Monday, 3 June 2013

KỶ NIỆM 24 NĂM BIẾN CỐ THIÊN AN MÔN (Nguyễn Văn Huy)




Chi tiết
Được đăng ngày Thứ hai, 03 Tháng 6 2013 14:31

Từ sau 1989 đến nay, xã hội Trung Quốc đã có nhiều thay đổi đáng kể, nhất là mức sống người dân đã được nâng cao nhưng những quyền cơ bản của con người đã không tăng cùng nhịp độ. Xã hội Trung Quốc không có tự do chính trị và quyền con người tiếp tục bị chà đạp.

*

Cuộc xô xát giữa những người biểu tình và quân đội tại quảng trường Thiên An Môn ngày 4 tháng 6năm 1989 đã làm hàng ngàn người thiệt mạng và hàng chục ngàn người bị thương. 24 năm sau, hình ảnh cuộc thảm sát này vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức gia đình những người bị nạn, giới truyền thông quốc tế và các chính quyền dân chủ phương Tây.

Rút ra bài học nào ? Tương lai của tinh thần của biến cố Thiên An Môn ra sao ?

Cuộc thảm sát ngày 04 tháng 06 năm 1989

Cuộc biểu tình tại quảng trường Thiên An Môn là một loạt những cuộc biểu tình của sinh viên, trí thức và công nhân kéo dài từ ngày 15 tháng 4 (đám tang ông Hồ Diệu bang) đến 4 tháng 6 năm 1989 (cuộc thảm sát Thiên An Môn). Phong trào sau đó đã lan rộng ra khắp nước, sinh viên và công nhân trong hơn 400 thành phố khác đã xuống đường ủng hộ những người bạn ở Bắc Kinh.

Nguyên do bắt đầu từ đám tang ông Hồ Diệu Bang vào giữa tháng 04/1989 tại Bắc Kinh. Về mặt chính thức, những cuộc xuống đường là để tỏ lòng thương tiếc một cấp lãnh đạo có xu hướng cải cách, nhưng trong thực ra là để phản đối lạm phát và tệ nạn tham nhũng. Số người tham dự biểu tình ngày càng đông, riêng tại quảng trường Thiên An Môn ngày 16/04 đã có hơn 100.000 người tham dự. Những ngay sau, phong trào lan rộng ra hơn 400 thành phố khác trên khắp lãnh thổ như tại Urumqi (Tứ Xuyên), Thượng Hải và Trùng Khánh, rồi sau đó lan ra hải ngoại : Hồng Kông, Đài Loan và các cộng đồng Hoa kiều tại Bắc Mỹ và Châu Âu. Khi sự việc xảy ra quá tầm kiểm soát thì trong hai ngày 03 và 04/06/1989, chính quyền điều xe tăng và bộ binh từ những nơi khác về quảng trường Thiên An Môn để đàn áp phong trào và giải tán những người biểu tình.

Tổng số người thiệt mạng trong ngày 04/06/1989 tại quảng trường Thiên An Môn cho đến nay chưa hề được công bố chính thức. Vào thời điểm đó, Bắc Kinh cho biết có 800 người thiệt mạng, các bệnh viện chung quanh quảng trường đưa ra con số 2.000 người bị chết, bộ ngoại giao Hoa Kỳ ước đoán 2.600 người bị tử vong, khối NATO nói khoảng 7.000 người (1.000 binh sĩ và 6.000 người biểu tình), khối xô viết cũ ước tính  10.000 người bị giết.

Cho dù có bao nhiêu người chết, đây là cuộc thảm sát trực tiếp và công khai những người biểu tình đòi tự do và dân chủ trước ống kính truyền hình được gởi đi từ Thiên An Môn. Cuộc thảm sát ngày 04/06/1989 tại quảng trường Thiên An Môn chính vì thế thường được nhắc tới dưới tên gọi "Cuộc thảm sát Thiên An Môn.

Tiếp sau cuộc thảm sát, Bắc Kinh cho tiến hành nhiều cuộc bắt giữ khác để trấn áp những người ủng hộ phong trào, cấm đoán báo chí nước ngoài và kiểm soát nghiêm ngặt việc đưa tin các sự kiện ra nước ngoài.

Cuộc đàn áp bằng bạo lực đối với những người biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn năm 1989 đã làm dư luận thế giới phẫn nộ và bị chính quyền các quốc gia dân chủ phương Tây và các tổ chức nhân quyền tiếng chỉ trích. Bắc Kinh đã trả một giá khá đắt cho hành động thô bạo này : bị cả thế giới văn minh lên án và bị cấm vận vũ khí.

