Monday 10 June 2013

ĐÀO KINH TRONG AO NHÀ (Nguyễn Xuân Nghĩa - Người Việt)




Nguyễn Xuân Nghĩa  -  Người Việt
Monday, June 10, 2013 4:03:12 PM


Kênh đào của Trung Quốc tại Trung Mỹ

Khi mọi người cứ nói đến việc Hoa Kỳ chuyển trục về Á Châu thì Trung Quốc đã kín đáo bước vào Trung Mỹ.

Không, bài này không nói việc Chủ Tịch Tập Cận Bình thăm ba nước Trung Mỹ là Costa Rica, Trinidad & Togabo và Mexico của trước khi dự thượng đỉnh trong vòng thân mật với tổng thống Mỹ tại California vào tuần qua. Bài này nói đến một kênh đào tại Nicaragua...

Nếu mọi việc diễn tiến như dự trù thì ngày 13 Tháng Sáu này, Quốc Hội Cộng Hòa Nicaragua sẽ phê chuẩn đạo luật cho phép một doanh nghiệp được thuê đất, xây dựng và khai thác một kinh đào nối liền Thái Bình Dương với Ðại Tây Dương. Thời hạn khai thác là 50 năm, thời gian thực hiện là 11 năm, kinh phí đầu tư là 40 tỷ đô la Mỹ. Con kinh sẽ thâu ngắn đường hàng hải cho các doanh nghiệp Ðông Á, Bắc Mỹ và Âu Châu. Và doanh nghiệp trúng mối là của Trung Quốc.

Mọi việc sẽ diễn tiến như dự trù vì Tổng Thống Daniel Ortega và đảng “Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Sandinista” (FSLN) của ông ta đang chiếm đa số lớn trong Quốc Hội và Ortega thông báo quyết định này từ hôm mùng 7, rồi chuyển dự luật qua Quốc Hội theo thủ tục khẩn cấp.

Xin hãy nói về địa dư trước, kinh tế sau và kết luận về chính trị.

***

Muốn đi từ Thái Bình Dương qua Ðại Tây Dương - hoặc từ các hải cảng miền Tây qua miền Ðông Hoa Kỳ - người ta có con đường ngắn nhất là tại Trung Mỹ.

Trung Mỹ hay Central America là khu vực nối liền hai đại lục Nam-Bắc Mỹ, không là quan hệ giữa Trung Quốc và nước Mỹ mà người ta cứ gọi sai theo kiểu Bắc Kinh và Hà Nội là “Trung-Mỹ” thay vì “Hoa-Mỹ” như trước đây. Tại Trung Mỹ, kênh đào Panama dài 77 cây số đạt mục tiêu vận tải ấy từ trăm năm nay (1914, nhờ Hoa Kỳ), và đem lại mối lợi kinh tế lớn (5% tổng sản lượng) cho Cộng Hòa Panama.

Nhờ chính quyền (cũng) lý tưởng của Jimmy Carter, Hoa Kỳ trả lại và thực tế thả nổi việc quản lý kênh Panama từ năm 1977. Thiên nhiên vốn không thích khoảng trống, một doanh nghiệp Hong Kong của tài phiệt người Triều Châu là Lý Gia Thành bước vào nhận việc quản trị kênh đào ở cả hai đầu Ðông và Tây (hay đúng hơn, Nam và Bắc).

Trước mối lợi từ vị trí địa dư giữa hai đại dương lớn nhất thế giới, nhiều nước Trung Nam Mỹ cũng nghĩ đến đào kinh, như Guatemala, Colombia, Brazil, Chile, Peru và Bolivia. Nhưng việc này không rẻ và dễ (Pháp khởi công dự án Panama mà sau phải bỏ để Hoa Kỳ vào hoàn tất).

Bây giờ, cái xứ nghèo nhất trong nhóm là Nicaragua đã chạy trước nhờ lực đẩy của Bắc Kinh.

Dự án sẽ nối liền Ðại Tây Dương ở miền Ðông với Hồ Nicaragua bằng cách đào sâu và mở rộng dòng sông, rồi từ mặt hồ lớn nhất Trung Mỹ cắt ngang gieo đất Rivas để trổ ra biển Thái Bình. Kênh đào Nicaragua sẽ dài 200 cây số và đòi hỏi kinh phí rất cao để thực hiện giấc mơ trăm năm của dân Nicaragua khi thấy kinh Panama mở cửa ở miền Nam...

Kinh phí đó, nay có Trung Quốc chu cấp qua doanh nghiệp vừa được thành lập, có hội sở tại Hong Kong là HK Nicaragua Canal Development Investment CO Limited (HKC).

Với kênh đào, Nicaragua sẽ có sản lượng kinh tế gấp đôi để thành xứ thịnh vượng nhất Trung Mỹ, chưa nói đến công ăn việc làm (của người Hoa và Nicaragua) khi thực hiện. Kênh đào cũng thay đổi khuôn khổ sinh hoạt tại Trung Nam Mỹ và cả luồng giao dịch toàn cầu. Nhiều quốc gia, kể cả Liên Bang Nga, đều nghé vào dự án này mà sau đành bỏ cuộc vì quá tốn kém.

Trung Quốc thì không, và giữ vai chủ động cho dự án, với sự hưởng ứng của chính quyền Ortega, đã “đổi mới” từ chế độ thân cộng qua hình thái kinh tế thị trường theo định hướng Sandinista, xã hội chủ nghĩa cho... dân nghèo.

