Mark A. Ashwill
Gửi cho BBCVietnamese.com từ Hà Nội
Cập nhật: 15:34 GMT - thứ hai, 24 tháng 6, 2013
Trong những năm gần đây, Hoa Kỳ đã dành nhân lực tiền tài
đáng kể để cố gắng nhào nặn kẻ thù cũ theo hình ảnh nước Mỹ.
Với một đất nước khao khát học tập, dân số trẻ, theo
Khổng giáo, còn gì tốt hơn là giáo dục? Mục tiêu chung cuộc không chỉ là gây
ảnh hưởng mà còn quyến rũ và chuyển hóa.
Đại kế hoạch
Nền tảng cho các hoạt động liên quan giáo dục của Mỹ ở
Việt Nam là một điện tín thời trước Wikileaks, U.S-Vietnam Education Memo, từ
Sứ quán Mỹ ở Hà Nội mùa xuân 2008. Văn bản tám trang, 4,330 chữ, đầy những nhắc
nhở lạc quan về việc phải nắm bắt cơ hội và tận dụng sự ngưỡng mộ của người
Việt dành cho hệ thống giáo dục đại học Mỹ. Hoa Kỳ được mô tả như một hiệp sĩ
trong áo giáp sáng ngời, với thái độ nói được làm được và tinh thần hào sảng,
sắp đến giúp hàng triệu bậc cha mẹ và học sinh tuyệt vọng người Việt.
Điều ghê tởm về bức điện này không chỉ là ngôn ngữ bạo động,
giọng văn coi thường hay thông tin thiếu chân
thực. Các dữ kiện, con số, phân tích và kết luận rằng hệ thống đại học Việt Nam
đang khủng hoảng đều chính xác và giống như các bài gần như hàng ngày trên
truyền thông nhà nước Việt Nam. Sự ghê tởm là Hoa Kỳ trắng trợn muốn lợi dụng một yếu
kém trong xã hội Việt Nam để có lợi ích địa chính trị. Thử nghĩ về nó như con
ngựa thành Trojan nhằm thay đổi xã hội, mà còn được gọi là diễn biến hòa bình.
Bức điện kết luận: “Chỉ
với một phần nhỏ trong chi tiêu dành cho các chương trình và hoạt động khác
trong vùng, chúng ta có thể tái định hình quốc gia này theo các cách đảm bảo có
tác động tích cực, sâu sắc trong nhiều thập niên tới. Nếu chúng ta muốn Việt
Nam 2020 trông giống Hàn Quốc hơn Trung Quốc, nay là thời điểm hành động.”
Theo cách lý luận này, chính phủ Mỹ, trong giấc mơ, muốn
có tất: quan hệ nồng ấm với Việt Nam, Việt Nam biến hình thành Hàn Quốc và trở
nên lực lượng đối trọng trong vùng với ‘anh cả’ phương Bắc và kẻ thù chung,
Trung Quốc.
Trung tâm Hoa Kỳ
Nhân viên Sứ quán viết tài liệu này có vẻ hoan hỉ đến
chóng mặt trước viễn cảnh Hoa Kỳ có thể tác động đường đi chính trị tại Việt
Nam thông qua trao đổi giáo dục và các hoạt động ủng hộ giáo dục ở Việt Nam.
‘Các trung tâm Hoa Kỳ’ gần đây thành lập đã đóng vai trò quan trọng trong
chiến dịch quyến rũ nhằm chinh phục giới trẻ. Kể từ nhiệm kỳ Đại sứ Michael
Michalak, người tự nhận là ‘Đại sứ Giáo dục’ (tháng Tám 2007 đến tháng Hai
2011), đã có nỗ lực tập thể hướng tới thanh niên, giáo viên và giảng viên đại
học. Nỗ lực này dính líu nhân viên sứ quán, các cơ quan liên hệ như USAID và đủ
loại diễn giả khách mời. Có các loạt bài nói chuyện, chiếu phim, hòa nhạc, câu
lạc bộ sách, hoạt động giáo dục, câu lạc bộ tiếng Anh, Diễn đàn Hoa Kỳ học và
cả trang ‘tự học MBA’ trên trang web lãnh sự Mỹ, đăng thông tin kinh tế và kinh
doanh “được các chuyên gia Mỹ của chúng tôi mang tới Việt Nam”.
Các ví dụ về cách nghĩ và mục tiêu của nhiều hoạt động
này có thể tìm thấy qua các điện tín của phái bộ Mỹ tại Việt Nam trong 10 năm
qua, bị Wikileaks tiết lộ. Một tài liệu như thế, có tựa Nhiều thanh niên Việt
Nam tin tưởng Anh Hai theo dõi Internet, nhắc về một cuộc thảo luận hồi tháng
Giêng 2010 tại Trung tâm Hoa Kỳ ở Hà Nội sau khi chiếu một diễn văn của Hillary
Clinton về tự do Internet. Giả định đằng sau kiểu trao đổi thế này giữa viên
chức Sứ quán và thanh niên Việt Nam là Phương thức Mỹ là Cách tốt nhất.
