Lê Phan
Saturday, June 08, 2013 2:39:27 PM
Vào tháng 2 năm 1950, khi thế giới đang bắt đầu bước vào cuộc Chiến Tranh Lạnh, Thủ Tướng Winston Churchill đã yêu cầu một cuộc họp cấp cao với Liên Xô, tin tưởng như chính lời của ông, thật khó có thể thấy “tình hình tệ hơn sau một cuộc thảo luận thượng đỉnh”. Cho đến lúc đó, danh từ “thượng đỉnh” không có trong lịch sử ngoại giao. Nhưng năm 1950 là năm mà người ta nghĩ đến thượng đỉnh, bởi đó là năm các nhà thám hiểm tìm cách lên đến đỉnh ngọn Everest. Thành ra khi ông Churchill lại một lần nữa dùng đến danh từ này, vào tháng 5 năm 1953, kêu gọi một quyết tâm cho hòa bình “ở một thượng đỉnh các quốc gia” thì ai cũng ngỡ là hoàn cảnh thuận lợi hơn. Lúc đó hai nhà mạo hiểm Edmund Hillary và Tenzing Norgay đang leo lên đỉnh Everest và vào cuối tháng đó họ đạt đích.
Năm nay đánh dấu đúng 60 năm của cả hội nghị thượng đỉnh ngoại giao lẫn việc lên được đến đỉnh cao nhất của thế giới. Năm nay cũng là năm thế giới đang đứng bên bờ của một giai đoạn khủng hoảng sắp tới.
Các sử gia thường xuyên khuyến cáo là trong suốt lịch sử nhân loại, chưa có sự canh tranh giữa một cường quốc đang lên và một cường quốc đang tại vị mà lại không có chiến tranh đụng độ. Trừ có mỗi một trường hợp, đó là sự Hoa Kỳ thay thế Anh, trở thành cường quốc đứng đầu thế giới. Nhưng các sử gia cũng chỉ ra là sự việc đó chỉ có thể xảy ra vì ở một khía cạnh nào đó, Anh Quốc không cảm thấy bị đe dọa từ Mỹ và chấp nhận điều mà một vị lãnh tụ Anh đã gọi là “a gentle decline”. Dầu sao chăng nữa Anh và Mỹ vẫn còn có nhiều liên hệ. Nói theo quan niệm người Việt Nam mình thì họ là anh em họ.
Nhưng các trường hợp khác chưa bao giờ được như vậy. Cách đây một thế kỷ, sự trỗi dậy của Ðức trở thành một cường quốc đã phá tan thăng bằng quyền lực cũ và trật tự ở Âu Châu, dẫn đến một sự đụng độ mà kết quả là hai cuộc thế chiến. Xa hơn nữa, từ thời cổ đại ở Âu Châu, sự lo sợ của Sparta trước sự trỗi dậy của Athens đã dẫn đến một cuộc chiến mà kết quả là toàn thể trật tự thế giới cổ đại tan tành.
Cuộc gặp gỡ mà Tòa Bạch Ốc gọi là để “làm quen” giữa Tổng Thống Barack H. Obama và Chủ Tịch Nước Tập Cận Bình, cũng có thể coi như là một cố gắng thượng đỉnh nhằm ngăn chặn sự sụp đổ của trật tự thế giới hiện nay.
Trong mấy tháng nay, Bắc Kinh đã nói đến rất nhiều về điều mà họ gọi là “một liên hệ cường quốc mới”. Nhưng thực sự họ muốn nói gì với một điều mà hầu như đã trở thành thần chú. Washington cũng rất muốn tìm hiểu.
Tòa Bạch Ốc đã đưa ra chỉ dấu là sẽ không có loan báo gì quan trọng. Thay vì vậy, họ hy vọng hai lãnh tụ có thể hợp ý nhau. Hai vị đã dự định đến sáu giờ nói chuyện không bị ép vào khuôn khổ của một phòng họp chính thức. Ðề tài bao gồm an ninh Internet, Bắc Hàn, nhân quyền, biển Hoa Ðông, biển Hoa Nam, và liên hệ quân sự.
Một trong những điều mà Tòa Bạch Ốc sẽ muốn theo dõi là những chỉ dấu cho thấy ông Tập, khác với các vị tiền nhiệm, có công nhận là chiến dịch tình báo trong thế giới ảo, vốn nay đang bị giới doanh nghiệp coi như là một đe dọa chiến lược chứ không phải chỉ là chuyện làm ăn không thôi.
