Nguyễn
Ngọc Già
2013-06-26
Sau Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào, Đinh Nhật Uy,
mới nhất là Từ Anh Tú vừa bị bắt giữ vào sáng ngày 25/6/2013. Nguyên nhân nào,
tội danh gì khiến Từ Anh Tú bị bắt vẫn chưa biết rõ. Tuy nhiên cho đến chiều
cùng ngày, Từ Anh Tú đã được trả tự do [1]. Điều này cũng không có gì đảm bảo
những cuộc quấy nhiễu anh cũng như các blogger khác không tiếp tục trong tương
lai với chi tiết mà RFA cho hay việc bắt giữ Tú có thể liên quan đến cuốn sách
"Bên Thắng Cuộc" - một tác phẩm gây tiếng vang và tranh cãi lớn suốt
nhiều tháng trước đây.
Huy Đức - tác giả bộ sách 2 phần nói trên - đã chia
tay nước Mỹ để trở về Việt Nam sau khi hoàn tất khóa học tại Harvard.
Điều khó hiểu, bất kỳ ai muốn đọc "Bên Thắng
Cuộc" cũng có thể tải về hay đọc trực tiếp miễn phí đầy trên mạng, cớ gì
cần phải bắt giữ Từ Anh Tú nhiều giờ đồng hồ?
Em gái Tú - cô Từ Thị Minh Thu cho rằng anh trai
mình giữ khoảng 20 quyển sách. Nếu đó là sách in, có lẽ điều mà giới cầm quyền
quan tâm: làm sao và ở đâu Tú có những quyển sách đó? Có phải một lần nữa, nhà
cầm quyền tự tố cáo trước dư luận sự kiểm duyệt vô cùng khắt nghiệt nhằm bưng
bít lịch sử suốt 38 năm qua mà nhà báo Huy Đức đã vỡ hoang mảnh đất khô cằn đó,
nhằm cung cấp cho bạn đọc một số sự thật bị che giấu suốt nhiều năm liền? Người
Cộng sản hay tạo sự việc theo họ mong muốn nhằm "nhóng" phản ứng từ
dư luận, trước khi bắt tay vào thực hiện chính thức. Không riêng gì lãnh vực
chính trị, trên khía cạnh kinh tế, luật pháp, họ có những chủ trương, chính
sách hay gọi là "thí điểm", ví dụ phạt cũng có "phạt thí điểm"(!)
Kế hoạch
"bắn" tin
Khác với không khí hơi e dè trước đây, khi giới
blogger bị ruồng bố 5 năm về trước, thời gian sau này việc bắt giữ luôn được
truyền tin nhanh nhất với sự khẩn trương và đi kèm phẫn nộ cũng như pha chút
hài hước hơn là sợ sệt. Dường như ai cũng chuẩn bị tinh thần để bước vào nhà tù
vì biết rõ những gì mình viết về hiện trạng xã hội Việt Nam, không bao giờ giới
cầm quyền Việt Nam lắng nghe và dung thứ, bất chấp viết có viện dẫn và căn cứ
đi chăng nữa.
Trước khi Từ Anh Tú bị bắt một ngày, trên trang cá
nhân, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cho hay [2]: một người tháp tùng trong chuyến đi
đến Bắc Kinh của ông Trương Tấn Sang - Chủ tịch nước, đã báo cho ông Tạo về
"danh sách 20 bloggers có thể bị bắt". Thông tin này không được xem là
chuyện mua vui hay hù dọa và dĩ nhiên, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo không có ý định
cợt nhã với một loại tin như thế. Người tháp tùng trong chuyến đi của ông Sang
không thể là kẻ "vô danh tiểu tốt".
Không ai biết thêm chi tiết về danh sách được cho là
cực kỳ bí mật này cũng như danh sách đó đã tính đến 4 người nói trên chưa. Tuy
nhiên, điều đáng lưu tâm hơn con số "20", đó là thông điệp gì, ý
nghĩa nào mà giới cầm quyền Việt Nam muốn chuyển đến người dân trong nước và
thế giới qua việc tiết lộ này? "Tin dữ" được "bắn" ra từ
Trung Quốc, nơi mà ông Trương Tấn Sang đang viếng thăm chính thức và hội đàm
cùng với người tương nhiệm Tập Cận Bình.
Không thể nói việc tiết lộ của ai đó thông qua nhà
thơ Nguyễn Trọng Tạo là sự buột miệng, bởi những việc nhạy cảm và quan trọng
như thế không thể có sự sơ sảy, thay vào đó, nó nên được xem là giới cầm quyền
cấp cao Việt Nam đã có kế hoạch và cân nhắc kỹ lưỡng khi "bắn" tin
như thế.
Ngày nay, kế sách "man thiên quá hải" hay
"vô trung sinh hữu" vẫn còn được những người tâm đắc với "độc
thủ chi diệu" sử dụng, nó xuất hiện đầy trong các bộ phim võ hiệp kỳ tình
Trung Hoa phát nhan nhản trên tivi hàng ngày.
