Tuesday, 11 June 2013

CÒN BIỂN ĐÔNG THÌ SAO ? (Ngô Nhân Dụng)




Ngô Nhân Dụng
Tuesday, June 11, 2013 5:37:19 PM

Người Việt tị nạn đã thành công trong cuộc tổ chức biểu tình tại Rancho Mirage phản đối Trung Cộng trong hai ngày liên tiếp. Ngay từ đầu, mọi người đã quan niệm các cuộc biểu tình này chỉ nhằm đánh thức dư luận về các hành động xâm lấn Việt Nam của Cộng Sản Trung Hoa từ hàng nửa thế kỷ qua. Dư luận đã chú ý. Ngay trong ngày Thứ Bảy, 8 tháng 6, đã thấy hình ảnh lá cờ vàng bay phất phới trên trang nhất tờ nhật báo Desert Sun tại vùng này; và nhiều hình ảnh khác ở trang trong.

Sau Ðặng Tiểu Bình, Tập Cận Bình là lãnh tụ Trung Cộng đầu tiên có tư thế đi nói chuyện thẳng với người lãnh đạo nước Mỹ, bỏ qua các lễ nghi. Bởi vì địa vị của ông ta trong đảng vững, mạnh hơn hai người tiền nhiệm, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Ðào. Ngay khi nhậm chức chủ tịch đảng, nhà nước, ông cũng nắm ngay chức chủ tịch quân ủy trung ương; cái ghế mà đời trước Giang Trạch Dân phải chờ Ðặng Tiểu Bình đứng dậy mới được ngồi vào; còn Hồ Cẩm Ðào thì phải chờ hai năm mới được họ Giang truyền cho. Với vị thế vững chắc như thế, Tập Cận Bình muốn gặp ngay tổng thống Mỹ để hai bên cùng ấn định các “luật chơi” trên bàn cờ kinh tế, chính trị, quân sự thế giới, trong ít nhất 5 năm tới.

Ai cũng phải thấy là chính Tập Cận Bình muốn thu xếp một cuộc gặp gỡ sớm, và yêu cầu gặp nhau theo lối không chính thức. Chính phủ Mỹ không ngỏ lời mời trước hàng năm, Bộ Ngoại Giao hai bên không cần xếp chương trình. Không tổ chức gặp gỡ các yếu nhân đảng Cộng Hòa trong Quốc Hội, theo phép xã giao thường lệ. Rõ ràng, họ bỏ qua các lễ nghi thù tiếp; họ gặp nhau để nói chuyện công việc, bi di nét! Tập Cận Bình mới lên nhậm chức được ba tháng, còn ông Obama mới nhậm chức lại được năm tháng. Hiện nay hai chính phủ không có vấn đề gì cấp bách phải bàn, ngoài một vài bất đồng vẫn tranh cãi liên miên. Họ cũng không có một hiệp định nào, nhỏ hay lớn, mới bàn xong và cần ký kết với nhau. Ðể cho cuộc thăm viếng có vẻ tự nhiên, Tập Cận Bình đã tạo ra một chuyến công du trong vùng Trung Mỹ để mượn cớ “ghé qua” California gặp ông Obama trên đường về.

Nhiều người bàn rằng chuyến đi Trung Mỹ của ông Tập Cận Bình nhằm gửi một “tín hiệu” cho chính quyền Mỹ: Nếu ông Obama dám nói sẽ “xoay trục” ngoại giao sang vùng Ðông Nam Á, ở ngay “cái ao trong vườn sau” của Trung Quốc, thì họ Tập cũng có thể “xoay trục” sang vùng “sân sau” của nước Mỹ. Có người còn nêu thí dụ cụ thể hơn: Obama đã giật lấy nước Miến Ðiện, vốn đang nằm trong vòng tay Trung Quốc từ mấy chục năm rồi; bây giờ đến lượt Trung Quốc sẽ xâm nhập vào ao sau nhà của Mỹ để bắt cá!

