Nam Nguyên, phóng viên RFA
2013-06-20
2013-06-20
Sự
uất ức bất mãn của nông dân được mô tả là ngày càng chồng chất, mỗi năm nông
sản xuất khẩu như lúa gạo, cà phê, thủy sản đem về hàng chục tỷ đô la, nhưng
người nông dân hưởng lợi rất ít. Nam Nguyên trình bày vấn đề này.
Tình
hình tiêu thụ nông sản nói chung đã tồi tệ hơn rất nhiều trong nửa đầu 2013, Bộ
trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát ngày 13/6 nhìn nhận trước Quốc hội là thị trường
tiêu thụ gặp bế tắc, lúa chín đầy đồng, tôm cá ê hề mà người dân không bán
được.
Sống
trên lưng người nông dân
Ông
Ba một nông dân vùng tứ giác Long Xuyên nói với chúng tôi là người trồng lúa
rất khó khăn, nông dân chẳng khác nào đang chết lần chết mòn, trong khi hai
Tổng giám đốc của Tổng Công ty Lương thực miền Bắc và miền Nam lãnh lương 60
triệu tới 80 triệu/tháng.
Ông
Ba nói:
“Công ty Lương thực là của Nhà nước phải có
trách nhiệm, anh làm không được, chính phủ phải xử lý như thế nào, thay người
khác chứ người nông dân thì khổ mà anh ăn trên đầu cha nông dân sao được. Tiền
lương đó cũng lấy từ nông dân ra chứ ở đâu mà có. Thanh tra chính phủ có nhìn
nhận nên mới đưa thông tin đó ra. Từ chỗ đồng lương họ cao mình cũng biết về
phía công ty họ có lời đấy, nhưng người nông dân họ lỗ, nếu công ty tư nhân thì
không nói, anh làm lời kệ anh, nhưng là Nhà nước anh làm phải hài hòa lợi ích
với mục tiêu cuối cùng phải là nông dân.”
Trò
chuyện với chúng tôi, ông Trương Tâm, một nông dân khác ở đồng bằng sông Cửu
Long cho rằng, chính phủ ở xa quá không hiểu thấu nỗi đau khổ của nông dân.
Ông Tâm phát biểu:
“Cần
nhất là Bộ trưởng Nông nghiệp ông Cao Đức Phát phải có cái tầm nhìn sâu về nông
dân, phải hiểu cho nỗi khổ của nông dân từ đó lo cho nông dân, chứ ông đứng
trên đài cao ông nói mà ông không làm.”
Khi
115 doanh nghiệp lúa gạo được Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) phân bổ chỉ
tiêu, mua tạm trữ tổng cộng 1 triệu tấn gạo tương đương 2 triệu tấn lúa vụ hè
thu 2013 ở đồng bằng song Cửu Long, thực tế giá lúa đã xuống quá thấp. Các
doanh nghiệp này được Nhà nước cấp bù lãi suất vay vốn thực hiện tạm trữ.
Ngày
19/6, báo cáo của ngành nông nghiệp cho rằng giá lúa tươi tại ruộng đã nhích
lên 200đ/kg đạt mức 3.900đ-4.000đ/kg. Nhưng tờ Dân Việt cùng ngày
19/6 đưa tin, nông dân Thoại Sơn An Giang như ngồi trên lửa, thương lái đặt cọc
mua lúa tươi hạt tròn với giá 3.700đ/kg nhưng nay lúa chín rục vẫn không xuất
hiện.
Sản
lượng lúa hè thu đồng bằng sông Cửu Long năm 2013 ước đạt 9,3 triệu tấn bao gồm
hè thu sớm, hè thu chính vụ và hè thu muộn, hiện nay các tỉnh đã thu hoạch xong
khoảng từ 60%-70% diện tích gieo cấy hơn 1,5 triệu héc-ta. Trong tháng 7
chỉ còn thu hoạch khoảng 700.000 ha
Mua
tạm trữ kiểu gì?
Nông dân Trương Tâm ở đồng bằng sông
Cửu Long nói với chúng tôi là chỉ có An Giang thì mua tạm trữ đúng thời
điểm, chứ Đồng Tháp, Hậu Giang, Cần Thơ thì việc hỗ trợ thị trường này không
còn tác dụng bao nhiêu vì người dân đã làm gần xong và bán hết lúa:
“Chính
sách mua tạm trữ mua phải làm từ đầu chứ kiểu này…lúa mình làm cách đây nửa
tháng, Lúc đó giá mấy cũng phải bán, khi nông dân bán hết lúa rồi mới có lệnh
mua tạm trữ từ 15/6. Thật ra tạm trữ thì giá cũng chỉ nhích 100đ-200đ không
được bao nhiêu, lúa hạt dài xuất khẩu mà chỉ bán được 4.000đ-4.100đ/kg lúa tươi
thì rất là đau cho nông dân, kiểu này làm sao mà lời được 30% đúng với chính
sách Nhà nước.
Làm
ruộng nếu nói bán lỗ thì là nói dối, nhưng chỉ lời mỏng lắm chỉ 5%-10%, mà lời
vậy chết nông dân vì có đường nào ‘sanh sửa’, vật giá leo thang tất cả các mặt
hàng tiêu dùng hàng ngày đâu có sụt đâu. Chuyện này như một điệp khúc lập đi
lập lại hoài cuối cùng ông VFA hưởng lợi còn nông dân chịu khổ.”
Trả lời chúng tôi bà
Phạm Chi Lan,
chuyên gia kinh tế nguyên thành viên ban tư vấn của Thủ tướng Phan Văn Khải từ
Hà Nội nhận định là, nông dân bị đối xử bất công, khi nhiều năm liền nông sản
xuất khẩu đã chống lưng cho nền kinh tế:
“Chương
trình mua tạm trữ lúa gạo thì thông thường tiền giao cho Tổng công ty được đứng
ra làm, như vậy thì rút cuộc họ được hưởng lãi suất thấp hoặc lãi suất 0% của
ngân hàng để mua tạm trữ lúa gạo. Nhưng mà nông dân thì cũng không được hưởng
lợi bao nhiêu từ chương trình đó cả. Nông dân có bán được sản phẩm, nhưng ngay
thái độ gần đây của Tổng công ty Lương thực đưa ra mang tính chất rất ép buộc
với nông dân theo cách là bán thì bán không bán thì để lúa đấy cho bò ăn. Nói
theo cách đó là không đếm xỉa đến yêu cầu Thủ tướng vẫn đặt ra là làm sao phải
bảo đảm cho nông dân có lãi 30%. Như vậy làm sao có thể tạo ra động lực cho
người nông dân chăm lo và tiếp tục sản xuất được.”
Khi
đồng loạt việc tiêu thụ nông sản bị ách tắc, nhiều người nghĩ tới có sự trục
trặc trong chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn. Để phát triển sản lượng
đã không dễ mà chiến lược tiêu thụ còn khó hơn nhiều. Các chuyên gia thường nói
sản xuất và tiêu thụ luôn gắn liền với nhau.
Thời
kỳ người dân ăn bo bo, gạo mì nhập khẩu thay cơm trong những năm cuối thập niên
1970 đầu thập niên 1980 đã qua lâu rồi. Việt Nam thành công trong tự túc lương
thực và dư thừa để xuất khẩu tới hơn 7 triệu tấn gạo mỗi năm. Nhưng đã tới lúc
Việt Nam phải đổi mới một lần nữa, đặc biệt là trong việc hoạch định chính sách
phát triển nông nghiệp nông thôn hướng tới phát triển bền vững và phúc lợi của
50 triệu nông dân và cư dân nông thôn.
No comments:
Post a Comment