Tuesday, 11 June 2013

CÓ NÊN XIN GIẢM ÁN TRONG MỘT VỤ ÁN CHÍNH TRỊ KHÔNG? (Vũ Ánh - Sống Magazine)




06/10/2013 08:43 AM

Tôi xin trích nguyên văn bản tin tường thuật phiên tòa phúc thẩm, tức phiên tòa kháng án mà báo chí, truyền thông, xã hội mạng trong nước cũng như ngoài nước gọi là một vụ án chính trị lớn nhất từ trước đến nay tại Nghệ An, miền trung Việt Nam mới đây:

Sáng nay 8 thanh niên Công giáo và Tin Lành đã bước ra phiên tòa phúc thẩm trong một vụ án chính trị lớn nhất từ trước đến nay tại Nghệ An. Dưới cơn mưa nặng hạt, hàng trăm người dân từ khắp nơi đã đổ về khu vực Tòa án tỉnh Nghệ An để ủng hộ tinh thần cho những thanh niên yêu nước.

Mặc dù được thông báo đây là phiên tòa công khai, nhưng trước ngày xử, Công an Nghệ An đã huy động lực lượng nhằm uy hiếp, sách nhiễu người dân đến tham dự phiên tòa. Có tin nói để chuẩn bị cho cuộc đối đầu với nhân dân diễn ra sáng nay, nhà cầm quyền Nghệ An đã huy động một lực lượng ô hợp gồm dân phòng, côn đồ, công an... với số lượng lên đến 1600 người. Các bị can thuộc nhóm 14 thanh niên Công giáo Dòng Chúa Cứu Thế bị tuyên án từ 3 đến 13 năm tù hồi đầu năm về tội danh hoạt động nhằm lật đổ chế độ theo điều 79 bộ Luật hình sự, vì các hoạt động bao gồm viết blog, bày tỏ quan điểm chỉ trích nhà nước, cổ xúy dân chủ, nhân quyền, đa đảng, tham gia và kêu gọi phản kháng ôn hòa.

Một số người trong nhóm bị cáo buộc đã dự khóa huấn luyện đấu tranh bất bạo động của đảng Việt Tân ở hải ngoại. Tám người kháng cáo tại tòa hôm nay gồm Hồ Đức Hòa, Paulus Lê Sơn, Nguyễn Văn Duyệt, Hồ Văn Oanh, Nguyễn Đình Cương, Nguyễn Xuân Anh, Thái Văn Dung và Trần Minh Nhật. Ngay sau phiên xử, luật sư Hà Huy Sơn, đại diện pháp lý cho Lê Sơn, Oanh, Đình Cương, và Minh Nhật, cho biết kết quả có 4 người được sửa án, 4 người bị giữ nguyên án. Lê Sơn giảm từ 13 năm tù, 5 năm quản chế còn 4 năm tù, 4 năm quản chế; Nguyễn Văn Duyệt giảm từ 4 năm tù còn 3 năm rưỡi tù, 4 năm quản chế; Nguyễn Xuân Anh giảm từ 3 năm tù còn 2 năm tù, không quản chế. Hồ Văn Oanh giảm từ 3 năm tù còn 2 năm rưỡi tù, không quản chế.

Bốn người bị y án gồm Hồ Đức Hòa 13 năm tù, 5 năm quản chế, Nguyễn Đình Cương 4 năm tù, 3 năm quản chế, Trần Minh Nhật 4 năm tù, 3 năm quản chế, và Thái Văn Dung 4 năm tù, 3 năm quản chế. Paulus Lê Sơn được giảm án từ 13 năm tù, 5 năm quản chế còn 4 năm tù và 4 năm quản chế. Paulus Lê Sơn được giảm án từ 13 năm tù, 5 năm quản chế còn 4 năm tù và 4 năm quản chế. Như vậy mức án được giảm cao nhất hôm nay là 9 năm tù của Lê Sơn. Luật sư Sơn cho biết đối với anh Lê Sơn được giảm án vì anh này thừa nhận tham gia đảng Việt Tân. Còn các trường hợp được giảm án khác thì nhà nước cho rằng họ đã hợp tác với tòa và nói họ đều không có mục đích chống chế độ. Luật sư biện hộ đã đề nghị với tòa là các thân chủ của ông vô tội, nhưng bản án vẫn được tuyên dù có những tiến bộ hơn so với trước. Tuy nhiên vẫn như trước đây, quan điểm của Hội đồng xét xử vẫn cho rằng đòi hỏi đa nguyên đa đảng là một tội, rằng tổ chức Việt Tân là tổ chức phản động, rằng các hành vi đấu tranh bất bạo động vẫn là một tội. Có điều đáng chú ý so với phiên sơ thẩm là người ta không nhắc tới các hành vi phản đối Trung Cộng xâm lược là một tội nữa. Tin từ bên trong phiên tòa cho biết mỗi gia đình nạn nhân chỉ được 3 người thân tham gia, còn lại hầu hết là công an. Tinh thần các anh em bình thường,  riêng Paulus Lê Sơn bị xúc động khi biết tin mẹ bị mất nên xuống tinh thần. Trong phiên tòa hoàn toàn không có phóng viên ngoại quốc mà chỉ có các phóng viên của nhà nước.

