Tuesday, 4 June 2013

GIẢI NOBEL HÒA BÌNH & BIỂU TÌNH (Nguyễn Ngọc Già)




Nguyễn Ngọc Già
Posted by adminbasam on June 4th, 2013

Cuộc biểu tình mới nhất diễn ra tại Hà Nội bị đàn áp khốc liêt hơn cùng việc TS. Cù Huy Hà Vũ bị ngược đãi trong nhiều tháng qua, khiến ông quyết định tuyệt thực để phản đối với tình hình sức khỏe suy sụp nghiêm trọng, khiến tôi quyết định đưa bài viết này lên sớm hơn dự định.

Nội dung dưới đây có thể quá sức, thậm chí điên rồ với một lượng người nhỏ bé, hoặc với một vài tổ chức nhỏ, nhưng nó có thể là điều cần suy nghĩ cho tất cả người Việt Nam cùng các nhóm bạn, kể cả các phong trào và tổ chức trong & ngoài nước, một khi tập hợp lại để cùng suy ngẫm. .

I. Biểu tình và số đông:

Tổ chức biểu tình, trong mắt tôi ngày nay như là tổ chức một sự kiện – sự kiện đặc biệt trọng đại trong bối cảnh xã hội hiện nay, sau nhiều cuộc biểu tình tự phát ngòai Hà Nội và trong Sài Gòn, như là những phép thử.

Việt Nam ta khác hẳn với người dân Bắc Phi – Trung Đông để nghĩ về một hình thức tương tự như thế. Khác biệt cao nhất đó là văn hóa (không phải dân trí), tôi cho đó là mấu chốt làm nên thành công của biểu tình tại Bắc Phi – Trung Đông.

Tôi muốn đề cập đến biểu tình CHÍNH QUY, BÀI BẢN phù hợp với văn hóa Việt Nam  và chắc đó là điều nhiều người nghĩ đến và mong muốn. Cần xác định lần xuống đường kế tiếp (nếu xảy ra): “ĐẤU TRANH NÀY LÀ TRẬN CUỐI CÙNG”. Tôi không biết có quá nghiêm trọng không, nhưng tôi nghĩ bây giờ đã đến lúc phải nghĩ như thế, không còn là tập dượt hay thử lửa và tránh đổ máu càng nhiều càng tốt!
Biểu tình, cái khó nhất là có lực lượng đủ lớn, tôi cho rằng cần khoảng 60.000 người (cho 2 địa bàn HN và SG) đối với Việt Nam là khá đủ, điều chưa bao giờ có trong nhiều chục năm qua. Tất nhiên, nhiều hơn càng tốt.

Tôi nhớ lần biểu tình 5/6/2011, tôi đi trực tiếp, đó là cuộc biểu tình lớn nhất tại Sài Gòn hơn 20 năm qua, khoảng 3.000 người (1/10 số người mà tôi mong muốn tại SG). Đoàn người tự phát kéo dài từ dinh Độc Lập đến LSQ Mỹ, LSQ Anh đã biểu dương sức mạnh kinh hồn của số đông (tự phát, chưa nói có tổ chức, có kế hoạch hẳn hòi). Lần ấy, chỉ với tiếng reo hò, hô vang với loa cầm tay, tiếng trống và những bước chân dồn dập cũng đủ cho toàn bộ lực lượng công an có mặt hôm đó khiếp vía mà bất lực nhìn. Tôi không hề thấy có một hành vi bạo lực nào xảy ra công khai tại lúc ấy, thay vào đó là những cặp mắt ngỡ ngàng của công an chìm nổi.

Nếu số lượng 10 lần như thế thì tình hình ra sao??? Tôi không nghĩ phía cầm quyền dám mạnh tay đàn áp như lần biểu tình vừa rồi tại Hà Nội và  không loại trừ họ phải xuống thang, chấp nhận điều đình theo yêu sách chúng ta đưa ra. 

Để biểu tình thành công, các yếu tố cần có:
1/  Một nhóm người đứng đầu thuộc các lực lượng phối hợp nhịp nhàng, tin cậy tuyệt đối lẫn nhau vì lợi ích chung.
2/  Kế hoạch tổ chức.
3/  Lực lượng đủ lớn (như tôi nghĩ cần khoảng 60.000 người cho HN và SG).

Tình hình hiện nay, thiếu hết cả 3 yếu tố đó. 
Có YẾU TỐ THỨ NHẤT LÀ NHẤT ĐỊNH CÓ HAI YẾU TỐ SAU. 
Trong đó yếu tố thứ 2 nhất định sẽ dễ dàng thành hiện thực, vì lúc đó có nhiều cái đầu họp lại với một quyết tâm chung, nhất định một kế hoạch nghiêm cẩn đến từng chi tiết nhỏ ắt sẽ thành hiện thực.
Vấn đề còn lại, làm sao có yếu tố thứ nhất trong khi TÍNH ĐOÀN KẾT hiện nay vẫn còn quá yếu với sự manh mún rời rạc của từng nhóm người nhỏ bé chưa thật sự tin tưởng nhau?  