Đầy trì trệ, lạc hậu nhưng vẫn đắc dụng khi người ta
không thể nghĩ ra những mưu chước cao hơn.
Cũng nên ngạc nhiên một chút, khi ông Nguyễn Trọng
Tạo được chọn làm nơi "phát tán" thay vì một vài cái tên khác có lập
trường không phải dạng "phản biện trung thành" theo khái niệm mà nhà
văn Phạm Thị Hoài sử dụng.
Giả sử biết được danh tánh người tung tin "danh
sách 20 bloggers có thể bị bắt giữ", lúc đó có thể kết tội ông (bà) này vi
phạm vào Luật Hình sự theo điều 88 mục 1 khoản b? Điều này nói rằng:
"Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm
lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân" thì có thể bị án tù từ
ba đến mười hai năm, trong trường hợp đặc biệt có thể lên đến hai mươi năm.
Người đoạt giải Netizen 2013 - Huỳnh Ngọc Chênh cho
biết ông và một số bằng hữu cũng có thể là những người tiếp nối vào tù mà ông
gọi vui là "nhập kho" [3].
Xã hội Việt Nam hiện nay tồn tại nhiều giai cấp,
nhiều thành phần và nhiều xu hướng quan điểm chính trị khác nhau. Do đó, khó
thể đánh đồng việc bắt một vài blogger này với một vài blogger khác, dù cho họ
cùng được xem là bị vi phạm quyền tự do ngôn luận. Đó cũng là sự khác biệt cần
phân tách rõ giữa Đinh Nhật Uy với Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào. Phân tách
ở đây, không phải nhằm coi nhẹ Đinh Nhật Uy hay phân hóa chia rẽ giới blogger
với nhau mà để nhìn thấu vào bản chất câu chuyện, dù hình thức, tội danh bắt
giữ có thể giống nhau.
Nhà thơ Nguyễn Duy đã nói: "Nghĩ cho cùng trong
mỗi cuộc chiến tranh/Phe nào thắng thì nhân dân đều bại”, câu nói mà Huy Đức
tâm đắc đưa vào tác phẩm đầu tay của anh. Do đó, mỗi blogger khi viết về lĩnh
vực chính trị - xã hội cũng nên gắn kết quyền tự do ngôn luận của mình với phục
vụ lợi ích nhân dân. Làm được điều này sẽ có ý nghĩa hơn và mỗi blogger trở
thành từng điểm tựa nhỏ trong một liên kết lớn, vững chãi cho người dân, thay
vì không tỏ rõ mục tiêu của mình.
Những "tấm bùa" vẻ như làm một cuộc
"trấn yểm" cho "tâm thân an lạc" để tập trung viết như:
"không bao giờ là blog phản động", "bàn chuyện văn chương thế
sự" hay bày tỏ tôn kính chế độ, yêu nhân vật Hồ Chí Minh v.v... dường như
không tỏ ra có mấy tác dụng hay có thể thuyết phục được giới an ninh về sự
trong sáng mà chủ blog muốn bày tỏ, nó có vẻ không hiệu quả với những cặp mắt
cú vọ cùng những cái đầu sói.
Tính cho đến nay, "kỷ lục văn minh" nhất
mà nhà cầm quyền Việt Nam dành cho giới blogger là việc đình chỉ điều tra, cũng
như trang báo Tuổi Trẻ đã buộc phải đăng lời xin lỗi chính thức blogger Phạm
Chí Dũng theo yêu cầu của ông.
Không ai không biết tất cả các trang báo tại Việt
Nam hiện nay đều chịu sự điều khiển của "Đảng", cho nên "nhất cử
nhất động" việc làm của hầu hết các trang báo đều có bàn tay giới cấp cao
chỉ huy và sai khiến.
Công
cũng cần biết thủ
Trước đó ít lâu, nhà văn Dương Thu Hương trong một
buổi nói chuyện dài hơn một tiếng rưỡi đồng hồ với đài Chân Trời Mới [4], cho
biết: một trong những "tuyệt chiêu" mà bà sử dụng để buộc nhà cầm
quyền cộng sản Việt Nam phải trả tự do cho bà: đích thân bà, trong lúc bị bắt
giữ, đã thông báo với họ một số bí mật quan trọng trong giới cấp cao mà bà tự
âm thầm điều tra và nắm giữ, sau đó chuyển an toàn qua Mỹ và một số quốc gia
khác, nếu bà bị chết vì bất kỳ hình thức nào thì những bí mật đó sẽ ngay lập
tức được công bố rộng rãi trên toàn thế giới, cộng thêm khoản viện trợ khá lớn
của chính phủ Pháp và phu nhân Tổng Thống Pháp lúc bây giờ can thiệp với phía
Việt Nam.