Nhưng lối giải thích này không có bằng chứng đáng tin. Ông Tập Cận Bình không làm gì gây khó chịu cho chính phủ Mỹ. Ông không ghé thăm Cuba và Venezuela, là những nước cùng “theo chủ nghĩa xã hội” như người Tàu, cả hai đều ghét Mỹ, chống Mỹ. Ông cũng không ghé Brazil, cùng nằm trong khối các nước đang lên khối “BRIC” (Brazil, Nga, Ấn, Tàu) và cũng là nước mua bán với Trung Quốc nhiều nhất trong vùng. Trong chuyến đi này, ông lại thăm Mexico, nước láng giềng, đồng minh của Mỹ. Nền kinh tế Mexico và Canada gắn bó với Mỹ không thể nào tách được. Số hàng hóa dân Mexico bán sang Trung Quốc trong một năm cũng chỉ trị giá bằng số hàng bán qua Mỹ trong tám ngày! Mexico đang hoan hỉ tham dự chương trình Hợp Tác Thái Bình Dương, TPP (Trans-Pacific Partnership) của Mỹ, để có cơ hội bắc cầu tới các nước Châu Á, phía bên kia Thái Bình Dương. Trong khi đó Bắc Kinh thì rất ghét cái dự án TPP này, coi đó là một thủ đoạn của Mỹ nhằm cô lập Trung Quốc. Tóm lại, ở Mexico, ông Tập Cận Bình không thể làm gì để phá Mỹ, mà cũng chả có chuyện gì quan trọng để nói cả. Ông Tập đi qua những nước trên các hòn đảo Caribbean, mà có nhắc đến tên chắc nhiều người cũng quên ngay. Những cuộc gặp gỡ đó, với món quà ba tỷ Mỹ kim cho vay lãi nhẹ, không gây xáo động nào khiến chính quyền Mỹ lo ngại có gì xảy ra trong ao nhà của mình. Có thể nói, cả chuyến công du đầu tiên qua Châu Mỹ của ông Tập Cận Bình chỉ cốt tạo một dịp ghé qua California.

Vậy tại sao ông Tập Cận Bình lại muốn gặp riêng ông Obama, nói chuyện kín đáo, lâu đến sáu tiếng đồng hồ, ngay ba tháng sau khi ông nhận ba chức vụ cầm đầu đảng, nhà nước, và quân đội Trung Quốc?

Tập Cận Bình muốn gặp Obama để duyệt qua tất cả các điều xung khắc trong quyền lợi của hai quốc gia. Hai bên phải tìm hiểu quan điểm của nhau trên những vấn đề lớn, mỗi bên biết bên kia muốn gì và có thể nhượng bộ tới mức nào. Nhưng cuối cùng, điều quan trọng mà Tập Cận Bình muốn nói với Obama có thể chỉ là một điều này thôi: Trong mười năm tới, khi Tập Cận Bình còn cầm đầu nước Trung Hoa, thì cam đoan không muốn gây rắc rối với Mỹ. Tất cả các vụ bất đồng ý kiến sẽ phải được giải quyết dựa trên căn bản đó. Cần nói dứt khoát như vậy ngay từ đầu, để tránh mất thời giờ sau này, mỗi khi xảy ra bất hòa. Vì biết rằng thế nào cũng sẽ có nhiều xung khắc không thể tránh được. Nếu hai bên không biết ý nhau trước, thì nhiều khi các xung đột nhỏ có thể gây hậu quả tai hại bất ngờ.

