Thursday, 6 June 2013

QUỐC HỘI & QUYỀN LỢI CỦA DÂN ? (AFR Dân Nguyễn)




AFR Dân Nguyễn
6-6-2013

Quốc hội vừa kết thúc hai ngày thảo luận về những điều khoản trong HP mà nhân dân đã kiến nghị sửa đổi. Theo dõi những phát biểu với những quan điểm, lập trưởng của đa số các đại biểu, kể cả khẩu khí của nhiều đại biểu, người ta chẳng lấy gì làm ngạc nhiên về kết quả thảo luận.

 Trong số những điều cần sửa đổi được gửi đến Ban soạn thảo, có những điều được cho là rất quan trọng (quan trọng theo quan niệm của những người mong được sửa đổi đồng thời cũng được xem là quan trọng đối với những người chủ trương giữ nguyên không sửa đổi), như điều quy định về vai trò lãnh đạo của đảng cs VN, điều về sở hữu đất đai, về tam quyền phân lập, hay điều quy định quân đội cần hay không cần phi chính trị hóa…

 Về điều 4, điều quy định vai trò lãnh đạo của đảng, những ý kiến muốn bảo lưu điều này đều viện dẫn những lý do về lịch sử, (về cái được gọi là tính tất yếu lịch sử). Có đại biểu còn cho rằng, nếu được trưng cầu dân ý, đại đa số nhân dân sẽ muốn giữ lại điều 4…

 Có lẽ trước khi bị tiêu diệt, đảng xã hội chủ nghĩa quốc gia (Đảng quốc xã) của Hitler, nếu có làm cuộc trưng cầu dân ý trong xã hội Đức, hẳn kết quả tín nghiệm dành cho đảng này cũng như dành cho cá nhân Hitler, chắc không dưới 99%!… Tương tự, trước khi Xô viết và các thể chế cộng sản Đông Âu sụp đổ, nếu những cuộc trưng cầu dân ý được thực hiện tại những nơi đó và tại thời điểm đó, chắc chắn, phiếu tín nhiệm dành cho các đảng cộng sản cũng không thể dưới “tuyệt đại bộ phận dân chúng”…

 Và nếu xét về góc độ trưng cầu dân ý, chắc ở xứ Bắc Hàn (Bắc Triều Tiên), giới lãnh đạo cộng sản ở đây phải có số phiếu tín nhiệm 100%, chứ không phải 99%. Còn về “yếu tố lịch sử”, nhân dân ở xứ sở sắp chết đói này cũng chẳng có lý do gì để không xác định vai trò lãnh đạo của người lãnh đạo hiện nay, bởi ông ta “kế vị” theo đúng truyền thống cha truyền con nối…

 Như vậy, rõ ràng yếu tố trưng cầu dân ý cho dù kết quả thế nào cũng không đồng nghĩa với việc đảng cs VN có xứng đáng với vai trò duy nhất lãnh đạo nhà nước và xã hội hay không.(nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi mà “trưng cầu dân ý” nếu có, lại do đảng hay các tổ chức của đảng đứng ra thực hiện với đủ các chiêu trò gian lận). Bỏ qua yếu tố bị nhồi sọ gần một thế kỷ, thì nhân dân Bắc Triều Tiên bỏ phiếu tín nhiệm cho giới lãnh đạo hiện nay, có thể bởi lý do bây giờ họ đã được ăn cháo đặc thay vì phải ăn cháo loãng như trước đây (thì họ phải biết ơn nhà lãnh đạo vĩ đại !)…Cái sự phụ thuộc của dân chúng vào những chế độ độc tài, cho dù bị bó buộc hay tự nguyện, cũng đều được xem giống như sự phụ thuộc của vật nuôi cây trồng vào người chủ sở hữu! Một thực tế khách quan lấy làm gớm ghiếc!

