Tuesday 25 June 2013

MỨC ÁN NÀO SẼ DÀNH CHO LS LÊ QUỐC QUÂN ? (Tấn Hà)




Thứ tư, ngày 26 tháng sáu năm 2013

Theo thông tin từ gia đình luật sư Lê Quốc Quân, anh sẽ bị đưa ra tòa vào ngày 09/07/2013. Việc anh sẽ bị cái gọi là tòa án của chế độ độc tài đảng trị tại Việt Nam kết án như thế nào chắc chắn sẽ được truyền thông và dư luận xã hội quan tâm, vì anh là một blogger, một luật sư bất đồng chính kiến nổi bật trong vài năm qua.

Có lẽ nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam (CSVN) đã muốn bắt luật sư Lê Quốc Quân từ lâu, nhưng vì áp lực quốc tế quá lớn cho nên họ đã buộc phải chùn tay. Bằng chứng là vào ngày 08/03/2007 Lê Quốc Quân đã bị bắt sau một khóa học cộng đồng của tổ chức hỗ trợ dân chủ (National Endowment fo Democracy) tại Mỹ, nhưng chỉ 3 tháng sau họ đã phải trả tự do cho anh vô điều kiện sau khi ứng cử viên tổng thống Mỹ là Giohn Mc Cain và bà Madeline Albright (cựu ngoại trưởng Mỹ) viết thư phản đối…

Vào ngày 10/04/2011 luật sư Lê Quốc Quân lại bị bắt cùng nhà đấu tranh, cựu tù chính trị, bác sĩ Phạm Hồng Sơn, nhưng sau 3 ngày công an cũng phải trả tự do cho cả hai người. Đây cũng lại là một vụ bắt giữ người tùy tiện, trái pháp luật của nhà cầm quyền CSVN.

Luật sư Quân đã viết nhiều bài viết rất sắc bén, phản biện và bình luận về nhiều vấn đề chính trị xã hội của Việt Nam, phản đối những chính sách cầm quyền bất công vô nhân đạo của chế độ… Nhưng có lẽ thời điểm mà những kẻ hung thần độc tài độc đoán, toàn trị, công an trị là chế độ Cộng Sản, CSVN đã không thể giữ nổi bình tĩnh, đó chính là việc ngày 18/12/2012 luật sư Lê Quốc Quân phổ biến bài “Hiến pháp hay hợp đồng điện nước”, phổ biến trên blog của anh và trên trang BBC tiếng Việt.

Trong bài viết vừa kể, luật sư Lê Quốc Quân đã tiên đoán rằng: “Tôi biết rằng những điều tôi viết sau đây có thể bị Đảng CS vứt vào sọt rác, thậm chí tệ hơn là có thể bị tống giam, nhưng lòng tin vào con người, sự hệ trọng của vấn đề cùng ý thức công dân thúc bách tôi”.  Như vậy chúng ta thấy, chính bản thân anh đã lường trước được hậu quả nhưng vì những lý tưởng mà anh theo đuổi, và có lẽ trên hết đó là ý thức công dân, cho nên anh đã chấp nhận tất cả. Và anh vẫn viết ra những dòng mà khi đọc kỹ bài viết của anh, mọi người  đều có thể nhận ra, nó là những lời thật từ đáy lòng…

Đọc lại bài Hiến pháp hay hợp đồng điện nước của Lê Quốc Quân, người đọc cũng thấy rằng, ngoài cảm xúc chất đầy, bài viết đó cũng thể hiện được một tầm nhìn sâu rộng về lịch sử, về chính trị xã hội của Việt Nam và thế giới.., ở một mức độ hiểu biết pháp luật cũng như kiến thức về mô hình nhà nước dân chủ rất sâu sắc. Đồng thời bài viết đó cũng chỉ trích một cách sâu cay chế độ chính trị đầu dơi mình chuột chẳng giống ai của CSVN: Hiến pháp giống như một hợp đồng điện nước!!!

Mặc dù đã nhiều lần bắt giữ Lê Quốc Quân, dùng cả côn đồ đánh đập anh tàn nhẫn như đêm ngày 18/09/2012, nhà cầm quyền Hà Nội vẫn không lay chuyển được ý chí quyết tâm đấu tranh của anh. Họ đã huy động cả báo chí nhà nước xúm vào đánh hội đồng anh như trên Báo Hà Nội Mới, Báo Pháp Luật, Báo Anh Ninh Thủ Đô vv.., họ đã quy cho anh tội gây rối trật tự công cộng, xử phạt hành chính và thậm chí còn đưa anh ra đấu tố tại phường nơi anh thường trú, đó là phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.  