Hoa Kỳ yêu cầu Bắc Kinh giải thích

Nhân dịp kỷ niệm 24 năm biến cố Thiên An Môn, ngày 01/06/2013 vừa qua, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ra một tuyên bố yêu cầu Bắc Kinh giải thích đầy đủ về cuộc đàn áp những người ủng hộ dân chủ sau khi xảy ra các cuộc biểu tình, phản đối ở Quảng trường Thiên An Môn hồi năm 1989.
Bản tuyên bố viết : "Chúng ta nhắc lại lời kêu gọi của chúng ta yêu cầu Chính quyền Trung Quốc chấm dứt ngay việc sách nhiễu những người tham gia trong các cuộc biểu tình và giải thích đầy đủ về những người bị giết, bị bắt hoặc mất tích… Chúng ta nhắc lại lời kêu gọi yêu cầu Trung Quốc bảo vệ các quyền nhân quyền phổ quát của mọi công dân của mình, thả những người đã bị giam giữ sai, bị truy tố, bị giam cầm, bị cưỡng bức mất tích hoặc bị quản thúc và chấm dứt sự quấy rối liên tục nhắm vào các nhà hoạt động nhân quyền cùng gia đình của họ".

Để trả lời, ông Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, yêu cầu phía Hoa Kỳ nên ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc vì chính quyền Trung Quốc đã có kết luận rõ ràng về vụ biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn.

Ông Hồng Lỗi cảnh báo Washington không nên đưa ra những cáo buộc vô căn cứ :  "Chúng tôi kêu gọi phía Mỹ loại bỏ định kiến chính trị, ứng xử đúng đắn với sự phát triển của Trung Quốc, sửa sai ngay lập tức và ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc để không phá hoại các mối quan hệ Trung-Mỹ".

Cũng nên biết, mặc dù đã cố tạo một bộ mặt ôn hòa trước thế giới, đối với Bắc Kinh thảo luận về các cuộc đàn áp làm hàng trăm người chết tại Trung Quốc vẫn còn là một điều cấm kỵ. Cho tới nay, Bắc Kinh vẫn chưa cung cấp một số liệu chính thức nào về số người chết trong vụ Thiên An Môn 1989. Bắc Kinh cho rằng cuộc biểu tình, phản đối ôn hòa kéo dài nhiều tuần lễ cách đây 24 năm của sinh viên và người lao động là một cuộc nổi dậy "phản cách mạng" và giữ nguyên lập trường bảo vệ quyết định gửi xe tăng cùng quân đội tới đàn áp nhằm chấm dứt cuộc xuống đường trong hai ngày 3 và 4 tháng 6/1989.

Những đòi hỏi vẫn còn nguyên vẹn

Mặc dù đã đạt được những thành quả đáng kể về kinh tế và quốc phòng, những đòi hỏi của giới trẻ và công nhân Trung Quốc trong năm 1989 vẫn còn nguyên vẹn, nghĩa là tự do và dân chủ. 24 năm sau, Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn không những phải đối mặt với những đòi hỏi đó từ trong nước mà còn bị dư luận quốc tế yêu cầu giải thích đầy đủ về vụ đàn áp đẫm máu này.
Càng kéo dài lâu và trước đà suy thoái chung của thế giới, tình hình xã hội Trung Quốc chắc chắn sẽ không thuận lợi cho phía chính quyền, vật giá leo thang và không có công ăn việc làm sẽ thúc đẩy những người cùng khổ đứng lên đòi quyền sống. Hỗn loạn chắc chắn sẽ xảy ra vì những người xuống đường đòi quyền sống trong những ngày sắp tới sẽ không phải là giới sinh viên học sinh hiền hòa. Người dân Trung Quốc hiện nay rất thù ghét tham nhũng và lạm quyền mà hiện thân là những viên chức nhà nước, vì gần như ai cũng là nạn nhân, và chưa thấy có dấu hiệu cụ thể nào những tệ nạn này sẽ chấm dứt trong một tương lai gần.

Tâm lý chung của những gia đình nạn nhân sau biến cố Thiên An Môn hiện nay là tuyệt vọng và căm hận. Tuyệt vọng vì không ai trong chính quyền và đảng cộng sản dám nói lên sự thật và nhìn nhận lỗi lầm của họ trong biến cố năm 1989. Từ năm 1995 đến nay, nhiều nhóm nạn nhân Thiên An Môn thúc giục chính quyền nói lên sự thật về những gì xảy ra vào ngày 4 tháng 6 và truy cứu trách nhiệm những người có trách nhiệm. Căm hận vì những đòi hỏi chính đáng trong năm 1989 cho tới nay vẫn còn nguyên vẹn, hơn thế nữa tham nhũng đã ăn sâu vào chính quyền nên bất công càng dâng cao.

Những đòi hỏi  đó là gì ?

Đòi hỏi thứ nhất là làm sáng tỏ những vụ sát hại người biểu tình. Nhóm Các Bà Mẹ Thiên An Môn cho biết đã viết 36 bức thư cho các cấp lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc và đại biểu nhân dân của Quốc hội nhưng cho đến nay vẫn chưa hề nhận được một lời trả lời nào. Trong bức thư năm nay, nhóm Các Bà Mẹ Thiên An Môn kêu gọi đảng cộng sản nhanh chóng giải quyết tất các những sai lầm trong 60 năm qua, nghĩa là Cách mạng Văn hóa và Bước Đại Nhảy Vọt của 30 năm đầu và Biến cố Thiên An Môn của 30 năm sau. Trong suốt thời gian đó, Đảng Công sản Trung Quốc đã sát hại hàng chục triệu người. Riêng trong thời Cách mạng Văn hóa và Bước Đại Nhảy Vọt, đảng cộng sản đã làm cho hàng triệu người dân bị chết đói và hàng triệu người khác bị thủ tiêu.

