữa, quan hệ với Nga cũng khó có thể tiến triển thuận lợi mặc dù mối quan hệ này có thể là đối trọng với Trung Quốc. Thủ tướng Abe và Tổng thống Vladimir Putin đã nhất trí khởi động lại các cuộc đám phán về hiệp ước hòa bình giữa hai nước trong chuyến thăm tới Mátxcơva hồi tháng Tư. Tuy nhiên, trong bất cứ cuộc đàm phán nào, Nga cũng sẽ tìm cách để chỉ phải trả lại cho Nhật Bản hai trong số bốn đảo tranh chấp thuộc quần đảo Kuril mà phía Nhật Bản gọi là Lãnh thổ phương Bắc. Trong khi đó, ông Abe từng tuyên bố rằng Nhật Bản sẽ không nhượng bộ trong vấn đề này và sẽ yêu cầu Nga trao trả cả bốn hòn đảo nói trên. Do vậy, quan hệ Nhật – Nga có thể vẫn sẽ căng thẳng trong thời gian tới.
Yếu tố cuối cùng có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến chiến lược lớn của ông Abe đó là tình hình chính trị ở trong nước. LDP, cùng với đối tác Đảng Công Minh Mới, chiếm được 2/3 số ghế ở Hạ viện, cho phép đảng này vượt qua các cản trở đối với các dự thảo luật được trình ra Thượng viện. Tuy nhiên, đường lối ôn hòa của Đảng Công Minh Mới về những vấn đề trong chính sách ngoại giao sẽ hạn chế quyền tự do hành động của LDP. Do đó. LDP vẫn cần phải chờ đến khi diễn ra cuộc bầu cử Thượng viện để xem đằng này có thể giành được quyền kiểm soát hoàn toàn quốc hội hay không. Nếu điều này không xảy ra, ông Abe sẽ không thể thúc đẩy được nhiều vấn đề trong chương trình nghị sự đối nội cũng như tầm nhìn chiến lược lớn trong chính sách ngoại giao của mình.

***

(Tạp chí The Economist, số ngày 18/5/2013) Shinzo Abe có tầm nhìn về một Nhật Bản thịnh vượng và ái quốc. Kinh tế học có vẻ tốt hơn là chủ nghĩa dân tộc.

Khi Shinzo Abe từ chức chỉ sau một năm làm thủ tướng, vào tháng 9/2007, ông bị các cử tri chế nhạo, bị suy nhược do căn bệnh mãn tính, và bị cái “dớp” thiếu năng lực, vốn là nguyên nhân suy sụp của rất nhiều nhà lãnh đạo Nhật Bản gần đây, bám riết. Giờ đây, chưa đầy 5 tháng nhậm chức trong nhiệm kỳ thứ hai của mình, ông Abe dường như là một người hoàn toàn khác. Ông đã đưa Nhật Bản vào chế độ “Abenomics” (chính sách kinh tế của Abe), một sự kết hợp giữa phục hồi hệ thống tiền tệ, chi tiêu chính phủ và một chiến lược tăng trưởng được nhằm để thức tỉnh nền kinh tế khỏi tình trạng chết giả đã kìm kẹp nó trong suốt hơn hai thập kỷ qua. Ông đã tăng sức ép lên bộ máy hành chính quan liêu rụt rè một thời của Nhật Bản nhằm khiến chính phủ trở nên mạnh mẽ trở lại. Và, với việc sức khỏe của bản thân hồi phục, ông đã phác thảo ra một chương trình tái xây dựng thương hiệu địa chính trị và thay đổi hiến pháp nhằm đưa Nhật Bản quay trở lại với điều mà ông Abe cho là vị trí chính đáng của Nhật Bản với tư cách là một cường quốc thế giới.
Ông Abe đang kích thích một quốc gia đã mất niềm tin vào tầng lớp chính trị của nước này. Kể từ khi ông được bầu, thị trường chứng khoán đã tăng 55%. Chi tiêu tiêu dùng đã thúc đẩy tăng trưởng trong quý đầu tiên đạt mức 3,5% trên cơ sở cả năm. Ông Abe có tỷ lệ ủng hộ hơn 70% (so với khoảng 30% vào cuối nhiệm kỳ đầu tiên của ông). Đảng Dân chủ Tự do của ông tự tin giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử Thượng viện sắp tới. Với đa số ghế trong cả hai viện, ông chắc hẳn có thể dễ dàng thông qua các điều luật.
Việc kéo Nhật Bản ra khỏi tình trạng suy thoái của nước này là một nhiệm vụ lớn lao. Sau hai thập kỷ mất mát, GDP danh nghĩa của nước này bằng với mức GDP danh nghĩa của năm 1991, trong khi chỉ số Nekkei, ngay cả sau đợt tăng điểm gần đây, chỉ vừa vặn ở mức bằng 1/3 đỉnh điểm của nó. Lực lượng ỉao động thu hẹp lại chịu gánh nặng bởi chi phí cho số lượng người già ngày một tăng. Xã hội Nhật Bản trở nên hướng nội và các công ty Nhật Bản đã đánh mất lợi thế đổi mới của mình.
Ông Abe không phải là chính trị gia đầu tiên hứa sẽ tái sinh đất nước của mình – mảnh đất Mặt Trời mọc đã chứng kiến quá nhiều hiện tượng “bình minh giả” của nước mình – và ông Abe “mới” vẫn có tất cả mọi thứ để chứng tỏ. Tuy nhiên, kể cả nếu các kế hoạch của ông có thành công một nửa thì Shinzo Abe chắc chắn vẫn sẽ được kể đến như là một thủ tướng vĩ đại.

