Thursday, 20 June 2013

"NGƯỜI TRUNG QUỐC XẤU XÍ" (Huy Phương)





“Người Trung Quốc Xấu Xí” (Xú Lậu Ðích Trung Quốc Nhân) là nhan đề một cuốn sách của nhà văn Bá Dương (Bo Yang), người Ðài Loan, do ông Nguyễn Hồi Thủ một người Việt sống ở Bắc Kinh và Ba Lê dịch và xuất bản ở Mỹ năm 1999.

Trong lời nói đầu, dịch giả đã phân bua rằng “tùy mạch văn, khi thì ông dùng chữ xấu xí, khi thì dùng chữ xấu xa,” nhưng theo tôi, ông đặt đề tựa cho cuốn sách là sai nghĩa nguyên của tác giả. Trong suốt cuốn sách, ông Bá Dương chỉ muốn nói đến cái tính tình và thứ văn hóa “xấu xa,” chứ không có đoạn nào nói đến hình thể và nhan sắc “xấu xí” của người Trung Hoa, vì trong lịch sử Trung Hoa có rất nhiều đại mỹ nhân nổi tiếng.

Trong tiếng Việt, tĩnh từ “xấu xa” nói đến tính cách, “xấu xí” để chỉ hình thức, như vậy một người “xấu xa” chưa hẳn đã là một người “xấu xí.” Trong truyện Kiều những tay như Mã Giám Sinh, Sở Khanh phải là những người có bề ngoài đẹp đẽ mới dễ lừa người. Chỉ tiếc là khi xuất bản cuốn sách này ở Mỹ, người họa sĩ trình bày bìa đã đưa hình ảnh hai mẹ con một người Trung Hoa thiểu số với bộ mặt lem luốc (xấu xí hay dơ bẩn) trái hẳn với nội dung cuốn sách là muốn nói đến tính cách xấu xa của người Tàu.

Báo chí vừa nhắc đến một chuyện xấu xa, vô văn hóa của người Trung Quốc. Một người khách du lịch Trung Quốc tên Yuwen đã cho phổ biến một bức ảnh chụp tại đền Luxor, Ai Cập, một bức phù điêu 3,500 năm tuổi đã bị viết nguệch ngoạc lên dòng chữ: “Ding Jinhao đã ở đây.” Ông Yuwen cho rằng đó là khoảnh khắc buồn nhất trong thời gian ông đang du lịch Ai Cập, và ông cảm thấy hết sức xấu hổ, khi nhận ra một người dân của nước ông, khi đến đây, đã vô ý thức viết bậy lên một di tích lịch sử của Ai Cập. 
     

Bức phù điêu tại đền Luxor, Ai Cập, bị một thiếu niên Trung Quốc viết tên lên. (Hình: STR/AFP/Getty Images)  

Bức ảnh nhanh chóng lan truyền trên Internet, đã gây sự phẫn nộ trên mạng, và cuối cùng người ta tìm ra “Ding Jinhao” chính là một học sinh trung học, 15 tuổi từ Nam Kinh là thủ phạm đã viết lên dòng chữ này.

Nhiều người chỉ trích hành động của Ding làm cho Trung Quốc xấu hổ. Gia đình của học sinh này đã bày tỏ hối tiếc trên một tờ báo địa phương và “muốn nói lời xin lỗi với người dân Ai Cập cũng như những người Trung Quốc đã quan tâm đến trường hợp này. Trong một cuộc phỏng vấn với một tờ báo Nam Kinh, cha của Ding nói: “Con tôi đã phạm một lỗi lầm và trách nhiệm chính thuộc về chúng tôi là cha mẹ, đã không dạy dỗ và trông nom con cái không giám sát con cái tốt!”

Theo China Daily, một việc tương tự khác đã xẩy ra vào Tháng Ba, 2009, khi một người đàn ông đến từ tỉnh Giang Tô khắc tên của mình trong một hòn đá ở Yehliu Geopark của Ðài Loan, và cũng vào thời gian này, một người khách khác đã khắc tên mình trong một cái vạc tại Bảo tàng Cung điện của Bắc Kinh. Mặc dù người phạm tội đã đi rời khỏi nơi này, các bảo tàng đã đăng những bức ảnh về các di tích đã bị bôi bẩn để làm xấu mặt những du khách đã phạm lỗi.

