Wednesday 10 July 2013

CÁC NHÀ VẬN ĐỘNG TIẾP TỤC HƯỚNG DƯ LUẬN VÀO VỤ LÊ QUỐC QUÂN (Global Voice Advocacy)






Bản dịch của Lâm Thành Nhân  (Defend the Defenders)

Ngày 9 tháng 7 năm 2013, vụ xét xử Lê Quốc Quân, một trong những người bảo vệ nhân quyền tích cực nhất của Việt Nam và một blogger thẳng thắn, dự kiến diễn ra tại Hà Nội. Nhưng chính quyền Việt Nam vào phút cuối đã quyết định hoãn lại vụ xét xử cho tới khi có thông báo mới. Đây là vụ mới nhất trong một chuỗi các vi phạm về nguyên tắc xét xử công bằng mà nhà hoạt động này là nạn nhân kể từ khi ông bị bắt vào năm ngoái.

Trên blog của mình, ông Quân đã vạch trần những vụ lạm dụng nhân quyền mà các phương tiện truyền thông của nhà nước Việt Nam thường lờ đi. Trước khi bị tước quyền hành nghề luật sư vào năm 2007, ông là luật sư bào chữa cho các vụ kiện nhân quyền tại tòa án. Vì công việc của mình, Quân liên tục bị chính quyền quấy rối. Ông bị giam 100 ngày vào năm 2007, bị Nhà nước theo dõi và bị các thanh niên tấn công ngay gần nhà vào tháng 8 năm 2010. Các thành viên gia đình ông cũng trở thành mục tiêu của các cơ quan pháp luật.

Ông Quân bị bắt ngày 27 tháng 12 năm 2012 và bị buộc tội “trốn thuế”, một cáo buộc bịa đặt mà chính quyền Việt Nam đôi khi sử dụng để trấn áp những người chống đối. Kể từ khi bị bắt cách đây hơn 5 tháng, ông chủ yếu bị biệt giam. Ông không được cho gặp gia đình và chỉ được phép gặp luật sư của mình một lần, trong chốc lát, trong một cuộc thẩm vấn của Công an. Trong 15 ngày đầu tiên bị giam, ông Quân đã tuyệt thực. Việc giam cầm ông đã bị kéo dài mà không có thông báo theo quy định của luật pháp Việt Nam khi giai đoạn 4 tháng đầu tiên cho việc điều tra kết thúc. Mặc dù ông Quân thỉnh thoảng được phép gặp gỡ luật sư của mình từ hồi tháng trước, song ông vẫn bị cấm gặp gỡ các thành viên gia đình.

Vụ truy tố ông Quân nằm trong một chiến dịch đàn áp quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam. Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2013 đã xếp Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia tệ nhất về tự do báo chí. Ít nhất 31 nhà báo công dân và 2 nhà báo làm việc cho các tổ chức truyền thông truyền thống hiện đang bị giam cầm trong nước. Trong số những người bị cầm tù đó là các blogger Nguyễn Văn Hải (thường được gọi theo bút danh là “Điếu Cày”), Tạ Phong Tần và Phan Thanh Hải; kháng cáo của họ chống lại lời buộc tội “tuyên truyền chống phá nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” đã bị bác vào tháng 12 năm ngoái. 8 trong 14 blogger trẻ bị kết án vào tháng 1 vì “tiến hành các hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” đã kháng án – họ bị xử y án vào ngày 23 tháng 5, mặc dù bản án của Paulus Lê Sơn đã được giảm từ 13 năm xuống còn 4 năm tù giam.

Nếu vụ xét xử Quân cuối cùng cũng diễn ra theo mô thức truy tố mà người ta vẫn nhằm vào các blogger cũng như những tiếng nói bất đồng khác trong vài năm qua, nó sẽ kéo dài không quá 1 ngày. Tòa sẽ cần rất ít thời gian để đi đến “quyết định”, điều mà rất có thể là họ đã nhận được chỉ thị từ trước. Không có một quan sát viên xét xử độc lập nào được phép vào tòa án và những người muốn biểu lộ sự ủng hộ bên ngoài tòa án sẽ bị Công An giữ ở một khoảng cách an toàn. Các thành viên gia đình và những nhà hoạt động nhân quyền sẽ bị bắt trước khi họ có thể đến gần vị trí xét xử.

Việc tiếp tục chú ý đến những trường hợp như của ông Quân là hết sức cần thiết. Vào tháng 3 năm nay, tổ chức Sáng kiến Bảo vệ Pháp lý Phương tiện Truyền thông (Media Legal Defence Initiative) đã dẫn đầu một liên minh các tổ chức nhân quyền phi chính phủ trong nỗ lực kêu gọi các tổ chức giám sát của Liên Hiệp Quốc bảo đảm việc trả tự do cho ông Lê Quốc Quân. Hành động tương tự cũng đã được ông Allan Weiner của Trường Luật Stanford thực hiện thay mặt cho 14 blogger nói trên. Chính quyền vẫn chưa có hành động gì, nhưng trong lúc chờ đợi, điều quan trọng là cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của các tiến trình pháp lý này khi chúng diễn ra. Cùng với xã hội dân sự, các nhà tài trợ cho Việt Nam cần tiếp tục buộc chính phủ phải giải trình những vụ truy tố này, bởi đây là sự vi phạm trắng trợn các nghĩa vụ của Việt Nam theo luật nhân quyền quốc tế.

Nani Jansen là cố vấn pháp lý cao cấp của Media Legal Defence Initiative (MLDI)






No comments:

Post a Comment

View My Stats