Monday, 24 June 2013

WASHINGTON YÊU CẦU NGA TRỤC XUẤT CỰU ĐIỆP VIÊN EDWARD SNOWDEN VỀ HOA KỲ (RFI / BBC)




Tú Anh   -  RFI
Thứ hai 24 Tháng Sáu 2013

Edward Snowden đã đến Matxcơva vào hôm qua, 23/06/2013, sau hai tuần ẩn náu tại Hồng Kông. Hôm nay, Hoa Kỳ kêu gọi Nga hợp tác dẫn độ cựu nhân viên CIA về Mỹ để trả lời tư pháp. Bị truy tố với tội danh làm gián điệp, Edward Snowden xin tỵ nạn chính trị tại Ecuador, nơi được xem là an toàn nhất. Nga chỉ là trạm trung chuyển trên lộ trình Cuba - Venezuela - Ecuador.

Thất vọng vì thái độ “bất hợp tác” của chính quyền Hồng Kông trong vụ truy nã cựu điệp viên Edward Snowden, Hoa Kỳ yêu cầu Nga trợ giúp bắt cựu nhân viên tình báo CIA và trục xuất về Mỹ.

Hôm nay, từ Washington, phát ngôn viên Cơ quan An ninh Quốc gia Caitlin Hayden kêu gọi Nga “xem xét mọi phương án khả thi tống xuất ông Snowden về Mỹ để trả lời về tội danh của ông ta”. Bà Caitlin Hayden nhấn mạnh đến mối quan hệ “hợp tác chặt chẽ giữa Nga và Mỹ từ sau vụ khủng bố cuộc đua việt dã (marathon) ở Boston và việc thi hành luật pháp kể cả việc trục xuất về Nga những kẻ phạm tội ác”.

Phát ngôn viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ tuyên bố thất vọng về thái độ của Hồng Kông đã để cho Edward Snowden bay sang Matxcơva, bất chấp yêu cầu của Mỹ và hiệp ước hợp tác song phương.
Trong khi đó, nữ Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein, Chủ tịch Ủy ban tình báo đầy thế lực của Thượng viện Hoa Kỳ, tuyên bố dứt khoát là “phải bắt Snowden về Mỹ để xét xử, phải biết anh ta nắm biết được gì và có thể gây tổn hại cho nhiều người”.

Bị Hoa Kỳ truy nã sau khi tiết lộ thông tin tối mật về khả năng gián điệp điện tử của Mỹ, Edward Snowden đã từ Hồng Kông đến Matxcơva vào hôm qua trên chuyến bay của hãng hàng không Nga Aeroflot trên lộ trình sang Ecuador tỵ nạn chính trị.

Cựu điệp viên bị truy nã được một nhân viên ngoại giao không rõ quốc tịch và một chuyên gia luật pháp của Wikileaks tháp tùng. Trưa hôm qua, phóng viên quốc tế nhận thấy một chiếc xe mang số ngoại giao treo cờ Ecuador đậu gần cổng vào phòng tiếp tân dành cho nhân vật quan trọng ở sân bay. Vài giờ sau, chiếc xe rời phi trường, nhưng chỉ có tài xế.

Đang thăm viếng Việt Nam, Ngoại trưởng Ricardo Patino từ Hà Nội xác nhận, chính phủ Ecuador đang “ xem xét kỹ lưỡng ” đơn xin tỵ nạn của Edward Snowden, nhân danh quyền “tự do ngôn luận”. Tuy nhiên, Ecuador là một trong những quốc gia bị xếp vào danh sách trấn áp báo chí thô bạo nhất địa cầu.

Theo báo Nga Kommersant, cựu điệp viên Snowden được tình báo và chính phủ Nga cho phép nhập cảnh mặc dù hộ chiếu bị Mỹ hủy bỏ và không có visa nhập cảnh. Cũng theo nguồn tin này, một người có kinh nghiệm như Snowden sẽ không ở lại nước Nga mà không bị tình báo Nga khai thác. Vấn đề là hộ chiếu của người bị truy nã đã hết giá trị.



--------------------------------


BBC
Cập nhật: 15:56 GMT - thứ hai, 24 tháng 6, 2013

Mặc dù Ecuador xác nhận Edward Snowden xin tỵ nạn với chính quyền nước này và báo chí quốc tế tin rằng ông có kế hoạch bay từ Nga sang Cuba rồi tới Venezuela để rồi đến Ecuador, cựu nhân viên CIA 29 tuổi đã không lên chuyến bay ông có vé rời Moscow.

Theo New York Times 24/6/2013, chuyến bay Aeroflot 150, rời Moscow đi Havana, Cuba lại không có ông ở ghế ngồi số 17A.
Tại sân bay Sheremetyevo Airport, quan chức Nga xác nhận rằng vé đi Cuba đã được bán cho ông Snowden nhưng, theo lời ông Nikolay Sokolov, làm việc cho Aeroflot, ông Snowden đã không lên chuyến bay đó.
Điều này gợi ra các lời đồn đoán rằng có sự lo ngại rằng một chuyến bay như vậy, theo đường bay thường lệ từ Nga sang Cuba sẽ phải qua không phận Hoa Kỳ.
Chính quyền Mỹ đã coi ông Snowden là kẻ ‘phạm tội’ và yêu cầu các nước trao nộp.

