Phạm Đình Trọng
Tháng Bảy 27, 2013
Với tang chứng rất mơ hồ từ
những bài báo của CLBNBTD (Câu lạc bộ Nhà Báo tự do) mà Điếu Cày Nguyễn Văn Hải
là nhân vật chủ chốt, tòa án của Nhà nước Cộng sản Việt Nam buộc Điếu Cày tội
tuyên truyền chống Nhà nước và giáng cho anh 12 năm tù giam, 5 năm quản chế sau
tù. Mức án nặng đến man rợ! Vì mức án man rợ không bình thường đó người ta phải
truy tìm đến bản chất thật của vụ án Điếu Cày là gì.
Tháng chín năm 2007 Điếu Cày mới lập ra CLBNBTD thì tháng tư năm 2008 anh
đã bị bắt vì tội trốn thuế. Bảy tháng hoạt
động với ba người đều không có nghề báo. Một người làm kinh doanh. Hai người
làm nghề luật. CLBNBTD chưa làm được gì đáng kể, chẳng có bài báo nào để lại
được dấu ấn cho CLBNBTD, không gây được chú ý cho người đọc. Vì thế, cố gán cho
ba thành viên CLBNBTD tội tuyên truyền chống Nhà nước nhưng cáo trạng cũng
không thể nêu được ra bài nào chống Nhà nước và chống Nhà nước như thế nào?
Đành phải thống kê ra những con số vô hồn, câm lặng, không nói được điều gì: Số
bài viết đăng trên trang mạng CLBNBTD 421 bài, trong đó ba thành viên viết 94
bài, còn 327 bài tải từ các trang mạng khác về.
Rồi lại phải nhờ đến cơ quan
không có nghiệp vụ pháp lí, không có chức năng, không đủ tư cách và không đủ
sức giám định văn bản chính trị là sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sài Gòn giám
định những bài viết của CLBNBTD. Thực chất việc giám định chỉ là thủ tục và
người giám định chỉ viết theo ý cường quyền. Dù vậy cũng chỉ có được bản nhận
định rất chung chung, gượng ép về nội dung chống Nhà nước của CLBNBTD.
Tội tuyên truyền chống Nhà nước
ở những bài viết của CLBNBTD vu vơ, nhạt nhòa đến mức ngay hệ thống tư pháp Nhà
nước rất muốn trị tội Điếu Cày, lúc đầu cũng không thể gán tội cho những bài
viết đó vì thế họ phải dựng lên tội trốn thuế.
Khi tội trốn thuế được định
tên, dù không chấp nhận, gia đình Điếu Cày vẫn xin truy nộp để khắc phục nhưng
không được cơ quan tư pháp cho khắc phục mà quyết đưa Điếu Cày ra tòa. Đó cũng
là điều vô cùng bất thường. Trốn thuế chỉ là tội kinh tế, không gây nguy hiểm
cho xã hội, số tiền lại quá nhỏ, chỉ vài trăm triệu đồng. Quan hệ giữa người
dân đóng thuế và Nhà nước thu thuế là quan hệ dân sự, hành chính. Quan hệ giữa người dân có công đóng thuế
nuôi Nhà nước và Nhà nước chịu ơn người dân đóng thuế nuôi mình. Người đóng
thuế chưa nộp thuế đầy đủ, Nhà nước phải tạo điều kiện và hướng dẫn cho người
dân khắc phục số tiền thuế còn thiếu. Không cho người dân được truy nộp thuế,
quyết đẩy người dân thành tội phạm, Nhà nước đã hình sự hóa một quan hệ dân sự.
Đó là việc cố tạo dựng tội cho người dân lương thiện, cố biến người đang kinh
doanh đóng thuế nuôi Nhà nước thành người ngồi không ăn cơm tù để Nhà nước phải
nuôi!
Tư tưởng chính thống của Nhà nước Việt Nam hiện tại là kiên định chủ
nghĩa Mác Lê nin. Viết bài không tán thành nền
tảng tư tưởng Mác Lê nin và những chủ trương, chính sách, việc làm theo tư
tưởng Lê nin nít thì những bài viết của Điếu Cày và CLBNBTD không thể so được
với những bài viết của nhiều người khác đã viết trước Điếu Cày hàng chục năm.