Có lẽ đó là thông điệp quan trọng nhất mà ông Tập Cận Bình thấy cần phải gửi tới tất cả giới lãnh đạo nước Mỹ, mà ông Obama sẽ thông báo với họ theo cách của ông. Có yên tâm về mặt đối ngoại, thì Tập Cận Bình mới có thể chú ý giải quyết những khó khăn kinh tế, xã hội sắp tới ở trong nước Trung Hoa. Tuy lâu nay rất hung hăng đối với một số nước Ðông Nam Á, Trung Cộng vẫn tỏ ra nhún nhường đối với Mỹ. Mặc dù gia tăng ngân sách quốc phòng, họ biết không đủ sức đương đầu trực tiếp với Mỹ về mặt quân sự, ít nhất trong vòng nửa thế kỷ nữa. Nhiều người thường đề cao chương trình phát triển vũ khí của Trung Cộng. Nhưng cho tới nay, tất cả các chương trình đó vẫn nhắm vào việc phòng thủ, đề phòng một cuộc chạm súng với Mỹ, chứ chưa có khả năng tấn công, dù chỉ là đánh nhau với Ðài Loan hay đụng độ với Nhật Bản. Trung Cộng khai trương hàng không mẫu hạm Liêu Ðông một cách rầm rộ, cũng vì họ là quốc gia duy nhất không có lấy một chiếc mẫu hạm trong số 5 quốc gia thuộc Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Trong khi đó nước Mỹ đang điều động 11 hàng không mẫu hạm thuộc hạng tối tân nhất. Mỹ trải các hạm đội ra khắp các đại dương, trong khi Trung Cộng chưa thể tổ chức được một cuộc tập trận đầy đủ cho một hạm đội. Mà một chiếc hàng không mẫu hạm không có các tàu chiến khác đi chung quanh thì cũng không có giá trị nào trong chiến tranh.

Hai nước Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ không thể lâm chiến, ít nhất trong thế kỷ này. Vì Trung Cộng không thể tính đến một cuộc cạnh tranh quân sự với Mỹ trong một trăm năm nữa. Họ cũng đủ khôn ngoan để nhìn thấy cục diện như ông Lý Quang Diệu, cựu thủ tướng Singapore đã khuyến cáo họ. Trong cuốn sách, “Lee Kuan Yew: The Grand Master's Insights on China, the United States and the World,” ông Lý tiên đoán Mỹ và Trung Quốc sẽ cạnh tranh nhau gay gắt trong thế kỷ 21; mà mặt trận chính sẽ là vùng Ðông Nam Á; trong đó có xứ Singapore. Nhưng ông nghĩ rằng các người lãnh đạo Trung Quốc cũng hiểu là họ không thể nào chạy đua với Mỹ về quân sự được. Ông nhắc tới các thí dụ, hai nước Nhật Bản và Ðức đã sự dụng binh lực gây chiến với Mỹ trong thời chiến tranh 1939-45, rồi cả hai đều thất bại. Tiếp theo, trong các thập niên từ 1950 đến 1980, Nga Xô đã chạy đua với Mỹ về quân sự. Họ đã đổ bao nhiêu tài nguyên vào cuộc cạnh tranh gay go này, cuối cùng cuộc chạy đua làm cho kinh tế của họ kiệt quệ. Lý Quang Diệu kết luận: Giới lãnh đạo Trung Cộng hiểu điều này, họ sẽ không tính cạnh tranh với Mỹ về quân sự. Ai dại gì mở một cuộc chạy đua khi biết trước mình sẽ kiệt sức trước đối thủ?

Như vậy thì khi Tập Cận Bình và Obama gặp nhau cuối tuần qua, điều mà họ có thể đồng ý với nhau là “không gây lộn!” Nói cách khác: “Giữ thế giới y nguyên như hiện nay,” ai ở đâu ở đó. Trung Cộng sẽ kềm Bắc Hàn trong vòng dây xích ngắn, như con chó có thể chạy qua lại, được sủa, nhưng không được cắn ai. Sẽ không tấn công Ðài Loan, như từ năm 1950 đến nay. Không gây sự với Nhật Bản về Ðiếu Ngư Ðài. Ðiều mà Tập Cận Bình cũng như Ðặng Tiểu Bình lo nhất là dân Nhật hoảng sợ, đòi tái vũ trang. Trung Tướng Thích Kiến Quốc, phó tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc mới nói với các nhà báo ở hội nghị Singapore rằng, đối với Ðiếu Ngư Ðài, Trung Quốc sẽ theo đường lối Ðặng Tiểu Bình: Ðời này chưa giải quyết được, thì đến đời con cháu sẽ lo tiếp! Vào Tháng Giêng, ông tướng chuyên về ngoại giao này mới viết một bài trên tờ Học Tập Thời Báo, nói rằng các quyền lợi lâu dài của hai nước Mỹ và Trung Quốc tương đồng nhiều hơn là xung khắc.

