Tuesday 18 June 2013

PHỎNG VẤN ÔNG LÊ THĂNG LONG vê EBOOK TRẦN HUỲNH DUY THỨC (Hà Giang - Người Việt)




Hà Giang/Người Việt
Saturday, June 15, 2013 2:43:09 PM


Tìm con đường phát triển dựa trên quyền con người


LTS - Phong Trào Con Ðường Việt Nam vừa cho phát hành cuốn sách, dưới hình thức “ebook,” mang tựa đề “Trần Huỳnh Duy Thức và Con Ðường Nào Cho Việt Nam.” Cuốn sách được phát hành từ ngày 10 Tháng Sáu, nhân kỷ niệm một năm thành lập phong trào và bốn năm ngày ông Trần Huỳnh Duy Thức bị bắt. Khi thành lập phong trào vào Tháng Sáu năm ngoái (sau khi ra tù), ông Lê Thăng Long nói rằng ông thay mặt các bạn ông, là Kỹ sư Trần Huỳnh Duy Thức và Luật sư Lê Công Ðịnh, khởi xướng phong trào. Các ông Lê Thăng Long và Lê Công Ðịnh được trả tự do vào các năm 2012 và 2013. Riêng ông Trần Huỳnh Duy Thức vẫn còn bị giam giữ. Có nhiều dư luận trái chiều xung quanh sự ra đời của phong trào, chúng tôi dành phần trả lời cho ông Lê Thăng Long qua cuộc phỏng vấn do phóng viên Hà Giang thực hiện dưới đây.

Bìa cuốn ebook “Trần Huỳnh Duy Thức và Con Ðường Nào Cho Việt Nam.” (Hình: Phong Trào Con Ðường Việt Nam)

Hà Giang (NV): Mục đích gần và xa của Phong Trào Con Ðường Việt Nam trong việc phát hành ebook “Trần Huỳnh Duy Thức và Con Ðường Nào cho Việt Nam” là gì, thưa ông?

Lê Thăng Long (LTL): Sách do Nhóm khởi xướng Phong Trào Con Ðường Việt Nam biên tập dựa trên những tư liệu trước đây được tổng hợp lại, đặc biệt có những tư liệu lần đầu tiên công bố. Tựa của cuốn sách đã nói lên điều này.

Mục đích gần là cho mọi người biết phần nào về Trần Huỳnh Duy Thức, cuộc đời và sự nghiệp, những gì ông đã dấn thân dẫn đến phải chịu tù đày như hiện nay để tìm kiếm con đường phát triển thịnh vượng, văn minh cho dân tộc Việt Nam.

Mục đích xa là giới thiệu quyển sách còn dang dở “Con Ðường Việt Nam” của nhóm tác giả mà chủ xướng là ông Thức. Qua đó để người đọc cùng trăn trở tìm ra “Con đường nào cho Việt Nam” sắp tới, để thấy rõ các nguy cơ cho tương lai của dân tộc và tìm ra con đường đưa đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng, tiến đến phát triển bền vững trên nền tảng quyền con người.

NV: Ðối tượng của cuốn ebook này là ai? Phong Trào Con Ðường Việt Nam kỳ vọng gì khi cho phát hành cuốn sách, và dự tính sẽ làm thế nào để đo lường sự phổ biến cũng như thành quả đạt được của cuốn sách?

LTL: Ðối tượng của cuốn ebook là cộng đồng sử dụng mạng Internet, không phân biệt biên giới, là người Việt Nam ở khắp nơi trên toàn cầu. Ðặc biệt, sắp tới chúng tôi sẽ có bản thu âm và bản tiếng Anh dành cho người nước ngoài hoặc người Việt đang ở ngoài nước. Với công nghệ Internet, chúng tôi có thể đo lường được số lần tải về và lan truyền trên mạng của cuốn sách một cách tương đối sát thực tế. Còn thành quả đạt được thì chúng tôi xin dành cho cộng đồng đánh giá.

NV: Phong Trào Con Ðường Việt Nam đã kêu gọi các cơ quan truyền thông hỗ trợ trong việc giới thiệu và phát hành sách, xin ông tóm lược sơ sự hưởng ứng của báo giới trước lời kêu gọi này.

LTL: Chúng tôi nhận được sự chia sẻ về truyền thông của những cơ quan truyền thông lớn gắn bó với người Việt, như BBC, RFA, Nam Úc Tuần Báo, Dân Luận và nhiều cơ quan truyền thông khác trên mạng. Ðặc biệt, chúng tôi xin cảm ơn nhật báo Người Việt đã hỗ trợ truyền thông trong đợt phát hành này.

