Trần Gia
Ninh
10/06/2013
(Tử
viết: Tứ nhập nhi bất hoặc子曰:四什而不惑)
Bốn
thập niên hết đánh nhau,
Ngẫm
mình lạc hậu mà đau đớn lòng!
Đã
gần bốn thập niên trôi qua, kể từ 1975. Sau gần bốn thập niên ít đánh nhau, xã
hội Việt Nam hiện nay phân thành hai nhóm lớn, nhóm U50+ (45 tuổi trở lên) và
nhóm U45- (dưới 45 tuổi). Nhóm tuổi trẻ U45- là nhóm ít dính líu trực tiếp với
quá khứ, dù cho lớn lên ở trong hay ngoài nước, đối với họ, thay đổi cái cũ lỗi
thời để Việt Nam có một thể chế hội nhập, tiến bộ, hòa hợp dân tộc, là điều ít
phải bàn cãi. Tuy nhiên, dẫn dắt gia đình và xã hôi, cả kinh tế và chính trị,
cả đức tin và tâm linh, ân oán vay trả hiện tại và tương lai…lại thuộc nhóm
U50+. Do những trái nghiệm cuộc sống, họ phải cân nhắc nhiều điều là tất yếu.
Vì vậy, những điều được viết dưới đây, là những nhận xét không định kiến, với
mong muốn cung cấp cho nhóm U50+, thuộc mọi phía, mọi nơi, một góc nhìn khoa
học khách quan để tham khảo.
Việt Nam
đang ở đâu trên bản đồ chính trị toàn cầu
Hãy
xem ý kiến của người ngoài là các nhà khoa học thế giới (theo wikipedia) đánh giá về
thể chế của Việt Nam.
-
Phân loại theo hình thức hiến định (constitutional form), trong 181 quốc gia
trên thế giới thì có 137 nước Cộng hòa (republic), 38 nước Quân chủ lập hiến
(constitutional monarchy) 6 nước là Quân chủ chuyên chế (absolute monarchy).
Việt Nam thuộc nhóm 137 nước Cộng hòa
-
Xếp loại theo Nguồn gốc quyền lực (power source) thế giới phân ra bốn nhóm:
- Dân quyền (rule of the people – Democracy: Quyền lực là của dân, tức là Dân chủ),
- Quân quyền (monarchy – Quyền lực thuộc quân vương)
- Thần quyền (theocracy – Quyền lực thuộc thánh thần, do người (tự nhận) đại diện thánh thần thực thi)
- Chuyên quyền (authoritarianism)
-
Toàn thế giới có 25 quốc gia Dân chủ đầy đủ (democracy), 53 nước Dân chủ
khiếm khuyết (Flawed democracy). Trong danh sách 78 nước này
không có tên Việt Nam.
-
Việt Nam cũng không thuộc hai loại Quân quyền hoặc Thần quyền vì không có vua
chính thức nắm quyền và không có giáo chủ của tôn giáo nào chi phối quyền lực.
-
Các học giả quốc tế thống nhất xếp Việt Nam vào nhóm Chuyên quyền nhưng không
nhất trí được là thuộc dạng nào của chuyên quyền. Trong nhóm chuyên quyền theo
lý thuyết có bốn kiểu, là Thể chế độc tài (dictatorship), Chuyên chế độc
đoán(Autocracy) Chuyên chế (authoritarian
rule), Toàn trị (totalitarian rule). Các học giả loay hoay xếp Việt Nam hoặc
thuộc dạng Chuyên chế (authoritarian rule) hoặc thuộc kiểu Toàn trị
(totalitarian rule). Toàn trị là một hệ thống chính trị mà nhà nước nắm toàn
quyền cai trị toàn xã hội và khi cần thiết thì tìm mọi cách khống chế mọi măt
đời sống công cộng và riêng tư (Totalitarian rule is a political
system in which the state holds total authority over the society and
seeks to control all aspects of public and private life whenever necessary ).
Như vậy thì việc xếp Việt Nam vào kiểu
Toàn trị là phù hợp định nghĩa. Tuy nhiên sự thật chưa hẳn là như thế, vì
chế độ Toàn trị (như Liên xô trước đây) có đặc trưng là mức tham nhũng thấp, uy
tín (charisma) chính quyền là cao. Trong khi đó Việt Nam lại tham nhũng cao, uy
tín chính quyền thấp. Vì vậy họ xếp Việt
Nam vào một nhóm riêng gọi là Chuyên chế toàn trị
độc đảng (Single Party). Cùng nhóm này
có Trung Quốc, Cuba, Lào, Triều Tiên, Eritrea, Sahrawi,
Turkmenistan. Lưu ý là hơn 20 năm
trước, thế giới có đến hơn 80 nhà nước là độc đảng hoặc thực chất là độc đảng.