Tiến sĩ Hà Sĩ Phu với những tác
phẩm dày dặn đã thẳng thừng bác bỏ chủ nghĩa Mác Lê nin, bác bỏ tư tưởng chính
thống của đảng Cộng sản và Nhà nước đương quyền: “Thực chất chủ nghĩa Mác Lê
nin chỉ là một khát vọng đẹp đẽ nhưng ảo tưởng, phi khoa học, chống lại qui
luật tự nhiên”. Những tác phẩm của tiến sĩ Hà Sĩ Phu như Dắt Tay Nhau, Đi Dưới
Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ - 1988, Chia Tay Ý Thức Hệ -
1995 như tiếng sét, như tia chớp làm
nhiều người Việt Nam bừng tỉnh thoát khỏi cơn mê sảng lầm lạc trong mớ lí
thuyết huyễn hoặc của chủ nghĩa Mác Lê nin. Tầng lớp trí thức tiếp nhận những
bài viết của tiến sĩ Hà Sĩ Phu như tiếp nhận một chân lí hiển nhiên, một sự
thật bình dị mà lâu nay họ không nhận ra.
Bác bỏ chủ nghĩa Mác Lê nin,
tiến sĩ Hà
Sĩ Phu cũng bác bỏ nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Cộng sản gây
thiệt hại cho nước, gây tai họa cho dân. Những bài viết của tiến sĩ Hà Sĩ Phu
đã giải thiêng chủ nghĩa Mác Lê nin, giải độc cho xã hội Việt Nam, thức tỉnh
nhiều người dân Việt Nam, tạo nên một đội ngũ, một lực lượng xã hội đông đảo,
mạnh mẽ đòi tự do dân chủ, đòi quyền con người, quyền công dân, đòi đa nguyên,
đa đảng, xóa bỏ sự độc quyền quyền lực của đảng Cộng sản. Những bài viết mang
tư tưởng không đồng thuận với đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam Xã hội chủ
nghĩa của tiến sĩ Hà Sĩ Phu có tác động xã hội sâu rộng và mạnh mẽ như vậy thực
sự rất bất lợi cho Đảng và Nhà nước Cộng sản Việt Nam. Một Nhà nước quyền uy,
say bạo lực, cai trị dân bằng bạo lực chuyên chính vô sản thì không thể tha thứ
cho những bài viết của tiến sĩ Hà Sĩ Phu phản bác lại Đảng và Nhà nước Cộng sản
vậy mà Nhà nước Cộng sản Việt Nam cũng không thể buộc tiến sĩ Hà Sĩ Phu tội
tuyên truyền chống Nhà nước!
Tiến sĩ Hà Sĩ Phu công bố tác
phẩm Dắt Tay Nhau Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường Của Trí Tuệ năm 1988, đến cuối năm
1995 bộ máy công cụ bạo lực mới tìm được cơ hội đưa tiến sĩ vào tù bằng một tội
từ trên trời rơi xuống. Tiến sĩ Hà Sĩ Phu đang thong dong đạp xe trên đường phố
Hà Nội thì có người đi xe máy cố ý quyệt vào xe ông làm cho ông ngã. Công an
giăng sẵn trên đường liền xô lại. Kẻ gây tai nạn thì được tự do. Người bị nạn
thì bị bắt giữ đưa về đồn công an. Bản sao bức thư ông Thủ tướng Võ Văn Kiệt
gửi Ban Chấp hành trung ương đảng Cộng sản Việt Nam mà công an khám thấy trong
túi xách tiến sĩ Hà Sĩ Phu liền được công an sử dụng làm tang chứng cho tội “Có
hành vi tiết lộ bí mật Nhà nước” để tiến sĩ Hà Sĩ Phu phải nhận bản án một năm
tù giam!
Nhắc lai chuyện tiến sĩ Hà Sĩ Phu để càng thấy rằng Điếu Cày không có
tội. Buộc cho Điếu Cày tội tuyên
truyền chống Nhà nước là hoàn toàn áp đặt, ngang trái, vi Hiến và phiên tòa
tuyên Điếu Cày 12 năm tù 5 năm quản chế là phiên tòa không có công lí. Phiên
tòa bộc lộ rất rõ mưu đồ độc ác hãm hại một khí phách Việt Nam, một tâm hồn
Việt Nam nồng nàn yêu nước.
Hoạt động xã hội nổi bật nhất của Điếu Cày không phải là những bài viết
trên trang mạng CLBNBTD mà là ở những hoạt động phản đối Tàu Cộng xâm chiếm
đất đai, biển đảo Việt Nam.