NV: Sách đã phát hành được vài ngày rồi, đã có nhiều người download hay vào đọc chưa? Phong Trào đã nhận được phản ứng, nhận định gì về nó từ người đọc? và từ nhà cầm quyền Việt Nam?

LTL: Sách đã phát hành được vài ngày. Ðến hôm qua, 14 Tháng Sáu, có xấp xỉ 5,000 lượt người download tại máy chủ lưu trữ ebook. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã gửi tặng sách ebook cho nhiều trí thức, nhà hoạt động, tu sĩ chính khách, nhạc sĩ, ca sĩ, văn nghệ sĩ... hàng đầu Việt Nam. Sự lan tỏa đang bắt đầu trong giới trẻ, sinh viên. Chúng tôi cũng dự kiến gửi tặng sách cho lãnh đạo đảng Cộng sản và chính quyền 63 tỉnh thành cả nước cũng như các nhân vật hàng đầu Việt Nam.

NV: Tháng Sáu năm 2012, ngay sau khi thành lập, Phong Trào Con Ðường Việt Nam đã gửi thư mời khoảng 250 người ở nhiều nơi và thuộc khắp thành phần tham dự, xin ông cho biết phong trào có quá trình chọn lọc nào để quyết định mời ai, và nhất là quyết định không mời ai?

LTL: Việc mời tham gia sáng lập là một bước khởi động cho phong trào Con Ðường Việt Nam. Qua theo dõi các hoạt động chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội, chúng tôi nhận thấy danh sách khoảng 250 người khi tham gia sáng lập sẽ có thể có những đóng góp lớn cho phong trào. Chỉ có một số trường hợp đặc biệt chúng tôi mới quyết định không mời tham gia sáng lập, xin phép không được nêu ở đây. Mặt khác, với tinh thần mở là phong trào đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam, tất cả mọi người ủng hộ tôn chỉ của phong trào, không phân biệt, đều có thể tham gia phong trào dưới nhiều hình thức phù hợp với mình.

NV: Ông có thể tóm tắt kết quả của thư mời tham dự phong trào, chẳng hạn có bao nhiêu người nhận lời mời, bao nhiêu người khước từ, hay đặt nghi vấn? Hỏi một cách khác, sau một năm khởi động Phong Trào Con Ðường Việt Nam, theo nhận định của ông có gặt hái được kết quả như ý muốn không? Tại sao?

LTL: Ngay khi phát động phong trào chúng tôi đã gặp nhiều sự phản ứng trái chiều: khoảng 20 % ủng hộ, 40% khước từ nghi vấn từ tất cả các phía trong và ngoài nước, 40% im lặng quan sát.

Sau một năm hoạt động của phong trào, sự nghi ngờ đã giảm đi rất nhiều, tỷ lệ ủng hộ và hiểu chúng tôi tăng lên. Kết quả hiện nay khá tốt: Quyền Con Người đã trở thành khá phổ biến trong các văn bản, lời nói và nhiều hoạt động tại Việt Nam. Nhưng vẫn chưa được như ý muốn của chúng tôi. Vì chúng ta cần điều đó trở thành hiện thực phù hợp giữa danh nghĩa và thực tế tại Việt Nam. Mặt khác, đáng lẽ chúng tôi đã có thể làm tốt hơn nữa trong thời gian qua. Ðây là điều chúng tôi cần rút kinh nghiệm.

NV: Cuốn sách Con Ðường Việt Nam, ở vào thời điểm năm 2009, dù chưa phát hành, đã là lý do để nhà cầm quyền Việt Nam đưa ra để bắt các ông Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Ðịnh và chính bản thân ông. Hiện giờ, người khởi xướng then chốt của phong trào là ông Trần Huỳnh Duy Thức vẫn còn nằm tù với bản án 16 năm mà mới xong được 4 năm. Như vậy việc phát hành sách trong lúc này sẽ có ảnh hưởng gì đến việc ông Thức vẫn còn ở tù?

LTL: Việc phát hành sách sẽ làm cho mọi người hiểu rõ về ông Thức, về cuốn sách Con Ðường Việt Nam hoàn toàn không có ý đồ lật đổ chính quyền, phá hoại đất nước, mà ngược lại.

Qua đó, chúng tôi tin rằng mọi người sẽ hiểu ra và ông Thức sớm được trả tự do để ông có thể cống hiến tài năng và tâm huyết của mình cho dân tộc. Ðây là một bước đi cụ thể để những người tù nhân lương tâm như ông sẽ được sớm trả tự do và cống hiến tài đức của mình cho sự nghiệp chung của dân tộc, không chỉ của riêng ai. Nhân dân sẽ là người hưởng lợi lớn nhất từ thành quả chung này.

