Song
Chi/Người Việt
Friday, July 19, 2013 6:20:08 PM
Thông
tin về việc blogger Ðiếu Cày tức nhà báo tự do Hoàng Hải tức cựu bộ đội Nguyễn
Văn Hải tuyệt thực kéo dài đã 26, 27 ngày lọt ra bên ngoài khiến gia đình, bạn
bè, những ai quan tâm đến người tù đặc biệt này đều hết sức lo lắng.
Khi tiết lộ thông tin, nhà văn, nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Xuân Nghĩa, bạn cùng phòng giam với blogger Ðiếu Cày biết rằng mình sẽ bị trừng phạt nặng nề. Nhưng ông phải liều trước tình trạng sức khỏe Ðiếu Cày đang gặp nguy kịch mà bên ngoài không ai hay biết.
Khi tiết lộ thông tin, nhà văn, nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Xuân Nghĩa, bạn cùng phòng giam với blogger Ðiếu Cày biết rằng mình sẽ bị trừng phạt nặng nề. Nhưng ông phải liều trước tình trạng sức khỏe Ðiếu Cày đang gặp nguy kịch mà bên ngoài không ai hay biết.
Trong số rất nhiều tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị còn đang bị giam giữ, tên tuổi của blogger Ðiếu Cày từ lâu đã vượt ra khỏi đất nước Việt Nam.
Rất nhiều lần trường hợp của ông được các tổ chức bảo vệ nhân quyền, bảo vệ quyền tự do ngôn luận khác nhau trên thế giới như Reporters sans frontiers, Human Rights Watch, Amnesty International, Civil Rights Defenders... nêu lên để kêu gọi quốc tế chú ý, gây áp lực với nhà nước cộng sản Việt Nam. Cũng như kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam phải trả tự do ngay tức khắc cho ông.
Năm 2009, 6 cây bút Việt Nam trong đó có blogger Ðiếu Cày đã được tổ chức Human Rights Watch trao giải thưởng hàng năm Hellman-Hammett, dành cho những nhà văn, nhà báo đã dũng cảm đấu tranh bảo vệ quyền tự do ngôn luận và bị bức hại vì những tác phẩm của mình.
Trong chuyến viếng thăm chính thức Việt Nam vào ngày 10 tháng 7 năm 2012 cựu Ngoại Trưởng Hillary Clinton cũng phát biểu: “Chúng tôi lo ngại về hạn chế tự do ngôn luận trên mạng và phiên xử sắp tới với những người sáng lập Câu lạc bộ Nhà Báo Tự Do” (“Clinton raps Vietnam on rights, sees limits to ties,” Reuters).
Lên tiếng nhân Ngày Quốc Tế Tự Do Báo Chí, Tổng thống Obama nói “chúng ta không được quên những người khác như blogger Ðiếu Cày” - một trong ba thí dụ ông nêu ra về tình trạng đàn áp báo chí trên thế giới.
Lời lên tiếng được đăng trên trang mạng WhiteHouse.gov của Tòa Bạch Ốc ngày 3 tháng 5, 2012 và được Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ dịch ra tiếng Việt và công bố tại Việt Nam.
Thế nhưng, mặc cho thế giới lên tiếng, nhà cầm quyền Việt Nam không những không chịu trả tự do cho blogger Ðiếu Cày và những người bạn trong nhóm CLB Nhà Báo Tự Do cùng bị tù: Luật Sư Phan Thanh Hải tức blogger Anh Ba SG, cựu đại úy công an, nhà báo, luật sư Tạ Phong Tần tức blogger Công Lý và Sự Thật. Ngược lại, còn đối xử hết sức khắc nghiệt, kể cả hành hạ, ngược đãi trong tù, nhất là đối với blogger Ðiếu Cày.
Ðiếu Cày đã từng bị đánh đập, nhiều lần bị biệt giam ròng rã dài ngày, bị cắt thăm nuôi... Có những giai đoạn nhiều tháng liền gia đình hoàn toàn không được thăm gặp, không biết ông còn sống hay đã chết. Các quản giáo vẫn cho phép gia đình gửi đồ tiếp tế vào cho Ðiếu Cày, nhưng về sau gia đình mới biết những món quà và tiền bạc gửi vào đó họ không hề đưa lại cho ông.
Thâm độc hơn, họ chuyển Ðiếu Cày từ trong Nam ra tận trại giam số 6 Thanh Chương, Nghệ An, đường sá xa xôi để gia đình gặp khó khăn trong việc thăm nuôi. Và tại đây, tin tức mới nhất như vừa nêu, Ðiếu Cày lại phải tuyệt thực để phản đối điều kiện giam giữ quá khắc nghiệt đối với tù nhân nói chung và tù chính trị nói riêng.
Trước đó, theo lời kể của thân nhân Ðiếu Cày, ông đã từng tuyệt thực một lần kéo dài suốt 28 ngày phải đưa đi cấp cứu, sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Bằng những lý lẽ bình thường, ai cũng có thể thấy nhà cầm quyền Việt Nam rất không khôn ngoan khi vẫn tiếp tục giam giữ và hành hạ những tù nhân lương tâm nổi tiếng như blogger Ðiếu Cày và một số khuôn mặt đã được dư luận trong và ngoài nước biết đến.
Ðặc biệt chuyện Ðiếu Cày tuyệt thực lại lọt ra ngoài ngay trước chuyến viếng thăm chính thức Hoa kỳ của ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, theo lời mời của Tổng Thống Barack Obama. Trong bối cảnh Việt Nam cần đến Mỹ hơn bao giờ hết, cả về kinh tế lẫn an ninh quốc phòng trên biển Ðông.
