Wed, 06/26/2013 - 04:24 — canhco
Vừa nhận được một email của bà bạn, gửi cho mình ngắn gọn
thế này:
"Tui báo cho bà biết, bà nằm trong danh sách mà người ta gọi là Top 20. Hai mươi người này được phía bạn giao cho chính phủ để "nhập kho". Liệu mà viết.
"Tui báo cho bà biết, bà nằm trong danh sách mà người ta gọi là Top 20. Hai mươi người này được phía bạn giao cho chính phủ để "nhập kho". Liệu mà viết.
Hi hi...xem cái thư này mình không thể nhịn cười. Làm sao một tin tức tuyệt mật như thế lại lọt vào tay của bà bạn tôi, một bà chơi "phây" chỉ để khoe mấy tấm hình của bà và mèo lẫn chó, chưa bao giờ biết viết một status ra hồn...vậy mà biết tỏng những hai mươi người được nhà nước thân chinh để mắt tới. Thật lạ, ai rò rỉ tin này chắc phải là người biết nhiều hơn thế.
Lòng vòng một chốc trên mạng, thì ra tin này từ trang blog của nhạc sĩ trứ danh Nguyễn Trọng Tạo.
Bác Tạo ới ời, tin của bác mặc dù không có tên ai nhưng em thấy ngay một điều rằng ít nhất cũng đúng đến 80% và em tin người ta đã có đầy đủ những chi tiết kết tội cả rồi.
Nếu trốn thuế đã hơi bị "xưa" thì điều 258 có thể điền vào. Kế đó là tội gây mất trật tự nơi công cộng. Cư ngụ bất hợp pháp. Tiết lộ bí mật quốc gia. Vu khống cán bộ nhà nước. Gây mất đoàn kết dân tộc. Khủng bố ... cùng bao tội danh khác đã dành sẵn cho từng người một.
Còn một tội nữa người ta sẽ ghi thêm vào danh sách: Gây chia rẽ tình hữu nghị Việt Trung.
Nếu cái tội này chưa kịp ghi vào Hiến pháp, chính phủ sẽ ra một nghị quyết nào đó thế là mấy ông bà biểu tình, viết bài chống Trung Quốc mặc sức mà đếm lịch.
Có một điều lạ mà trên thế giới không thấy xảy ra ở đâu ngoại trừ Việt Nam: cứ có tin đồn một blogger nào đó sắp bị bắt thì hầu như trước sau gì anh hay chị ta cũng vào tù vì một tội danh nào đó.
Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào là hai người như thế.
Nhân vật Tom Cat mà cộng đồng đoan chắc là công an mạng không còn là ẩn số sau
khi hai blogger nổi tiếng bị bắt, mà ngôn ngữ "phây" gọi là
"nhập kho". Tuy nhiên một phản ứng rất lạ từ hầu hết người viết blog
đó là không ai tỏ ra sợ hãi, chùn tay. Trái lại họ viết mạnh hơn và tỏ ra thách
thức guồng máy an ninh một cách công khai mặc dù biết rằng sự an nguy của họ đang
bị đe dọa.
Công an cho phép rò rỉ những loại tin như thế với mục đích đe dọa và nếu không đạt được mục đích thì sẵn sàng tiến thêm bước nữa mà không cần gì đến dư luận chống đối.
Người ta không thể hiểu được tại sao công an lại có thể quy kết một người hay một nhóm tội phạm mà không qua những thủ tục pháp lý thông thường trước khi tiến hành bắt giữ. Không bằng chứng, không lệnh tòa án cũng không xác định tội mà họ phạm thuộc vào điều khoản nào trong hiến pháp. Công an toa rập với Viện Kiểm sát sáng chế ra những hoạt động phạm tội của người mà họ muốn bắt và tiến hành bắt giam người ấy như một tội phạm nguy hiểm.
Họ tống đạt tin tức gần như bán chính thức, vừa hăm dọa vừa có khả năng biến thành sự thật khiến nhiều người tưởng mình có tên trong danh sách hoang mang, bất định. Chiêu trò này thường kết thúc bằng sự bắt bớ thế nhưng chưa bao giờ người ta thấy một blogger nào đầu hàng.
Nếu xét một cách hời hợt thì hai mươi blogger trong gần chín mươi triệu con người sẽ rất khó gây chú ý của người dân cả nước. Kể cả khi hai mươi người ấy được nhân lên hàng trăm lần bởi bạn bè, độc giả của họ thì cũng không vượt qua nổi cái hàng rào kín như bưng của an ninh mạng bởi tường lửa và đủ thứ hàng trào truy cản.
Lần trước là hai người, lần này là hai mươi người. Gấp mười lần con số blogger có thể bị gom vào nhà giam để gọi là ổn định xã hội thì cái hiệu quả chắc phải có khác đi nhiều.
Hai mươi blogger đó là ai và họ thật sự nguy hiểm như thế nào?
Ai cũng thấy, người chịu nguy hiểm nhất không phải là nhà nước Việt Nam, nếu có chắc cũng rất ít. Cái nhà nước thật sự bị vạch trần là Trung Quốc, bắt đầu từ năm 2007 bằng blogger Điếu Cày cầm biểu ngữ trên đường phố chống lại dã tâm bành trướng của Bắc phương để rồi sau đó phải vào tù vì tội trốn thuế và tuyên truyển chống phá nhà nước.
Sau Điếu Cày là Tạ Phong Tần, Phạm Thanh Nghiên, Anh Ba Sài Gòn, Cù Huy Hà Vũ, Lê Quốc Quân và mới nhất là Nguyễn Phương Uyên cùng hai anh em Đinh Nguyên Kha và Đinh Nhật Huy.
Sáng nay lại có thêm Từ Anh Tú.
Nếu những người này chỉ biểu hiện bằng con số thì quá ít, nhưng khi bằng tên, bằng khuôn mặt, bằng số phận của họ thì khác hẳn. Nó lớn ra vượt ngoài đánh giá của công an và nhà nước. Nó làm loài người xúc động vì họ là những con người thật chứ không phải là những con số vô hồn.
Những con người ấy có khả năng lay chuyển lương tâm thế
giới.
Và cũng vậy, hai mươi blogger sắp bị bắt cũng không ngoại lệ, họ sẽ được biết đến nếu thế giới chưa biết. Họ là những con người không dễ dàng bị khuất phục vì vài lời hăm dọa lẻ loi.
Hai mươi con người với hàng ngàn bài viết có thể làm chế độ lo sợ và lung lay. Họ không phải là những con số nằm im để cho nhà nước ném vào thống kê tội phạm. Hai mươi con người ấy dù không làm được gì lớn lao nhưng chắc chắn là họ không hề thiếu niềm tự hào vì đã dám nghĩ và viết những điều mà 17 ngàn nhà báo Việt Nam không dám.
17 ngàn là con số. Hai mươi người là những con người, những con người cầm viết.
Con số hàng chục ngàn tuy lớn nhưng vẫn là con số. Chúng không thể thay thế những con người, những lương tâm cùng sự thức tỉnh. Những con số lớn lao hơn trên cả nước bao gồm đảng viên, những kẻ a dua, những trí thức đỏm đáng và kể cả những tên cơ hội, tất cả chỉ là con số, mà con số thì luôn luôn cứng ngắt và thụ động. Chúng chờ người khác giật giây, điều khiển.
Con người, hai mươi cái tên trong danh sách Top 20 kia thật đáng tự hào. Mình sẽ thật sự kiêu hãnh nếu được nằm trong cái danh sách ấy.
No comments:
Post a Comment