Tuesday, 25 June 2013

NGA PHỦ NHẬN CÓ LIÊN HỆ VỚI EDWARD SNOWDEN (tin tổng hợp RFI, BBC)




Trọng Thành   -  RFI
Thứ ba 25 Tháng Sáu 2013

Ngày 25/06/2013, ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov phủ nhận hoàn toàn các liên hệ giữa Matxcơva với cựu nhân viên an ninh Mỹ Edward Snowden, bị Hoa Kỳ truy lùng vì tội « gián điệp ». Đây là phản ứng chính thức đầu tiên của chính quyền Nga trong vụ việc này. Tuy nhiên tuyên bố của Matxcơva không mang lại ánh sáng nào về hành tung của ông Edward Snowden.

Trả lời phỏng vấn báo giới, Ngoại trưởng Nga tuyên bố : « Chúng tôi không có bất cứ liên hệ nào với ông Snowden, cũng không dính dáng gì đến các quan hệ của ông ấy với tư pháp Mỹ, cũng như việc đi lại của người này ».
Cũng theo ngoại trưởng Lavrov, « Snowden không vượt qua biên giới nước Nga và chúng tôi cho rằng các mưu toan cáo buộc Nga vi phạm luật của Hoa Kỳ và gần như là dàn dựng một mưu đồ, cùng với các đe dọa đối với chúng tôi, là không có cơ sở và không thể chấp nhận được. » 

Theo các nhà quan sát, phản ứng đầu tiên của chính quyền Nga chỉ làm tăng thêm những bí ẩn bao quanh cựu nhân viên Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA).

Edward Snowden bị Hoa Kỳ cáo buộc làm gián điệp, vì tiết lộ các thông tin về hệ thống theo dõi điện thoại và mạng internet ở Mỹ và ở nước ngoài. Nếu bị kết án, Edward Snowden có thể bị phạt tù đến 30 năm.

Từ ngày 20/06/2013, Edward Snowden tỵ nạn tại Hồng Kông. Ngày Chủ nhật 23/06/2013 vừa qua, có tin là nhân vật này đã lên một chiếc máy bay của Aeroflot để sang Nga, nhằm tìm kiếm một nơi tỵ nạn ở Nam Mỹ. Có thể là ở Venezuela hoặc ở Ecuador. Tuy nhiên, không một ai nhìn thấy cựu nhân viên NSA tại Nga, sau khi thông tin này được truyền đi và có rất nhiều thông tin mâu thuẫn về nơi ở và hành trình của ông Snowden.

Hôm qua, 24/06, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đe dọa Trung Quốc và Nga về các hậu quả trong quan hệ với Washington, cụ thể là việc cựu nhân viên NSA có thể được tự do di chuyển từ Hồng Kông sang Nga. Trong cuộc trả lời báo giới hàng ngày vào hôm qua, người phát ngôn của Nhà Trắng Jay Carney nhắc lại rằng Washington đã gửi mọi giấy tờ cần thiết cho Hồng Kông để dẫn độ ông Snowden về Mỹ, và chính quyền Hồng Kông đã không có phản bác nào về việc này. Theo phát ngôn viên Nhà Trắng, việc để Edward Snowden rời Hồng Kông không nằm trong quyền hạn của hải quan sân bay, mà ắt hẳn phải do quyết định của chính quyền Bắc Kinh. 

Thông tín viên của đài phát thanh quốc tế Pháp RFI, Jean-Louis Pourtet tại Washington cho biết thêm tổng thống Mỹ Barack Obama cố ý giữ một khoảng cách với hồ sơ này, để không bị trực tiếp dính vào vụ bê bối bùng lên sau khi cựu nhân viên NSA bỏ trốn.


--------------------------------------


BBC
Cập nhật: 09:49 GMT - thứ ba, 25 tháng 6, 2013

Tin mới nhất cho hay công dân Mỹ Edward Snowden vẫn đang ở trong khu vực quá cảnh tại sân bay quốc tế ở Moscow, theo lời xác nhận của chính Tổng thống Vladimir Putin.

Trước đó, Ngoại trưởng Nga nói nước ông không hề liên quan đến kế hoạch bay của “kẻ chạy trốn” Edward Snowden trong lúc quan chức Hoa Kỳ tiếp tục đòi trao nộp ông cho họ.

