Wednesday 5 June 2013

SỰ NGHÈO NÀN THÊ THẢM CỦA VĂN HÓA SÁCH Ở VIỆT NAM (Vương Trí Nhàn)




08-05-2013

 Viết về tình trạng của những con đường bảo đảm giao thông đi lại ở nước VN cổ, một nhà nghiên cứu nước ngoài đã dùng đến hai chữ ấu trùng.
       Tôi nghĩ rằng cũng có thể  dùng hai chữ ấy để mô tả tình trạng của sách vở ở ta từ xưa tới nay 
       Gần như dân ta chưa biết làm sách, lại càng không tạo ra được một không gian có ý nghĩa tinh thần cho sách tồn tại và phát triển.   
        Sự nghèo nàn của văn hóa sách Việt Nam là một căn bệnh kéo dài kinh niên trong lịch sử.


1. Văn hóa Việt Nam thường được miêu tả qua các phương diện như tín ngưỡng tôn giáo lễ tiết, thi cử, các ngành nghệ thuật, rồi phong tục tập quán, các nghề thủ công, nhà ở, đồ ăn thức uống.
     Giở những cuốn lịch sử văn hóa quen thuộc từ Việt Nam văn hoá sử cương (1938) của Đào Duy Anh, qua Văn minh Việt Nam (1943) của Nguyễn Văn Huyên, Hiểu biết về Việt Nam (1954) của P.Huard và M.Durand, không đâu người ta thấy nói tới nghề làm sách và vai trò của sách trong xã hội.

   Bắt đầu từ quan niệm  Đọc lướt qua các bộ Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử thông giám cương mục, thấy những chữ lên ngôi, thiết triều, hạ chiếu, chinh phạt, khởi loạn, rồi ban thưởng, xướng họa,... đầy rẫy và lặp đi lặp lại dày đặc bao nhiêu thì chữ sách, đọc sách, soạn sách, dịch sách hiếm hoi bấy nhiêu. Chưa một triều đại nào trong quá khứ có thời giờ nghĩ nhiều đến sách và coi sách là việc lớn của vương triều mình.

    Phải công nhận trong khi ghi chép và phân loại thành tựu văn hóa trong quá khứ, Lịch triều hiến chương loại chí Phan Huy Chú đi xa hơn cả. Tác giả đã dành cả một chương mang tên văn tịch chí ghi lại sách vở các đời.

    Thế nhưng đó vẫn không phải là lịch sử sách, càng không phải là sự trình bày quan niệm về sách, vai trò của sách vở trong đời sống của người Việt. Mà lý do chính là vì trong xã hội bấy giờ, những ý niệm này chưa xuất hiện, tác giả có muốn cũng không làm được.

    Trong khi đó chỉ cần đọc lướt qua những cuốn lịch sử những nước có nền văn hóa phát triển người ta thấy ở xứ người, sách đã được quan niệm đầy đủ ra sao và  được dành cho một vị trí như thế nào. Sự ra đời của những cuốn sách lớn được ghi nhận như những cái mốc lớn lao đánh dấu thành tựu của cộng đồng trong việc chinh phục thiên nhiên và tự nhận thức về mình, làm chủ cuộc sống của mình.

    2. Đi vào cụ thể một số mặt trong văn hóa sách.

   Về kiểu loại sách: Nếu trên phương diện kinh tế, hàng hóa chúng ta sản xuất ra đã  quá nghèo nàn về mẫu mã và chủng loại thì ở sách cũng có tình trạng tương tự. Sách được hiểu chủ yếu là các tập thơ tập văn. 
    Trong khi đó, cả ở phương Tây lẫn phương Đông, xuất bản phẩm có nghĩa rộng hơn nhiều, sách thường tổ chức theo một hệ thống thể loại chặt chẽ, bao gồm đủ loại từ các biên khảo, các sách biên niên sử, rồi từ điển và bách khoa thư. Việc làm một cuốn sách một bộ sách có khi được người ta dành cho cả một đời người.