NV: Việc khởi động Phong Trào Con Ðường Việt Nam, tức là tiếp tục làm những việc ông Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Ðịnh và chính ông đã dự định làm trước khi bị bắt giam và cũng là lý do khiến các ông bị tù tội. Như vậy, theo ông tại sao sau khi khởi động phong trào, ông không (hay chưa) bị bắt vào tù trở lại, nhất là khi ông đã “chịu đựng” nhận tội, xin khoan hồng để được ra tù sớm? Ông có nghĩ rằng ông đang ở trong nguy cơ có thể bị bắt lại không?

LTL: Tôi đã bị đe dọa nhiều lần bị bắt lại vào tù ngay sau khi phát động phong trào, tiếp tục con đường mà chúng tôi đã thực hiện trước đây. Nguy cơ này vẫn còn đó. Ðây là một quá trình đấu tranh trong ôn hòa, yêu thương và lẽ phải để mọi phía hiểu ra và cùng hành động vì một mục đích tốt đẹp cho dân tộc Việt Nam: đó là đưa Việt Nam trở thành cường quốc dân chủ, thịnh vượng và văn minh hàng đầu thế giới.

NV: Vào Tháng Tư năm 2010, nhà xuất bản Thời Ðại Mới phát hành cuốn sách cũng mang tên “Con Ðường Việt Nam” của tác giả Nguyễn Sĩ Bình, mà cả ông ta lẫn nhà cầm quyền Việt Nam (qua một bài viết trên trang báo mạng Công An Nhân Dân) đều cho là cuốn sách do ba ông cùng viết dở trước đây. Như vậy sự tương quan giữ hai cuốn Con Ðường Việt Nam của tác giả Nguyễn Sĩ Bình và cuốn ebook “Trần Huỳnh Duy Thức và Con Ðường Nào cho Việt Nam” là gì? Ai thực sự là tác giả?

LTL: Cuốn sách “Con Ðường Việt Nam” của tác giả Nguyễn Sĩ Bình đã thể hiện: đây là cuốn sách của tác giả Nguyễn Sĩ Bình. Nếu không, ông ấy đã để tên chung của 3 người.

Cuốn sách “Trần Huỳnh Duy Thức và Con Ðường Nào cho Việt Nam” trong đó có một phần giới thiệu cuốn sách còn dang dở “Con Ðường Việt Nam” do ông Trần Huỳnh Duy Thức chủ xướng. Cuốn sách này chưa hoàn tất khi chúng tôi bị bắt.

Như vậy tác giả của hai cuốn sách “Con Ðường Việt Nam” nói trên là khác nhau.

NV: Dư luận bàn tán nhiều về việc ông Nguyễn Sĩ Bình không nằm trong danh sách được mời tham dự Phong Trào Con Ðường Việt Nam. Xin được nghe lời giải thích của ông.

LTL: Chúng tôi thống nhất là không mời ông Nguyễn Sĩ Bình trong danh sách mời sáng lập. Ðây là lý do riêng, chúng tôi xin phép không công bố ở đây.

NV: Theo nhiều tài liệu của Phong Trào Con Ðường Việt Nam, việc ông phát động Con Ðường Việt Nam là để thực hiện nguyện vọng của hai người đồng chí hướng là Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Công Ðịnh. Dư luận hiện giờ vẫn còn nhìn phong trào với con mắt hoài nghi vì chưa nghe được gì từ hai ông Thức và Ðịnh. Ông Thức còn nằm tù không thể lên tiếng, nhưng LS Lê Công Ðịnh thì đã ra tù cách đây hơn 4 tháng. Chắc chắn sự lên tiếng của Luật sư Lê Công Ðịnh sẽ giúp đẩy mạnh phong trào, nhưng vẫn chưa nghe ông phát biểu gì. Xin được nghe ý kiến của ông.

LTL: Ông Lê Công Ðịnh là 1 trong 3 người khởi xướng đầu tiên của PT CÐVN gồm: ông Trần Huỳnh Duy Thức, ông Lê Công Ðịnh và tôi.

Luật sư Ðịnh có lý do để giữ im lặng. Một triết gia từng nói như thế này: Im lặng chính là lời nói và hành động mạnh mẽ hơn bất kỳ ngôn từ và công việc nào!

NV: Xin cám ơn ông đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.



No comments:

Post a Comment

View My Stats