Nay hầu hết đã từ bỏ, chỉ còn lại 7 nước nói trên là vẫn kiên trì!
Không bàn chuyện xấu tốt, chỉ cần nhìn
trên bản đồ chính trị toàn cầu mà các học giả thế giới đã vẽ ra, thì thấy hiện
lên một cách rõ ràng sự lạc lõng, phản tiến hóa của thể chế chính trị của Việt
Nam.
Tất
nhiên Việt Nam phải phản bác cách phân loại này. Vậy hãy xem Việt Nam, bằng văn
bản và bằng hành động, tự nhìn nhận mình như thế nào.
Bản chất
của chế độ chính trị và Nhà nước Việt Nam hiện tại
Tại
Hội nghị Trung ương 7 ngày 3-5-2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu
“kiên trì những vấn đề có tính nguyên tắc, thuộc về bản chất của chế độ
chính trị và Nhà nước ta”.
Một
cách chính thức, cho đến 1975 theo Hiến pháp, nhà nước Việt Nam được hiến định
là thể chế dân chủ cộng hòa. Từ Hiến pháp 1980, chính thức Việt Nam công khai tự nhận
là nhà nước chuyên chế, ghi tại điều 2: Nhà nước CHxã hội chủ nghĩaViệt Nam là
nhà nước Chuyên chính vô sản (proletarian dictatorship)
đồng thời là Độc đảng, ghi tại điều 4. Sau sự sụp đổ phe xã hội chủ nghĩa thế giới, Hiến
pháp Việt Nam 1992 vẫn giữ nguyên điều 4 và tuy không công khai ghi nhận thể
chế là nhà nước chuyên chính nữa nhưng cũng không quay lại thể chế dân chủ, mà
chọn cách bỏ trống không định danh nữa. Khi
bổ sung vào năm 2000 và trong dự thảo sửa đổi 2013, ghi nhận thể chế chính trị của nhà nước
Việt Nam là Pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Về khoa học, đó là một thể
chế chính trị chưa hề được xác định, chưa có tiền lệ trên thế giới. Theo thừa
nhận của Đảng Cộng sản Việt Nam, nơi sáng tạo ra khái niệm này, Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa chính là Nhà nước chuyên
chính vô sản (“Tài
liệu bồi dưỡng thi nâng ngạch chuyên viên chính khối Đảng, đoàn thể năm 2012”).
Như vậy, bản chất của thể
chế nhà nước Việt Nam, do chính bản thân đảng và nhà nước Việt Nam thừa nhận,
đúng là Thể chế Chuyên chế Độc
đảng, như sự phân loại của thế giới.
Trên
thực tế, thì thể chế chính trị của Việt Nam hiện nay còn pha trộn thêm đặc điểm
của Thần quyền. Tuy không lấy giáo lý thần linh (như Kinh Thánh, Kinh Quran, …)
làm chỗ dựa, nhưng lại sử dụng giáo lý của học thuyết Marx-Lenin còn hơn kinh
thánh, không được xa rời, dù chỉ một ly. Nên nhớ rằng, ngay cả Trung Quốc, thì
học thuyết Marx-Lenin cũng không được khẳng định là giáo lý. Họ lấy thuyết xã
hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Hoa làm nền tảng, và thực thi chủ nghĩa thực
dụng “mèo trắng, mèo đen”. Đảng Cộng sản Việt Nam
tự nhận và buộc toàn dân chấp nhận vai trò lãnh đạo của đảng như một mặc khải
thần quyền, và trên thực tế cấp ủy đảng, được đặt ở mọi cấp, thực thi chức năng
không khác gì vai trò của chủ chăn tôn giáo. Trong thể chế thần quyền, giáo chủ
đóng vai trò lãnh tụ tinh thần, với quyền khống chế, can thiệp tuyệt đối nhưng
không chịu trách nhiệm cụ thể.
Đảng
Cộng sản Việt Nam không xác nhận vai trò là đảng cầm quyền, đồng nghĩa với
không chịu trách nhiệm thành bại của điều hành (dù di chúc của lãnh tụ quá cố
của Đảng, Hồ Chí Minh, đã xác định rõ ràng, nhưng không được các văn kiện đảng
chính thức ghi nhận). Đảng tự thiết lập cho mình vai trò lãnh đạo, quyết định
và khống chế tất cả nhưng không chịu trách nhiệm cụ thể, giống như thần quyền
vậy.
Thể
chế của Việt Nam cũng pha trộn đặc điểm của chế độ quân quyền, như có vị nguyên
Chủ tịch Quốc hội đã nhận xét, với một vua tập thể, là mười mấy vị trong Bộ
Chính trị.
