Chủ nhật 23 Tháng Sáu 2013
Khẩu chiến Mỹ-Trung về tình báo trên mạng đã trở nên cực kỳ gay gắt, với
một lời đả kích nặng nề hiếm thấy được hãng
tin chính thức của Trung Quốc đưa ra ngày hôm nay 23/06/2013. Bắc Kinh đã phản
ứng dữ dội sau các tiết lộ liên tiếp của cựu chuyên viên tình báo kỹ thuật Mỹ
Edward Snowden, về các hoạt động gián điệp mạng của Hoa Kỳ nhắm vào Trung Quốc.
Dù đã rời Hồng Kông, nhưng
rõ ràng là Snowden đã trở thành công cụ giúp Bắc Kinh nêu bật vai trò «đầu sỏ»
của Washington trong các vụ tấn công tin học hiện nay.
Đối với Tân Hoa Xã, Hoa Kỳ là một « tên đại côn đồ
trong thời đại hiện nay » trong lãnh vực tấn công tin học. Theo hãng tin có
thể gọi là tiếng nói chính thức của Trung Quốc này, thì những cáo buộc mới nhất
liên quan đến việc Hoa Kỳ dọ thám các mạng điện thoại di động Trung Quốc «chứng
tỏ rằng Hoa Kỳ - từ lâu nay luôn cố gắng tự cho mình là một nạn nhân vô tội của
các cuộc tấn công mạng – thực ra là một tên côn đồ vĩ đại nhất trong thời đại
hiện nay ».
Tân Hoa Xã nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ « phải giải trình
» về vấn đề này với Trung Quốc và các quốc gia khác bị Mỹ dọ thám, phải cho thế
giới biết « quy mô và mục tiêu của các chương trình tin tặc của Mỹ ».
Những lời đả kích dữ dội của Trung Quốc – lẽ dĩ nhiên là
thông qua báo chí của họ - đã được đưa ra ít lâu sau khi Edward Snowden, cựu
nhân viên kỹ thuật làm việc cho Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ NSA, đã tiếp tục tố
cáo các hoạt động gián điệp của Hoa Kỳ nhắm vào Trung Quốc, lần này là việc
đánh cắp các tin nhắn lưu hành trên mạng lưới điện thoại di động của Trung
Quốc.
Trong bài phỏng vấn – được cho là thực hiện ngày
12/06/2013 - dành cho tờ báo ra ngày Chủ nhật tại Hồng Kông, tờ Sunday Morning
Post, ông Snowden khẳng định rằng cơ quan NSA của Mỹ đã chặn xét được hàng
triệu tin nhắn gởi trên các hệ thống điện thoại di động Trung Quốc.
Trả lời tờ báo Hồng Kông, nhân vật này khẳng định : « NSA
đã làm đủ mọi thứ, chẳng hạn như thâm nhập màng lưới điện thoại di động Trung
Quốc để ăn cắp tất cả các tin nhắn SMS của quý vị ».
Theo ông Snowden, vào năm 2009, NSA còn tấn công các máy
chủ của Pacnet, một công ty đặt trụ sở tại Hồng Kông và điều hành một trong
những mạng lưới cáp quang rộng lớn nhất trong khu vực, cũng như Đại học Thanh
Hoa có uy tín tại Bắc Kinh, trung tâm của sáu mạng tin học lớn, cho phép truy
cập dữ liệu internet của hàng triệu người Trung Quốc. Các vụ thâm nhập vẫn tiếp
diễn vào tháng Giêng năm nay.
Cựu nhân viên hợp đồng của NSA còn xác định rằng, ông có
đầy đủ bằng chứng về những lời tố cáo của mình, với các tài liệu cho thấy chi
tiết các cuộc tấn công vào các máy tính ở Hồng Kông và Trung Quốc, trong khoảng
thời gian bốn năm.
Các tiết lộ của Snowden với báo
Sunday Morning Post tại Hongkong là những cáo buộc mới nhất được cựu nhân viên tình báo này đưa ra kể từ
ngày 05/06/2013, khi hai nhật báo The Guardian của Anh và Washington Post của
Mỹ tiết lộ về các hoạt động thu thập thông tin do Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ
NSA tiến hành, nhắm vào các dữ liệu điện thoại và internet.
Từ khi xuất hiện các tiết lộ «động trời» của ông
Snowden, Trung Quốc đã có thái độ hết sức hoan hỉ, vì những cáo buộc nhắm vào
Mỹ, và nhất là những vụ liên quan đến các hành động do thám nhắm vào Hồng Kông
và Trung Quốc đã gián tiếp củng cố cho lập luận của Bắc Kinh, theo đó, họ
thường xuyên là nạn nhân của các hành vi tin tặc đến từ Mỹ.