   Về nội dung sách: Trong cuốn Bản sắc văn hóa Việt Nam, nhà nghiên cứu Phan Ngọc, khi tìm hiểu thư mục di sản văn hóa Hán Nôm Việt Nam đã chỉ rõ trong số 6000 quyển sách tạm gọi là tiêu biểu cho tâm thức của trí thức Việt Nam trước khi tiếp xúc với văn hóa Pháp, có quá nửa là sách học để đi thi, các bài mẫu, các sách giảng về các kinh truyện, các bài thơ phú viết theo lối văn chương hàn lâm mà lại bị làm cho tầm thường đi. 
     Tức theo Phan Ngọc, đây chỉ là một nền xuất bản phục vụ cho việc học để làm quan! 
       Trong số 70 quyển thuộc loại nông nghiệp có 9 quyển nói về địa bạ, 4 quyển về cách kê khai ruộng đất, 5 quyển về đê điều, 18 quyển về việc đóng thuế, còn lại là nói về các thổ sản. Trong sách về thủ công nghiệp chỉ thấy nói về tiểu sử các ông thành hoàng các nghề...

 Bảo quản giữ gìn sách: Sau khi được sao chép ra với số lượng ít ỏi, sách chỉ có cuộc sống ngắn ngủi.
    Ta hay đổ cho nước ngoài - rõ nhất là thời kỳ quan quân nhà Minh sang đô hộ - tịch thu và tiêu hủy nhiều sách của ta. Song theo Phan Huy Chú, trước đó sách từng là nạn nhân của những cuộc khởi nghĩa, khi Thăng Long bị cướp phá, sách vở đã bị đốt rất nhiều.
   Về sau này, trong các thế kỷ XVII- XVIII, cho tới XIX , tình hình cũng chẳng khá hơn đến mức hai nhà nghiên cứu người Pháp là L. Cadiere và P.Pelliot đã khái quát “ không ở đâu mà cái gia tài kiến thức của một dân tộc  lại tan biến nhanh như vậy”( dẫn theo Tạ Chí Đại Trường, lời mở đầu của sách  Lịch sử nội chiến ở VN từ 1771 đến 1802 – SG  1973)

  Giao lưu với nước ngoài  Một phương diện nữa đánh dấu sự phát triển của văn hóa sách một quốc gia là khả năng quốc gia đó trao đổi sách vở cùng các tài liệu in ấn  nói chung với quốc gia khác, tức là vấn đề xuất nhập khẩu sách (từ đây mở đường cho những cuốn sách lớn trở thành tài sản chung của nhân loại).

    Trong một tài liệu viết về thư tịch chữ Hán ở Nhật Bản (in trên tạp chí Nghiên cứu văn học ra ở Hà Nội số 4-2008), tôi thấy người ta cho biết triều đình Nhật có cả một Thư viện gọi là Văn khố hoàng gia, sau gọi là Sảnh thư, chuyên cất giữ sách Trung Quốc. Một văn khố khác mang tên Văn khố Hồng diệp sơn hoặc Văn khố nội các, hoặc Quốc lập công văn thư quán, đến nay còn lưu giữ 185.000 quyển. Đại khái có thể ước tính 50% điển tịch đời Tùy, 51,25 % điển tịch đời Đường đã được nhập vào xứ sở Phù Tang.

    Tài liệu trên còn đưa ra một con số: tới đầu thế kỷ XIX từ 70 đến 80% sách in ở Trung Quốc đã được chuyển sang Nhật. Mà ở Trung Quốc sách in ra lúc đó đã tới 100.000 loại (loại chứ không phải cuốn ).

    Còn ở Việt Nam thì sao? Trên tôi đã nói là sử ta không mấy khi nhắc tới việc buôn bán trao đổi sách.
     Chỉ đọc cuốn Lịch sử Đông Nam Á của D.G.E.Hall, một  giả người Anh ( lần đầu in ở SG trước 1975, 1994 được in lại ở HN)  tôi mới thấy ghi thời thế kỷ XVII, chúa Trịnh từng có lệnh cấm truyền tay sách Trung Quốc (sách này do những người Tàu nhập cư mang vào).
     Sang đến đời Nguyễn vua quan có chú ý hơn tới việc học hỏi Trung Hoa qua sách vở, nhưng chưa thể nói là đã có một chủ trương, đừng nói là có một cách tổ chức hợp lý, cho việc du nhập sách ở nước ngoài . Đây cũng là tình trạng giao lưu văn hóa bị hạn chế ở ta suốt thời trung đại.