Ông Snowden đã bay từ Hong Kong sang Moscow hôm Chủ nhật.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố ông này chưa hề đi vào biên giới Nga.
“Chúng tôi không hề liên quan ông Snowden, quan hệ của ông ta với luật pháp Mỹ, hay sự đi lại trên toàn cầu của ông ta,” ông Lavrov nói.
Bình luận này dường như ám chỉ ông Snowden vẫn ở khu vực quá cảnh tại sân bay sau khi hạ cánh xuống Moscow, và về thủ tục thì chưa đặt chân vào lãnh thổ Nga.

'Hãy đi cho nhanh'

Nay ông Putin phát biểu rằng ông Snowden vẫn là 'người tự do' nhưng ông càng sớm chọn nơi đến thì càng tốt.
Tổng thống Nga cũng nói rằng chuyến bay đến Nga của ông Snowden là "hoàn toàn bất ngờ" và các cáo buộc Nga có tham gia chuẩn bị đón ông ta là "bịa đặt".

Hãng tin Reuters dẫn lời một nguồn từ sân bay Sheremetyevo ở Moscow nói ông Snowden đến Moscow chiều Chủ nhật và lẽ ra hôm sau sẽ bay tới Cuba.
Nhưng rốt cuộc, ông không bay đi Cuba.
Nguồn này nói bên cạnh ông là Sarah Harrison, một người nghiên cứu luật pháp của Anh làm việc cho nhóm Wikileaks.

Trước đó, Hoa Kỳ lên tiếng chỉ trích Nga và Trung Quốc sau khi Edward Snowden rời Hong Kong đi Moscow.
Tổng thống Barack Obama nói Mỹ đang cân nhắc "mọi kênh pháp lý" để truy bắt Snowden.
Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry phát biểu rằng nếu như Nga và Trung Quốc giúp ông ta trốn dẫn độ thì thật là "đáng thất vọng".


----------------------------------------------


BBC
Cập nhật: 14:22 GMT - thứ hai, 24 tháng 6, 2013

Edward Snowden, cựu nhân viên kỹ thuật của CIA, chạy sang Hong Kong hồi tháng Năm sau khi tiết lộ việc cơ quan tình báo Hoa Kỳ theo dõi rộng khắp internet và hệ thống điện thoại.

Ông Snowden, 30 tuổi, sống với bạn gái ở Hawaii nhưng đã chạy sang Đặc khu Hành chính của Trung Quốc, nơi mà tờ báo của Anh, the Guardian đã tiết lộ danh tính với sự đồng ý của ông.
Sau khi Hoa Kỳ ra cáo buộc và yêu cầu giới chức địa phương dẫn độ về Mỹ, ông Snowden đã rời Hong Kong hôm 23/6, bước đầu qua Moscow để rồi dự định xin tỵ nạn chính trị tại Ecuador.

Ngoại trưởng Ecuador, Ricardo Patino nói đơn xin tị nạn của ông Snowden đang được "nghiên cứu".
Các phóng viên, những người đã phỏng vấn ông tại một địa điểm bí mật ở Hong Kong mô tả đó là một người "kín đáo, thông minh, dễ gần và nổi trội. Một bậc thầy về máy tính."

Giải thích lý do khiến ông quyết định rời Hoa Kỳ, ông nói với Guardian: "Tôi không muốn sống trong một xã hội làm những việc như thế... Tôi không muốn sống trong một thế giới mà mọi thứ tôi làm, tôi nói đều bị ghi lại."

Hoa Kỳ cáo buộc ông Snowden tội đánh cắp tài sản chính phủ, trao đổi không phép về các thông tin an ninh quốc gia và cố ý trao đổi về các tin trao đổi tình báo chưa được giải mật.
Mỗi tội danh này có thể bị án tới tối đa 10 năm tù.
Biết rằng Hoa Kỳ không có thỏa thuận dẫn độ với Hong Kong, ông Snowden đã rời đi trên chuyến bay của hãng hàng không Nga Aeroflot tới Moscow.
Tin tức nói Ecuador xác nhận ông xin tỵ nạn với chính quyền nước này và có kế hoạch bay từ Nga sang Cuba rồi tới Venezuela trước khi đến Ecuador.
Nhưng tin mới nhất của New York Times 24/6/2013 nói chuyến bay Aeroflot 150, rời Moscow đi Havana, Cuba lại không có ông ở ghế ngồi số 17A.