Dù tung ra những đòn thù hèn hạ, vô nhân đạo như vậy nhưng nhà cầm quyền CSVN vẫn không thể khuất phục được Lê Quốc Quân. Cuối cùng, không thể xử lý anh theo cách vu khống về tội “gây rối trật tự công cộng” hay “tuyên truyền chống nhà nước”, là những điều luật mà nhà cầm quyền Hà Nội thường hay sử dụng như một vũ khí bẩn để đàn áp người đấu tranh, họ đã dùng một vũ khí cũng không sạch sẽ gì, đó là vu cho anh tội “trốn thuế”.

Tất nhiên, tội danh trốn thuế dành cho luật sư Quân chức chắn cũng là ngụy tạo. Có thể công an sẽ gán ghép trách nhiệm cho anh vì trước đó họ đã bắt em trai của anh là Lê Đình Quản cũng về tội danh đó, nhưng lại do công an an ninh bắt chứ không phải là cảnh sát kinh tế như đối với những vụ án kinh tế khác! Đây chính là bằng chứng rõ rệt nhất về việc nhà cầm quyền CSVN đã dùng luật rừng để biến một vụ án chính trị thành một vụ án hình sự thông thường…

Nếu có thể gọi là “tội danh” thì tội danh thực của luật sư Lê Quốc Quân là gì? Đó chính là việc anh tham gia biểu tình chống Trung Cộng xâm lăng, là lên tiếng chỉ trích nhà cầm quyền, là thực thi quyền làm người, quyền tự do dân chủ của một công dân, một trí thức yêu nước. Những việc làm đó hoàn toàn là ôn hòa bất bạo động và trong khuôn khổ pháp luật. Nhưng nếu nhà cầm quyền CSVN chấp nhận những điều luật sư Lê Quốc Quân đã làm thì chẳng hóa ra họ không còn là kẻ độc tài đảng trị nữa?

Luật sư Quân sẽ bị kết theo Điều 169 Bộ luật hình sự, đó là tội “trốn thuế”, nhưng mức án ra sao, bao nhiêu năm, là điều khó đoán, vì chế độ CSVN thường xét xử các bản án chính trị hết sức tùy tiện. Ngoài việc án lệnh đã được định sẵn theo kiểu bỏ túi, họ thường dựa vào yếu tố bị cáo có nhận tội hay không để áp đặt mức án. Đối với luật sư Nguyễn Quốc Quân, anh sẽ có thể bị kết án khoảng từ 2 đến 4 năm tù với mục đích giữ chân bịt miệng anh là chính.

Với vị thế của luật sư Quân, một khi có sự lên tiếng của chính giới các nước dân chủ tự do như Mỹ, Úc, Châu Âu, đồng thời dư luận xã hội của người Việt quan tâm hỗ trợ anh bằng việc lên tiếng phản đối nhà cầm quyền Hà Nội mạnh mẽ, yêu cầu trả tự do vô điều kiện cho anh.., thì chắc chắn tòa án của chế độ CSVN, dù có sự giật dây chỉ đạo của chính quyền, họ cũng không thể nào đưa ra một bản án quá nặng đối với anh. Đã đến lúc những người đấu tranh xem thường những bản án chính trị, vì họ đều tin chắc rằng, nếu có thể gọi họ là “tội phạm” thì họ phải là những tội phạm chân chính!

Tấn Hà 

-------------------------------------


Luật sư Lê Quốc Quân
Gửi cho BBC từ Hà Nội
Cập nhật: 10:18 GMT - thứ ba, 18 tháng 12, 2012

Tôi biết rằng những điều tôi viết sau đây có thể bị Đảng Cộng sản vứt vào sọt rác hoặc thậm chí tệ hơn là có thể bị tống giam nhưng lòng tin vào con người, sự hệ trọng của vấn đề cùng ý thức công dân thúc bách tôi.

Đó là từ ngày 2/1 đến 31/3/2013 Nhà nước sẽ lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, tháng 5/2013 sẽ trình quốc hội và nếu không có những sự biến lớn thì tháng 11/2013 nhân dân Việt Nam sẽ có bản Hiến pháp mới.

Đây sẽ là bản hiến pháp thứ 5, không kể nhiều lần sửa đổi, trong một thời gian chỉ hơn 6 thập kỷ những người cộng sản cầm quyền.