 Dân gian có câu: “Một người lo bằng cả kho người làm”, cho thấy tầm quan trọng của người “LO”; Nhưng người “lo” ở đây phải thực sự biết “lo”. Người “lo” mà “đã ăn lại còn phá” thì đừng “lo” còn hơn!
 Điều 4 vẫn được giữ nguyên. Các đại biểu “của dân” vẫn lớn tiếng khẳng định vai trò lãnh đạo tuyệt đối của đảng csVN trên tất cả các lĩnh vực của đời sống. Nếu lý do các đại biểu “của dân” nêu ra căn cứ vào tính ‘tất yếu lịch sử”, thì ý kiến của những người đòi xóa bỏ điều 4, cũng không phải là không có lý do xác đáng. Họ không muốn cái thực thể mà trong đó “ĐẢNG VIÊN NHAN NHẢN, CỘNG SẢN MẤY NGƯỜI” tiếp tục đi tiên phong. Nghĩa là họ không muốn cái thực thể là nơi sinh ra, là chỗ khu trú cho GIẶC NỘI XÂM tiếp tục vạch đường chỉ lối cho cuộc đời họ. Nghĩa là họ không muốn ngồi trên một cỗ xe mà người chế tạo đã mắc sai lầm tạo ra cái LỖI HỆ THỐNG chân ga thay vào vị trí chân phanh…, là không muốn để cho người mắc “CĂN BỆNH UNG THƯ” tiếp tục lãnh đạo mình…Rằng họ không muốn cứ mãi chịu cảnh “THAM NHŨNG SỜ ĐÂU CŨNG THẤY NHÌN ĐÂU CŨNG CÓ”. Họ muốn xóa bỏ điều 4, đơn giản vì họ không thể chịu mãi cảnh sống chung với BỌN GIẶC NỘI XÂM, kẻ đang gây ra QUỐC NẠN!…

 Cần nói thêm rằng, “Lấy ý kiến nhân dân” sửa đổi HP là do đảng khởi xướng. Không biết đây có phải là một chủ trương lớn nữa của đảng hay không, nhưng chắc chắn nó ngốn khá nhiều tiền bạc của nhân dân. Đảng vừa hô hào, khuyến khích cho việc đóng góp mới đấy, rồi lại đe nẹt, quy chụp những ý kiến đóng góp công khai, đàng hoàng, thực tâm ngay được. Rồi đến bây giờ, bản HP 1992 gần như được giữ nguyên, nhất là những điều quan trọng không mảy may suy suyển…khiến người ta có lý do nghi ngờ về chủ trương này của đảng…

 Nhưng điều cần nói tới ở đây là các đại biểu của nhân dân!

 Những phát biểu thể hiện ý chí của các đại biểu khiến người ta có cảm giác Quốc hội là nơi thể hiện ý chí của đảng, là nơi cụ thể hóa các nghị quyết của đảng. Vậy thì phải gọi là ĐẢNG HỘI thay vì QUỐC HỘI.

 Thực tế cũng phản ánh điều đó. Một “HỘI” có tới trên 80% là đảng viên (có chỗ con số này là 93%), thì HỘI ấy không bảo vệ quyền lợi của đảng mới là lạ… Nó dứt khoát phải là nơi thể hiện ý chí và quyền lợi của đảng!

 Nếu các đại biểu thực sự là do dân bầu, là người bênh vực quyền lợi của nhân dân, thiết tưởng những quyền cơ bản vô cùng (và cũng là những quyền đương nhiên thể hiện tại những chế độ dân chủ cộng hòa), như quyền BIỂU TÌNH, quyền TỰ DO BÁO CHÍ… phải được quý vị đem ra bàn thảo, phải được quý vị chất vấn, đặt câu hỏi cách gay gắt : Bao giờ những quyền cơ bản này của dân được “luật hóa?”…

 Chẳng lẽ thời gian ngót 70 năm chưa đủ để cho những quyền này của người dân “đi vào cuộc sống” sao? Đến bao giờ thì nó được “luật hóa”? Hay còn những lý do nào khác khiến nó mãi mãi chỉ là những điều được “hiến định” trong HP?

 Hay nó không có “duyên” để song hành cùng chế độ này, buộc người dân không được cùng lúc lựa chọn cả hai, mà chỉ được phép lựa chọn một, hoặc NÓ, hoặc chế độ mà thôi!?

 Nếu quý vị thấy điều này điều kia là chưa hay không thể sửa đổi trong Bản HP 1992, thì chí ít, hãy nói dùm dân rằng, những gì đã được ghi bằng giấy trắng mực đen trong bản HP đó, không thể mãi là lớp phấn son hòng che đậy những khiếm khuyết trên khuôn mặt xấu xí được…

 Jun/5th/2013

Tác giả gửi Quê Choa

Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả




No comments:

Post a Comment

View My Stats