Sau khi cựu nhân viên CIA tiết lộ nhiều tin tối mật chạy từ Hawaii sang Hong Kong để công bố nhiều tài liệu, chính quyền Hong Kong đã nói yêu cầu từ Mỹ “không đầy đủ” và ông Snowden có quyền rời vùng lãnh thổ thuộc Trung Quốc này.
Ở thăm Việt Nam, Ngoại trưởng Ecuador, Ricardo Patino nói đơn xin tỵ nạn của ông Snowden đang được "nghiên cứu".
Ngoại trưởng Hoa Kỳ đang ở thăm Ấn Độ, ông John Kerry nói sẽ là điều “đáng thất vọng” nếu cả Nga và Trung Quốc đã giúp “kẻ bị truy nã người Mỹ” trốn tránh nỗ lực bắt ông ta về Mỹ.

Có sự phối hợp?

Các bình luận quốc tế tin rằng có thể đã có “sự phối hợp” giữa Nga, Trung Quốc và Hong Kong trong vụ để ông Snowden rời vùng lãnh thổ châu Á tuy theo luật Anh Quốc nhưng về ngoại giao và quân sự lại dưới sự chỉ đạo của Bắc Kinh.
Bộ trưởng Ngoại giao Patino của Ecuador cũng gợi ý ông Snowden “sẽ còn ở Nga” dù Ecuador nghiên cứu kỹ đơn xin tỵ nạn của ông.

Hiện chưa rõ phản ứng tiếp theo của Hoa Kỳ sẽ là gì.
Chính quyền Mỹ đã coi ông là "có hoặt động do thám, gián điệp".
Điều này có thể được suy diễn thành ý rằng Washington coi ông đã hoặc vẫn cộng tác với tình báo nước khác nhưng không nêu là nước nào.
Các nghị sỹ Mỹ cũng đặt câu hỏi vì sao ông Snowden chọn Hong Kong, vùng lãnh thổ thuộc Trung Quốc để công bố các tài liệu tối mật.
Về phần mình, ông Snowden luôn nói ông chỉ muốn nêu ra các hành vi của giới chức tình báo Mỹ để nêu bật giá trị của tự do ngôn luận.
Cho tới nay, Nga cho rằng họ không hề nhận được giấy truy nã từ Interpol về vụ Snowden.

Tin mới nhất từ London chiều 24/6 cho hay ông Julian Assange, người đồng sáng lập ra trang WikiLeaks, hiện đang cư trụ trong Sứ quán Ecuador ở Anh và không đi đâu được, nói ông biết ông Snowden “đang ở một nơi an toàn”.
Không tiết lộ người Mỹ bị truy nã hiện đang ở đâu, ông Assange chỉ nói Snowden “có sức khoẻ tốt”.
Ông Assane cũng nói theo ông biết thì ông Snowden không chỉ xin tỵ nạn với Ecuador mà còn có thể xin ở một số nước khác.
Trang WikiLeaks thì cho rằng chính quyền Ecuador đã “cung cấp cho Snowden giấy thông hành cho người tỵ nạn”.




3 comments:

  1. phát ngôn viên Cơ quan An ninh Quốc gia Caitlin Hayden kêu gọi Nga “xem xét mọi phương án khả thi tống xuất ông Snowden về Mỹ để trả lời về tội danh của ông ta”. Bà Caitlin Hayden nhấn mạnh đến mối quan hệ “hợp tác chặt chẽ giữa Nga và Mỹ từ sau vụ khủng bố cuộc đua việt dã (marathon) ở Boston và việc thi hành luật pháp kể cả việc trục xuất về Nga những kẻ phạm tội ác”. Nhưng Mỹ không phải là kẻ có thể điều khiển được Nga. Đừng mơ mà Nga giao nộp Snowden.

    ReplyDelete
  2. Ngoại trưởng Ricardo Patino từ Hà Nội xác nhận, chính phủ Ecuador đang “ xem xét kỹ lưỡng ” đơn xin tỵ nạn của Edward Snowden, nhân danh quyền “tự do ngôn luận”. Tuy nhiên, Ecuador là một trong những quốc gia bị xếp vào danh sách trấn áp báo chí thô bạo nhất địa cầu. Những nước bị Mỹ cáo buộc là kẻ thù của tự do báo chí như Ecuado thì này lại đang thể hiện với thế giới rằng nước họ rất tôn trọng tự do ngôn luận và sẵn sàng bảo vệ những con người dám phát biểu những sự thật như Snowden. Nước Mỹ có thấy nhục chưa!!!

    ReplyDelete
  3. Vụ Edward Snowden sẽ giúp cho thế giới khám phá ra bộ mặt xấu xa của nước Mỹ ( dù luôn được che đậy cực kỳ cẩn thận). Mỹ thì thường xuyên " quan ngại về tình hình nhân quyền, tự do báo chí ở Việt Nam". Bây giờ đến lượt Việt Nam có quyền hỏi: ở Mỹ có tự do ngôn luận hay không. Một người dám nói ra sự thật về nước Mỹ sao lại bị Mỹ truy nã gắt gao như một tên tội phạm nguy hiểm?

    ReplyDelete

View My Stats