Tóm lại, ở mọi góc nhìn, hoặc do nhà
nước Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam tự xác nhận, công khai hoặc che đậy,
hoặc là từ phân loại của thế giới, và sự nhìn nhận trên thực tế, thể chế của nhà nước Việt Nam hiện nay là
một nhà nước chuyên chế toàn trị độc đảng pha lẫn thần quyền và quân
quyền. Đó phải chăng là cái mà dân tộc này phải khẳng định và kiên
trì.
Thể chế
chính trị và sự phát triển của dân tộc
All’s
Well That Ends Well (W. Shakespeare), Ende gut, alles gut
(tục ngữ Đức): Kết cục tốt thì tất cả là tốt! Thể chế chính trị nào kết
cục mà mang lại phồn vinh, hạnh phúc thì đều tốt. Trong lịch sử phát triển, chế
độ chuyên chế, toàn trị cũng không phải là hoàn toàn tiêu cực. Thể chế này có
ưu điểm là trong một giai đoạn cần thiết, với sự cưỡng bức theo mục tiêu chấn
hưng dân tộc và nếu có sự cai trị thông minh, hết lòng vì nước, vì dân, dù biện
pháp có tàn bạo, cũng có thể đưa một dân tộc từ yếu hèn lạc hậu nhanh chóng
phát triển thành một dân tộc phồn vinh, hùng mạnh. Những thí dụ như vậy khá
nhiều, ví dụ như Liên Xô thời 1924-1940, Đài Loan thời Quốc dân đảng 1948-1987.
Một thí dụ khác là Hàn Quốc 1960-1990 mà các nhà lãnh đạo Việt Nam lấy làm
gương để biện minh. Hàn Quốc rất tương đồng với Việt Nam, là một nước thuộc địa
đến 1945, sau đó trải qua chiến tranh tàn phá đến năm 1954 mới yên. Nếu nhìn
lại giai đoạn 30 năm 1960-1990 của Hàn Quốc thì rất giống với Việt Nam giai
đoạn 1981-2010: cũng sau chiến tranh tàn phá 6 năm, cũng có sự nghèo khó như
nhau (GDP Hàn Quốc 1960 là 155 US$, Việt Nam năm 1981 là 251$ ), cũng có một
thể chế chính trị chuyên chế độc tài, phản dân chủ. Tình trạng phát triển của
hai nước sau 30 năm như thế nào, xin mời xem biểu đồ dưới đây, lập theo số liệu
từ Nguồn:
WB, IMF:
Sau
30 năm, với mức tăng GDP 34 lần, Hàn Quốc trở thành cường quốc, dù sau đó họ
chuyển sang thể chế dân chủ theo quy luật tất yếu, nhưng công lao của thế hệ
chuyên quyền vì sự chấn hưng của dân tộc Hàn, như Pak Chung Hee vẫn được ghi
nhận. Bằng chứng là con gái của nhà độc tài sau hơn 30 năm lại được dân chúng
bầu làm tổng thống.
Cũng
30 năm chuyên chế, cũng hòa bình xây dựng, cũng cùng mức xuất phát, nhưng Đảng
Cộng sản Việt Nam chỉ đưa đất nước tăng trưởng được 4, 25 lần, bằng 1/8 của Hàn
Quốc. Quốc gia Việt Nam vẫn nghèo nàn lạc hậu. Dù luôn luôn lớn tiếng sự tăng
trưởng là thành tích lớn của lãnh đạo Việt Nam, là ưu việt của chế độ, nhưng
con số so sánh nói trên là bằng chứng không cần bình luận, đâu là sự thật. Chỉ
có thể có một kết luận: Trong bốn thập niên vừa qua, để bảo vệ cái ghế quyền
lực giành được và để củng cố, mở rộng những lợi ích béo bở của mình, giới cầm
quyền đã và đang quay lưng lại với nhân dân. Với một mục đích như thế thì bộ
máy toàn trị đó không thể là nơi tập hợp tinh hoa của đất nước để tạo nên bước
nhảy thần kỳ, như thường được tuyên truyền. Dân tộc Việt Nam
đã bị nhầm lẫn, phải trả cái giá quá cao để đổi lấy một thảm hoạ cho sự chấn
hưng thất bại.
Người
ta cũng thường biện minh rằng, dân chủ, đa nguyên, đa đảng làm cho xã hội mất
ổn định, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội, lấy thí dụ điển hình như nước
láng giềng Thái Lan, nước được thế giới xếp vào loại dân chủ còn khiếm khuyết.