'Vỡ mộng'

Tin tức nói ông Snowden đã lớn lên tại Elizabeth City, North Carolina, và sau đó tới Maryland gần với trụ sở chính của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) tại Fort Meade.
Tự coi mình là một sinh viên không xuất sắc lắm, ông được cho là đã học môn điện toán tại trường đại học cộng đồng Maryland nhằm đạt đủ tín chỉ để lấy được bằng tốt nghiệp trung học. Tuy nhiên, ông chưa từng học xong khóa này.
Năm 2003, ông gia nhập Quân đội Mỹ và bắt đầu tập huấn tại Lực lượng Đặc biệt, nhưng bị cho ra sau khi gãy cả hai chân trong một vụ tai nạn khi luyện tập.
Công việc đầu tiên của ông tại NSA là nhân viên an ninh cho một trong các cơ sở bí mật của cơ quan này tại Đại học Maryland. Sau đó, ông làm việc về an ninh công nghệ thông tin tại CIA.
Tuy không có trình độ chuyên môn chính thức, nhưng kỹ năng máy tính đầy ma thuật khiến ông nhanh chóng thăng tiến trong hàng ngũ nhân viên tình báo.
Đến 2007, ông được CIA giao nhiệm vụ trong vỏ bọc ngoại giao tại Geneva.

Ông Snowden nói với báo Guardian:
"Hầu hết những gì chứng kiên được tại Geneva đã khiến tôi vỡ mộng về cách thức hoạt động của chính phủ mình và về ảnh hưởng của chuyện đó trên thế giới. Tôi nhận ra rằng mình là một phần của thứ đang làm hại nhiều hơn là đem lại lợi ích."

Ông Snowden nói ông đã tính đến chuyện ra công khai sớm hơn, nhưng đã chờ xem kỳ bầu cử Tổng thống Barack Obama 2008 có làm thay đổi cách tiếp cận của Hoa Kỳ hay không.
"[Ông Obama] tiếp tục những chính sách của những người tiền nhiệm," ông nói.

Theo các hồ sơ tài chính vận động tranh cử, ông Snowden hồi 2012 đã trao tiền cho ứng viên Cộng hòa ít có khả năng thắng, Ron Paul, người ủng hộ việc có những hạn chế nghiêm ngặt đối với quyền lực của chính phủ.

Ông Snowden được cho là đã quyên tiền hai lần, mỗi lần 250 đôla trong quá trình vận động.
Ông rời CIA năm 2009 và bắt đầu làm việc tại NSA trong vai trò một người làm công cho một số các nhà thầu bên ngoài, trong đó có hãng tư vấn khổng lồ Booz Allen.

Trong một tuyên bố, công ty này xác nhận ông đã từng làm hợp đồng với họ trong thời gian chưa tới ba tháng, được cử sang làm việc trong nhóm tại Hawaii.
"Các tin tức thời sự nói cá nhân này tuyên bố đã tiết lộ những thông tin chưa được giải mật đã gây sốc, và nếu như các tin này chính xác, thì hành động này thể hiện việc vi phạm quy tắc ứng xử và những giá trị cốt lõi của công ty chúng tôi," bản tuyên bố viết.
Ông chính thức bị sa thải hôm 11/6.

Ông Snowden nhận mức lượng 112.000 đôla, theo tuyên bố của công ty thuê ông.
Ông và bạn gái đã rời khỏi nhà tại Waipahu, West Oahu, Hawaii, hôm 1/5, không để lại gì, hãng đại lý bất động sản nói.
Một hàng xóm nói với ABC rằng hai người này thường kéo rèm đóng kín cửa và "không chuyện trò gì mấy với bất kỳ ai quanh đây".

Bạn gái của ông, có viết blog và đăng hình mình múa cột trên blog, nói cô bất ngờ về việc bạn trai đột nhiên biến mất.
"Thế giới của tôi đã mở rồi cùng lúc lại đóng," Lindsay Mills viết. "Khiến tôi bơ vơ giữa biển khơi mà chẳng có một chiếc la bàn."





1 comment:

  1. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đe dọa Trung Quốc và Nga về các hậu quả trong quan hệ với Washington, cụ thể là việc cựu nhân viên NSA có thể được tự do di chuyển từ Hồng Kông sang Nga. Nhưng Tổng thống Nga cũng nói rằng chuyến bay đến Nga của ông Snowden là "hoàn toàn bất ngờ" và các cáo buộc Nga có tham gia chuẩn bị đón ông ta là "bịa đặt". Xem ra, Mỹ, Nga và Trung Quốc đang căng thẳng trong rất nhiều vấn đề. Vụ Snodent chỉ là luồng gió thổi bùng ngọn lửa bất đồng trong vấn đề Syria âm ỷ trong quan hệ giữa ba cường quốc. Mỗi nước đều có những toan tính nhằm mục đích hạ thấp uy tín của đối phương trên trường quốc tế

    ReplyDelete

View My Stats