Wednesday, 5 June 2013

LÒNG TIN CHỈ LÀ CANH BẠC (Phương Bích)




Thứ tư, ngày 05 tháng sáu năm 2013

Gần đây, truyền thông nhà nước có vẻ mạnh dạn đưa tin về các vụ Trung Quốc xâm phạm chủ quyền trên biển Đông, các vụ tấn công ngư dân ngay trong lãnh hải... Nhưng chỉ đơn thuần là đưa tin, chứ không hề cho người dân thấy một biện pháp tích cực, mang tính quyết liệt nào ngoài “võ mồm”. Dân chán nghe cái câu “cực lực phản đối” và “yêu cầu” của Bộ ngoại giao lắm rồi. Nhìn sang dân và lãnh đạo nhà anh Philipin mà thèm.

Thế nên nhiều người hậm hực lắm, khi thấy cái thằng hàng xóm to xác nó cứ ngang ngược quá thể. Có lẽ không ngư dân nước nào khổ như ngư dân nước mình. Cứ lầm lũi, đơn độc trước gã kẻ cướp bần tiện, tham lam. Ông chủ tịch nước thì nói ngon ơ rằng biển ta, ta cứ đánh bắt. Còn đánh bắt thế nào thì mặc mẹ chúng mày. Lũ kẻ cướp nó đánh, bắt ngư dân của ông thì ông cứ tảng lờ.
Hay thật! Ít ra cũng phải triệu đại sứ lên, trao công hàm cho nó ra dáng phản đối, chứ cứ để anh Nghị ngồi phản đối vặt thì chán lắm.

Khi có lời kêu gọi biểu tình trên mạng, suốt mấy ngày sau đó lòng dạ tôi cứ bời bời. Không thể biết được điều gì sẽ chờ đón những người biểu tình chống Trung Quốc xâm lược. Nhà cầm quyền sẽ nhất định đàn áp biểu tình hay là ngầm bật đèn xanh? Có người nói, thực ra họ cũng đang cần mình biểu tình lắm đấy chứ. Nhưng đặt lòng tin vào họ thì khác gì đánh bạc?

Không đi thì không đành, bỏ mặc những người khác ngoài đó sao được. Thôi thì đã xác định đi là chấp nhận tất cả. Đến ngày đến giờ, tôi khăn gói đồ lề, lặng lẽ chuồn ra khỏi nhà. Trước đó, mấy anh em có nguy cơ bị chặn than thở với nhau khi tìm cách trốn nhà: Cứ như là đi hoạt động cách mệnh vậy! Đến khổ.

Hóa ra chỉ có dăm ba người là bị chặn. Bác Khánh chồng bác Trâm cũng bảo đã trốn trước mấy ngày rồi. Thêm JB Nguyễn Hữu Vinh cũng bị chặn nhưng vẫn thoát được mới tài. Còn lại, tất tật đều thoải mái ra khỏi nhà. Sao mà sướng thế? Ngẫm lại cay đắng. Có mỗi việc được tự do ra khỏi nhà, cũng khiến người ta cảm thấy hạnh phúc được thì quả là đáng buồn.

Sáng chủ nhật, tôi có mặt tại Bờ Hồ từ sớm. Thấy quang quẻ các bóng áo xanh áo vàng lại bán tín bán nghi. Không lẽ đèn xanh thật? Không lẽ lại phúc đức thế?

Vừa mới nghĩ vậy thì một em bên cạnh cười khắc khắc, chỉ vào phía đầu đường Hàng Gai, có dăm chú áo xanh đang ngồi trên via hè, cạnh đó là chiếc xe tải nhỏ của cảnh sát.

Nhưng quả thực là không thấy có dấu hiệu đàn áp. Không thấy lực lượng an ninh đứng dày đặc trên đường bao quanh Hồ Gươm. Không thấy các biển cấm quay phim chụp ảnh ở khu vực tượng đài vua Lý. Chỉ lác đác một vài xe cảnh sát loại bán tải đỗ bên lề đường.

Những người quen nhận ra nhau, chào hỏi bắt tay vui vẻ. Ai đó khều khều tay tôi, ngoảnh ra thì thấy một chị dân oan. Tôi chào lại rồi bảo, biểu tình chống TQ thì không đòi nhà cửa đất cát gì nhé, chị ấy gật gật bảo: OK!

Tôi chả nhớ lúc đó là mấy giờ, chỉ biết ở khu vực quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, một số người bắt đầu căng biểu ngữ và hô khẩu hiệu. Đương nhiên đã biểu tình thì phải hô, giống như ngày xưa dân ta hô đả đảo Mỹ xâm lược nước một răng một rắc ấy.