Đó là lý do mà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam viện dẫn để Việt Nam phải kiên
trì những vấn đề có tính nguyên tắc, thuộc về bản chất của chế độ chính trị và
Nhà nước ta,… Muốn nhìn nhận vấn đề này một cách khách quan, hãy so sánh sự
phát triển của Việt Nam và Thái Lan trong hơn 30 năm vừa qua (1980-2012):
Xuất
phát điểm 1980 Việt Nam chỉ kém Thái Lan rất ít, 74% tức xấp xỉ 3/4 Thái Lan
thôi, nhưng đến nay, năm 2012 Việt Nam chỉ còn bằng 26, 8 % tức xấp xỉ ¼ Thái
Lan. Thể chế nào ưu việt hơn cho sự phồn vinh của dân tộc quả thật không cần
bàn cãi. Trường hợp Thái Lan và Việt Nam là một chứng minh, cùng một trình độ
tầm thường như nhau của giới cầm quyền thì thể chế dân chủ đã chiến thắng thể
chế chuyên chế toàn trị độc đảng.
Khi
Đảng Cộng sản Việt Nam tự hào tuyên bố năm 2020 Việt Nam sẽ là một nước công
nghiệp, thì thực trạng sẽ như thế nào? Năm 2012 GDP Việt Nam là 1373$, bằng
Thái Lan năm 1981-82, tụt hậu 30-31 năm. Còn năm 2019 IMF dự đoán GDP Việt Nam
2473$ bằng Thái Lan năm 1985, tụt hậu 34 năm. Khoảng cách thụt lùi so với Thái
Lan không những không giảm mà còn bị nới rộng ra. Vậy thì có còn hy vọng phép
màu nào cho thể chế ưu việt này để đuổi theo hàng xóm, nói chi đến chuyện biến
Việt Nam thành rồng.
Ai
đó cho rằng, so sánh với nước ngoài chỉ để làm rối lòng dân, gây cản trở cho ổn
định, vì sự thật không thể phủ nhận là người dân Việt Nam ta hôm nay ăn no, mặc
ấm hơn hôm qua nhiều, còn muốn đòi hỏi gì nữa đây! Đã gần bốn thập niên kể từ
mốc 1975. Thử nhìn lại các chu kỳ 40 năm đã xảy ra ở nước ta. Thực dân Pháp chỉ
có 40 năm là thời gian 1900-1940 tương đối yên ổn để xây dựng và bóc lột nước
ta. Bảy mươi lăm năm sau, bốn thập niên 1975-2013 cũng là thời gian Cộng hòa Xã
hội chủ nghĩa Việt Nam tương đối yên ổn xây dựng đất nước. Trong bốn thập niên
thực dân Pháp đã dùng một phần của cải của Việt Nam (còn phần lớn bị bóc lột
mang đi) cùng với 95% dân Việt Nam mù chữ để xây dựng hệ thống đường sắt, đường
bộ, cảng biển, sân bay… đã xây dựng Hà Nội, Sài Gòn đẹp nổi tiếng nhất Á châu…
Bây giờ, với trình độ khoa học công nghệ gấp trăm lần so với 75 năm trước
và với 95% dân biết chữ, cũng với bốn thập niên yên ổn, Việt Nam đã hoàn thành
việc nông thôn hóa Hà Nội, Sài Gòn. Hệ thống đường sắt còn kém hơn thời Pháp.
Hệ thống đường bộ, cảng biển cải tiến chắp vá, không xây nổi một đường cao tốc
Bắc –Nam là điều tối thiểu cho hạ tầng bất kỳ quốc gia nào. Việt Nam tự hào từ
thiếu đói triền miên, năm 1990 đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn của thế
giới. Nhưng trước 1945 Nam Kỳ vốn là địa phương xuất khẩu gạo lớn rồi. Người
Việt Nam sướng hơn trước thực ra là sự phục hồi đương nhiên của mọi dân tộc có
sức sống, không phụ thuộc vào lãnh đạo, chưa kể dân Việt Nam đã bị dìm xuống
đáy trước đó do lãnh đạo sai lầm.
Nhìn ra xung quanh thì thua kém xa thiên
hạ. Đóng cửa tự khen cũng không thuyết phục. Đấy chỉ là mấy thí dụ đong đếm
được, chưa bàn đến chuyện cao siêu như sự xuống cấp của đạo đức, sự tụt hậu về
trí tuệ, sự tan rã của văn hóa xã hội, sự chia rẽ, hận thù ân oán vay trả trong
lòng dân tộc. Tham nhũng tràn lan, dân mất lòng tin vào chính quyền, xã hội mất
động lực phát triển. Nhà nước nhìn vào dân mà chỉ thấy kẻ thù. Tự cổ chí kim,
đó là mầm họa của diệt vong, chẳng là chuyện đau lòng lắm chăng!