Lập luận nói trên cho đến nay vẫn bị đón nhận với một
thái độ bán tín bán nghi, nhưng với những tiết lộ của cựu nhân viên làm việc
cho cơ quan tình báo Mỹ NSA, quan điểm của Trung Quốc đã được củng cố thêm.
Ngoài ra, các tiết lộ của Snowden đã thu hút sự chú ý đến
các hoạt động tình báo mạng của Mỹ, làm cho dư luận bớt quan tâm đến hoạt động
rất lộng hành của tin tặc Trung Quốc trong những năm gần đây, vừa bị tố cáo là
có hậu thuẫn của quân đội Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, cũng dễ hiểu là Bắc Kinh đã tận dụng tối đa vụ Snowden,
và cựu kỹ thuật viên tình báo này đã mặc nhiên trở thành công cụ được Trung
Quốc khai thác trong chiến dịch nêu bật Hoa Kỳ là nước « đầu sỏ » trong
các vụ tấn công tin học, trong lúc Trung Quốc chỉ là một nạn nhân.
---------------------------------------
Chủ nhật 23 Tháng Sáu 2013
Phải chăng sau khi khuấy động quan hệ Mỹ-Trung, cựu kỹ thuật viên tình báo
Mỹ Edward Snowden đang đi tìm một nơi tỵ nạn « an toàn » ? Theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post vào chiều nay, nhân vật
này vừa rời Hồng Kông trên một chuyến bay của hãng hàng không Nga Aeroflot để
đến Mátxcơva. Tuy nhiên, nơi đến cuối cùng của ông Snowden vẫn là một ẩn số.
Trong một bản tin ngắn đăng trên trang web của mình, tờ
báo Hồng Kông rất có uy tín tiết lộ rằng, nhiều nguồn tin đáng tin cậy xác nhận
: « Edward Snowden đã rời Hồng Kông trên một chuyến bay Aeroflot đến
Mátxcơva ». Tuy nhiên, tờ báo cho biết thêm là Mátxcơva sẽ không phải là điểm
đến cuối cùng của ông Snowden.
Theo báo South China Morning Post, sáng nay, Edward
Snowden đi chuyến bay SU213 của Aeroflot. Theo lịch bay trên trang web của hãng
hàng không Nga, trên nguyên tắc, phi cơ đáp xuống sân bay Sheremetyevo ở thủ đô
Nga vào khoảng 17 giờ, giờ Mátxcơva, tức 13 giờ, giờ quốc tế GMT.
Sau tiết lộ của báo South China Morning Post, chính quyền
Đặc khu kinh tế Hồng Kông ra thông báo, xác nhận sự kiện ông Snowden ra đi,
theo đó, ông Snowden đã « tự nguyện rời Hồng Kông để đến một quốc gia thứ ba
bằng những phương tiện hợp pháp bình thường ».
Lời khẳng định của báo South China Morning Post rằng Nga
không phải là nơi đến cuối cùng của ông Snowden đã gợi lên khả năng là cựu nhân
viên tình báo Mỹ chỉ quá cảnh Nga trên đường đi nơi khác.
Truyền thông Nga đã lập tức tìm
hiểu, và theo hãng tin Itar-Tass, một nguồn tin từ hãng Aeroflot tiết lộ rằng «
một hành khách mang tên Edward Snowden » sẽ đến từ Hồng Kông đến
Mátxcơva hôm nay, và ngày mai sẽ bay qua La Habana (Cuba) trên chuyến bay
SU150, sau đó sẽ lấy máy bay địa phương qua Caracas (Venezuela).
Một nguồn tin khác từ Aeroflot đã nói rõ thêm với đài
phát thanh Tiếng vọng Mátxcơva là một người tên Snowden đã đăng ký trên chuyến
bay V04101 từ La Habana đi Caracas.
Như vậy là có nhiều khả năng là Edward Snowden có thể tỵ
nạn ở Venezuela, thậm chí ở Cuba, hay ở Ecuador, ba nước châu Mỹ La Tinh không
có quan hệ hữu hảo với Hoa Kỳ.
Edward đã rời khỏi Hồng Kông ít lâu sau khi Hoa Kỳ cho
biết đã ban hành lệnh truy nã nhắm vào ông, và yêu cầu chính quyền Hồng Kông
cho dẫn độ ông về Mỹ.
Về lệnh truy nã và yêu cầu dẫn độ từ phía Washington, một
phát ngôn viên chính quyền Hồng Kông vào hôm nay khẳng định rằng họ « chưa
nhận được thông tin thích hợp » về vụ này.
No comments:
Post a Comment