Friday, 7 June 2013

THƯỢNG ĐỈNH MỸ - TRUNG : TRUNG QUỐC Ồ ẠT ĐẦU TƯ VÀO HOA KỲ (Nguyễn Văn Khanh)




Nguyễn Văn Khanh
Friday, June 07, 2013 5:08:15 PM

“Chính quyền các tiểu bang đều muốn Trung Quốc bỏ tiền đầu tư vì đó là một trong những cách dễ tạo thêm việc làm cho người dân nhất,” ông Silva Yam, chủ tịch Phòng Thương Mại Mỹ-Trung cho mọi người biết trong cuộc hội thảo nói về quan hệ kinh tế, thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Giovanni Vassallo, cư dân San Francisco, đeo mặt nạ với khuôn mặt Chủ Tịch Tập Cận Bình trong cuộc biểu tình phía trước khu nghỉ mát Sunnylands, Rancho Mirage, California, nơi Tổng Thống Barack Obama gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc hôm Thứ Sáu. (Hình: AP Photo/Jae C. Hong)

Ông Yam không nói thì mọi người cũng biết vì nhìn đâu cũng thấy bóng các nhà đầu tư Hoa Lục. Ði xem xi nê, hệ thống rạp AMC đang do người Hoa làm chủ, mua chiếc laptop sẽ nhìn thấy ngay hàng chữ “Made in China,” các bộ phận rời do IBM chế tạo cũng được sản xuất bởi tiền đầu tư của Trung Quốc, ngay cả hệ thống Smithfield Food chuyên cung cấp thịt cho các cửa hàng trên toàn nước Mỹ cũng do người Hoa điều khiển, một phần công ty tư vấn tài chánh đầu tư JP Morgan giờ cũng thuộc về Trung Quốc, và những chương trình đầu tư này được xem là dấu hiệu chứng tỏ sự hợp tác chặt chẽ giữa đôi bên về mặt thương mại, đi kèm với ca ngợi từ Washington D.C: “Trung Quốc góp phần không nhỏ giúp Hoa Kỳ vực nền kinh tế đang còn nhiều khó khăn.”

Chẳng ai ngạc nhiên khi thấy doanh gia Trung Quốc đua nhau bỏ tiền đầu tư ở Mỹ, nhất là sau lời phát biểu hồi 2009 của Tổng Thống Barack Obama, đại để cho rằng tình hình kinh tế toàn cầu bấp bênh, “tôi đảm bảo với các bạn là bỏ vốn đầu tư ở Hoa Kỳ vẫn an toàn nhất.” Thống kê của Bộ Thương Mại Liên Bang cho thấy trong vòng 15 tháng qua, “số vốn các công ty Trung Quốc bỏ vào Mỹ nhiều hơn tổng số vốn của 11 năm trước đó,” tài liệu do Phòng Thương Mại Hoa Kỳ phổ biến cũng nói “nhiều dự án với tổng số vốn lên đến 10 tỷ dollars đang chờ cứu xét,” bảo thêm từ trước đến nay “chưa từng có một lượng vốn đầu tư lớn như vậy đang chờ được sự chấp thuận của chính phủ liên bang và tiểu bang,” chưa kể khoản tiền vốn đầu tư 30 tỷ dollars đã bỏ ra trước đó để làm chủ nhiều công ty của Hoa Kỳ.

Ðợi thì vẫn phải đợi, nhưng “đại đa số các dự án đầu tư của Trung Quốc thường được Hoa Kỳ chấp thuận,” theo lời ông Bill Reinsch của Hội Ðồng Mậu Dịch Quốc Gia (National Foreign Trade Council, thường được gọi tắt là NFTC). “Rất nhiều dự án bị chính phủ liên bang hay tiểu bang buộc phải có những điều kiện đính kèm, nhưng cuối cùng cũng sẽ được cấp giấy phép hoạt động,” ông Reinsch bảo tiếp.

Chuyện nước Mỹ “có vẽ dễ dàng” với những công ty đầu tư Trung Quốc khiến nhiều người âu lo, đã từng có nhiều người lên tiếng chỉ trích, cho rằng phần lớn những công ty mang tiền sang Mỹ đầu tư là những công ty có liên hệ trực tiếp với chính phủ và quân đội Hoa Lục, tức mang danh nghĩa đầu tư nhưng thật sự đi tìm kỹ thuật và tin tức an ninh cho nhà nước Bắc Kinh. Dẫn chứng được đưa ra: các công ty Trung Quốc sẵn sàng bỏ những khoản tiền không lồ để mua lại những công ty Mỹ, đặc biệt nhắm tới các công ty đang hoạt động trong các lãnh vực kỹ thuật, tài nguyên, tài chánh, nông nghiệp và địa ốc, tức “những ngành kỹ nghệ quan trọng nhất của nước Mỹ,” theo nhận xét của chuyên gia Christopher Leonard thuộc Viện Nghiên Cứu New America Foundation ở Washington D.C.

