Sunday, 9 June 2013

NHỮNG LÁ PHỔI BỊ THIÊU CHÁY CỦA CON RỒNG TRUNG QUỐC (Thụy My - RFI)




Thụy My  -  RFI
Chủ nhật 09 Tháng Sáu 2013

Khi Trung Quốc lao vào siêu tăng trưởng kinh tế, họ là hai trăm người đàn ông đã rời ngôi làng êm đềm ở Song Khê thuộc miền trung, để đi xây dựng các tòa nhà chọc trời và những thành phố mới. Nay thì một phần tư trong số họ đã chết, những lá phổi bị bụi tàn phá, và khoảng một trăm người khác đang chờ đợi lưỡi hái của tử thần.

Khi trở về căn nhà nằm giữa những ruộng lúa và những ngọn đồi xanh cây cỏ, Xu Zuoqing bước vài bước trước nhà, gương mặt nhăn nhó do đau đớn vì cố sức. Trong khi anh ráng lấy lại nhịp thở, người vợ vội vã mang lại cho chồng một chiếc ghế đẩu.

« Hai lá phổi của tôi giống như là bị dính lại vậy…Ngực tôi cứ nặng chình chịch ». Người đàn ông 44 tuổi, trong đó có 15 năm làm việc trên công trường, cho biết như thế. Anh tâm sự : « Tôi chỉ muốn chết đi mà không phải đau đớn…nhưng cuối cùng thì tôi lại không muốn phải từ giã cõi đời này ».

Trong hơn ba mươi năm qua, Trung Quốc đã chiếm được vị trí thứ hai trên đấu trường kinh tế thế giới, nhờ tỉ lệ tăng trưởng liên tục khoảng 10% một năm. Sở dĩ Bắc Kinh đạt được thành tích này là nhờ có nguồn lao động dự trữ khổng lồ với giá rẻ, từ 230 triệu lao động dư thừa ở nông thôn, thường được gọi là « mingong » tức « dân công », những người lao động nhập cư.

Tiêu chuẩn an toàn không được ngó ngàng đến

Nhưng các tiêu chuẩn an toàn, nếu có, thường không được ngó ngàng đến. Các chuyên gia ước lượng hiện nay có nhiều triệu người Trung Quốc bị mắc bệnh bụi phổi như anh Xu – một chứng bệnh không thể chữa được – như bệnh phổi nhiễm silicone của thợ mỏ hay phổi nhiễm amian.

Thống kê chính thức của Trung Quốc ghi nhận được 676.541 trường hợp, trong đó có 90% là bệnh nghề nghiệp. Nhưng các tổ chức phi chính phủ tổng kết được đến 6 triệu trường hợp, trong đó có hơn một triệu người đã tử vong.

Bệnh bụi phổi có thể không bị phát hiện trong nhiều năm trời. Thế nên nhiều công nhân làm việc ở các hầm mỏ, trên những công trường khai thác vật liệu xây dựng, tại các nhà máy hay các công trường khác thường tiếp tục làm việc cho đến khi họ không thể lao động được nữa, sau đó là không đi lại được, và tiếp đến là không còn thở được.

Chứng bệnh này khiến các gia đình nông thôn không còn cơ sinh nhai, trong khi họ phải trả những chi phí y tế nặng nề. Nhà nước Trung Quốc chỉ thanh toán những chi phí căn bản, và các doanh nghiệp hiếm khi trợ cấp cho các công nhân bị những chứng bệnh nghề nghiệp.

Geoff Crothall, phát ngôn viên của China Labour Bulletin, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở Hồng Kông, chuyên đấu tranh cho quyền lợi người làm công ăn lương tại Trung Quốc, giải thích : « Bạn có thể làm chậm lại những diễn tiến của căn bệnh nhờ thuốc men và điều trị, nhưng cơ bản là bạn đã bị kết án tử hình ».
« Từ ba đến bốn thế hệ đã bị ảnh hưởng bởi sự mất mát nguồn thu nhập chính của gia đình. Và thường thì không chỉ là một thành viên trong gia đình, mà trong nhiều trường hợp, cả người cha cùng với những người anh em trai, cậu, chú, em họ đều bị mắc bệnh ». Có đến mấy trăm hộ gia đình ở Song Khê thuộc tỉnh Hồ Nam ở miền trung, hầu như cả gia đình đều bị bệnh bụi phổi. Và các bệnh nhân lần lượt qua đời, hết người này đến người khác. Định mệnh thật nghiệt ngã.