Một trong những giả định đáng ngờ là người Việt học ở Mỹ
sẽ trở về, không chỉ là bạn của Hoa Kỳ và người dân Mỹ mà còn là bạn của chính
phủ Mỹ. Người ta nghĩ người Việt được đào tạo ở Mỹ sẽ tích cực hướng đến những
tư tưởng Mỹ, bao gồm mục tiêu chính sách của Mỹ và nền hòa bình kiểu Mỹ (Pax
Americana). Các viên chức hy vọng rằng nhiều người sẽ có được vị trí để thi
hành các thay đổi thuận cho Mỹ trong những thập niên kế tiếp và sẽ dễ bảo để
làm vậy.
Giáo dục được xem là công cụ sức mạnh mềm tối hậu, phương
tiện gây ảnh hưởng rất hiệu quả và là tác nhân gây đổi thay sâu rộng trong
chiến lược dài hơi để đạt được trong hòa bình những gì Mỹ đã không có nhờ quân
sự trong Chiến tranh Đông Dương lần Hai.
Ảo tưởng
Những điều này không hẳn là suy nghĩ của Thượng nghị sĩ
J. William Fulbright khi ông đề nghị tạo ra chương trình học bổng hàng đầu của
chính phủ Mỹ. Fulbright từng nói về mục tiêu của trao đổi giáo dục: “Mục đích là giúp người Mỹ làm quen với thế
giới thực sự, và để các sinh viên, học giả từ nhiều nơi làm quen với nước Mỹ
thực sự.”
Như bất kỳ nước nào, Hoa Kỳ có các điểm mạnh và thành tựu
– các mô hình, cách tiếp cận, cách nghĩ – có thể được áp dụng và bắt chước ở
Việt Nam. Mỹ cũng có những khiếm khuyết và các câu chuyện cảnh cáo. Quan niệm
rằng trao đổi giáo dục quốc tế nên đóng góp cho việc chuyển hóa các xã hội khác
theo mô hình Mỹ không chỉ sai lầm mà còn không khả thi và ảo tưởng.
Với những người dành đời mình cho giáo dục quốc tế và tự
xem mình như công dân toàn cầu, mong ước của chúng tôi là đóng góp nhỏ nhoi cho
một thế giới yên bình, công bằng và bình đẳng hơn. Thay vì trung thành với một
đất nước-nhà nước, không gian tri thức, la bàn đạo đức và cảm thức kết nối của
chúng tôi mở ra với toàn nhân loại.
Nếu muốn thực sự trung thành với giáo lý nghề nghiệp của
mình, chúng tôi phải bác bỏ “các lợi ích quốc gia” khi chúng xung đột hay gây
hại cho quyền lợi và khát vọng của đồng loại mình. Vì mục tiêu đó, chúng tôi
phải chống lại nỗ lực của một chính phủ có chính sách ngoại giao bắt rễ trong
chủ nghĩa dân tộc và trâng tráo dùng giáo dục làm vũ khí của sức mạnh mềm.
Chúng ta đừng quên rằng người Việt nên có tự do để quyết
định vận mệnh của mình mà không có can thiệp từ bên ngoài, đặc biệt lại từ một
quốc gia đã là nguồn gốc của nhiều khổ đau.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, giám đốc
điều hành của Capstone Vietnam, một công ty nhân lực có văn phòng ở Hà Nội và
TP. HCM. Từ 2005 đến 2009, ông là giám đốc tại Việt Nam cho Viện Giáo dục Quốc
tế (Institute of International Education).
Học viện Công nghệ Massachusetts là nơi tôi cùng với rât nhiều sinh viên gốc châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật học tập. Quá trình học tập ở đây chỉ cho tôi thấy: thông qua trao đổi giáo dục, ngoài việc quảng bá văn hóa , khoa học kỹ thuật và đem lại lợi nhuận cho các trường đại học Mỹ thì có một mục đích ẩn chứa sâu kín trong đó là truyền bá giá trị và tạo một lớp người yêu quý nước Mỹ trong cộng đồng người Việt. Mục tiêu của Hoa Kỳ là đến năm 2030, có đến 70% số lãnh đạo Việt Nam được đào tạo bởi chương trình của Mỹ. Nếu Bộ giáo dục Việt Nam không nhanh chóng phát triển những trường đại học trọng điểm quốc gia, lọt vào top những trường đại học hàng đầu châu Á thì sẽ rất nguy hiểm.
ReplyDelete