    Có lần tôi được nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết ngày xưa các vị quan đi sứ, khi về hàng hóa bị kiểm tra rất ngặt nghèo, chỉ có hai thứ được khuyến khích là thuốc quý và sách.
     Nhập hàng theo lối tiểu ngạch như vậy, mà lại nhỏ giọt, nên khi mang về sách trở thành quá ư là quý hóa, thường người mang về chỉ giữ cho riêng mình.
     Tệ nhất là trường hợp nhiều vị trong số các sứ giả ấy  –  vốn không hề có ý thức rằng mình là sứ giả văn hóa – có được sách  mang về liền giấu giấu diếm diếm  rồi thuổng luôn của người ta, lấy của người làm của mình hoặc coi đó làm mẫu, mô phỏng theo. Một đôi khi người có sách lại  kín kín hở hở mang ra khoe nhưng chỉ là để trộ thiên hạ và làm giá cho bản thân.
     Sách ngoại như vậy là chết luôn sau khi vào xã hội Việt, hỏi còn đâu vai trò kích thích việc làm sách trong nước.

 TT&VH  25/01/2009 
------------------------------------------


30-05-2013

Số lượng
       Thống kê của các cơ quan văn hóa mà báo chí đăng lại 12-4 -2013  cho biết tính ra người Việt một năm chỉ đọc 0,8 một cuốn sách.
     Trên mạng thấy có người đã đem con số này ra so sánh với thế giới. Thì thấy ví dụ người Trung Quốc là 4,23 cuốn/người/năm. Thái Lan, Malaysia đều cao hơn so với Việt Nam.

     Thói quen khai vống khai liều để lấy thành tích vốn không lạ với xã hội ta.  Trong chuyện kinh tế còn thế nữa là trong văn hóa. Văn hóa là dễ lấp liếm hoặc nói bốc lên nhất.
     Thành thử con số 0,8 ở trên chỉ có thể dùng tạm.
      Cái gọi bằng sách trong thống kê này hẳn bao gồm thượng vàng hạ cám đủ loại khác nhau và ở đó chắc chắn có nhiều tập giấy in chứ không thể gọi là sách được. Sách không ra sách, sách bất thành nhân dạng có tỷ lệ lớn. Có những cuốn không hề được lật ra, không hề  được đọc, sau khi in ra chỉ xếp vào các thư viện chờ ngày thanh lý.

      Hồi mới bung ra trong làm ăn, đã thấy có tình trạng một số  sách  bán chạy phải khai ít đi để trốn quản lý phí. Nhưng cái thời đó qua đi rất nhanh.  Mà số lượng sách được đọc nhiều theo kiểu đó cũng chẳng phải là dấu hiệu tốt đẹp gì. Làm sao có thể coi cái sự chạy theo thời thượng ở một xã hội tiểu nông là tốt đẹp được?
      Nay là một thời khác. Nhiều tập thơ  thì tuy ở ngoài ghi cũng là in 1000, thực ra chỉ in một vài trăm, vì thơ có bán được đâu. Nhưng các nhà thơ thích làm thế để cho thiên hạ biết là mình được đọc nhiều lắm.
      Một số sách dịch ở ta được in ra là do tài trợ nước ngoài. Muốn xin được nhiều tài trợ người ta phải giả dối khai cao lên để nhận tiền, ví dụ sách in chỉ một ngàn nhưng đề hẳn ở sau là ba ngàn. Nói dối người nước ngoài ở ta không bao giờ bị lên án cả.

