Thứ tư 12 Tháng Sáu 2013
Sau cuộc bỏ phiếu tín nhiệm được đánh giá là "chưa
từng thấy" tại Quốc hội Việt Nam vào hôm qua, 11/06/2013, các chuyên gia
phân tích quốc tế đều đồng loạt ghi nhận là Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng
đã bị một vố đau. Ngược lại, nhân vật được cho là đối thủ chính trị hiện nay
của ông là chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ghi được một bàn thắng trong
"trận đấu uy tín".
Phải nói là nhìn một cách tổng quát, kết quả cuộc bỏ
phiếu tín nhiệm 47 chức danh quan trọng nhất trong chính phủ và Quốc hội hoàn
toàn phù hợp với dự đoán của tất cả mọi người, tức là không có ai bị tỷ lệ
phiếu tín nhiệm thấp quá 2/3 đại biểu để bị buộc phải từ chức theo quy
định.
Thế nhưng, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Việt Nam bị
chậm hẳn lại và chính phủ bị quy trách nhiệm về một loạt những vụ quản lý kém
cỏi và để cho tham nhũng tràn lan, nổi bật là hai vụ Vinashin và Vinalines, các
nhà quan sát đã quan tâm nhiều hơn đến số phiếu bất tín nhiệm liên quan đến các
lãnh đạo.
Sự chú ý lại càng tăng khi trong thời gian qua, giới phân
tích đều cho rằng trong hậu trường sân khấu chính trị Việt Nam, đã diễn ra một
cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa hai lãnh đạo cao nhất trong guồng máy chính
quyền là chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn
Dũng.
Cuộc bầu phiếu tín nhiệm vào hôm qua 11/06/2013, do đó là
một cơ hội hiếm hoi để đo lường uy tín của hai nhân vật này, ít ra là trong
Quốc hội Việt Nam mà tuyệt đại đa số thành viên đều là đảng viên đảng Cộng
sản.
Theo kết quả chính thức được công bố, như vậy là trên
tổng số 492 phiếu hợp lệ, ông Trương Tấn Sang đã được đến 330 phiếu tín nhiệm
cao (66,27%), 133 phiếu tín nhiệm bình thường (26,71%), và chỉ bị 28 phiếu gọi
là ‘tín nhiệm thấp’ (5,62%). Ngược lại, ông Nguyễn Tấn Dũng chỉ được 210 phiếu
tín nhiệm cao (42,17%), 122 phiếu tín nhiệm bình thường (24,5%), trong lúc số
phiếu tin nhiệm thấp lên đến 160 (32,13%).
Hãng tin Anh Reuters ghi nhận : “Thủ tướng Việt Nam đã bị
giáng một đòn công khai hiếm có khi chỉ được không đầy 50% đại biểu hoàn toàn
ủng hộ (…), với 210 trên tổng số 498 dân biểu cho ông phiếu tín nhiệm cao, và
160 người cho ông phiếu tín nhiệm thấp”.
Đối với hãng tin Anh, ông Nguyễn Tấn Dũng như vậy chỉ khá
hơn một chút so với người có kết quả kém cỏi nhất là Thống đốc Ngân hàng Nhà
nước Nguyễn Văn Bình, được vỏn vẹn 88 phiếu hoàn toàn ủng hộ, nhưng bị đến 206
tín nhiệm thấp.
Ngược lại, cũng theo Reuters, các đại biểu Quốc hội Việt
Nam đã chọn Chủ tịch Trương Tấn Sang là người đáng tín nhiệm nhất, với 330
phiếu tín nhiệm cao và chỉ có 28 phiếu tín nhiệm thấp.
Đối với Reuters, kết quả kể trên đã củng cố thêm cho các
lập luận theo đó đang có chia rẽ trong nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay,
giữa hai phái ủng hộ ông Sang hay ông Dũng.
Hãng tin Mỹ AP cũng cùng một phân tích, khi ghi nhận là
đã có hơn 30% đại biểu Quốc hội Việt Nam chỉ tín nhiệm Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng ở mức thấp. Theo AP, đây là dấu hiệu cho thấy rõ là có chia rẽ trong nội
bộ đảng về nhiệm kỳ hai của ông Dũng, trên nguyên tắc sẽ kết thúc vào năm
2016.