Người đàn ông với một kế hoạch ở Nhật Bản

Trung Quốc là lý do để cho rằng lần này có lẽ sẽ khác. Suy thoái kinh tế chấp nhận một thực tế mới ở Nhật Bản khi Trung Quốc “đẩy” Nhật Bản sang một bên để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm 2010. Khi Trung Quốc giành được sự tự tin, nước này bắt đầu cư xử một cách kiêu căng hùng hổ tại vùng lãnh hải của nước này và trực tiếp với Nhật Bản về quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Vào đầu tháng 5/2013, tờ báo chính thức của Trung Quốc, Nhân dân Nhật báo, thậm chí còn đặt vấn đề về chủ quyền của Nhật Bản đối với đảo Okinawa.
Ông Abe tin rằng việc đương đầu với thách thức của Trung Quốc có nghĩa là giũ bỏ sự lãnh đạm và thụ động đã giam giữ Nhật Bản trong sự lệ thuộc một thời gian quá dài. Để giải thích cho kế hoạch đầy tham vọng của ông Abe, những người ủng hộ ông viện dẫn khẩu hiệu fukoku kyohei của Thiên hoàng Minh Trị: “làm giàu quốc gia, tăng cường quân đội”. Chỉ một Nhật Bản giàu có mới có đủ khả năng để tự bảo vệ mình. Chỉ khi có thể tự phòng thủ thì Nhật Bản mới có thể chống cự lại Trung Quốc – và, tương tự, tránh trở thành một nước lệ thuộc vào Mỹ, đồng minh chính của mình. Chính sách Abenomics, với việc kích thích tài chính và nới lỏng tiền tệ, nghe có vẻ như là một học thuyết kinh tế; trên thực tế điều đó ít nhiều cũng liên quan tới an ninh quốc gia.
Có lẽ đó là lý do tại sao ông Abe lại cai trị đất nước với sự cấp bách đến vậy. Trong những tuần đầu tiên, ông đã thông báo một khoản chi tiêu chính phủ bổ sung trị giá 10.300 tỷ yên (khoảng 100 tỷ USD). Ông đã bổ nhiệm một thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản mới, người đã cam kết sẽ bơm nhiều tiền hơn bao giờ hết vào hệ thống tài chính. Tới một chừng mực mà điều này dẫn tới một đồng yên suy yếu, điều đó sẽ đấy mạnh xuất khẩu. Nếu chính sách đó xua đi được bóng ma giảm phát thì nó cùng có thể thúc đẩy tiêu dùng. Nhưng việc in tiền có thể chỉ đạt được nhiều tới mức đó, và, với tổng số nợ là 240% GDP, có một hạn chế là chi tiêu chính phủ ở mức baonhiêu thì Nhật Bản có thể chi trả được. Vì vậy, để thay đổi tiềm năng lâu dài của nền kinh tế, ông Abe phải hoàn thành phần thứ ba, mang tính cơ cấu, trong kế hoạch của mình. Cho đến nay, ông đã thành lập năm ủy ban chịu trách nhiệm thúc đẩy các cải cách sâu sắc về mặt cung. Vào tháng Hai, ông đã khiến ngay cả những người ủng hộ mình phải ngạc nhiên khi ký kết đưa Nhật Bản gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận thương mại khu vực cam kết mở cửa các ngành công nghiệp được bảo hộ như nông nghiệp.