  Hình thức bên ngoài cũng là dấu hiệu chất lượng
      Có những điều chúng ta đã quen mắt nên thấy bình thường. Nhưng đặt vào một khung cảnh xa rộng sẽ thấy rõ thực chất hơn.
     Có lần trên TV giới thiệu sách VN mang bày tại Đại sứ quán Pháp để khách quốc tế tới xem. Trên màn ảnh chỉ thấy những cuốn sách mỏng dính nhưng lại lố lăng lòe loẹt.
   Có người sẽ cãi đó chỉ là cái hình thức bên ngoài? Không, tình trạng của  nội dung cũng là tương tự.
    Kỹ thuật biên soạn ở ta chỉ ở vào trình độ làm sách của những nước lạc hậu nhất trên thế giới.
    Nội dung đầu ngô mình sở lam nham, cách trình bầy sắp xếp luộm thuộm.
    
   Trong các báo cáo thường cũng nhấn mạnh là có nhiều sách phục vụ đại chúng bao gồm từ nông thôn đến biên giới hải đảo. Nhưng trong giới người ta đều hiểu ngầm với nhau các loại sách phục vụ nhiệm vụ chính trị này được làm rất cẩu thả.
     Sách giáo khoa cũng thế. Cẩn thận trong chi tiết lặt vặt nhưng lại cũ kỹ xơ cứng trong những vấn đề  lớn. Chỉ oai hơn ở chỗ được coi là sách chuẩn.
     Ngay cái mà ta gọi là các công trình nghiên cứu, hoặc các giáo trình là niềm tự hào của các trường đại học, thì cũng là công trình thô sơ, không thể nói là đạt tới trình độ của nghề viết sách trên thế giới hôm nay .
     Sự nhếch nhác trong loại sách cao cấp này còn bộc lộ ở chỗ một số cuốn chỉ  lược thuật sách của nước ngoài mà tác giả lại cứ làm như mình viết ra. Tiếng trong nghề gọi là thuổng, luộc.
    Các nhà văn đồng nghiệp của tôi còn hay có cái ảo tưởng hão hiền là lúc nào một tác giả VN  sẽ được giải Nobel văn chương.
    Theo tôi biết, các nhà nghiên cứu thực thụ – cả bên  khoa học tự nhiên lẫn khoa học xã hội – thì biết mình biết ta hơn.  Họ thừa hiểu cái chuyện từ nay tới lúc có những cuốn sách được dịch ra tiếng nước ngoài, nghĩa là góp phần vào guồng máy nghiên cứu của họ – ngày đó xa lắm.

   Những bước thay đổi vô nghĩa.
    Ở Hà Nội trước 1975 , thỉnh thoảng một người làm báo như tôi cũng được thấy vài cuốn sách in ở phương Tây do người đi nước ngoài mang về.
    Không rõ nội dung, chỉ cần nhìn vào cách in ấn đã thấy ta đi sau họ mấy thế kỷ.
    Thời nay thì kỹ thuật chúng ta nhập vào đã mang tới một sự tiến bộ. Có một số cuốn cũng làm được như sách Tây sách Tầu. Nói chung là sách đẹp, nuột nà hơn trước nhiều.
   Nhưng nhiều khi những cuốn sách đẹp đó lại không phải là những cuốn có giá trị về mặt nội dung.
   Hoặc đó là  của mấy người buôn bán có tiền quay ra chơi bời viết sách làm sang.
    Phổ biến hơn là sách của những cơ quan nhà nước muốn khoe mẽ, lấy vẻ trang trọng bên ngoài che đi phần nông cạn bên trong. Ngoài ra còn có loại sách cấp dưới làm để tô son đánh bóng cho cấp trên, ra cái vẻ sếp của mình  cũng là những tác giả. Sách để bầy. Sách đẹp cho không. Loại này càng chẳng có ma nào đọc.