Một người hướng dẫn du lịch Nhật đã mô tả chuyện một nhóm khách du lịch Trung Quốc đến thăm một hang động ở Thái Lan đã hút thuốc, ồn ào, la hét và gây phiền nhiễu du khách khác. Họ cũng đã xả rác bừa bãi, bỏ qua quy tắc ăn mặc trong các đền thờ Phật Giáo, hát hò và say rượu. Du khách Trung Quốc tham gia các nhóm toán du lịch, thường xuyên bị chỉ trích vì có những hành vi thô lỗ. Ở Nhật, người ta viết bảng nhắc nhở bằng tiếng Tàu, sau khi đi cầu nhớ giội nước. Ở Hong Kong, cha mẹ cho con đái ngay trên xe điện ngầm. Khách Trung Quốc đi từng đoàn thường kéo nhau ào ào khi cửa thang máy vùa mở mà không đợi người ở trong ra hết. Trước những hình ảnh “phản cảm” này, cơ quan du lịch Trung Quốc phải phổ biến cẩm nang ghi 8 điều cấm kỵ cho người Tàu khi du lịch ra nước ngoài, để khỏi mất thể diện.

Nhân vụ “Ding Jinhao,” Phó Thủ Tướng Trung Quốc Wang Yang lên án những gì ông gọi là “hành vi thiếu văn hóa” của một số khách du lịch đã mang lại những hình ảnh xấu xa cho đất nước ông. Ông kêu gọi mọi người cố gắng tạo “một hình ảnh tốt đẹp của du khách Trung Quốc” và ủng hộ cho Luật Du Lịch của quốc gia, để giải quyết các vấn đề như cạnh tranh bất chính, tăng giá hàng và nài ép khách mua.

Ông cũng trích dẫn một số hành vi mà ông muốn người Trung Quốc giảm thiểu như nói chuyện lớn tiếng ở nơi công cộng, vượt đèn đỏ khi qua đường, khạc nhổ...

Ðây là bất lợi cho hình ảnh của đất nước Trung Quốc và để lại một ấn tượng xấu xa cho mọi người.

Trong mấy năm gần đây, số khách du lịch từ Trung Quốc ra nước ngoài đã tăng rất nhanh.

Năm 2000 chỉ có 10 triệu người Trung Quốc ra nước ngoài. So với năm 2011 số du khách Trung Quốc du lịch năm ngoái đã tăng 40% với 83 triệu du khách chi ra 102 tỷ, vượt nước Ðức để trở thành nước chi tiêu lớn nhất trong ngành du lịch quốc tế.

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới, năm 2015 sẽ có 100 triệu người khách du lịch mang thông hành Trung Quốc.

Quả thật ngày nay dân Trung Quốc giàu có hơn ngày xưa, nhưng như nhận xét của Nhật Báo Nhân Dân, cơ quan chính thức của đảng Cộng Sản Trung Quốc: “Ngày nay, người dân ở Trung Quốc không còn thiếu thực phẩm và quần áo, và thậm chí cả trong các cửa hàng sang trọng ở nước ngoài, có những áp phích quảng cáo cho Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều người cũng cảm thấy như thể họ 'bàn tay đầy tiền nhưng tâm hồn thì rỗng tuếch.'”

Ngay ở Mỹ, ở các địa điểm du lịch, chúng ta thường thấy dân du lịch Trung Quốc đi từng đoàn, tuy ăn mặc khá tươm tất, nhưng cười nói ồn ào, chen lấn, mất trật tự, chẳng kiêng dè, để ý gì đến người chung quanh. Nhiều quốc gia được chia sẻ mối lợi từ dân du lịch Trung Quốc, nhưng liệu có chịu đựng những hành vi “vô văn hóa” của những người này hay không?

Những chuyện xảy ra hôm nay thực ra không có gì là mới mẻ, vì trong cuốn “Người Trung Quốc Xấu Xí” ông Bá Dương đã mô tả gần như hết cả rồi. Ðọc “Người Trung Quốc Xấu Xí” và nói đến những thói hư tật xấu của người Trung Quốc khi ra nước ngoài, chúng ta lại chạnh lòng nghĩ đến người Việt Nam hôm nay, một dân tộc cũng “na ná” như người Hoa, đang để lại nhiều hình ảnh không mấy tốt đẹp dưới mắt người ngoại quốc!




No comments:

Post a Comment

View My Stats