Nghị trình mở cũng có cái đáng ngạc nhiên của nó. Năm 1961, Tổng Thống John F. Kennedy, vừa đắc cử, đề nghị một cuộc họp không chính thức với Thủ Tướng Nikita Khrushchev. Và họ đã gặp nhau hai ngày ở Vienna. Mọi sự đã thất bại ngay từ đầu. Hai ông đụng độ nhau về quy chế của Berlin, về vũ khí hạt nhân, về cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Vào cuối cuộc thương thảo, ông Khrushchev tuyên bố “Tùy Hoa Kỳ quyết định xe liệu sẽ có chiến tranh hay hòa bình”. Ông Kennedy đã trả lời “Vậy, thưa ông chủ tịch, sẽ có chiến tranh. Sẽ là một Mùa Ðông giá rét.”
Một số các nhà bình luận, nhất là những chuyên gia về Trung Quốc của Hoa Kỳ thì tin là có cơ hội cho hội nghị thượng đỉnh này thành công vì nó là để tạo liên hệ thay vì trao đổi hiệp định.
Những hội nghị thượng đỉnh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trước đến nay thường gặp nhiều khó khăn. Mà một trong những khó khăn đầu tiên là vì các lãnh tụ đến họp không có đủ thẩm quyền để có thể áp đặt quyết định của mình đối với hàng lãnh đạo trong nội bộ đảng. Sở dĩ cuộc gặp gỡ giữa ông Mao và ông Nixon ở Bắc Kinh năm 1972 đã thành công vì ông Mao có đủ uy quyền để gạt sang một bên những tiếng nói chỉ trích trong nội bộ đảng. Cũng vậy, khi ông Ðặng Tiểu Bình đến thăm vào năm 1979, ông cũng đã củng cố được nội bộ.
Nhưng năm 2011, Chủ Tịch Hồ Cẩm Ðào cần nghi thức 21 phát súng thần công chào mừng để chứng tỏ là mình có quyền, trong khi không dám nói gì khác ngoài những công thức có sẵn do tập thể lãnh đạo đưa ra. Một số các nhà bình luận chỉ ra là khi nhận gặp gỡ thân mật, ông Tập có lẽ đã củng cố đủ địa vị của mình để không cần lễ nghi quân cách như ông Hồ. Nhưng những người khác thì chỉ ra là ông Tập tuy có vẻ cởi mở nhưng chưa từng nói ra điều gì không đúng “giáo điều” của đảng.
Mà “liên hệ nước lớn” mà Bắc Kinh muốn đó là gì? Cho đến nay, các viên chức Trung Quốc thường hay nói một cách chung chung. Họ nói đến “tôn trọng lẫn nhau, quyền lợi hỗ tương, và hợp tác song phương” hay là nhu cầu “luật lệ được tôn trọng”.
Ở Washington, một số những người ưa nghi ngờ sợ điều đó có nghĩa là Hoa Kỳ phải chấp nhận lập trường của Bắc Kinh trong những vấn đề tế nhị như về quy chế của Ðài Loan, về Ðức Ðạt Lai Lạt Ma, và ngay cả về quần đảo Sensaku/Ðiếu Ngư, và biển Ðông, như là điều kiện tiên quyết cho hợp tác về những vấn đề khác.
“Nếu Trung Quốc nghĩ một khuôn khổ mới là một khí cụ để buộc Hoa Kỳ tôn trọng những điều mà Trung Quốc gọi là quyền lợi cốt lõi thì tôi sợ là chúng ta đang đi đến thất bại,” ông Paul Haenle, cựu giám đốc Trung Quốc tại Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ nhận định. “Nếu đó là điểm khởi đầu cho hợp tác của Trung Quốc, thì nó sẽ không đạt được gì cả.”
Ở một khía cạnh nào đó, triển vọng một cuộc chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là chuyện khó tránh được. Không một cường quốc đương thời nào lại chấp nhận bị thách thức, bị đẩy ra khỏi vị thế mà họ nghĩ là an toàn. Ông Tập chẳng đã từng nói với các lãnh đạo đảng là “đám ngoại quốc với bụng no kềnh và không có việc gì làm ngoài chỉ trích công việc của chúng ta”.
Nhưng ông Obama cũng đã tuyên bố “Tôi hoàn toàn tin sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc tốt cho thế giới và tốt cho Hoa Kỳ. Chúng tôi chỉ muốn bảo đảm là sự trỗi dậy đó xảy ra trong một phong cách mà sẽ củng cố luật lệ quốc tế và tăng cường an ninh.” Và cũng đừng quên là khi một Tổng Thống Obama còn non nớt, vừa nhậm chức đến thăm Trung Quốc, ông đã bị Bắc Kinh làm bẽ mặt. Kinh nghiệm đó khó phai nhạt lắm.
No comments:
Post a Comment