       Sự lưu hành của sách
       Tháng 4-2011, tôi đến Văn Miếu xem một ngày gọi là hội sách. Người ta phải bán kèm sách bằng cách tổ chức các cuộc đố vui, thi lấy thưởng. Và phát sách tự do. Từ đấy mới xảy ra cái chuyện hi hữu là có người xông vào cướp sách.
   Nhớ lại một chi tiết trong truyện Khổng Ất Kỷ của Lỗ Tấn. Nhà nho này có tật đi chép thuê cho nhà nào thì hay thó luôn sách của nhà đó, khi bị phát giác ông ta cãi lại một cách gọn lỏn “Ăn cắp sách không có lỗi.”
   Trong giới những người ham đọc cũng có một câu ba vế như sau
-- Có sách hay mà không mang khoe là một sai lầm
--Trông thấy sách hay mà không hỏi mượn là một sai lầm lớn hơn
-- Mượn được sách hay mà không thó luôn  làm của mình là một sai lầm không thể tha thứ được.
     Thế tức là phải thấy “có yếu tố tích cực” trong việc sách được người ta xông vào cướp. Là hay là đáng mừng chứ gì?
     Không, tôi biết mấy người xông vào cướp sách lần ấy không yêu sách quý sách đến thế. Họ chỉ hăng máu làm theo người khác. Thấy xông vào ăn cướp là vui thì cũng làm theo, mình giật được cái mà người khác không giật được chẳng vui là gì. Sau khi cướp được sách có người không buồn nhìn xem cuốn sách mình cướp được là gì, chỉ thầm nghĩ có thêm ít giấy về làm việc vặt. Có người vứt luôn ngoài cổng.
     
    Vẫn có những người đứng đắn lo viết sách  như sự nghiệp đời mình.
     Nhưng nỗi đau khổ thường trực của họ là hiện nay là sách ra, như rơi vào khoảng không. Không được giới thiệu trên mặt báo. Không được thảo luận. Muốn gây được dư luận, nhất là phải có tiền, bạo chi. Mấy người hiện nay hội đủ những điều kiện đó?!


05-06-2013

Tiếp tục câu chuyện về nỗi thê thảm của sách

Tại sao lại có tình trạng thê thảm của sách như tôi đã nói ? Ta hãy cùng tìm tới những nguyên nhân đã lùi về xa.

Nỗi thê thảm của trí tuệ
Năm 1954, khi Hà Nội đón đoàn quân từ Việt Bắc trở về, các trường trung học cũ chuyển thành trường cấp II cấp III, trong số những điều nhiều thanh niên học sinh mới lớn chúng tôi được truyền thụ và phải nhập tâm là tinh thần thực tiễn.
Cái anh này có vẻ sách vở quá! Từ lúc nào tất cả đều hiểu đó là cái câu dùng để chê nhau, mặc dầu chúng tôi đang sống với sách, đang đi học.
Trong chốn học đường, không gì lố bịch hơn là một người thích đọc sách.
Mấy chục năm qua đi, rồi cái tinh thần vô sư vô sách ấy đã được chính thức hóa trong tất cả các cấp học trong mọi bộ môn.
Thà một cây chông trừ giặc Mỹ
Hơn ngàn trang sách luận văn chương

Một trong những câu thơ Tố Hữu mà tôi nhớ nhất là cái câu chà đạp lên sách như vậy.

Sài Gòn sau 30-4, hẳn nhiều người còn nhớ giữa những phố xá bán đầy hàng cũ, có cả những con đưởng sách. Sách cũng được bày bán như mọi thứ hàng tầm tầm khác
Trước đó ở đồng bằng Bắc bộ và khu bốn cũ sau Cải cách ruộng đất, sách vở trong các gia đình địa chủ có học cũng bị mang nhóm bếp tất.
Bởi sách vở là tinh hoa nên phải chịu chung số phận với mọi bộ phận ưu tú trong xã hội là người giàu (tinh hoa trên phương diện làm ăn) và kẻ sĩ (tinh hoa trên phương diện nhận thức cuộc sống.)

Từ tạm thời bỏ sách
đến đoạn tuyệt với kiểu sống cần sách vở

Khi mới bước vào cách mạng và kháng chiến, nhiều thanh niên VN lúc ấy tự nhủ: nay là thời vứt sách. Tức một thời điểm bất thường. Chỉ có hành động là quan trọng. Không được trù trừ phân vân. Không được tính trước tính sau gì cả. Chẳng những phải vứt sách mà phải quên hết những điều sách vở đã nói với mình đã dạy dỗ mình.
Cái tinh thần xấu hổ mà bọn tôi tiếp thu được ở HN sau 1954 vốn có nguồn gốc là thế.
Với hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng hô hào vứt sách lúc đó là cần thiết.
Chỉ có điều cách mạng cứ khó khăn mãi. Cái khẩu hiệu đáng lẽ chỉ có quyền trương lên tạm thời biến thành khẩu hiệu vĩnh viễn.
Có cả một phong trào bài bác trí tuệ bài bác sách vở, trên thực tế là triệt hạ mọi sách vở tử tế, triệt hạ mọi đầu óc có suy nghĩ.
Để rồi khi cần lại tạo ra một loại sách vở mới, tạo ra lớp người viết sách mới.
Chỉ có điều, do đã cắt đứt hết mọi mối liên lạc với lịch sử, nên cái mới này sẽ mang bộ mặt thê thảm và một chất lượng kém cỏi hiếm thấy.