Bốn
thập niên hết đánh nhau
Thay
đổi hay chết! Tính sao bây giờ
Đối
với một dân tộc, nếu sự thụt lùi ngày càng mở rộng, thì trong cái thế giới
phẳng này, điều đó có nghĩa là sự diệt vong ngày càng gần lại. Chỉ có thay đổi
mới tránh được họa diệt vong. Nhưng nói đến thay đổi, đặc biệt là thay đổi thể
chế chính trị, thì nhiều người lớp U50+ hoặc là ngại ngần, sợ hãi (nhất là U50+
trong chính giới), hoặc là đả phá cực đoan, nuối tiếc vô vọng về quá khứ trước
75 cả hai phía. Một số lớn U50+khác thì an phận chịu đựng. Vì sự kìm kẹp tự
nhiên bởi lớp U50+, lớp trẻ U45- cũng bị thui chột luôn.
Luận bàn
về Thay đổi
Với
người Việt, Kinh Dịch 易經
và tin quẻ bói Dịch dường như là sự chấp nhận đượm màu huyền bí, không phải bàn
cãi (thậm chí còn có người cho rằng, Kinh Dịch là của người Việt, dân Hoa Hạ
học lại!). Tuy vậy, ít người Việt để ý rằng Kinh Dịch chính là môn triết học cổ
đại Đông phương về sự thay đổi.
Phương
Tây thì diễn đạt rõ ràng hơn, khi chuyển ngữ sang Tiếng Anh, họ gọi Kinh Dịch
là Book of Change – Kinh sách về sự thay đổi. Luận ngữ 論語 thiên Thuật nhi 述而 ghi lời Khổng tử: Ngũ
thập dĩ học Dịch, khả dĩ vô đại quá hĩ 五十以學易,可以無大過矣 tạm dịch: Năm
mươi tuổi học Kinh Dịch thì có thể không lầm lỗi lớn. Nói theo ngôn ngữ bây
giờ, đó là để không đánh mất cơ hội phát triển, không bị sự thay đổi tất yếu
nhấn chìm. Đến những tư tưởng cũ kỹ của một xã hội phong kiến trì trệ như vậy
mà còn coi thay đổi là quy luật khách quan, thì trong một thế giới hiện đại
năng động, khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, tất nhiên là phải đặt lên
hàng đầu. Chẳng thế mà khẩu hiệu tranh cử của Obama là “Change, Yes We Can”
(Thay đổi, Chúng ta có thể làm được!”). Thay đổi là khẩu hiệu, là lẽ đời, từ
Đông sang Tây, từ Nam xuống Bắc. Cái gì không cần thiết, không hợp nữa, không
có lợi… thì cần thay đổi. Có thay đổi
mới tồn tại và phát triển đươc. Với lẽ đời như vậy, nếu lấy sự khẳng định
và kiên trì làm phương sách, đại loại như “kiên trì những vấn đề có
tính nguyên tắc, thuộc về bản chất của chế độ chính trị và Nhà nước ta, tiếp
tục khẳng định Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân
dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”
(Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương 7, ngày 3-5-2013), thì
cuối cùng dân tộc này sẽ đi đến đâu?
Với
đời người con số 40 là đã qua hết giai đoạn “tam thập nhi lập三什而立 ”, đã lập thân
xong, không còn phải dựa vào danh vị hay tài sản của cha mẹ nữa và bước sang
giai đoạn “tứ thập nhi bất hoặc 四什而不惑 “, không (được) lầm lẫn nữa. Vậy mà Đảng
và nhà nước Việt Nam sau 40 năm hết đánh nhau, tự nhận “được nhân dân giao
phó”, nhưng lại thất bại trong sứ mệnh phục hưng dân tộc (như đã nói ở trên),
nay vẫn chỉ có cách viện dẫn vào hào quang của tiền bối trước 1975 để giữ quyền
cai trị đất nước, với kiên trì và khẳng định thì có
nhân dân nào lại tin tưởng “giao phó” nữa. Liệu nhân dân với kinh nghiệm bốn thập
niên “tin tưởng giao phó” có còn lầm lẫn được không? U50+ hãy trả lời đi!