Đòi hỏi thứ hai là để yêu cầu chính quyền đẩy mạnh những cuộc cải cách từ thực hiện tự do chính trị đến giải quyết tham nhũng. Nhưng 24 năm đã trôi qua, nhận thức về sự thay đổi của Trung Quốc cũng đã rất khác. Trong thập niên 1980, cải cách là một từ ngữ được mọi người ủng hộ và ca ngợi, ngày nay cải cách là một ý niệm được dùng để cưỡng đoạt. Chẳng hạn như để thực hiện tăng trưởng kinh tế và được khen tặng về chính trị, một viên chức chính quyền địa phương sẽ chiếm đoạt đất đai của người dân để xây dựng một khu vực mới, đó là cải cách địa phương. Trong những cải cách do chính quyền khởi xướng (cải thiện hệ thống pháp quyền, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và rút ngắn khoản cách giàu nghèo), không có cải cách nào về chính trị. Không có bầu cử tự do và cũng không ai được quyền xuống đường đòi hỏi hay chỉ trích chính quyền không thực hiện cải cách.

Đòi hỏi thứ ba là bài trừ tham nhũng. Vấn đề là với thời gian, khái niệm về tham nhũng trong thập niên 1980 đơn giản hơn tham nhũng trong thập niên 2010. Mặc dù Đảng Cộng sản Trung Quốc nói rằng cuộc chiến với tham nhũng là một vấn đề sống còn, nhưng ai kêu gọi các viên chức chính phủ công khai tài sản cá nhân thì liền bị bắt. Tham nhũng ngày nay qui mô và được tổ chức chặc chẽ hơn trước gấp nhiều lần, nó nằm bên trong tổ chức, kiểu mafia hay kiểu thân tộc. Nếu trong thập niên 1980, một viên chức tham nhũng và kiếm được chút tiền, họ thực sự giúp phá vỡ bế tắc trong vấn đề cung cấp hàng hóa, vì trong xã hội đang rất thiếu. Ngày nay tham nhũng đi vào lãnh vực thân tộc, kiểu cha truyền con nối, nghĩa là con cháu những viên chức đảng cộng sản được cả một hệ thống bí mật cầm quyền trong đảng, trong quân đội và trong chính quyền mua một chức vụ béo bở, để sau đó với quyền lực mới này bán cho người khác những chức tước trong quyền hạn của mình. Tình trạng này dẫn tới "con quan thì được làm quan, con sãi thì quét lá đa suốt đời". Lượng tiền do tham nhũng mang lại cũng lớn gấp trăm lần số tiền tham nhũng trong những năm 1980. Thử lấy một thí dụ, trong thập niên 1980 một bí thư đảng ở thành phố bị kết án tù chung thân vì nhận hối lộ khoảng 1 triệu đồng nguyên Trung Quốc, ngày nay, một người nào đó nhận hối lộ 1 triệu đồng nguyên lại là một quan chức chính phủ tốt vì số tiền tham nhũng quá ít, không đáng là bao nhiêu. Tham nhũng đang biến thành một nếp sống mới của giới mafia chính quyền.

Đòi hỏi thứ tư đòi thực hiện những quyền tự do dân chủ. Ngày nay dân chúng Trung Quốc tuy có hưởng được nhiều tự do hơn so với những năm cuối của thập niên 1980, nhưng những quyền tự do cơ bản là tự do chính trị và tự do ngôn luận vẫn không được chấp nhận. Người dân có quyền nói về ô nhiễm môi trường, không có vệ sinh thực phẩm, v.v. nhưng không được quyền phế phán chính quyền và cũng không được quyền lập những blog riêng phê phán chính quyền. Những ai bày tỏ quan điểm khác với đảng cộng sản và chính quyền sẽ liền bị trấn áp. Nhiều blogger đã bị bắt giữ và bị tuyên phạt những án tù giam nặng nề. Thí dụ như ông Lưu Hiểu Ba, người được trao giải Nobel Hòa Bình, đang thụ án 11 năm tù vì đã chia sẽ quan điểm trên mạng. Theo Tổ chức bảo vệ nhân quyền Trung Quốc (Chinese Human Rights Defenders) hàng chục người bị sách nhiễu hay bị bắt giữ sau mỗi lần nhắc tới kỷ niệm biến cố Thiên An Môn năm 1989.

Từ sau 1989 đến nay, xã hội Trung Quốc đã có nhiều thay đổi đáng kể, nhất là mức sống người dân đã được nâng cao nhưng những quyền cơ bản của con người đã không tăng cùng nhịp độ. Xã hội Trung Quốc không có tự do chính trị và quyền con người tiếp tục bị chà đạp. Đây chính là những đề tài mà thế giới phương Tây đang muốn nhân dân Trung Quốc tiếp tục thắp sáng ngọn đuốc Thiên An Môn 1989.

Nguyễn Văn Huy



No comments:

Post a Comment

View My Stats