Tuesday 25 June 2013

HỘI NGỘ BABYLIFT (Trần Khải)




06/25/2013

Nhật báo OC Register hôm Thứ Hai cho biết sẽ có một kỳ hội ngộ cho các trẻ em và những cựu chiến binh Mỹ tham dự chiến dịch Không Vận Trẻ Em 1975 -- thường biết dưới tên gọi “1975 Operation Babylift” -- vào những ngày giữa tháng  7-2013.

Nơi hẹn sẽ là một thành phố biến ở Quận Cam: dự kiến sẽ có hàng trăm người tới Dana Point tháng tới. Bản tin nói, một hội bất vụ lợi kết hợp với các nhóm cựu chiến binh Mỹ ở Quận Cam để làm cuộc hội ngộ ở Dana Point cho những người liên hệ tới chiến dịch Operation Babylift, hồi năm 1975 đã dùng phi cơ di tản vài ngàn trẻ em mồ côi VN ra khỏi Nam VN vào những ngày cuối cuộc chiến.

Các trẻ em này đưa vào định cư ở Mỹ và một số nước khác, trong đó có Úc, Pháp và Canada.

Dự kiến hội ngộ sẽ là các ngày 12 tới 15 tháng 7-2013.

Nơi hội ngộ sẽ là khách sạn Dana Point Marina Inn, 24800 Dana Point Drive.

Trường hợp bạn muốn tham dự, có thể liên lạc (714) 724-4477, hay là vào trang torch1975.org.

Hội ngộ này cũng là mừng 100 năm sinh nhật Tổng Thống Gerald Ford, người ra lệnh thực hiện chiến dịch di tản này.

Tổ chức Torch 1975 chính thức thành lập năm 2011 bởi cô Jessica Nguyen, con gái của một tù binh người Việt.

Báo OC Register nói, cô Nguyen cho biết, hội ngộ 4 ngày sẽ có nhiều hội thảo, tái diễn lịch sử, dạ tiệc và một cuộc thi đánh golf vì từ thiện, với tiền thu được sẽ hỗ trợ cựu chiến binh, chiến binh và gia đình. Cũng như sẽ có 2 diễn giả chính nguyên từng tham dự chiến dịch 1975.

Nhưng chiến dịch này như thế nào?

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia mô tả:

“Chiến dịch Babylift là tên gọi một chiến dịch di tản quy mô lớn của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam diễn ra từ 3-26 tháng tư, 1975, ngay trước khi Sài Gòn thất thủ. Chiến dịch này nhằm mục tiêu đưa trẻ em từ Nam Việt Nam sang Hoa Kỳ và các quốc gia khác, trong đó bao gồm Pháp, Úc, Canada. Tính đến khi chuyến bay cuối cùng rời khỏi Nam Việt Nam, đã có trên 3.300 trẻ sơ sinh và trẻ em được di tản, mặc dù con số báo cáo thực tế rất khác biệt. Hàng ngàn đứa trẻ đã rời khỏi Việt Nam bằng đường hàng không và được nhận nuôi bởi các gia đình trên khắp thế giới.”

Cũng cần ghi nhận rằng, nhà văn Mỹ Dana Sachs đã có một tác phẩm hé mở thêm về chiến dịch này.

Một bản tin đài VOA ngày 10.06.2010 đã kể và phỏng vấn nhà văn này rằng:

“Bà Dana Sachs, một nhà văn, nhà báo tự do, nhà biên tập và nghiên cứu lịch sử, là một người rất đam mê viết các đề tài về Việt Nam. Mới đây, nhân kỷ niệm 35 năm ngày chiến tranh Việt Nam kết thúc, bà đã cho xuất bản cuốn sách mới nhất có tựa đề “The Life We Were Given”, xin tạm dịch là “Cuộc đời được trao tặng”, một cuốn sách hé mở nhiều sự thật về chiến dịch sơ tán trẻ mồ côi khỏi Việt Nam, mang tên Operation Babylift, vào giai đoạn kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam năm 1975.

...
Bà Dana Sachs: Đúng vậy, hầu hết các em trong số đó, có thể vào khoảng 80%, là các em bé sống trong các trại trẻ mồ côi ở Việt Nam lúc đó, tuy nhiên có một số đáng kể các em vẫn sống với cha, mẹ trước đó, nhưng vì cha, mẹ các em hoảng sợ rằng các em có thể sẽ bị giết hại sau khi kết thúc chiến tranh. Vì vậy họ đã để con cái họ được đưa đi sơ tán với ý nghĩ để cứu mạng sống cho con mình. Tuy nhiên, khi con họ đã được đưa lên máy bay và đưa đi rồi thì họ không còn có thể thay đổi được quyết định của mình nữa và không thể đưa được con cái họ quay trở về.

VOA: Vậy có phải chính những lời đồn thổi và chiến dịch tuyên truyền đã càng làm tăng thêm sự hoảng loạn vào thời điểm đó không thưa bà?

Bà Dana Sachs: Chính xác là vậy. Vào những tuần lễ cuối cùng của cuộc chiến, có rất nhiều lời đồn ở miền nam Việt Nam, đặc biệt là về những đứa con lai Mỹ. Có những lời đồn như là cộng sản sẽ vào miền nam, họ sẽ đi tìm những đứa con lai của những người lính Mỹ, và họ sẽ moi gan, mổ bụng những đứa trẻ đó. Những lời đồn về những điều vô cùng dã man như vậy đã khiến những gia đình, đặc biệt là những bà mẹ có con với những binh sĩ Mỹ, thực sự sợ hãi rằng con cái họ sẽ bị giết hại, vì vậy mà họ đã để con mình được đi sơ tán. Sau khi cuộc chiến kết thúc thì rõ ràng là cộng sản đã không giết hại những đứa trẻ đó. Mặc dù những bà mẹ này nhận ra rằng có thể cuộc sống của con cái họ sẽ gặp khó khăn nếu ở lại Việt Nam nhưng chắc chắn là con họ sẽ không bị giết hại, họ muốn nhận lại con mình, nhưng lúc đó thì đã quá trễ rồi...” (hết trích)

Cuộc chiến thực sự đã qua rồi. Đã gần 4 thập niên.

Những trẻ em trong chiến dịch kia có thể đã có em có cháu ngoại, cháu nội... Và cũng có thể có em đã gặp bệnh dữ và ra đi sớm...

Cũng có những em đã về thăm lại Việt Nam, vùng đất đau thương một thời, và bây giờ vẫn còn là một trong những “thành trì xã hội chủ nghĩa cuối cùng.”

Với các em, không có hận thù nào vương đọng.

Xin chúc lành cho các em.



No comments:

Post a Comment

View My Stats