Mối hận thù

Không ai có thể phản đối một Nhật Bản thịnh vượng hơn, một nước sẽ trở thành nguồn cầu toàn cầu. Một Nhật Bản yêu nước đã biến đổi “các lực lượng phòng vệ” của mình thành một quân đội thường trực giống như bất kỳ quân đội của nước nào khác sẽ góp phần vào an ninh của Đông Bắc Á. Tuy nhiên, những ai còn nhớ nhiệm kỳ cầm quyền đầu tiên đầy tai ương của ông Abe thì vẫn còn hai nỗi lo lắng.
Mối nguy hiểm đối với nền kinh tế là ông Abe trở nên mềm yếu, như ông đã làm trước đây. Đã có những lời xì xào rằng nếu mức tăng trưởng trong quý hai là tồi tệ thì ông Abe sẽ hoãn đợt tăng thuế đầu tiên trong hai khoản tăng thuế tiêu dùng giai đoạn 2014-2015 do lo sợ kìm hãm sự phục hồi. Tuy nhiên, việc trì hoãn sẽ khiến Nhật Bản không có một kế hoạch trung hạn để hạn chế nợ của nước này và cho thấy ông Abe không sẵn sàng đối mặt với những lựa chọn khắc nghiệt. Đó là nỗi lo sợ rằng ông Abe sẽ nhượng bộ trước những người vận động hành lang chống lại cải cách. Nông nghiệp, dược và điện chỉ là vài ngành công nghiệp cần phải được đưa vào cạnh tranh. Ông Abe không được lưỡng lự khi đương đầu với các ngành công nghiệp này, cho dù điều đó có nghĩa là chống đối lại các bộ phận trong chính đảng của ông.
Mối đe dọa ở nước ngoài là ông quá cứng rắn, nhầm lẫn giữa lòng tự hào dân tộc với một chủ nghĩa dân tộc tiêu cực và hoài niệm quá khứ. Ông thuộc số ít người coi việc Nhật Bản bị Mỹ giám hộ sau chiến tranh là một điều sỉ nhục. Những người ủng hộ khẳng định ông đã học được rằng việc giảm thiểu tội lỗi trong thời chiến của Nhật Bản là không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, ông đã gây ra sự khó chịu với Trung Quốc và Hàn Quốc bằng cách đặt câu hỏi liệu Nhật Bản thời đế quốc (thời mà ông nội của ông Abe đã giúp cai trị vùng Mãn Châu bị chiếm đóng) có thực sự là một kẻ xâm lược, và bằng cách cho phép Phó thủ tướng của mình đến thăm ngôi đền Yasukuni, nơi thờ các tội phạm chiến tranh cấp cao cùng với nạn nhân chiến tranh của Nhật Bản. Hơn nữa, ông Abe dường như cần điều gì đó nhiều hơn là quân đội thường trực mà giờ đây Nhật Bản cần và xứng đáng có được. Sự bàn luận là về việc xem xét lại toàn bộ các phần tự do của hiến pháp, không thay đổi kể từ khi được Mỹ chuyển giao vào năm 1947, ông Abe có nguy cơ nuôi dưỡng các đối thủ khu vực, những đối thù có thể làm suy yếu tăng trưởng kinh tế bằng cách đe dọa thương mại.
Ông Abe đã đúng khi muốn làm Nhật Bản thức tỉnh. Sau các cuộc bầu cử Thượng viện, ông sẽ có một cơ hội thực sự để làm được điều này. Cách thức để khôi phục lại Nhật Bản là tập trung vào tăng cường sinh lực cho nền kinh tế, chứ không phải là cuối cùng đi đến một cuộc chiến tranh vô ích với Trung Quốc./.



No comments:

Post a Comment

View My Stats