Bốn
thập niên cũng là con số thống kê trung bình về số phận của các thể chế chuyên
chế. Vì về bản chất, thể chế chuyên chế dựa vào áp đặt, bạo lực, là mảnh đất để
thù hận, ân oán… nảy nở. Đó là một hệ thống cai trị chứa đựng mâu thuẫn đối
nghịch, địch ta, cho nên sớm hay muộn, theo quy luật cũng bị hủy hoại do tự thân
hoặc ngoại lai. Khác với các thể chế dựa trên sự đồng thuận có thể tự hoàn
thiện để phát triển lâu dài, thể chế chuyên chế hùng mạnh như Nhà nước Xô Viết
cũng phải tan rã. Do có chiến tranh thế giơi II cắt đôi nên Liên Xô tồn tại ổn
định được hơn 70 năm (1917-87). Thực ra nếu tính sau chiến tranh đến khi bắt
đầu sụp đổ (1945-1987) cũng chỉ 42 năm. Tất cả thể chế xã hội chủ nghĩa Đông Âu
cũng trên dưới 40 năm. Hàn Quốc, Đài Loan cũng không quá 40 năm, Gaddafi-Lybia
42 năm, Franko-Tây Ban Nha cũng 41 năm. Các nhà độc tài khác (Mubarak, Suharto,
Hitler…) cũng dưới 40 năm. Trung Quốc thành lập 1949 đến khi mâu thuẫn cực độ,
Mao phải phát động Cách mạng Văn hóa (1967-1978) để xóa đi làm lại. Cho nên
người ta lấy mốc 1979 lúc làm lại, để dự đoán sự thay đổi thực sự của Trung
Cộng sẽ xẩy ra từ 2019 trở đi theo quy luật 40 tức 1979-2019.
Luận
bàn về tuổi 40 không phải chuyện tào lao, vô căn cứ. Theo khoa học về tổ chức
xã hội, bốn thập niên là thời gian trung bình chín muồi của ít nhất ba thế hệ
hành động, là thời gian đủ cho các giá trị đương thời theo quy luật là tách rời
khỏi ảnh hưởng của giá trị ban đầu 40 năm trước. Cho nên thay đổi là đương
nhiên theo lẽ trời. Dân gian cũng có câu: “ai giàu ba họ, ai khó ba đời”, chính
là tổng kết kinh nghiệm của luận điểm khoa học đó. Thực tế nhân loại đã chứng
minh như vây, cho nên Việt Nam cũng không mong chống lại được quy luật đâu. Thay đổi lúc sắp vào tuổi 40 lúc
này là tất yếu, chỉ có điều là phải thông minh, khách quan để làm chủ sự thay
đổi đó mà thôi.
Thay
đổi: Cách mạng hay Cải biến
-
Cách mạng
(revolution) là một sự thay đổi nền tảng của một cấu trúc quyền lực hoặc tổ
chức, xảy ra trong một thời gian ngắn, thường kèm theo cưỡng chế bạo lực.
-
Cải biến
(evolution) là tên gọi mà môn xã hội học mượn từ khoa học tự nhiên, vốn có
nghĩa ban đầu là tiến hóa. Đó là một sự thay đổi thích nghi dần từng bước,
trong một thời gian dài.
-
Thoạt nhìn, ai cũng cho rằng cần phải thay đổi theo kiểu cách mạng mới
cứu vãn được tình hình Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên những ý kiến chần chừ cũng
không phải vô lý. Vì Việt Nam từ 1858-1975 đã bị xâu xé nội bộ và ngoại xâm hơn
100 năm nên ai cũng sợ bạo lực, sợ một cuôc đánh nhau tái diễn. Đến tận lúc này
mà ân oán trong lòng dân tộc vẫn chưa được hóa giải, nếu tiếp tục cách mạng
dựng lên, lật xuống thì ân ân, oán oán bao giờ mới dứt. Hơn nữa, vì vị thế địa
chính trị, kinh tế, và đặc điểm dân tộc, Việt Nam là miếng mồi không thể nhả
của đại cường Trung Hoa. Không cách mạng cũng chết mà cách mạng cũng chết vào
tay Trung Hoa, nhanh hay chậm mà thôi.
-
Với một thể chế chuyên chế toàn trị độc đảng, thì theo quy luật khoa học khả
năng tự hoàn thiện là không thể. Hơn nữa thời gian cũng không cho phép chờ đợi.
Điều đó có nghĩa là giải pháp evolution-cải biến chắc chắn không mang
lại hiệu quả. Thậm chí, như quá trình “đổi mới” đã chứng tỏ, chỉ mở cửa kinh tế
ít nhiều để thích nghi và giữ nguyên chuyên chế toàn trị thì mặt trái của kinh
tế thị trường ập vào, được cơ chế chuyên chế bảo kê, ngôn luận bị bóp nghẹt,
nên tham nhũng lớn mạnh vì không có địch thủ tự nhiên nữa. Xã hội tan nát,
chính quyền tan rã, văn hóa giáo dục lao dốc. Thật là một thảm họa. Và tử thần
phương Bắc chỉ còn chờ để rỉa xác nữa mà thôi.