Những chiếc khẩu trang giá rẻ

Có một người mẹ đã bị mất đi bốn trong số năm người con trai. Hai người anh em trai của bà cũng qua đời. Một người không chịu đựng nổi tình cảnh đã tự sát vào tháng trước, bằng cách uống thuốc quá liều.

Người anh của Xu đã chết hồi tháng Hai, để lại hai đứa cháu 5 và 12 tuổi cho người bà nuôi. Còn Xu ray rứt nghĩ đến số phận của hai đưa con mình, năm nay 10 và 12 tuổi. Trong hơi thở nghẹn, anh nói: “Tôi hy vọng rằng chúng nó sẽ học được hết chương trình phổ thông, và chúng lớn nhanh một tí”.

Nơi mà những người đàn ông ở Song Khê thích đến làm việc là Thâm Quyến, thành phố đi đầu trong quá trình bùng nổ kinh tế, ở gần Hồng Kông. Tại đó, họ làm việc với những cỗ máy khoan, trong những cơn lốc xoáy bụi mù, trước khi bộ phận chuyên môn đặt chất nổ tại công trường để đào hố móng. Với dụng cụ bảo hộ lao động duy nhất là những chiếc khẩu trang giá chỉ ba xu.

Mối nguy hiểm chết người rình rập họ chỉ xuất hiện từ cuối những năm 2000, khi lần lượt từng công nhân bỗng trở nên quá yếu ớt để có thể làm việc, và nạn nhân đầu tiên đã chết.

Tuy vậy, trong số các nạn nhân, những người đàn ông của Song Khê vẫn thuộc loại tốt số.

Năm 2009, họ đã có một quyết định táo bạo là trở lại Thâm Quyến để đòi hỏi phải được bồi thường, và tổ chức một cuộc biểu tình ngồi. Đông đảo người dân ủng hộ họ. Sau nhiều tháng thương lượng, nhiều người đã nhận được từ 70.000 đến 130.000 nhân dân tệ (tương đương 11.000 đến 21.000 đô la) từ Nhà nước. Và một số ít còn được lãnh đến 290.000 nhân dân tệ, từ một quỹ bảo hiểm.

Nhưng trong phần còn lại của đất nước, chỉ có từ 10 đến 20% nạn nhân của bệnh bụi phổi là được bồi thường. Còn đối với đa số, khi chứng bệnh xuất hiện thì họ đã bị mất các giấy chứng nhận việc làm, công ty nơi họ làm việc đã đổi chủ, hay từ chối nhìn nhận sai lầm của mình. Số tiền được đền bù nhanh chóng tan biến đi theo hàng đống thuốc men, chi phí thở máy hay những chuyến nhập viện liên tục.

Cao Jieshi đã phải vay mượn 40.000 nhân dân tệ (6.500 đô la) từ người thân, bạn bè để trả các phí tổn điều trị. Năm nay 45 tuổi, khuôn mặt nhăn nheo khô gầy, đầu quặt về phía sau, anh đau đớn cố sức thở. Anh thầm thì: “Ngay cả việc tắm rửa, vợ tôi cũng phải làm giùm cho tôi. Tôi nghĩ là không còn sống được quá ba, bốn năm nữa”.

Xu Zhihui, 53 tuổi, thì đang ở giai đoạn cuối cùng. Ông đã sụt mất 15 kg và bơi trong chiếc áo vét, cái thân hình gầy giơ xương run rẩy vì một cơn ho khan. Ông nói bằng một giọng khô khốc: “Hồi trước rất dễ kiếm được từ 20.000 đến 30.000 nhân dân tệ mỗi năm. Bây giờ thì chúng tôi phải chi ra ít nhất từ cũng 20.000 đến 30.000 nhân dân tệ một năm. Vợ tôi cứ lặp đi lặp lại: Một anh chàng đẹp trai như anh, bây giờ cứ nhìn thử xem nhân dạng anh, không còn trông ra hình người nữa!".



No comments:

Post a Comment

View My Stats