Những cuốn sách bị cấm
Bài trước tôi đã kể ấn tượng mãi về những cuốn sách Pháp gọn gàng mộc mạc mà lại nuột nà, sách của những nhà Gallimard, Grasset, Hachette. Sách vừa đẹp vừa nhã, giấy không trắng quá, chữ in rõ ràng. Cầm quyển sách cứ nhẹ bỗng mà đọc vào lại thấy một nội dung thật nặng, thật nghiêm chỉnh.
Đó là số sách mà trong chiến tranh chống Mỹ Đại sứ quán Pháp ở Hà Nội tặng cho Hội nhà văn VN. Hồi ấy còn nhiều nhà văn biết tiếng Pháp nên đó là cả một kích thích thú vị cho những người ham hiểu biết.
Nhưng có lệnh từ trên là không được cho dịch đã đành, mà cũng không được phổ biến rộng rãi. Tổng thư ký Nguyễn Đình Thi dặn bà Huệ phụ trách Thư viện , chỉ những nhà văn cỡ trung kiên được gọi là thường vụ và những người được ông Thi trực tiếp đồng ý mới được mượn.
Cái có giá trị và được cả thế giới công nhận phải được coi cái xa lạ hơn thế nữa, hư hỏng sai lạc, không bằng những cái ta làm ra(!).
Sự tự cô lập về mặt trí tuệ là đầu mối của mọi thảm họa trên mọi phương diện khác.
Sau chiến tranh, số phận những cuốn sách của những tác giả nổi tiếng trong văn học phương Tây hiện đại ấy đã có phần thay đổi.
Nay là lúc các nhà làm sách đua nhau tìm xem có loại nào đang trở thành thời thượng ở phương Tây thì dịch ngấu dịch nghiến, tung ra cho độc giả xài.
Nhưng lớp độc giả nghiêm chỉnh xưa đâu còn nữa và cái mà ta tưởng đáng tiếp thu nhận ngay có khi lại là những bọt bèo rác rưởi của một phương Tây đến ngày nay ta vẫn chưa thật hiểu.
Tôi kể những chuyện này để lưu ý rằng nền sách vở mà chúng ta xây dựng về sau ở vào một độ lùi đáng kể với sách thế giới, và chúng ta cứ thế mà tụt hậu mãi.

Việc nào tác hại hơn?
Chỗ đau nhất của sách thời nay như vậy là ở sự lộn sòng giữa sách thực và sách giả, giữa cái không phải là sách và sách thực sự. Và theo tôi hiểu không thời nào sự lộn sòng đó công khai và tràn lan như bây giờ.
Ai cũng có thể rút ra kết luận đó nếu có lần vào đọc ở các thư viện công cộng. Ở đó, sách cũ sách có giá trị thì bị xếp xó. Sách mới , những cuốn sách cạn cợt nông nổi thì được trưng ra thật đẹp và sự thực là trở thành cần thiết với một lớp trẻ chỉ biết lao vào thi cử, nghĩa là nói y hệt điều người ta đã nhét vào đầu mình để ăn điểm.
Giá mang đặt lên bàn cân hai sự kiện, một là việc rẻ rúng những cuốn số sách cũ có giá trị và hai là việc làm ra vô vàn những cuốn sách mới nghèo nàn mỏng mảnh kém coỉ giả dối rồi lại thượng chúng lên như những tài sản vô giá mà con ngưởi thời nay gửi cho tương lai, không rõ việc nào gây tác hại hơn.