Tôi cũng hô váng lên. Nhìn thấy phía trước là nhà văn Thùy Linh đang chen chân với các tay máy, vừa chụp ảnh vừa hô: đả đảo!

Hô chừng dăm phút thì mọi người bắt đầu đi diễu hành về phía Thủy Tạ. Ai đó đưa cho tôi một tờ giấy A3 ghi dòng chữ Tàu khựa cút khỏi biển Đông. Mới đi được vài chục mét, qua nhà hàng Thủy Tạ thì tiếng huyên náo nổi lên xung quanh. Những gã thanh niên lao vào đoàn người giật tất cả những khẩu hiệu mọi người cầm trên tay. Cái khẩu hiệu trên tay tôi vụt biến mất sau khi một gã lướt qua. Một số tên huơ tay, miệng la to: không được chụp ảnh! - thật ngu xuẩn.

Phải nói cái âm thanh huyên náo và hình ảnh cướp giật rất bạo lực đối với tôi thực sự kinh khủng. Nó khiến máu bốc lên đầu, cổ họng thì thắt lại, tim đập chân run. Run là vì căm giận chứ không phải sợ hãi. Ba bốn gã thanh niên đang túm lấy Phương Anh, vợ của Lê Anh Hùng, nhưng người phụ nữ bên cạnh cứ ôm cứng lấy cô ấy. Hai người phụ nữ bị giằng giật rất hung bạo, tôi không đủ sức mạnh để chen vào hỗ trợ họ, chỉ biết la to: Không cần, cứ để cho chúng lấy! Bản thân những chiếc áo No-U chẳng phải đã là khẩu hiệu rồi sao? Viết đến đây tôi chợt nghĩ, nếu những người biểu tình viết những dòng chữ chống quân xâm lược lên cánh tay, như cha ông ta từng thích chữ “Sát Thát” thì chúng cướp giật kiểu gì đây?

Bên cạnh đó, cựu chiến binh, blogger Nguyễn Anh Dũng cũng bị một đám hung hãn bao quanh, cố giằng cái khẩu hiệu trong tay người lính già. Khi cơn huyên náo lắng xuống, tấm khẩu hiệu trên tay người lính chỉ còn lại một mẩu giấy nhăn nhúm – phần nằm trong lòng bàn tay bác ấy. Bác ấy vừa đi vừa giơ cao đoạn giấy rách nham nhở trên đầu, giống như hình hài nham nhở của đất nước, đang bị đủ các thứ giặc xâu xé…

Đoàn người lại tiếp tục lặng lẽ đi. Không có khẩu hiệu trên tay thì tôi giơ hai nắm đấm lên trên đầu. Mọi người truyền tin cho nhau, một số người đã bị bắt lên xe buýt ở ngay khu vực Thủy Tạ (trong đó có cả nhà văn Thùy Linh), nghĩa là mới bắt đầu xuất phát thôi.

Lúc này tiến sĩ Nguyễn Quang A xuất hiện với chiếc áo No-U. Mọi người hồ hởi bắt tay tiến sĩ. Tôi cũng chen vào bắt tay bác ấy. Cảm động lắm khi trong lúc nước sôi lửa bỏng thế này, mà thấy bóng một nhân sĩ trí thức xuất hiện cùng mọi người.

Khi chúng tôi đi về phía Tràng Tiền, đám cô hồn vẫn lầm lũi đi bên cạnh. Dưới lòng đường là chiếc xe buýt kềnh càng chầm chậm lăn bánh.

Người biểu tình đúng là chưa có kinh nghiệm. Họ đi rất nhanh hay vì tôi đau chân? Tôi tụt dần lại phía sau. Đến đoan Hàng Khay, chiếc xe buýt đột nhiên rồ ga chạy nhanh về phía trước. Đám cô hồn chạy túa theo. Lại bắt người rồi! Quay ra tìm bạn bè trong đám người còn lại, chả thấy ai!

Gọi điện cho cựu chiến binh Phan Trọng Khang, người đi cùng tôi ban sáng. Giọng anh cười nhẹ nhàng : 
- Anh đang qua sông Đuống!

Tôi đã quen với việc này. Lòng bình thản nghĩ về chặng đường tới sang Lộc Hà. Sức tôi đàn bà, chỉ cần chạm vào chúng là bắn văng ngay ra, nên có cố xông vào cứu đồng đội cũng chả được.
Tôi và chị bạn đi theo tay an ninh Phường ra chỗ lấy xe để cậu ta đèo về (chắc chưa thấy tôi về, phường họ chưa yên tâm – bài Không thể để đảng và nhà nước lo được). Dọc đường gặp cụ giáo sư già Ngô Đức Thọ. Muốn khóc quá!




No comments:

Post a Comment

View My Stats