Có thể hiện nay không có nhiều blogger đủ khả năng
và điều kiện, bản lĩnh để làm như nhà văn Dương Thu Hương từng làm, tuy nhiên,
"Công cũng cần biết thủ" phải chăng là điều nhà văn Dương Thu Hương
muốn chia sẻ qua câu chuyện của bà? Ngón đòn "hồi mã thương" mà giới
blogger luôn biết cần có để phản đòn khi đến lúc nhằm bảo toàn bản thân, có lẽ
là bài học thiết thực? "Hồi mã thương", lợi hại ở chỗ muốn sử dụng nó
hiệu quả, người "chiến binh" phải biết chuyển bại thành thắng, điều
không dành cho những ai ngạo mạn và kiêu căng khi đã chọn nghiệp viết.
Trong cuộc tiếp xúc cử tri mới đây, ông Trương Tấn
Sang nói [5]:
"...nếu không tỉnh táo sẽ thấy xã hội ta đen
như mực, không có ông nào tốt, tuy nhiên đại đa số bà con đều tỉnh táo. Một dân
tộc anh hùng không lẽ để một vài ngọn gió từ các trang mạng làm lung lay”.
Không biết thông tin "danh sách 20 bloggers có
thể bị bắt" từ người tháp tùng trong chuyến đi Bắc Kinh có được ông Trương
Tấn Sang biết đến hay không, nhưng cũng cần đặt câu hỏi: "các trang mạng
làm lung lay" ai, nếu có? Những ai có đủ uy thế và nguồn tin đáng tin cậy
để làm cái việc "lung lay"? Thông điệp mà người tháp tùng ông Chủ
Tịch nước báo cho nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo có nên xếp vào việc "làm lung
lay" chế độ? Nếu người tháp tùng đó được chỉ ra như là lợi dụng chuyến đi
để từ bên ngoài "bắn tin" dội về trong nước gây hoang mang thì ông
Sang có đủ "tỉnh táo" để đưa người đó ra vành móng ngựa trả lời trước
pháp luật?
Một cuộc đấu cờ, đôi khi, các đối thủ cần một trận
hòa để tiếp tục cho những ván kế tiếp. Người chơi cờ chuyên nghiệp, không nhất
thiết phải luôn thủ thắng. Khi các bên biết thỏa hiệp để ván cờ được công nhận
hòa lại là điều cần, tựa như một khoảng lặng nghỉ ngơi, dưỡng sức. Một ván cờ
hòa cũng là ván cờ biết thí những con cờ, dù đắc lực nhưng cần thiết mà đôi bên
đều ưng thuận loại bỏ. Chỉ tiếc cho những thân phận "cờ người".
Cho đến nay một nữ blogger nổi tiếng và cả tai tiếng
cũng như nhiều lần bày tỏ giễu cợt Quốc hội, xem thường nhân vật Hồ Chí Minh
cùng những bài viết khiêu khích, xúc phạm người khác vẫn ung dung tự tại bàn
luận về "chính khách", sau khi dứt nghiệp "ăn lương nhà
nước".
Những cuộc bắt bớ gần đây vẫn chưa rõ lắm tín hiệu
từ giới cầm quyền Việt Nam chuyển đến dư luận. Như một bộ phim kiếm hiệp Tàu,
thông thường các nút thắt và nhân vật chính xuất hiện không phải từ những màn
dạo đầu. Tung hỏa mù làm chệch hướng hay lái suy đoán dư luận cũng là một trong
các thủ đoạn chính trị người ta hay dùng trong chính trường. Việt Nam ngày càng
tỏ ra thiếu những chính trị gia khôn ngoan và cao cờ trong việc tung sự kiện
đắt giá để dẫn dắt và giành giật lợi thế từ dư luận, chí ít, qua vụ tuyêt thực
của TS. Cù Huy Hà Vũ, giới cầm quyền đã nhận "ép phê" ngược. Một số
blogger có vẻ trở thành "vật tế thần" cho các cuộc đấu đá và mặc cả
trong mâm tiệc chia phần quyền lực.
Sói sẽ bị chê cười khi con mồi của nó chỉ toàn là
"cóc ếch nhái". Bởi điều đó làm cho sói mất vẻ hung tợn và đáng sợ,
thay vào đó, nó bộc lộ hình ảnh già nua cùng tài săn bắt thui chột. Một hình ảnh
bất lực làm lụi tàn ngay cả tính đe dọa trong nội bộ bầy đàn của nó, khi chính
những "bạn săn mồi" xâu xé vài "con cóc", dù già hay non.
Hình ảnh này càng làm bệ rạc tính uy nghi của loài săn mồi bầy đàn được cho là
nguy hiểm nhất.
Hãy đón chờ thêm những động thái bắt người phía
trước như lời báo động của viên tháp tùng trong chuyến đi của Chủ Tịch nước,
biết đâu một vài con mồi xứng đáng hơn là mấy con "cóc ếch nhái"
trước khi nhận định tiếp tục. Tuy vậy, luận điểm của ông Phạm Chí Dũng nên được
đồng tình [6]:
"Không khí chính trường trong nửa cuối năm 2013
được hứa hẹn sẽ không quá thâm trầm. Thậm chí là ngược lại".
Nguyễn
Ngọc Già
________________
No comments:
Post a Comment