Giới phân tích được AP trích dẫn cho rằng kết quả bỏ
phiếu vào hôm qua sẽ không tác động gì nhiều đến vị thế hiện tại của Thủ tướng
Việt Nam, những sẽ bị các đối thủ của ông sử dụng trong những cuộc mặc cả nội
bộ về tương lai của ông. Theo AP, chính chủ tịch Trương Tấn Sang là người được
cho là đối thủ chính của ông Dũng trong các hội nghị kín của đảng Cộng sản Việt
Nam.
--------------------------------------
Thứ
hai, ngày 10 tháng sáu năm 2013 26
nhận xét
Theo
điều 4 Hiến Pháp, đảng lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện nên quốc hội phải đặt
dưới quyền lãnh đạo tuyệt đối của đảng là đương nhiên.
Không cần nói ra nhưng ai cũng biết, hầu như các chức danh quan trọng của bộ máy nhà nước đều do bộ chính trị, ban chấp hành TW của đảng quyết, chọn lựa sắp đặt từ trước và quốc hội chỉ biểu quyết thông qua để hợp thức hóa. Phải nói rằng quốc hội hầu như chưa được bầu chọn một chức danh nào. Vì làm sao mà được bầu chọn, khi mỗi chức danh chỉ giới thiệu ra duy nhất có một người mà người ấy đã được đảng quyết.
Thế nhưng hôm nay, đảng lại chỉ đạo và cho phép quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm những người mà hầu như mình không bầu ra. Một động thái chưa có tiền lệ. Không hiểu việc làm nầy dựa trên cơ sở pháp luật nào không? Các bạn rành luật thử tìm hiểu.
Nhưng dù sao cũng rất hoan nghênh, đại biểu quốc hội đã được nới thêm cho một chút quyền, dù cái quyền ấy cũng rất hạn chế là chỉ được phép chọn lựa "tín nhiệm ít", "tín nhiệm nhiều" chứ không được phép "bất tín nhiệm". Đúng vậy người của đảng tin cẩn đưa lên chức vụ nầy chức vụ khác thì anh là quốc hội có quyền gì mà được phép bất tín nhiệm, anh muốn chống lại sự lãnh đạo của đảng à?
Không biết đảng dựa trên các tiêu chuẩn gì để quyết người nầy làm thủ tướng, người kia làm chủ tịch nước, người kia làm chủ tịch quốc hội, người khác làm bộ trưởng....Thôi đó là chuyện riêng của đảng, người dân và cả các đại biểu quốc hội biết đến làm gì cho mệt, mọi sự có đảng lo.
Tuy nhiên bây giờ đảng cho phép các đại biểu bỏ phiếu tín nhiệm thì người dân phải có quyền đặt ra câu hỏi nầy chứ: Dựa trên cơ sở nào mà các đại biểu tín nhiệm người nầy ít, tín nhiệm người kia nhiều? Hầu như chưa thấy quốc hội, các vị đại biểu, cơ quan truyền thông thông báo chuyện nầy ra cho dân chúng biết.
Thường, để đánh giá một quan chức nào thì phải dựa vào chương trình hành động của quan chức đó trình ra lúc tranh cử (chuyện nầy thì hầu như không có) hoặc ít ra, lúc mới lên nhậm chức. Chương trình hành động là những mục tiêu đề ra và các giải pháp thực hiện để đạt các mục tiêu đó. Ví dụ chương trình hành động của ông bộ trưởng giao thông là đến năm nào đó thì phát triển giao thông đến đâu, làm thêm được những gì, giảm tai nạn giao thông, giảm ùn tắc đến mức nào...và các giải pháp để đạt được các mục tiêu đó là gì...
Một khi đã có chương trình hành động như vậy cho mỗi chức danh, thì bây giờ các vị đại biểu cứ chiếu theo đó mà tín nhiệm ít hay tín nhiệm nhiều và thậm chí đủ cơ sở để dũng cảm tuyên bố bất tín nhiệm một quan chức nào đó, nếu như quan chức đó không làm được bất cứ việc gì theo chương trình hành động đã đề ra.
Tôi chắc chắn rằng chẳng có quan chức nào khi lên nhậm chức thì trình ra trước quốc hội chương trình hành động của mình. Và do vậy, hôm nay, không hiểu các vị đại biểu đánh giá các đương sự trên cơ sở nào để mà quyết định chuyện tín nhiệm ít hay tín nhiệm nhiều?
Cơ sở nào? Cơ sở nào? Cơ sở nào?
Hãy trả lời cho dân biết chứ các vị đại biểu của dân!
HNC
No comments:
Post a Comment