Chi tiết thì có đầy dẫy những điều khoản mâu thuẫn, lập lờ hoặc hỗn xược thách thức trí tuệ dân tộc Việt nhưng tôi sẽ không đi vào cụ thể mà chỉ nói lên ý nghĩa và tầm quan trọng của một bản hiến pháp hầu mong các đại biểu quốc hội hiểu và tranh đấu cho dân.

Nền tảng cho ngôi nhà Việt Nam

Có rất nhiều loại, nhiều định nghĩa và cách hiểu về Hiến pháp. Tuy nhiên, có thể hiểu rằng Hiến pháp là đạo luật cao nhất, quy định những nguyên tắc cơ bản nhất về tổ chức nhà nước, về quyền công dân, về mối quan hệ giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp. Một cách mộc mạc thì “Hiến pháp chính là một hợp đồng trao quyền và giao việc giữa chính quyền và người dân”

Lịch sử cho thấy các quốc gia phát triển và trở thành siêu cường trong một thời gian dài thường gắn liền với nền cộng hòa, nơi con người được tự do tranh luận và khai phóng. Khi quá trình xây dựng được thảo luận kỹ với nguyên lý kiểm soát và cân bằng quyền lực được minh định rõ thì các công dân có thể yên tâm trao phó quyền lực cho cỗ máy cai trị mình.

Xưa La Mã vươn mình trùm cả vùng Địa Trung Hải và nay Hoa Kỳ có thể triển khai quân đến bất cứ nơi nào trên hành tinh này trong vòng 24 tiếng; người Đức thì trù liệu cho cả những vùng đất nằm ngoài biên giới để hơn 40 sau thống nhất cũng không phải sửa đổi hay như Nhật Bản vẫn “quẫy đạp” được trong khuôn khổ Hiến pháp 1946 để có được lực lượng phòng vệ mạnh trước sự gây hấn của láng giềng Trung Quốc…tất cả đều bắt nguồn từ sự cẩn trọng trong xây dựng Hiến Pháp.

Lịch sử cũng cho thấy chưa có quốc gia nào trở nên thịnh vượng lâu dài mà không có Hiến pháp hoặc chỉ do ý chí của một nhóm người tạo nên.

Thông thường phía sau những bản hiến pháp mang đầy ngôn ngữ hoành tráng và dự án viễn vông là sự rượt đuổi đến hụt hơi của các nhà lập pháp nhằm thể hiện thực tiễn phát triển vốn rất cụ thể và sinh động.

Hiến pháp quan trọng đến mức Bắc Phi vẫn là nguồn cảm hứng khi những người dân tiếp tục xuống đường biểu tình chống lại dự thảo Hiến pháp của tổng thống Ai Cập, ông Mohammed Mursi.

Rõ ràng sự thôi thúc của dân chủ và sự hãnh tiến về tương lai mạnh mẽ hơn nhiều những ràng buộc tâm linh và tôn giáo khi các bạn trẻ dù theo hồi giáo đã dám cáo buộc tổng thống hành xử như một nhà độc tài trong nỗ lực muốn phá vỡ khả năng kiểm soát và bảo vệ pháp luật của tòa án.

Điều đó cho phép ta lạc quan về nền dân chủ, một khi đã bắt rễ trong xã hội, sự quay lại của các nhà độc tài chắc chắn là gặp trở ngại.

Thật vậy, lập hiến, giống như chúng ta xây dựng một ngôi nhà, nền móng có tốt thì mới bền vững được lâu dài và có khả năng mở rộng và xây lên nhiều tầng cao.

Hiến pháp cũng có thể được coi như bộ rễ quyết định sự vững chắc và độ xum xuê của các nhánh luật pháp sau này. Ngôi nhà có cao và vững chắc hay không, cây pháp lý có nhiều cành và tỏa bóng mát được rộng khắp hay không là hoàn toàn phụ thuộc vào gốc, phụ thuộc vào khả năng chịu lực, khả năng hút dinh dưỡng là những ý tưởng tự do từ đất mẹ Việt Nam.

Hiến pháp hay cương lĩnh Đảng?

Nhân dân Việt Nam chúng ta sắp sửa có một văn bản tác thành mô hình Nhà nước, một ngôi nhà để tất cả con dân Việt chung sống với nhau.

Liệu chúng ta có giao phó toàn bộ việc này cho những đảng viên đảng cộng sản mà suy cho cùng cũng chỉ có một số người cấp rất cao, với nhóm gen rất nhỏ và dấu hiệu của sự thiểu năng đã lộ rõ, áp đặt ý chí của mình lên việc thiết kế nó?