Với chiếc máy ảnh
trước ngực, Điếu Cày lặn lội lên mảnh đất đầu cùng của Tổ quốc Việt Nam ở Đàm
Thủy, Trùng Khánh, Cao Bằng chụp ảnh thác Bản Giốc, ghi vào hình ảnh một mảnh
đất Việt Nam yêu thương đã bị giặc Tàu chiếm đoạt. Thời thực dân Pháp đô hộ dân
ta, làm chủ nước ta, toàn bộ thác Bản Giốc còn là của Việt Nam, đường biên giới
còn cách xa thác về phía Bắc tới 12 cây số. Thời đảng Cộng sản Việt Nam làm chủ
đất nước Việt Nam, thác Bản Giốc chỉ còn phần nửa dưới thấp, phần thác cao hùng
vĩ đã thuộc Tàu Cộng rồi! Điếu Cày chụp ảnh thác Bản Giốc, chụp ảnh vết thương
nhức nhối trên cơ thể Tổ quốc Việt Nam đưa lên trang mạng.
Điếu Cày cầm bảng chữ Hoàng Sa,
Trường Sa của Việt Nam đi đầu trong những cuộc biểu tình liên tiếp, sôi sục đầu
năm 2008 phản đối Tàu Cộng đưa Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam vào đơn vị hành
chính Tam Sa của Tàu Cộng.
Đúng ngày Tàu Cộng đánh cướp
quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam 34 năm trước, ngày 19. 1. 2008, đúng khi Tàu
Cộng đang tưng bừng rước ngọn đuốc Olympic Bắc Kinh đi khắp thế giới và ngọn
đuốc đó sắp qua Sài Gòn thì Điếu Cày cùng những người bạn mặc đồ đen để tang
Hoàng Sa, trên ngực áo có biểu tượng năm vòng tròn Olympic Bắc Kinh là năm
chiếc còng số 8 cạnh hàng chữ Pekin 2008. Nhìn Điếu Cày đứng cao trên thềm Nhà
Hát Lớn Sài Gòn ngực áo mang hình Olympic Bắc Kinh chỉ là những chiếc còng số
8, tay giương cao bảng chữ “Hoàng Sa, Trường Sa Của Việt Nam” bằng chữ Việt,
chữ Anh, chữ Tàu, những kẻ cướp Hoàng Sa của Việt Nam đang có mặt lúc nhúc đầy
Sài Gòn hẳn phải bầm gan tím ruột. Vì sự bầm gan tím ruột đó và cũng vì ngọn
đuốc Olympic Bắc Kinh khi đến Sài Gòn phải được chào đón tưng bừng, 9 ngày trước khi ngọn đuốc
Olympic Bắc Kinh đến Sài Gòn, Điếu Cày bị bắt.
Với những tình tiết trên đủ để
nhận ra quyền lực đòi hỏi phải bắt Điếu Cày không phải là quyền lực Nhà nước
Việt Nam. Những kẻ bầm gan tím ruột vì Điếu Cày chưa thể hả dạ khi khi Điếu Cày
chỉ bị ba mươi tháng tù về tội trốn thuế. Vì thế, sau khi mãn hạn tù trốn thuế,
10. 2010, Điếu Cày lại bị đưa đi biệt tăm để những kẻ bị Điếu Cày chỉ mặt chỉ
tên cướp đất cướp biển Việt Nam tìm được hình thức trừng phạt hủy hoại Điếu
Cày!
Trong thời gian
Điếu Cày bị giam trong bóng tối vô định, có một sự kiện xảy ra cách xa Điếu Cày
hàng vạn dặm mà dường như có liên hệ đến số phận Điếu Cày. Đó là sự kiện Tổng
bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đi thăm Tàu Cộng đã cùng Tổng bí
thư đảng Cộng sản Tàu Cộng Hồ Cẩm Đào kí bản Tuyên bố chung tám điểm ngày 15.
10. 2011.
Điểm thứ tư của Tuyên bố chung
có sáu việc thì việc thứ năm là: “Đi sâu
hơn nữa hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực thi hành pháp luật và an ninh;…
Tăng cường giao lưu và hợp tác giữa các cơ quan như tòa án, viện kiểm sát, công
an, hành chính tư pháp;… tăng cường phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trong việc giữ
gìn ổn định trong nước của mình. ” Thực tế trong quan hệ giữa Tàu Cộng với
Việt Nam, giữa nước lớn quen thói trịch thượng, lấn lướt, áp đặt cho nước nhỏ
thì “đi sâu hợp tác, tăng
cường phối hợp giữa các cơ quan công an, tòa án hai nước” chỉ để cho cơ
quan công an, tòa án Tàu Cộng nhảy vào các vụ việc, can thiệp, áp đặt buộc công
an, tòa án Việt Nam phải thực hiện mà thôi.