Thời nay sách đã được viết như thế nào?
Tại một tỉnh nọ khi có chủ trương lập ra Hội văn nghệ thì một cán bộ tuyên huấn được cử sang phụ trách. Anh em xì xào ông này không phải nhà văn. Ông ta tức lắm, liền bỏ tiền ra thuê một người viết một cuốn tiểu thuyết.
Tiền in đã có cơ quan lo.
Còn tiền trả cho người làm thuê? Ông ta đã có cách là lập ra một Hội đồng xét giải rồi tự cho mình giải thưởng. Sau này ông ta còn dùng cuốn sách đi thuê người viết nói trên làm bằng để xin vào Hội cấp trên nữa. Tính ra có cả lãi đơn lãi kép.
Trường hợp trên, tôi chỉ nghe kể, chứ không tận mắt chứng kiến. Sở dĩ tôi sẵn sàng tin và muốn mọi người cùng tin, vì nó chỉ là biểu hiện tập trung của một sự thực.
Là thời nay, mối quan hệ giữa sản phẩm là sách và các chủ thể viết sách, mối quan hệ ấy đang có một sự đứt gẫy đổ vỡ hoặc nói như một thuật ngữ xã hội học – đang bị tha hóa. Người ta viết sách rất cẩu thả, không phải viết bằng con người lao động chăm chỉ trong mình mà viết như làm hàng, viết như ăn cướp.
Thỉnh thoảng báo chí đã nêu đích danh những vụ đạo văn. Nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng.
Còn rất nhiều trường hợp khác, tuy không dùng lại câu cú chữ nghĩa của người khác, nhưng tinh thần của toàn bộ cuốn sách người ta đứng tên là đi mô phỏng đi thuổng đi nhặt nhạnh rồi mông má lắp ghép lại, chữ hồi trước gọi là cao đan hoàn tán .
Đã không thấy sự có mặt của một tác giả trong những cuốn sách làm hàng ấy.
Thế thì có khác chi ông cán bộ đi gọi người viết thuê vừa nói ở trên?
Sự thê thảm bộc lộ ngay trong những cuốn sách bề ngoài hào nhoáng.

Một loại tác giả “ăn khách” chỉ có ở thời nay
Nhà thơ nọ công tác ở một vùng công nghiệp. Luôn luôn anh có thơ in ra và số lượng in các tập thơ của anh thường hơn hẳn các đồng nghiệp ở TW.
Hỏi ra mới biết sở dĩ thơ anh “bán” chạy như vậy nhờ tác giả có mối quen thân với những người làm công tác tuyên truyền và thi đua trong vùng. Sách anh in được đưa vào tủ sách của các công đoàn cơ sở và làm phần thưởng cho các cá nhân có thành tích trong các đợt thi đua địa phương. Tích lại nhiều năm số lượng in lớn có gì là lạ.

Sách dùng để làm gì?
Thời nay có nhiều nhà văn người ta chỉ nghe tên mà không ai kể ra được là ông ta có tác phẩm nào cụ thể. Không phải đó là người lười viết. Tổng cộng sách đứng tên ông cũng vô khối. Chỉ có điều đó là sách nắm sách mớ, sách in ra mà như đứa trẻ hữu sinh vô dưỡng.
Thế sách các nhà văn đó viết đi đâu?
Nhớ một mẩu chuyện vui vui.
Tại quầy cho mượn sách ở một thư viện, người ta thấy một độc giả lùn tịt mè nheo với người thủ thư:
-- Tôi đã bảo chị cho tôi mượn một trong những cuốn sách dày kia cơ. Cuốn nào cũng được, càng dày càng tốt.
-- Ơ cái anh này! Đó đâu phải là sách dùng cho chuyên ngành của anh?
-- Không, tôi không cần đọc. Tôi chỉ cần mượn để kê cao chỗ ngồi.
Nhiều cuốn sách ngày nay sở dĩ  là được in ra, được đọc , được trích dẫn được trao giải thưởng nữa, nếu hiểu kê cao theo nghĩa bóng, thì cũng chỉ là để kê cao chỗ ngồi của người viết và người sử dụng mà thôi!




No comments:

Post a Comment

View My Stats