-
Thành công vĩ đại nhất của loài người hiện nay chính là sự phát triển vượt bậc
của khoa học công nghệ. Khoa Chính trị học có thể học ở khoa học công nghệ một
nguyên tắc thay đổi, gọi là revolutionary evolution – cải biến mang tính
cách mạng, đã làm thay đổi toàn diện khoa học công nghệ ngày nay. Đó là
nhìn hệ thống chính trị-xã hội như một hệ phức hợp đa thành phần
(multi-component complex system). Trước hết là phân tích vị trí và tác động
từng thành phần trong tổng thể. Thay đổi từng thành phần bằng phương thức cách
mạng nhưng theo lập trình định sẵn, sao cho có tác động lớn nhất lên toàn hệ
thống, nhưng lại gây tổn thương ít nhất cho các thành phần khác và không làm đổ
vỡ tổng thể. Tóm lại một câu: Phương thức cải biến có tính cách mạng là cuộc
cách mạng từng thành phần theo lập trình để tạo nên sự cách mạng tự thân ổn
định, không bạo lực trên tổng thể.
Đoán một
quẻ Dịch cho Việt Nam: Cải biến mang tính cách mạng
1.
Đã
đến thời điểm thể chế không thay đổi không được. Kiên trì giữ nguyên thì kinh
tế lạc hậu, tham quan lộng hành, lòng dân không yên, trong lúc giặc phương Bắc
nhòm ngó. “胡元澄: 臣不怕戰,但怕民心之從違耳 Hồ Nguyên Trừng:
Thần không ngại đánh, chỉ sợ lòng dân không theo mà thôi.” (cảnh báo
trước khi mất nước, 1405, đời nhà Hồ). Đến lúc đó thì Đảng cũng mất, dân tộc
cũng diệt vong vì Trung Hoa ngày nay đã chờ cơ hội đồng hóa nhóm dân Bách Việt
cuối cùng là Việt Nam quá lâu rồi.
2.
Trong
giới cầm quyền và liên quan, đa số cũng hiểu biết, cũng ít nhiều có lòng với
dân với nước, nhưng do sợ liên lụy sai lầm quá khứ, sợ bị trả thù, sợ mất quyền
lợi
3.
Xã
hội Việt Nam hơn 120 năm, từ 1858 đến 1975/85, liên miên chiến tranh, đảo lộn.
Tính cách hằn thù thiển cận của người Việt và kinh nghiệm đã qua tạo ra nỗi sợ
hãi cho nhiều người dân về ân oán vay trả, nếu có một sự đảo lộn, đấu đá bạo
lực nữa.
4.
Sự
kiện 1975 đúng ra phải là mang lại bình yên nhưng sai lầm liên miên những năm
sau đó đã chia rẽ dân tộc: Chia rẽ giữa kẻ thắng người thua, giữa kẻ thắng với
kẻ thắng, người thua với người thua. Đến nay dân tộc vẫn không nhìn về một
hướng.
Cuộc
cải biến có tính cách mạng phải lập trình sao cho giải quyết triệt để, yên ổn
bốn yếu tố đó, theo thứ tự từ dưới lên trên thì sẽ cải biến cách mạng được hệ
thống tổng thể.
Luận
giải quẻ Dịch cho Việt Nam trên cơ sở khoa học thì thấy có thể hóa giải nếu
biết những việc chắc chắn sẽ xảy ra, chủ động thì hay, thụ động thì dở, sớm thì
tốt, chậm thì xấu:
a)
Hành động pháp lý để Chấn hưng Dân tộc: Ngay lập tức, với danh nghĩa toàn
dân hãy xây dựng một “ Hiến chương Chấn hưng Đất nước”, thông qua Trưng cầu Dân
ý (Referendum) hoặc Hội nghị Diên Hồng. Nội dung ngắn gọn có ba nguyên lý. Một
là chọn các tiên đề xã hội trong Tuyên ngôn Độc lập Mỹ và Tuyên ngôn nhân
quyền và Dân quyền Pháp thể hiện tại Tuyên ngôn Độc lập 1945 Việt Nam làm cơ sở
xây dựng nhà nước Việt Nam. Hai là kể từ ngày ra Hiến chương này, tất cả
những gì xảy ra trước đó là thuộc về lịch sử, không được hồi tố, trừ tội phạm
hình sự. Ba là Hiến chương này không được thay đổi, chỉ được bổ sung
những điều không trái với những điều đã ghi lần đầu. Hiến chương này thông qua
thì các yếu tố 2, 3, 4 đã được giải quyết về pháp lý.
