Wednesday, 3 July 2013

CẢNH GIÁC VỚI NHỮNG KHOẢN VAY TỪ TRUNG QUỐC (Lê Anh Hùng - Bauxite VN)




Lê Anh Hùng
1/07/2013

“Món quà” của người “bạn tốt”

Chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 19/6 đến 21/6 vừa qua của chủ tịch nước Trương Tấn Sang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận trong bối cảnh tình hình khu vực đang nóng lên trước một Trung Quốc không ngừng trỗi dậy mạnh mẽ và ngày càng bộc lộ cuồng vọng bá quyền khiến cả thế giới phải dè chừng.

Một trong những “món quà” của Trung Quốc mà phái đoàn Việt Nam mang về nước là khoản vay ưu đãi 320 triệu nhân dân tệ cho dự án hệ thống thông tin đường sắt và một hiệp định cho vay khác dành cho dự án nhà máy đạm than Ninh Bình trị giá 45 triệu USD.

Việc các quốc gia phát triển cao hơn dành những khoản viện trợ phát triển hay tín dụng ưu đãi cho những quốc gia có trình độ phát triển thấp hơn là một điều bình thường xưa nay. Kể từ khi bắt đầu “đổi mới”, mở cửa đến nay, cộng đồng quốc tế vẫn thường dành cho Việt Nam sự hỗ trợ như thế, đặc biệt là các khoản vay ưu đãi.

Tuy nhiên, theo thông lệ quốc tế, kèm theo những khoản vay đó là những điều kiện mà bên cho vay đặt ra. Có những điều kiện có lợi cho Việt Nam, chẳng hạn như yêu cầu về sự công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện dự án liên quan; có những điều kiện có lợi cho quốc gia cho vay: ưu tiên nhập máy móc thiết bị từ nước họ hoặc trao các gói thầu cho nhà thầu của họ. Những khoản vay đến từ các quốc gia phát triển thường đem lại hiệu quả thiết thực cho Việt Nam, bởi ngay cả điều kiện có lợi cho bên cho vay thì nhìn chung cũng chấp nhận được nếu xét đến trình độ khoa học – công nghệ và quản lý hàng đầu thế giới của họ.

Và những hệ luỵ khó lường

Đáng tiếc là thực tế trên đây lại không đúng với với người láng giềng “4 tốt, 16 chữ vàng” của Việt Nam. Người ta thường nói: “Chẳng ai cho không ai cái gì”. Câu châm ngôn này xem ra rất đúng với Trung Quốc, và càng đặc biệt đúng trong mối quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1950.

Ngược dòng thời gian, ngay từ những năm 1950, khi mà mối quan hệ “vừa là đồng chí, vừa là anh em” của hai quốc gia cộng sản đang ở thời kỳ “trăng mật”, Trung Quốc đã lợi dụng danh nghĩa “giúp” Việt Nam để lấn chiếm lãnh thổ với đủ mọi thủ đoạn khác nhau.

Với những toan tính chiến lược thể hiện đúng “bản sắc” của mình, Trung Quốc luôn quan tâm đến các dự án hạ tầng quan trọng ở Việt Nam. Và họ hiện là nhà thầu thống trị các dự án trọng điểm quốc gia của Việt Nam ; đồng thời, họ cũng rất "nổi tiếng" về chất lượng và tiến độ thực hiện các dự án đó. Thủ thuật thông thường của họ là đưa ra giá đấu thầu thật thấp để trúng thầu rồi sau đó sẽ tìm đủ mọi cách hòng kiếm chác, để lại những thiệt hại không thể đong đếm cho phía Việt Nam, cả về kinh tế lẫn an ninh – quốc phòng. Ngoài ra, một lá bài rất hữu hiệu khác mà họ hay sử dụng là “cho vay ưu đãi” hoặc “thu xếp vốn” để được giao thực hiện dự án, đặc biệt là những dự án nhạy cảm về an ninh - quốc phòng.