Bỏ ngoài những sơ khoáng của biên tập viên thực hiện bản tin, chúng ta thấy một điểm nổi bật trong nội dung. Đó là một số trong số những thanh niên  kháng cáo được giảm án vì lý do “nhận tội” hay vì “cộng tác với tòa và đều nói họ không có mục đích chống chế độ”.

Trước hết chúng ta cần hiểu những thuật ngữ mà tòa án Việt Nam hiện nay thường dùng để có thể thấy hết những trò khốn nạn nhất của một hệ thống luật pháp trong một chế độ độc tài mà quyền hành pháp, tư pháp và lập pháp chỉ là một. Ở một nước như Hoa Kỳ, do về nguyên tắc không thể có can phạm chính trị nên nhận tội ở trong các vụ án thường tội như giết người, trộm cắp, lừa đảo, hiếp dâm, buôn bán ma túy, tổ chức nhập cư lậu... được coi là một kiểu cộng tác với cơ quan điều tra một cách thành thật để đổi lại sẽ được đặc ân giảm nhẹ tội phạm. Chẳng hạn như chúng ta thường thấy báo chí Mỹ tường thuật là nghi can X đã nhận tội để tránh bị kết án tử hình.

Nhưng ở một nước độc tài Cộng sản như Việt Nam, trong những vụ án chính trị tức là những vụ án mà nghi can bị cáo buộc chống hay âm mưu lật đổ chế độ, hoặc do khác biệt chính kiến với đảng cầm quyền, việc kháng cáo mà Việt Nam gọi là phúc thẩm đã được coi là một điều không nên làm rồi, huống chi lại xin giảm án hay cộng tác với tòa. Tại sao? Thông thường những vụ án chính trị như chống độc tài, đòi hỏi dân quyền, nhân quyền, đòi dân chủ, tự do, đa nguyên, những nghi can nào đó bị kết án và sau đó lại chống án với hy vọng bản án được duyệt xét lại tự nó đã hàm ý cho thấy rằng “phải là những người vẫn còn tin tưởng vào hệ thống tòa án không độc lập của đất nước ấy thì mới kháng cáo, chứ nếu không tin thì người ta chẳng kháng cáo làm gì cho mất công”. Những ai từng sống ở Miền Nam Việt Nam dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa của Tổng Thống Ngô Đình Diệm tất cũng nghe nói đến vụ án của một bóng dáng lớn trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn: Nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam. Ông đã dùng thuốc độc tự tử một ngày trước ngày bị đưa ra xử trước tòa án vì không chấp nhận chế độ Diệm mà ông cho là độc tài và tính không độc lập của hệ thống tòa án của chế độ này. Bằng cái chết của mình, nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam đã gởi một thông điệp hết sức mạnh mẽ đối với chế độ Ngô Đình Diệm và dân chúng miền Nam Việt Nam.

Không thể đem vụ án xử 14 thanh niên Công giáo và Tin Lành tại Nghệ An so sánh với một vụ án hết sức đặc biệt đối với nền Cộng Hòa còn non trẻ tại miền Nam Việt Nam  trong những năm đầu của thập niên 1960. Nhưng điều dễ thấy nhất là trong số 14 thanh niên nói trên tại Nghệ An chỉ có 8 người kháng án phúc thẩm và 5 người không kháng án. Ở Việt Nam ngày nay, dưới chế độ độc tài toàn trị, việc không kháng án trong vụ án chính trị có thể biểu lộ những phản ứng sau đây của 5 tù nhân chính trị:

(1) trước hết có thể do họ không tin vào sự công minh của hệ thống pháp luật không độc lập trong đó án quyết đã được định trước do sức ép chính trị từ đảng và chính phủ.