Điều này chắc chắn không ai khác ngoài các đại biểu quốc hội phải lưu tâm khi thay mặt nhân dân ký kết bản hợp đồng giao việc này.

Tôi nghĩ, nhân dân Việt Nam đã vượt qua bao nhiêu gian khó suốt chiều dài lịch sử nhọc nhằn của mình, sẵn sàng hy sinh một phần khái niệm “Con người” để hướng đến giá trị “Công dân” khi ký kết một thỏa ước lập hiến với chính quyền với điều kiện các quyền công dân đó phải được phản ánh đúng qua những người đại diện của mình.

Nếu như các đại biểu quốc hội chỉ làm theo sự lãnh đạo của đảng mà quên đi những khát vọng thực sự của nhân dân, vốn đang ngày càng khác biệt với ý chí của đảng cộng sản thì điều đó đã hàm chứa sự phản bội hoặc lừa gạt ý chí nhân dân.

Điều tệ hại nhất đã xảy ra là Quốc hội đã giữ lại điều 4 trong Hiến Pháp khẳng định sự lãnh đạo của đảng trên toàn dân tộc Việt Nam, nghĩa là quốc hội đã trao cho đảng một chiếc đũa thần để toàn quyền đan rọ mà mặc nhiên quốc hội phải chui vào.

Khi đó đảng bắt đầu lấy quyền lực chính trị của mình và khái niệm “ổn định chính trị” để ngăn chặn sự thể hiện của tự do công dân bằng cái đuôi “theo quy định của pháp luật” nằm tại rất nhiều điều của hiến pháp.

Có thể các đại biểu đã sai nhưng các Ngài cũng cần phải biết rằng: “Ý chí chung của Nhân dân có thể bị nhầm lẫn, nhưng nó không thể bị phá hủy”.

Đại biểu quốc hội hiện tại gồm nhiều người tốt có thể bị dẫn dụ, mê hoặc và lâu dần tình cảm đó trở thành một niềm nuối tiếc trong tâm thức nhưng ý chí chung của nhân dân và sự đòi hỏi của tri thức, của khao khát thực thi quyền lực đúng đắn đang tiếp tục giục giã tất cả chúng ta đưa đất nước tiến lên.

Hơn lúc nào hết, các đại biểu quốc hội thay mặt người dân cần phải hiểu và đấu tranh bằng được rằng Hiến pháp là gốc của mọi sự phát triển, rằng mục đích phát triển cuối cùng của con người chính là sự bình an và triển nở các giá trị tự do trong não, trong tim của mỗi một con người chứ không phải là giới hạn tự do. Nếu làm suy giảm quyền tự do của công dân bao nhiêu thì sức lực của quốc gia chắc chắn sẽ giảm sút bấy nhiêu.

Các đại biểu cũng đừng sợ và cổ súy cho những “tên bạo chúa tập thể” gồng lên để chèn ép tự do của nhân dân. Các Ngài cần hiểu rằng không những chiếc ghế mà cả sự tự do của các Ngài cũng sẽ không còn nếu cổ súy cho ai đó “xù lông dựng cánh” với nhân dân vì đó là lúc các Ngài đang giúp kẻ thù lăm le xâm chiếm thành bang nở nụ cười đắc thắng. Và nước mất thì nhà có tan không?

Các Ngài cũng cần ý thức rằng những vương triều vinh quang chói lòa rồi cũng đã đi qua, chính trị cũng như cơ thể con người, tuổi già và cái chết đã được cài đặt ngay khi mới sinh ra.

Nếu Hiến pháp không được soạn thảo một cách kỹ lưỡng để nó trẻ hóa và tự làm mới mình trước những biến cố của thời cuộc đầy đầy phiêu du thì sẽ triệt tiêu sức lực của toàn dân và dẫn đến sự tiêu vong của cả dân tộc.

Dù cho đảng có lấy vấn đề ổn định chính trị để ngăn cấm quyền dân thì các đại biểu của dân cần phải hiểu là mình có thể ôm cả đống sách và xô đổ bàn ghế đánh nhau, nhưng ngoài kia, dân chúng vẫn vui vẻ làm ăn, và luật pháp không xáo trộn mới thực là “thái bình thịnh trị”.

Đó mới là cái mà Nhân dân mong muốn ở các Ngài.

Hiến pháp không thể là một cương lĩnh chính trị của một đảng cầm quyền vì bản thân Hiến pháp phải hàm chứa được việc tạo nên một thế cân bằng cho sự phát triển đa dạng.