Nhưng còn biển Ðông của nước ta thì sao? Người Việt Nam phải lo ngại khi nhìn vào bài báo này, vì trong đó Thích Kiến Quốc xác định, một lần nữa, chủ quyền của Trung Cộng trên toàn vùng lưỡi bò. Ông ta vẫn chống việc các cường quốc bên ngoài can thiệp vào khu vực này. Nói vậy, nhưng đây không phải là một điều mới lạ, xưa nay các chính quyền Trung Cộng vẫn nói thế. Và chúng ta cũng biết, cả chính phủ Obama lẫn chính quyền các nước Ðông Nam Á đều nói ngược lại, công nhận nước Mỹ có quyền can thiệp vào vùng biển Ðông Nam Á. Ðây không phải một điều gì mới lạ nữa, trong chuyện này hai nước vẫn nói ngược nhau từ ba năm qua.

Vậy trong cuộc gặp gỡ cuối tuần qua, khi chủ trương của họ trái ngược nhau như vậy, hai ông Tập Cận Bình và Obama có thể đã nói gì với nhau về vấn đề biển Ðông nước ta?

Chắc họ chỉ nói một quy tắc tổng quát: Không gây thêm rắc rối. Chúng ta có thể tin rằng Tập Cận Bình tìm gặp Obama lần này để bắt tay, hứa hẹn hai bên sẽ không gây lộn với nhau trong mười năm tới. Cứ giữ nguyên trạng, ai ở đâu ở đó, cùng lo cạnh tranh kinh tế mà thôi.

Nếu đúng như vậy thì có thể tin rằng trong tương lai tất cả những tranh chấp giữa nước ta và Trung Cộng trong vùng biển Ðông chỉ có người mình phải giải quyết lấy. Không thể trông vào một quốc gia nào đưa sáng kiến hỗ trợ cho mình, từ các nước Ðông Nam Á đến nước Mỹ.

Nhưng mặt khác, chúng ta cũng có thể tin rằng trong thời gian tới Trung Cộng sẽ không dám nổ súng, không dám gây chiến tranh trong vùng biển Ðông nước ta. Bởi vì gây chiến tức là đương nhiên xóa bỏ nguyên trạng! Là làm mất thế cân bằng trong toàn thể khu vực. Tức là xóa bỏ cái bắt tay giữa Tập Cận Bình và Obama. Nếu Trung Cộng gây xáo trộn, chính phủ Mỹ sẽ có lý do phải can thiệp. Họ can thiệp không phải vì được Philippines hay Việt Nam yêu cầu. Họ phải can thiệp vì các cam kết của họ với toàn vùng Ðông Nam Á. Họ phải bảo vệ nguyên trạng; ngăn không cho chiến tranh xảy ra, dù Việt Nam có yêu cầu hay không.

Nhận định về cuộc gặp gỡ Tập Cận Bình và Obama, dựa trên quyền lợi của hai nước lớn như vậy, giúp chúng ta nhìn thấy chiến lược biển Ðông của nước Việt Nam phải đi theo hướng nào; sẽ bàn tiếp trong một bài sau. Khi người Việt tị nạn, từ San Jose đến Las Vegas, San Diego đổ về Rancho Mirage biểu tình cùng đồng bào Tiểu Sài Gòn, chúng ta đã nhắc cho ông tổng thống Mỹ một điều: Vì năm 1974 nước Mỹ bỏ Việt Nam, cho Trung Cộng chiếm Hoàng Sa, cho nên chính phủ Mỹ bây giờ gặp nhiều rắc rối. Từ nay, đừng có dại dột như thế nữa.


----------------------------------


CÁC TIN KHÁC    :



No comments:

Post a Comment

View My Stats