(2) những ghi can không kháng án nhân dịp này muốn gởi đi một thông điệp có ý nghĩa sâu xa hơn: nếu đã không tin vào hệ thống pháp luật không độc lập và thường bị áp lực thì không nên đưa nội vụ ra tòa phúc thẩm vì  việc đó chỉ có lợi cho cường quyền.

Tuy nhiên, khi đã chấp nhận đưa vụ án ra tòa phúc thẩm của Việt Nam, những người đã bị kết án sơ thẩm lại phải đối phó với các công tố viên. Họ có thể áp lực để  các nghi phạm phải nhận tội và xin khoan hồng. Khi nhận tội rồi, các công tố viên tiếp tục thẩm vấn xem còn những ai cộng tác với các nghi phạm để bắt nốt. Sau khi “cộng tác” xong rồi, họ bắt các nghi phạm phải viết đơn xin khoan hồng. Đơn xin khoan hồng này sẽ là bản án tử hình cho sinh mạng chính trị của các can phạm chính trị. Trước ngày ra tòa sơ thẩm, một trong những người bị kết án rất nặng 13 năm tù là Paulus Lê Sơn được dư luận cộng đồng mạng trong nước và ngoài nước mô tả như những khuôn mặt trẻ hàng đầu của nhóm với những bài viết có mục đích đánh bóng một cách hơi quá đáng và hơi sớm đối với anh. Có thể là chính thâm tâm Lê Sơn cũng không muốn đón nhận những lời lẽ như thế, nhưng làm sao được vì đây là vụ án chính trị được những người ủng hộ phong trào dân chủ Việt Nam ở trong và ngoài nước hậu thuẫn tận tình. Đó là chưa kể đến các cuộc vận động của các tổ chức như Phóng viên Không Biên Giới và Human Rights Watch.

Một điểm đáng chú ý khác trong vụ này, đó là trong khi Paulus Lê Sơn được giảm đến 9 năm tù thì người được coi như phó của anh là Hồ Đức Hòa vẫn bị y án 13 năm tù và 5 năm quản chế, những người khác chỉ được giảm từ nửa năm đến 1 năm rưỡi. Chỉ với cách tuyên phán như thế này, tòa Nghệ An đã đặt một trái mìn có sức tàn phá sự đoàn kết của các cộng đoàn công giáo trong khu vực này bằng cách bơm vào nhóm 14 thanh niên công giáo và tin lành sự nghi kỵ và chỉ trích nhau về hậu quả của việc nhận tội trong một vụ án chính trị trong khi biết bao nhiêu con mắt đổ dồn về phía mình.

Hoàn cảnh và bối cảnh cay nghiệt của  vụ án 14 thanh niên Công giáo và Tin Lành khiến cho tôi nhớ lại một bài viết của người Tổng Thư Ký tuần báo Time viết về nhà tranh đấu chống chủ nghĩa Aparttheid ở Nam Phi, luật sư Nelson Mandela nhân dịp sinh nhất lần thứ 90 của ông, trong đó nhà báo này đã viết rằng mới quan tâm trong suốt đời Mandela là giữ vững tinh thần đoàn kết của dân tộc Nam Phi trong cuộc tranh đấu rất khó khăn và lâu dài. Cái mấu chốt giữ sự đoàn kết ấy chính là hình ảnh một Mandela không khoan nhượng trước đối thủ và luôn luôn giữ hình ảnh mình là người coi nặng quyền lợi cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid và quyền lợi riêng tư của chính mình cũng như gia đình.

Trong cuốn hồi ký về cuộc đời tranh đấu của mình, Nelson Mandela từng nhìn nhận rằng những “áp lực về tình cảm, tình trạng bị cô lập, những thói quen khó bỏ trong đời thường và những quyết định có tính cách tranh đấu chính trị là những thử thách luôn luôn xẩy ra trong đời tù kéo dài 27 năm của ông”. Mandela nhấn mạnh: “Sự lựa chọn rất khó khăn nhưng phải lựa chọn dứt khoát”.

Viết về vụ án 14 thanh niên nói trên tại Nghệ An, tôi vẫn chủ trương rằng cần nhìn những anh em trẻ đó và ủng hộ họ bằng trái tim của mình chứ không phải là những bài viết tâng bốc quá đáng. Tuổi còn trẻ, vấp ngã trong tranh đấu là chuyện bình thường. Điều quan trọng là phải biết gượng dậy, làm lại với một ý chí mới, đầu óc sáng suốt hơn, kiên trì hơn và tránh những vết xe đổ.ª



No comments:

Post a Comment

View My Stats