Đảng Cộng hòa hay Dân chủ chỉ được ví như hai chân trong một cơ thể nước Mỹ, cứ chân này bước lên bốn hoặc tám năm thì chân kia bước tiếp, nó đảm bảo cho sự hài hòa trong nỗ lực đưa quốc gia tiến về phía trước.

Bởi vậy, dù không có đa nguyên Hiến pháp Việt Nam nhất thiết phải cài cắm được những điều kiện tiên quyết của phát triển, nên ngắn gọn, rộng, và bao hàm đầy đủ cho một dân tộc phát triển và tất nhiên không thể là ý chí của một nhóm người hay của một đảng phái chính trị nào.

Ý thức về tương lai

Quốc hội là cơ quan quyền lực tối cao của nhân dân và quốc hội không có sức mạnh nào khác ngoài quyền lực lập pháp. Vì thế, hơn lúc nào hết, các Nghị sỹ cần phải có ý thức với tiền đồ của dân tộc để thật lòng thể hiện ý chí chung của nhân dân.

Luật pháp quyết không được ban ra theo kiểu: “dự trù” hoặc “thăm dò” vì nó sẽ làm cho người dân nhờn đi, quen với thói quen của sự ăn gian, nấn ná, xem thường…Đại biểu càng không thể cố tình xuê xoa, thỏa hiệp thông qua những vấn đề quan trọng với một thái độ thờ ơ, cả nể.

Xét về mặt phát triển xã hội thì những tiến bộ của loài người gần đây cũng không đi quá xa những điều mà chính ông cha ta đã bàn từ rất lâu.

Bởi vậy, với quyết tâm và tình yêu thật sự, hãy để lại một cái gì đó cho con cháu tự hào, hoặc nếu thấy khó quá thì cứ học theo ông cha đem đầy đủ Hiến pháp của năm 1946 áp dụng lại.

Xây dựng được Hiến pháp đã khó, việc bảo vệ nó khỏi sự lạm quyền của Hành pháp và của chính Quốc hội trong việc bàn hành pháp luật càng khó hơn. Có một sự thật phải thừa nhận rằng sự ly khai khỏi nền tảng chung để hướng đến các lợi ích riêng là điều luôn luôn tồn tại trong sự phát triển của xã hội loài người.

Bởi vậy, cần phải có cơ chế bảo hiến để canh giữ hiến pháp, bảo vệ chính quốc hội khỏi ban hành những bộ luật nhằm thỏa mãn một nhóm lợi ích nào đó, bảo vệ Chính phủ khỏi sự lạm dụng quyền lực trong khi thực thi pháp luật.

Bởi thế cơ chế bảo vệ hiến pháp độc lập phải thực sự được coi trọng.

Tiếc thay, trong ba phương án bảo vệ Hiến pháp là thành lập tòa án Hiến pháp, Hội đồng bảo hiến độc lập và Hội đồng bảo hiến thuộc Quốc hội thì Đảng đã chỉ đạo lựa chọn hình thức thứ ba là hình thức kém độc lập nhất.

Nếu có một cơ chế bảo hiến tốt thì những cái đuôi “theo quy định của pháp luật” như lâu nay, vốn cổ súy cho việc vi hiến tràn lan, sẽ bị chặt đứt. Và đương nhiên các đạo luật sau này ban hành ra thường là để tạo điều kiện cho người dân thực hiện chứ không phải để ngăn cản hoặc tước đoạt các quyền đó.
Các quyền tự do của Công dân đang ghi tại Điều 69 đương nhiên được thực hiện và sẽ mở đường cho hàng loạt nhân quyền khác. Khi đó những Nghị định cấm người biểu tình ở Hà Nội sẽ bị tòa bảo hiến từ chối áp dụng vì vi hiến.

Như vậy thay vì nó là một hợp đồng có được thảo luận kỹ càng thì Đảng mặc nhiên coi đây là hợp đồng áp đặt theo mẫu như lắp điện thoại, cấp nước, cấp điện ở Việt Nam mà người dùng hoàn toàn buộc phải ký chứ không có cơ hội được thảo luận bình đẳng.

Các hợp đồng đó tạo ra cho cá nhân sự bất lợi, còn hợp đồng Hiến pháp là cho các một quốc gia và liên quan đến một vấn đề gai góc và đầy cám dỗ là quyền lực, thì nó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển nhường nào.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một luật sư vận động dân chủ hiện sống tại Hà Nội.



No comments:

Post a Comment

View My Stats