Ngày 15. 10. 2011 Tuyên bố chung Việt – Tàu “đi sâu hợp tác, tăng
cường phối hợp giữa các cơ quan công an, tòa án hai nước” được kí kết ở Bắc
Kinh. Ngày 24. 9. 2012, người đàn ông sáu mươi tuổi Điếu Cày bị kêu mức
án man rợ 12 năm tù, 5 năm quản chế bởi một tội danh vu vơ, áp đặt, gượng ép
Tuyên truyền chống Nhà nước, trong phiên tòa ô nhục ở Sài Gòn.
Điều bất thường nữa là, tòa án
định tội và bị cáo nhận tội là việc ở tòa án. Nhà tù chỉ quản lí việc thi hành
án của người tù. Nhưng nhà
tù số 6 Thanh Chương, Nghệ An đã làm công việc của tòa án, ép người tù Điếu Cày
kí vào bản nhận tội. Điếu Cày quyết liệt không kí liền bị quản giáo tống
vào biệt giam. Bị biệt giam vô lí và bị đối xử tàn ác, phi pháp, Điếu Cày gửi
đơn tố cáo lên viện Kiểm sát tỉnh Nghệ An. Chờ đợi không thấy Viện Kiểm sát trả
lời, Điếu Cày phải tuyệt thực đòi công lí.
Lần theo sự việc để xác định
thời điểm Điếu Cày bị ép kí bản nhận tội: Bị biệt giam hà khắc. Gửi đơn tố cáo
lên viện Kiểm sát. Chờ không thấy viện Kiểm sát trả lời đơn. Tuyệt thực. Điếu Cày bắt đầu tuyệt thực từ
22. 6. 2013 thì nhà tù ép Điếu Cày kí vào bản nhận tội vào khoảng từ ngày 10
đến ngày 15 tháng sáu, tạm xác định mốc thời gian cụ thể là ngày 12. 6. 2013
Lại phải nhắc đến một sự kiện
diễn ra cách xa Điếu Cày vạn dặm mà dường như có liên hệ đến việc nhà tù số 6
phải đường đột làm cái việc không thuộc chức năng của nhà tù là ép người tù
Điếu Cày kí bản nhận tội: Sự kiện Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đi thăm Tàu
Cộng.
12. 6. 2013, Điếu Cày bị ép phải kí vào bản nhận tội.
19. 6. 2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đi Tàu
Có phải Chủ tịch nước Trương
Tấn Sang cần có bản nhận tội của Điếu Cày để ông có món quà quí tặng chủ nhà?
Có phải những kẻ bầm gan tím ruột vì lòng yêu nước của Điếu Cày cần có chữ kí
nhận tội của Điếu Cày để hả hê là đã khuất phục được một Giang Văn Minh Việt
Nam thế kỷ hai mươi mốt?
Trước chuyến đi Tàu của Chủ
tịch nước Trương Tấn Sang, nhà tù số 6 Thanh Chương, Nghệ An lồng lộn ép Điếu
Cày phải kí bản nhận tội càng thấy rõ bản án độc ác, man rợ dành cho Điếu Cày
đến từ đâu. Vì cái văn bản thỏa thuận của ông Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt
Nam kí với Tổng bí thư đảng Cộng sản Tàu “Đi sâu hợp tác, tăng cường phối hợp
giữa các cơ quan công an, tòa án hai nước” mà công an, tòa án Việt Nam đang
nhẫn tâm, lạnh lùng đầy đọa đến chết một khí phách Việt Nam, Điếu Cày Nguyễn
Văn Hải!
P.Đ.T
---------------------------------------------
Thụy My - RFI
Thứ bảy 27 Tháng Bẩy 2013
Gần
60 nhân sĩ trí thức trong và ngoài nước hôm nay 26/07/2013 đã kiến nghị lên Chủ
tịch nước và Chính phủ Việt Nam, yêu cầu khẩn cấp giải quyết vụ tuyệt thực của
ông Nguyễn Văn Hải tức blogger Điếu Cày đã kéo dài hơn một tháng.
RFI Việt ngữ đã phỏng vấn giáo sư Tương Lai ở Thành
phố Hồ Chí Minh, một trong những nhân sĩ đã ký tên trong bản kiến nghị.
Nghe
(07:21) : Giáo
sư Tuơng Lai - TP Hồ Chí Minh - 26/07/2013
No comments:
Post a Comment