Ví dụ điển hình ở đây là dự án đường sắt đô thị của Tp Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông. Tuyến đường sắt trên cao này được khởi công ngày 10/10/2011, với tổng mức đầu tư 533 triệu USD, trong đó nguồn vốn vay của Trung Quốc là 419 triệu USD. Không chỉ tổng thầu EPC của dự án là công ty Trung Quốc (Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc) được chỉ định thầu mà nhà thầu tư vấn giám sát thi công và lắp đặt thiết bị cũng là một công ty Trung Quốc nốt (Công ty TNHH Giám sát Xây dựng Viện Nghiên cứu Thiết kế Công trình Đường sắt Bắc Kinh). Với một dự án rất nhạy cảm về an ninh – quốc phòng như vậy thì đây quả là điều hết sức khó chấp nhận, nhất là khi chúng ta biết rằng công nghệ đường sắt của Trung Quốc còn kém xa thế giới, mà vụ tai nạn tàu cao tốc thảm khốc ngày 23/7/2011 tại Ôn Châu (Triết Giang, TQ) là một minh chứng rõ ràng.

Dự án hệ thống thông tin đường sắt nói trên hầu như chắc chắn sẽ lọt vào tay nhà thầu Trung Quốc. Họ sẽ kéo theo một lô một lốc những công nghệ, thiết bị và cả con người sang Việt Nam để thực công trình biểu tượng cho “tình hữu nghị thắm thiết” này.

Và rồi chúng ta không chỉ phải đối mặt với một khả năng rất lớn là chất lượng hệ thống thông tin đường sắt không đảm bảo như ý muốn mà cả những mối đe doạ tiềm ẩn liên quan đến an ninh quốc gia. Bởi một khi xung đột giữa hai nước nổ ra – điều xem ra không dễ tránh khỏi trước cuồng vọng bành trướng không hề che dấu của Trung Quốc trên Biển Đông – thì với “biệt tài” của mình, người “bạn tốt” của chúng ta hoàn toàn đủ khả năng làm tê liệt toàn bộ hệ thống đường sắt của Việt Nam. Thiết tưởng vụ mất điện toàn miền Nam chiều ngày 22/5 vừa qua là một lời cảnh tỉnh cho những ai còn mơ hồ về một mối đe doạ khủng khiếp khi mà Việt Nam gần như đã dâng cả ngành điện lực cho Trung Quốc suốt nhiều năm qua.

L.A.H. (Tác giả gửi trực tiếp cho BVN)

***

Đọc thêm

Vị đắng khi lệ thuộc vốn vay Trung Quốc (Phạm Huyền)

(VEF) - Nhiều dự án của Việt Nam phải thuê nhà thầu Trung Quốc bởi một lý do “bất khả kháng” : nguồn vốn vay từ chính Trung Quốc. Và khi dự án có vấn đề về chất lượng thì các chủ đầu tư Việt Nam chỉ còn nước “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Cái khó xử khi nhận vốn của Trung Quốc

Trung Quốc không phải là nước thuộc nhóm cung cấp vốn hỗ trợ phát triển ODA lớn cho Việt Nam, cũng không phải là nước bỏ vốn đầu tư trực tiếp (FDI) thuộc TOP 10 ở Việt Nam.
Nếu tính theo số các dự án FDI còn hiệu lực, hơn 20 năm qua, FDI từ Trung Quốc chỉ có 3,184 tỷ USD, đứng thứ 14 và chiếm 4% tổng vốn FDI của 92 quốc gia, vùng lãnh thổ đã đến Việt Nam. Riêng năm 2010, Trung Quốc đứng thứ 11 với tổng vốn 364,6 triệu USD, chỉ chiếm hơn 1% tổng vốn FDI cả năm của Việt Nam.

Thế nhưng, thực chất, dòng vốn Trung Quốc chảy vào Việt Nam lại không hề nhỏ.

Cho tới nay, chưa có bộ ngành nào thống kê cụ thể, Việt Nam đã vay bao nhiêu tiền của Trung Quốc. Chỉ thấy rằng, ở hầu khắp các ngành công nghiệp, năng lượng của Việt Nam, vốn vay ưu đãi lãi suất thấp từ Trung Quốc đang đóng vai trò rất quan trọng, chủ yếu là từ đầu mối Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank).

Đơn cử như ở ngành điện, trong tổng số 9 dự án nhiệt điện do Tập đoàn Than - Khoáng sản làm chủ đầu tư, hiện có 4 dự án vay vốn tín dụng xuất khẩu hoặc ODA của Trung Quốc.