b)
Động tác vì hòa hợp và tôn trọng xã hội: Cũng nên nhắc
chuyện Liên Xô, sau khi sụp đổ, Leningrad dù đã có lịch sử hơn 70 năm oai hùng,
cũng đã trở về tên lịch sử là St. Peterburg. Cho nên, bây giờ Việt Nam nên theo
đạo đời, trả lại tên cho Sài Gòn. Thay vào đó là mở rộng thành Vinh thành ra
một thành phố độc lập, bao gồm cả bốn huyện Nghi Xuân, Nghi Lộc, Hưng Nguyên,
Nam Đàn và đổi tên thành TP Hồ Chí Minh, quê hương của Hồ Chí Minh. Sài Gòn nên
góp tay cùng dân Nghệ Tĩnh xây dựng một TP Hồ Chí Minh bền vững và hợp lòng
người hơn. Tỉnh Nghệ An như vậy cũng thu gọn lại hợp lý hơn và nên chuyển thủ
phủ ra Cầu Giát. Chuyện này trước sau gì cũng xảy ra. Biết trước mà chủ động
thực hiện bao giờ cũng có lợi hơn cho dân tộc.
c)
Việc làm theo đạo lý tâm linh: Nhìn vào lịch sử cổ kim, tất cả các nền
văn minh nào có tục tôn thờ xác ướp, như Ai Cập, Inca, Liên Xô… cũng đều biến
mất dạng trong lịch sử. Việt Nam không có tục lệ đó nay nên cần tránh xa. Du
nhập một phong tục thờ người quá cố trái với truyền thống, trái với ý nguyện
người đã khuất là phạm vào điều cấm kỵ của tâm linh. Vì vậy nên tôn trọng ý
nguyện của Hồ Chí Minh để an táng thi hài như di chúc. Làm đúng nguyện vọng
người đã khuất là tôn trọng “nghĩa tử là nghĩa tận” để vong linh người đã khuất
được siêu thoát tạo phúc lành, giúp chấn hưng dân tộc.
d)
Thể hiện trách nhiệm đồng hành cùng dân tộc: Đảng Cộng sản Việt
Nam đã từng có những thành tích được lịch sử ghi nhận. Cái gì thuộc về lịch sử
thì nên lưu giữ cho lịch sử, đừng để hậu thế làm sứt mẻ. Hiện nay, như bất kỳ
tổ chức lớn nào, ba triệu đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam có nhiều khuynh
hướng khác nhau, và tất là có mâu thuẫn phát sinh. Nếu không lường trước để
giải quyết thì có thể sẽ lặp lại những sự kiện lịch sử đã xảy ra năm 1956 ở Hungary
và 1968 ở Tiệp Khắc. Vin vào yêu cầu “ngầm” của một nhóm lãnh đạo Đảng Cộng
sản, Liên Xô đã đưa quân vào Budapest, Praha bắt các lãnh tụ cải cách, áp đặt
sự thống trị chuyên chế. Nếu một việc tương tự như vậy xảy ra với Việt Nam thì
quân Trung Quốc sẽ lập tức khống chế toàn bộ Việt Nam, dân tộc Việt Nam sẽ bị
đồng hóa do bản chất của Đại Hán là như vậy, không phải như Liên Xô đối với
Hungary, Tiệp Khắc đâu. Vì vậy, Đảng Cộng sản cần tự nguyện tách thành hai
đảng, cùng với mục tiêu chấn hưng dân tộc, nhưng chỉ khác nhau về phương thức,
để các đảng viên tự nguyện chọn lựa thuộc nhóm nào. Sự chọn lựa tự nguyện vừa
giải quyết được mâu thuẫn, ngăn chặn sự xâm lăng của Trung Quốc, tránh trở
thành tội đồ của dân tộc, vừa hợp đạo lý phát triển văn minh. Vả lại việc chia
tách này cũng đã có tiền lệ tốt đẹp là phong trào Cộng sản quốc tế tách thành
Quốc tế Cộng sản đệ nhị và đệ tam. Hệ thống các đảng và nhà nước xã hội dân chủ
châu Âu hiện nay là di sản quý báu của sự chia tách đó.
e)
Hoàn thiện nền tảng chấn hưng đất nước: Đến lúc bốn điểm a, b, c, d hoàn
thành thì bước vào bầu cử Quốc hội Lập hiến, chỉ có nhiệm vụ soạn thảo hiến
pháp mới, sau khi quốc dân thông qua thì giải tán và bầu cử Quốc hội Lập pháp.
Mọi chuyện đang tranh cãi như tên nước, quốc kỳ, chính phủ, tòa án, đảng phái,
quân đội, công an… chỉ còn là chuyện của kỹ thuật lập hiến, lập pháp, dễ dàng
giải quyết trên nguyên tắc đồng thuận, dân chủ.
Năm
việc làm trên đây đều thuận lẽ trời, hợp đạo đời, không khó thực hiện trên thực
tế, chỉ khó thực hiện trong đầu óc của lớp U50+. Vì mong để lại phúc cho con
cháu chúng ta, hãy gạt bỏ mọi toan tính, hằn thù, vay trả mà thay đổi!
5/2013
T.
G. N.
Tác
giả gửi trực tiếp cho BVN.
No comments:
Post a Comment