Wednesday 5 June 2013

THIÊN AN MÔN - TANK MAN (Nam Phương - Người Việt)




June 3, 2013 · 2 Comments

Để kỷ niệm 24 năm sự kiện Thiên An Môn vào ngày 4 tháng Sáu, 1989, tôi xin viết về người anh hùng vô danh được báo chí thế giới gọi là Tank Man – Người Đàn Ông Xe Tăng.

Tấm ảnh nổi tiếng nhất do nhiếp ảnh gia Mỹ Jeff Widener của hảng thông tấn AP chụp:

Một bức khác do Stuart Franklin chụp cho thấy toàn cảnh đoàn xe:

Bối Cảnh
5 tháng 6 năm 1989, một ngày sau khi chính quyền Trung Quốc ra lệnh thẳng tay đàn áp những người biểu tình tại quảng trường Thiên An Môn, đoàn xe tăng bắt đầu tiến vào Tử Cấm Thành trên Đại lộ Trường An.  Một người đàn ông, 2 tay cầm 2 túi đồ, bước ra đứng sừng sững giữa đường, trực tiếp cản lối đi của đoàn xe tăng hơn mấy chục chiếc.  Xe đến gần nhưng anh không lùi một bước khiến đoàn xe phải dừng lại.  Theo đoạn phim quay được, anh đã leo lên nóc xe tăng đầu tiên và nói chuyện với người lái.  Sau đó, anh bước xuống và tiếp tục đứng cản đường.  Cuối cùng, có 2 người bận áo xanh ra kéo anh vào đám đông bên đường.

Danh Tính và Số Phận
Theo báo Sunday Express của Anh thì người đàn ông này tên Vương Duy Lâm, một học sinh 19 tuồi đã bị cáo buộc tội danh chống phá nhà nước Trung Quốc.  Nhưng điều này không được kiểm chứng và công luận chung đồng ý là anh vẫn là người vô danh. Có nhiều kết luận khác nhau về số phận của anh.  Bruce Herschensohn, cựu trợ lý của tổng thống Richard Nixon, cho rằng anh đã bị xử tử 14 ngày sau sự kiện này.  Trong khi đó thì tác giả Jan Wong viết trong sách của bà rằng anh vẫn còn sống ẩn danh tại lục địa Trung Quốc.  Khi được Barbara Walters phỏng vấn năm 1990, Tổng Bí Thư Giang Trạch Dân nói là ông nghĩ người đàn ông này chưa bao giờ bị giết cả.

Ý Nghĩa Bức Ảnh
Anh là biểu tượng tối cao của sự tranh đấu bất bạo động.  Hình ảnh này cho thấy một người dân bình thường vẫn có thể có đủ can đảm chống lại bạo quyền.  Anh bận bộ đồ đơn giản, quần đen áo sơ mi trắng, cầm 2 cái túi ni lông.  Trông anh như vừa đi chợ mua đồ về và ý định chặn xe tăng chỉ là một quyết định vào phút chót, chẳng có chút chuẩn bị nào.   Anh đã xem nhẹ hành động gan bằng trời!

Mỗi lần nhìn thấy tấm ảnh Tank Man tôi đều nổi da gà.  Phục lòng dũng cảm của anh và thương cho số phận anh trong những ngày kế tiếp. Tiếc là hơn 20 năm qua vẫn chưa ai biết được danh tánh của anh và có lẽ mãi mãi cũng thế.  Nhưng tôi nghĩ anh không cần thế giới biết được anh là ai.  Điều anh cần và điều chúng ta nợ anh là sự công nhận lý tưởng anh vẫn còn dang dở.  Dân chúng Trung Quốc nói riêng và dân chúng dưới các chế độ độc tài nói chung vẫn còn bị đàn áp.  Chúng ta không quên anh cũng như không quên thực tế vẫn còn có những con người sống thiếu tự do và nhân quyền.

------------------------------------------

Tuesday, June 04, 2013 1:55:06 PM

HONG KONG (NYT)Hàng trăm ngàn dân Hong Kong và một số người từ lục địa qua, tối Thứ Ba đã tập họp tại Victoria Park tưởng niệm biến cố trên quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, ngày 4 tháng 6, 1989.

Tối Thứ Ba 4 tháng 6, dưới trời mưa, hàng trăm ngàn dân Hong Kong đã tập họp thắp nến tưởng niệm biến cố tại công trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, vào ngày này 24 năm trước, khi nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc đàn áp phong trào tranh đấu dân chủ. (Hình: Lam Yik Fei/Getty Images)  

Cảnh sát ước lượng 54,000 người tập trung, nhưng các nhà tổ chức nói rằng có 150,000 người tham dự.

Những cuộc tập họp kỷ niệm này không được phép tổ chức tại bất cứ nơi đâu khác ở Trung Quốc nên có  một số người từ lục địa cũng qua tham gia. Hong Kong là một lãnh thổ có quy chế quản trị riêng và dân chúng tương đối vẫn giữ được nhiều sự tự do trong sinh hoạt nên từ ¼ thế kỷ nay mỗi dịp kỷ niệm biến cố Thiên An Môn đều có hàng chục ngàn người tập trung.

Năm nay sự kiện này được thúc đẩy thêm vì thái độ bất mãn với tập đoàn lãnh đạo mới ở Bắc Kinh. Ông Li, cựu chủ bút một tờ tạp chí đến từ lục địa, nói: “Mọi người đều thất vọng vì những mong mỏi buổi đầu về (chủ tịch) Tập Cân Bình nay đã tan biến hết”.

Theo những người biểu tình ở Hong Kong, chưa bao giờ giới lãnh đạo Trung Quốc thật sự có cải cách chính trị.  Nhà cầm quyền Trung Quốc cho đến bây giờ vẫn dùng luận điệu chính thức,  gọi phong trào tranh đấu dân chủ ở Thiên An Môn là mưu đồ chống đảng và cần phải trấn áp bằng vũ lực.

Khi cuộc lể tưởng niệm tại Hong Kong đêm Thứ Ba vừa khởi đầu, trời đổ mưa lớn làm nhiều người phải tản hàng, nhưng nửa giờ sau tạnh mưa cuộc tập họp đầy đủ trở lại mặc dầu hầu hết mọi người đều ướt sũng. (HC)



No comments:

Post a Comment

View My Stats