Đó là các dự án nhiệt điện Cao Ngạn, Sơn Động, Cẩm Phả, Mạo Khê đều chủ yếu vay tín dụng xuất khẩu của ngân hàng China Eximbank. Dự án có tổng vốn đầu tư ít nhất cũng hơn 3.500 tỷ đồng. Các dự án điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng vay từ ngân hàng này không hề ít, ví dụ như dự án nhiệt điện Quảng Ninh 1 và 2, dự án Hải Phòng 1 và 2, dự án nhiệt điện Uông Bí mở rộng…

Mới đây nhất, 18/12/2010, Bộ Tài chính cũng đã ký hiệp định vay 300 triệu USD với China Eximbank cho dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (2 x600MW).

Trung bình mỗi dự án điện công suất 300MW trở lên của Việt Nam có tổng vốn đầu tư trên 500 triệu USD. Nếu dự án vay từ China Eximbank thì nguồn vốn này thường chiếm khoảng 85% tổng vốn đầu tư.

Như vậy, ước tính, tổng vốn vay của Trung Quốc chỉ riêng cho ngành điện Việt Nam đã là con số hàng tỷ USD.

Không chỉ là ngành điện, nguồn tín dụng ưu đãi của Eximbank còn có mặt ở nhiều dự án trọng điểm của các ngành công nghiệp khác. Ví dụ như ngành hóa chất với dự án đạm từ than cám Ninh Bình do Tổng công ty Hóa chất Việt Nam làm chủ đầu tư, cũng sử dụng nguồn vốn 500 triệu USD theo hiệp định tín dụng xuất khẩu ký với Trung Quốc. Dự án sản xuất khuôn mẫu và trục in nhựa của Tổng công ty Nhựa Việt Nam cũng vay tín dụng ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc trị giá 50 triệu Nhân dân tệ.

Trao đổi với PV. VEF, một lãnh đạo ở Bộ Công Thương từng chia sẻ, khi các nhà thầu Trung Quốc vào Việt Nam, nhận thấy điểm yếu là thiếu vốn, họ nhanh chóng đặt vấn đề: nếu phía Trung Quốc lo thu xếp vốn được cho dự án thì bù lại, hãy giao dự án đó để họ làm.

Với một lời đề nghị hấp dẫn như vậy thì quả thực, các chủ đầu tư Việt Nam khó lòng từ chối. Theo thông lệ quốc tế, khi đã nhận vốn vay của một nước, chủ đầu tư sẽ phải tổ chức đấu thầu hạn chế, chỉ mở thầu cho các nhà thầu nước cho vay tham gia. Đó là lý do bất khả kháng để các dự án lớn trên của Việt Nam phải chọn nhà thầu Trung Quốc và nhập khẩu lớn thiết bị, máy móc của nước này.

Trở đi mắc núi, trở lại mắc sông

Nhưng lẽ thường, sự hấp dẫn của một chính sách về vốn như vậy bao giờ cũng có tính hai mặt. Chính sách vay vốn của Trung Quốc có thể rất thông thoáng, nhưng đôi khi, cũng có vị đắng mà các chủ đầu tư Việt Nam chỉ còn nước “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Một chuyên gia trong ngành cắt nghĩa với VEF rằng, ngân hàng của Trung Quốc - với tư cách là người thẩm định hồ sơ vay vốn, có quyền kiểm duyệt các điều kiện kỹ thuật trong dự án. Điều kiện đó liệu thích hợp với các nhà thầu của nước họ không? Từ đó, họ có quyền đòi hỏi phải hạ thấp một số tiêu chí để các nhà thầu Trung Quốc có cơ hội tham gia thì mới cho vay vốn.

Với kinh nghiệm 30 năm trong ngành điện, vị chuyên gia này phân tích, giả dụ hiệu suất lò hơi nhiệt điện trong hồ sơ mời thầu một dự án nhiệt điện than, nếu chỉ nâng lên 1% để đảm bảo chất lượng, thì ngay lập tức, hàng loạt các nhà thầu Trung Quốc sẽ bị rớt vì không đạt yêu cầu. Nhưng, chỉ cần hạ 1% hiệu suất lò hơi theo đề nghị của Ngân hàng Trung Quốc, giá thành máy móc, thiết bị đã giảm tới 20-30% . Vì yếu tố kinh tế đó, thông thường, cả bên đi vay và bên cho vay đều chấp nhận.