Văn hóa  VN ta hiện nay vẫn chưa phù hợp với tinh thần “một bó đũa” vừa nhiều vừa chắc chắn, kết lại với nhau, mặc dù ai cũng biết “câu chuyện bó đũa”. Có lẽ một “CHẤT KEO ĐẶC BIỆT” cần nên cân nhắc?

Nhiều người cũng kêu gọi một LIÊN MINH nhưng mấy chục năm nay tại sao không thể??? Đó cũng phải chăng là như nói trên??? 

II. Giải Nobel Hòa Bình phải chăng là “chất keo đặc biệt”?

Nhìn lại lịch sử giải Nobel Hòa Bình, Việt Nam chưa có được may mắn đó như là một “chất keo đặc biệt” để liên kết chặt chẽ các nhóm người cũng như các tổ chức, các phong trào trong và ngoài nước.
Lưu Hiểu Ba với giải Nobel Hòa Bình 2010 gây xúc động mạnh trên toàn thế giới, nhưng giải thưởng danh giá đó vẫn không giúp gì được cho người dân Trung Hoa trong cuộc đấu tranh nhân quyền và dân chủ. Giả sử, không chỉ một Lưu Hiểu Ba mà lần đó còn có thêm: Ngải Vị Vị, Trần Quang Thành, Hồ Giai và một vài nhà hoạt động nhân quyền, dân chủ nổi bật của Trung Quốc cùng đoạt giải thì điều gì có thể xảy ra trong 3 năm qua? Lượng người ủng hộ của từng vị này là bao nhiêu tại Trung Quốc?
Văn hóa Việt Nam và Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng và Việt Nam ảnh hưởng văn hóa của họ rất lớn với cả ngàn năm đô hộ từ phong kiến phương Bắc. Đó là điều khó chối cãi.

Văn hóa phương Tây và văn hóa phương Đông cũng quá nhiều cách biệt. Cách biệt lớn nhất, cơ bản nhất, đó là văn hóa phương Tây nghiêng về xu hướng đề cao cá nhân với sự sáng tạo được tôn trọng và phát huy tuyệt đối. Điều này có vẻ vẫn chưa được chấp nhận nhiều đối với văn hóa Việt Nam hiện tại, đặt trong bối cảnh cụ thể: chế độ độc đảng toàn trị nhanh chóng phá nát nhân cách và văn hóa người dân đang sống trong sự cai trị của họ, dù tại Bắc Hàn, Trung Quốc hay Việt Nam với sự sùng bái cá nhân lãnh tụ còn khá sâu nặng. Chính sự phá nát văn hóa như thế đã đeo đẳng dai dẳng suốt hơn 38 năm qua, làm cho người Việt Nam chúng ta vẫn chưa thể đoàn kết được?

Đó có là điều làm cho những ai đang mong muốn và đấu tranh cho một xã hội dân chủ đăm chiêu suy nghĩ?

Khi thế giới trao giải Nobel Hòa Bình cho Lưu Hiểu Ba, có vẻ tổ chức trao giải chưa cân nhắc đến yếu tố văn hóa dưới chế độ cộng sản cùng với việc gắn kết hỗ trợ người dân sở tại nhằm ủng hộ thiết thực cho một cuộc đấu tranh dân chủ hiệu quả hơn???

Có lẽ thế, cho nên Nobel Hòa Bình 2010 dành cho Lưu Hiểu Ba chỉ dừng lại như là sự tôn vinh cá nhân và nhân dân Trung Hoa nhìn danh dự đó như một hình thức an ủi, khích lệ để tiếp tục đi trên con đường đấu tranh rời rạc của họ, thay vì trở thành “chất keo đặc biệt” kết dính chắc chắn người dân Trung Hoa với nhau? 

Tất nhiên, một mục tiêu giống nhau có nhiều con đường, nhưng có những thời khắc cần nhận rõ mọi “con sông” cùng nhất loạt “hợp giòng” để đổ ra “biển lớn”? Đó có phải cũng là triết lý: “thống nhất để đấu tranh” để sau khi thành công cho một xã hội dân chủ, nội bộ người Việt Nam lại tiếp tục “đấu tranh để thống nhất” xây dựng một đất nước văn minh, dân chủ? Nguyên tắc này là một trong những phạm trù cơ bản của Marx (xin nhấn mạnh của Marx không phải Marx – Lenin).

Đó cũng là lý do tại sao tôi KHÁT KHAO GIẢI NOBEL HÒA BÌNH cho tập thể người Việt Nam. 

Chúng ta không chỉ cần một Aung San Suu Kyi mà chúng ta cần khoảng 6 người như thế mới làm nên chuyện.

Bà Aung San Suu Kyi với giải Nobel Hòa Bình 1991, phải mất cả 20 năm ròng cùng nhiều yếu tố khác tại Myanmar (Mỹ cấm vận, kinh tế suy thoái, nguy cơ lệ thuộc Trung Quốc cao, chia rẽ dân tộc, đặc biệt Phật giáo là quốc giáo của họ là yếu tố khá quan trọng cần suy xét, điều mà tại Việt Nam bị phá nát (các tôn giáo, không riêng gì Phật giáo) dưới chế độ CS v.v…) cùng sự ủng hộ của thế giới, mới có thể thuyết phục được nhà cầm quyền Miến Điện thay đổi khá ôn hòa hiện nay. Nền móng dân chủ tại Miến Điện, dù chưa hoàn toàn đảm bảo chắc chắn cho dân tộc họ nhưng nó vẫn đang bước tới.