Ông Leonard đưa thí dụ tổ hợp Shanghui bỏ ra tới 4.7 tỷ dollars để mua công ty Smithfield Food, “khoản tiền khổng lồ mà một công ty Trung Quốc bỏ vào một ngành kỹ nghệ quan trọng của nước Mỹ.” Với khoản tiền này, Shanghui “biết tất cả mọi ngõ ngách của thị trường cung cấp thịt ở Hoa Kỳ, biết mọi chi tiết của các cuộc nghiên cứu khoa học dành cho ngành chăn nuôi, đặc biệt là các kỹ thuật khoa học bí mật đang được áp dụng cho kỹ nghệ nuôi heo rất thành công ở nước Mỹ.” Những gì thu thập được, “đương nhiên họ chia sẻ với các viên chức nông nghiệp Trung Quốc, giúp các nông trại ở Hoa Lục trở thành những công ty cạnh tranh với Mỹ trong tương lai.” Ông bảo tiếp, “Ðiều này chỉ xảy ra sau khi Shanghui tìm đủ mọi cách để ‘khám phá’ kỹ thuật chăn nuôi hiện đại của Mỹ, việc cho công ty này bỏ vốn mua công ty Smithfield giúp ước mơ của họ trở thành sự thật.”

Chỉ vài năm trước đây, các viên chức đặc trách cấp giấy phép cho những công ty ngoại quốc muốn đầu tư ở Mỹ thường “đặc biệt” quan tâm đến những công ty của Trung Quốc, nêu thắc mắc về những hoạt động của các công ty này tại Hoa Lục và lý do tại sao họ lại bỏ tiền vào Mỹ. Một trong những sự kiện gây tranh cãi là việc Hoa Kỳ không đồng ý cho công ty Ralls Corp. do Trung Quốc làm chủ muốn mở một cơ xưởng chạy nhiên liệu bằng máy quay gió ở Oregon, lấy lý do nhà máy này “quá gần một căn cứ hải quân của Hoa Kỳ.” Ralls Corp. nộp đơn ra tòa kiện chính phủ Mỹ, đến giờ vụ này vẫn chưa giải quyết xong.

Một vụ khác cũng gây sôi nổi không kém là chuyện hồi 2005, công ty Dò Tìm và Khai Thác Dầu Khí Trung Quốc CNOOC đồng ý bỏ 18.5 tỷ để mua công ty Unocal của Hoa Kỳ. Thay vì nhận khoản tiền khổng lồ này, cổ đông của Unical đồng ý nhận 17.1 tỷ của tổ hợp ChevronTexaco do người Mỹ làm chủ, tạo thành tranh cãi vì CNOOC tin rằng họ bị kỳ thị. Một số cổ đông của Unocal nói rõ với báo chí là họ không muốn công ty lọt vào tay người Trung Quốc, có người còn bảo “thà ăn ít nhưng chắc còn hơn là tưởng được ăn nhiều nhưng chỉ ăn bánh vẽ,” ý muốn nói ChevronTexaco trả tiền ít hơn nhưng chắc chắn sẽ có tiền, bên Trung Quốc trả nhiều tiền hơn nhưng biết đến bao giờ họ mới đưa!

Chính các nhà phân tích kinh tế tại Washington D.C. cho rằng rõ ràng chính phủ Hoa Kỳ đang nỗ lực thu hút vốn đầu tư của Trung Quốc để giúp quốc gia vượt qua những khó khăn kinh tế, cho dù chính phủ biết “những công ty từ Bắc Kinh sang đây đầu tư không chỉ nhắm vào lợi nhuận, mà còn lý do khác nữa,” theo nội dung bản phúc trình của Ủy Ban Quan Hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc gửi cho Quốc Hội Liên Bang hồi năm ngoái, ý muốn nói các viên chức hành pháp đã coi “đầu tư” quan trọng hơn an ninh quốc gia.

Ông Silva Yam, chủ tịch Phòng Thương Mại Mỹ-Trung, không nhìn như vậy. “Kinh tế Hoa Kỳ đang phát triển tốt” là điểm giúp thu hút giới đầu tư nước ngoài, bất kể khoản tiền đó đến từ đâu. “Nếu nhìn kỹ hơn, chúng ta thấy tiền đầu tư của EU được dành cho các quốc gia trong khối này, do đó họ không bỏ tiền sang Mỹ đầu tư.” Khi EU không đầu tư ở Mỹ “đương nhiên khoản tiền lớn nhất sẽ là khoản tiền đến từ các công ty Trung Quốc.”

Ý kiến của ông Yam cũng là ý kiến của ông Derek Scissors, một chuyên gia về thương mại và kinh tế của Viện Nghiên Cứu Heritage Foundation của cánh bảo thủ Cộng Hòa. Ông Scissors cho rằng chuyện Trung Quốc đầu tư vào Mỹ là điều ai cũng có thể đoán biết trước “vì họ có tiền” và sẵn sàng “bỏ tiền vào quốc gia nào họ thấy có lợi nhất.” Ông còn nói giới đầu tư Trung Quốc ngày một “khôn” hơn, biết rằng “sẽ bị dòm ngó” nếu mua những công ty kỹ thuật, dầu khí của Mỹ, cách hay nhất là bỏ tiền vào những công ty được xem là “ít gây tranh cãi hơn.”


No comments:

Post a Comment

View My Stats