Một đặc điểm khác, theo vị chuyên gia này quan sát, trong hồ sơ mời thầu các dự án nhiệt điện, nếu chú trọng chất lượng, bao giờ cũng có câu,“yêu cầu thiết bị G7 hoặc chất lượng tương đương”. Nhưng với nhiều dự án nhiệt điện mà vay vốn Trung Quốc thì thường, những dòng chữ ghi điều kiện như vậy sẽ bị gạch bỏ. Đến khi dự án đi vào triển khai, chủ đầu tư Việt Nam sẽ vô cùng khó xử khi rơi vào tình huống phải chấp nhận các thiết bị kém chất lượng một cách miễn cưỡng.

Vị chuyên gia giám sát kỹ thuật tại một dự án nhiệt điện chia sẻ, căn cứ để giám sát chất lượng thiết bị nhập cho dự án chỉ có duy nhất 1 tờ giấy do nhà thầu cung cấp với tiêu đề “QUALITY CERTIFICATE”, gọi là phiếu chất lượng. Nhưng, hình thức trình bày và nội dung thông tin lại rất sơ sài.

Ở tờ phiếu chất lượng này, chỉ có tên thiết bị, nhà máy sản xuất, mã số đóng gói, mã số đặt hàng và dòng chữ đề thiết bị đã đạt chuẩn của nhà máy…, không có thông tin căn cứ theo một tiêu chuẩn quốc tế, quốc gia nào. Phần ký xác nhận phiếu, lúc là giám đốc nhà máy ở Trung Quốc, lúc là một cán bộ thay mặt giám đốc ký.

Vị kỹ sư tại dự án này nhận định, các phiếu này giống như phiếu xuất xưởng. Nó đơn giản tới mức chẳng cần in phiếu ở Trung Quốc mà có thể in ra ngay tại công trường Việt Nam như một loại văn bản thông thường.

Trong khi đó, hợp đồng ký với nhà thầu Trung Quốc thường chỉ ghi, thiết bị đến công trường phải có “phiếu chất lượng”, nhưng không mô tả rõ, phiếu chất lượng ấy như thế nào. Rốt cục, khi các tài liệu chứng nhận chất lượng chỉ vỏn vẹn có thế, chính những người gác cửa về chất lượng dự án trở nên tù mù, bó tay để thẩm định thiết bị, và chỉ khi nhà máy vận hành, phát sinh trục trặc mới biết thiết bị... kém cỡ nào.

Ban đầu, các giám sát viên có thể từ chối không nghiệm thu thiết bị kém chất lượng, nhưng rồi xảy ra tranh luận với nhà thầu và những áp lực từ nhiều phía... cộng với việc nhà máy lại vay vốn của chính Trung Quốc, các giám sát kỹ thuật của Việt Nam sẽ buộc “phải” nghiệm thu công trình dù chưa đạt yêu cầu. Bởi theo vị chuyên gia này, nếu không nghiệm thu thiết bị, vấn đề giải ngân vốn của dự án cũng gặp khó khăn.

Thực tế này cũng đã xảy ra với nhiệt điện Cao Ngạn cách đây 3 năm. Mặc dù nghiệm thu bàn giao cho chủ đầu tư rồi, nhưng nhà máy này đã phải hoạt động trong tình trạng vừa chạy, vừa sửa chữa, cải tiến tiếp.

Từng trả lời trên VEF, vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương cho rằng, phải tăng cường khâu giám sát thiết bị của Trung Quốc đến công trường, nhưng những câu chuyện trên đã cho thấy, khi chủ đầu tư lại là người đi vay của phía nước nhà thầu thì mọi sự thật khó. Việc nhận bàn giao nhà máy điện hay không đã biến thành câu chuyện trở đi mắc núi, trở lại mắc sông.

Nguồn: VEF



No comments:

Post a Comment

View My Stats