Bây giờ qua chuyện chính trị. Dự luật do Ortega đề nghị quy định là chính quyền Nicaragua hết làm chủ 51% phần vốn mà chỉ giữ 1% cho đến năm thứ 11 thì sẽ được 10%. Phần vốn của doanh nghiệp HKC sẽ tuần tự trao lại cho cơ quan quản lý dự án của Nicaragua (Nicaragua Canal Authority) qua từng đợt, mỗi mười năm trong trăm năm tới. Nói nôm na, doanh nghiệp Trung Quốc lập tại Hong Kong sẽ kiểm soát dự án từ đầu đến cuối.

Ngoài việc đặc nhượng chủ quyền, dự án sẽ huy động công nhân từ nơi rất rẻ (cho HKC) là Châu Phi, dưới sự điều động của đốc công, kỹ sư và cán bộ Trung Quốc. Cơ hội bằng vàng cho cán bộ Sandinista nào biết làm ăn theo quy luật của ông chủ ở Bắc Kinh. Trong khung cảnh đó, tham nhũng hay nạn hủy hoại môi sinh chỉ là loại vấn đề nhỏ!

Chả biết rằng chuyên gia Nicaragua có đi tu nghiệp ở Hà Nội hay Tây nguyên của Việt Nam hay chăng.

Nhìn sâu rộng hơn, dự án sẽ gây thất thâu cho Panama nên việc mở rộng kinh Panama cũng được thực hiện, với sự cố vấn tại chỗ của doanh nghiệp Hong Kong. Chuyện ấy còn xa, chứ ngay trước mắt, Costa Rica có thêm mâu thuẫn với láng giềng Nicaragua về quyền vận chuyển trên sông San Juan, sẽ được thiết bị Trung Quốc đào qua ngả khác, với hậu quả môi sinh ra sao thì chưa ai rõ. Một nước láng giềng khác là Colombia cũng tri hô báo động vì đã từng có tranh chấp với Nicaragua về đảo San Adrés ở ngoài Vịnh Carribean.

Nếu gặp mâu thuẫn và cần một đệ tam nhân giữ vai hòa giải, các nước Trung Mỹ sẽ nói chuyện với Washington hay Bắc Kinh? Nhiều phần thì Bắc Kinh có vẻ gần gũi hơn...

***

Bây giờ mới đến chuyện “kinh tế cũng là chính trị”.

Từ nhiều năm rồi, Công binh của Lục quân Hoa Kỳ đã suy nghĩ về bài toán vận chuyển hàng hóa. Từ các hải cảng Châu Á qua hải cảng Mỹ tại miền Ðông, hàng hóa phải qua hai ngả, hàng hải vượt Thái Bình Dương rồi thiết lộ xuyên bang qua nước Mỹ. Kênh đào Panama giải quyết được một phần của bài toán nhưng do được thiết kế từ trăm năm trước nên không còn phù hợp với nhu cầu của các tàu hàng khổng lồ. Dù có được canh tân và mở rộng để hoàn tất vào năm 2015, kênh Panama vẫn có những hạn chế.

Kênh đào Nicaragua sẽ có ưu thế cao hơn. Hàng họ từ San Francisco qua New York sẽ rẻ hơn nhờ đi ngắn hơn được 800 cây số! Từ Thượng Hải hay Quảng Châu mà qua Baltimore hay New Jersey thì còn đỡ hơn nhiều.

Nói về chính trị, dư luận Mỹ còn nhớ vụ tai tiếng Iran/Contra khi chính quyền Ronald Reagan ngầm yểm trợ lực lượng Contra chống cộng tại Nicaragua. Nhưng lại quên hồi kết của bi kịch đánh trống bỏ dùi kiểu Mỹ.

Chính quyền Sandinista của Daniel Ortega bị thất cử bất ngờ trước 14 đảng chống Sandinista trong lực lượng đại đoàn kết và lãnh tụ dân chủ là Violeta Chamorro lên làm tổng thống Nicaragua từ Tháng Tư năm 1990. Có thể là Chamorro được Hoa Kỳ ngầm yểm trợ lúc ban đầu. Nhưng chỉ một năm sau, khi bà qua tận Mỹ xin thêm viện trợ để tái thiết một xứ sở nghèo đói thì hồ sơ Nicaragua hết là ưu tiên! Mối nguy Sandinista không còn nên Mỹ cúp viện trợ và thả nổi Nicaragua, với sự cổ võ của cánh tả lẫn xu hướng bảo thủ của Mỹ.

Sau hai lần thất cử liên tiếp, Daniel Ortega bèn đổi mới rồi trở về làm tổng thống Nicaragua từ đầu năm 2007 dù chỉ được 38% số phiếu nhờ sửa luật bầu cử đã có thay đổi. Ngày nay, ao nhà hay sân sau của Hoa Kỳ tại Trung Nam Mỹ đã lấp lánh cờ ngũ tinh của Trung Quốc. Kinh tế cũng là chính trị! Lãnh tụ Ortega đồng ý như vậy. Hà Nội cũng thế.

Nhân Cơ không chỉ là tên một dự án tại Ðắc Nông của Việt Nam mà còn là quy luật “nhân cơ hội” của ngư ông đắc lợi tại Trung Quốc.


No comments:

Post a Comment

View My Stats