Do đó, 6 người Việt Nam mà chúng ta có thể nghĩ tới: (thứ tự ngẫu nhiên, không phân biệt):
1. Ngài Thích Quảng Độ, 
2. Ngài Ngô Quang Kiệt, 
3. Bác sĩ Nguyễn Đan Quế,
4. Ông Nguyễn Văn Hải (blogger Điếu Cày)
5. Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, 
6. Doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức.

Sáu vị nói trên nếu cùng đạt giải, tự khắc tính đoàn kết tăng lên, bởi đó là quy luật cũng như sứ mạng thế giới đã trao cho họ, họ chỉ có một con đường cùng bắt tay nhau chặt chẽ để tiến lên phía trước. Khi 6 người này đồng biểu tỏ sự đoàn kết (thông qua giải Nobel Hòa Bình) thì không có lý do gì những người ủng hộ của từng vị không thân ái và tin nhau, đoàn kết nhau quy về một mối.

Nhiều năm qua, Ngài Thích Quảng Độ, BS. Nguyễn Đan Quế được vận động giải Nobel Hòa Bình nhưng chưa thành công lần nào. Đó có phải những tổ chức đang vận động cần suy nghĩ thêm điều mà Việt Nam cần là “hậu Nobel Hòa Bình”, không chỉ là sự vinh danh dân tộc Việt Nam thông qua nó?

Trong trường hợp nào đó, nếu Nobel Hòa Bình về tay một hay hai người Việt Nam, nó chỉ dừng lại như là vinh dự cho dân tộc, tựa như Lưu Hiểu Ba, thay vì trở thành “chất keo đặc biệt” để tận dụng triệt để và hiệu quả từ uy danh của Nobel Hòa Bình nhằm vào đấu tranh cho nhân quyền, dân chủ tại VN. 

Song song đó, giải thưởng danh giá này trở thành điều kiện vô cùng thuận lợi nhằm dễ dàng tập hợp lực lượng 60.000 người (như mong muốn), thậm chí con số còn cao hơn nữa là điều có thể nghĩ đến.
Ngoài ra, chúng ta đều biết, các năm trước đây khi dư luận cho hay Ngài Thích Quảng Độ hay BS. Nguyễn Đan Quế có khả năng đoạt giải này, thì lập tức truyền thông giới cầm quyền đã có công văn “mật” [1] gửi đến các báo, đài chuẩn bị đối phó để khi xảy ra sẽ tổng tấn công và bôi nhọ. Giới cầm quyền có thể bôi nhọ cá nhân ngài Thích Quảng Độ hay BS. Nguyễn Đan Quế, cũng như đã từng bôi nhọ ngài Ngô Quang Kiệt khi cắt xén lời nói của ngài, nhưng họ khó có khả năng, thậm chí có thể nói bị vô hiệu hóa việc bôi nhọ, một khi cả 6 người cùng đoạt giải. Đó cũng là cơ hội phục hồi danh dự cho tất cả những ai đang đấu tranh dân chủ hiện nay.

III. Kết:

Trong thời gian tới, nếu giải Nobel Hòa Bình dành cho người Việt Nam chỉ có một hay hai người đoạt giải, không chắc là tín hiệu đáng vui mừng với văn hóa Việt Nam hiện tại và càng dễ làm cho những trang báo “nhà nước” có “cơ hội” để bôi nhọ danh dự người đoạt giải. Dù những bài viết như thế không còn đánh lừa được nhiều, nhưng nó vẫn làm giảm đi ít nhiều hình ảnh trong sáng, cao cả của những ai đoạt giải. 

Một khi cả 6 người nêu trên cùng đoạt giải, có lẽ việc bôi nhọ rầm rộ sẽ rơi vào bế tắc với giải thưởng bất ngờ như thế??? Trong khi đó, người Việt Nam nói chung càng hân hoan và có quyền nghĩ về một kế hoạch biểu tình đại quy mô như mong ước càng thêm chất hứng khởi và sáng tạo?

Lúc đó, người Việt Nam trong và ngoài nước có quyền hy vọng tính khả thi về một sự đổi thay xã hội tốt đẹp, khi gắn kết giải Nobel Hòa Bình dành cho Việt Nam cùng một cuộc xuống đường đại quy mô, thật đoàn kết giữa người dân với nhau cùng với tình hình nguy khốn hiện nay về mọi mặt?

Giới cầm quyền Việt Nam phải xuống thang đàn áp và ngồi vào bàn đàm phán với 6 nhân vật nêu trên trong sự ủng hộ của hàng chục ngàn người đang đổ tràn mọi ngả đường?

Nguyễn Ngọc Già



No comments:

Post a Comment

View My Stats