Người ta tự hỏi tại sao nhà cầm quyền Việt Nam lại có cách hành xử bất lợi cho chính mình như vậy. Hay phải chăng có những kẻ không hài lòng về chuyện ông Trương Tấn Sang đi Mỹ, hoặc nói rõ hơn, chuyện Việt Nam đang mong tìm một sự hậu thuẫn nào đó từ Hoa Kỳ qua chuyến đi này?
Trong một môi trường chính trị luôn luôn bị bưng bít và được kiểm soát chặt chẽ như ở Việt Nam, không ai có thể biết được rõ ràng bất cứ điều gì.
Từ đường lối chính sách ngoại giao, thực chất các mối quan hệ bang giao với các nước, phía sau những hiệp định, thỏa thuận được ký kết công khai hay bí mật... Cho đến những chuyện nhỏ nhặt hơn như từng cá nhân lãnh đạo thực chất là người như thế nào, ai thực theo Tàu, ai nghiêng về phía Mỹ...
Tất cả chỉ là suy luận, xét theo những sự kiện bên ngoài hoặc bằng cách “đọc giữa hai dòng chữ” từ những thông tin trên báo chí chính thống.
Trước và sau mỗi chuyến đi sang các nước, đặc biệt sang Trung Quốc hay Mỹ, của các ông lãnh đạo Việt Nam cũng vậy, luôn luôn có những sự “trùng hợp” khiến cho dư luận phải băn khoăn.
Như trong chuyến đi sang Trung Quốc mới đây của ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Ngay trước đó, nhà cầm quyền lại cho bắt khẩn cấp 2 blogger Phạm Viết Ðào, Trương Duy Nhất. Trong đó blogger đồng thời là nhà văn Phạm Viết Ðào, có người em ruột bị hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979, cũng là người từ nhiều năm qua đã tập hợp tư liệu và công bố rất nhiều bài viết về cuộc chiến tranh cố tình bị lãng quên này.
Chẳng khác nào những “món quà” làm đẹp lòng Bắc Kinh.
Ông Trương Tấn Sang từ Trung Quốc trở về với những thông tin hồ hởi về “mối quan hệ tốt đẹp” giữa hai đảng, hai nhà nước Việt Nam-Trung Quốc chưa được bao lâu thì lại có tin ông chuẩn bị đi Mỹ.
Khi tin tức về chuyến đi được chính thức xác nhận vào ngày 11 tháng 7 thì gần như cùng thời điểm, hai tàu cá Việt Nam bị lính Trung Quốc thẳng tay đập phá, ngư dân bị đánh đập với mức độ ngang ngược chưa từng có.
Và ở Hà Nội, Ðại Sứ Trung Cộng Khổng Huyễn Hựu tổ chức họp báo (trễ gần 1 tháng) để nhắc lại những cam kết, thỏa thuận giữa hai nước Việt Nam-Trung Quốc trong chuyến đi vừa qua của ông chủ tịch nước Việt Nam. Là trùng hợp ngẫu nhiên hay một kiểu phối hợp vừa dằn mặt vừa nhắc nhở Việt Nam?
Như thường lệ, nhà cầm quyền Việt Nam im như thóc, không hó hé một lời. Mãi cho đến gần 10 ngày sau, nghĩa là gần kề ngày ông Trương Tấn Sang lên đường thì người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam mới được phép mở mồm phản đối vụ việc. Và báo chí chính thống cũng được phép đồng loạt phản đối.
Chẳng khác nào cố tình cho phía Mỹ biết là Việt Nam cũng phẫn uất với Trung Quốc lắm đây chứ không phải êm ấm như hai bên vừa trình diễn trong chuyến đi vừa qua đâu.
Bây giờ là chuyện blogger Ðiếu Cày tuyệt thực đã nhiều ngày mà trại giam vẫn cố tình bưng bít, cũng chưa vội đưa đi cấp cứu hay có những động tác gì đó để Ðiếu Cày thôi tuyệt thực.
Thử nghĩ nếu có chuyện gì không hay xảy ra với một tù nhân lương tâm đã từng được Tổng Thống Obama ưu ái nhắc đến thì hậu quả sẽ ảnh hưởng như thế nào đến chuyến đi của ông Trương Tấn Sang?
Từ xưa đến nay, nhà nước cộng sản Việt Nam vẫn chuyên trị sử dụng chính sách ngoại giao đu dây giữa các nước lớn và sử dụng tính mạng nhân dân để phục vụ cho những ý đồ chính trị của mình.
Tuy nhiên, nếu những chính sách xảo quyệt ấy có thể đạt được mục đích nào đó trong thời chiến tranh lạnh thì bây giờ, hiện tại và tương lai gần, rõ ràng chỉ có hại cho chính nhà cầm quyền Việt Nam. Khi mọi mối quan hệ giữa các nước cũng như mối quan hệ giữa nhân dân và chính quyền phải được xây dựng bằng sự minh bạch, rõ ràng, bằng niềm tin.
Ðặc biệt tối kỵ việc một nhà cầm quyền sử dụng sinh mạng nhân dân, sinh mạng tù nhân chính trị để thương lượng, mặc cả quyền lợi với nước khác hay để cản phá, thậm chí triệt hại lẫn nhau hoặc cố tình làm lợi cho “nước thứ ba.”
Cuối cùng, điều mà người dân Việt Nam phải suy nghĩ, rằng liệu cái tình trạng chỉ có một thiểu số trong đó có người tù Ðiếu Cày đang phải tiếp tục hy sinh và trả giá đắt vì đã dũng cảm lên tiếng còn cả đám đông vẫn bàng quan, còn kéo dài cho đến bao giờ?
No comments:
Post a Comment