Sunday 5 May 2013

"VU VẠ" NHƯ THẾ NGƯỜI TA CƯỜI CHO (Mạnh Kim - FB)




5-5-2013

Dù thật sự không có ý chỉ trích hay chê bai sản phẩm “máy bay không người lái” của “tập thể các nhà khoa học do TS Phạm Ngọc Lãng làm chủ nhiệm” nhưng vẫn phải nói thẳng rằng cái gọi là “UAV” vừa ra mắt ở Việt Nam chỉ đáng gọi là mô hình không hơn không kém. Chỉ cần vào Youtube, bạn có thể xem vô số mô hình UAV của dân lắp ráp nghiệp dư (sinh viên Mỹ hoặc nhiều nước khác) thực hiện, với thiết kế hiện đại gấp nhiều lần so với mô hình quá đơn giản và nghèo nàn về kỹ thuật của Việt Nam. Xin nhắc lại, ở đây không có ý chê bai, chỉ thấy nhóm nghiên cứu của ông Lãng quá tự tin, lại thêm khẳng định của ông GS-TSKH Đỗ Trung Tá, Chủ tịch Hội đồng Chính sách khoa học và công nghệ quốc gia, khi cho rằng “đây là sự kiện rất quan trọng, đánh dấu sự phát triển của khoa học kỹ thuật Việt Nam”, nên có ý kiến thôi.

Việc “mạo nhận” là chế được UAV của nhóm nghiên cứu Việt Nam cho thấy một sự tự tôn thái quá đã được thổi phồng để che giấu cái mặc cảm tự ti còn kém quá xa so với trình độ nước ngoài mà bản thân những người thiết kế, là dân khoa học chính hiệu, đáng lý phải biết rõ. Họ phải biết rằng để được gọi là UAV, mẫu thiết kế không chỉ biết bay lượn (điều này là quá đơn giản, phải nói là cực kỳ đơn giản dưới góc độ khoa học) mà còn phải tính đến công năng thật sự. Nó làm được gì, cho trường hợp nào, quân sự hay dân sự, mức độ hiệu quả của nó, được kiểm nghiệm thực tế ứng dụng đến đâu rồi…?
Cần biết, kỹ thuật UAV thế giới đã tiến ở mức xa cách Việt Nam hàng thập niên. Israel đã có (và đang sử dụng thực tế) những UAV siêu nhỏ được đặt tên “Con muỗi” nặng chỉ 250 gr, hay loại “Mắt chim” (“Bird-Eye”, cất cánh bằng lực phóng cánh tay) hoặc loại “Báo đen” (“Panther”) to đến mức phải được chở bằng xe tăng, có thể bay sâu 60 km vào chiến tuyến kẻ thù và truyền dữ liệu trực tiếp về bộ chỉ huy… Đó là chưa kể loại “Heron-TP” nặng 4,5 tấn, có thể vừa do thám vừa tấn công. Còn ở châu Âu, một trong những UAV đáng chú ý nhất là “Euro Hawk”, có thể bay liên tục 30 tiếng trên tầng bình lưu (hơn 18.288 m), với hệ thống camera giúp “nhìn xuyên” mây và bão cát. Có thể nghe gần như rõ mồn một các cuộc điện thoại, xem trộm tin nhắn điện thoại di động; bắt được tín hiệu radio và tivi…, “Euro Hawk” được mệnh danh là “máy hút chân không” khổng lồ chuyên “hút” dữ liệu thông tin. Xin kể thêm vài chi tiết kỹ thuật nữa. Nặng 15 tấn, làm bằng sợi carbon, UAV này dài 14,5m với sải cánh khoảng 40m; có thể bay liên tục 25.000 km (bằng đoạn đường từ Berlin đến Tokyo rồi ngược về mà không cần hạ cánh). Được bay thử lần đầu ngày 29-6-2010, Euro Hawk thật ra là sản phẩm của hãng Mỹ Northrop Grumman nhưng sau đó Northrop liên doanh với Tập đoàn hàng không-quốc phòng châu Âu (EADS) để cho ra đời phiên bản châu Âu.

Với Mỹ thì khỏi nói. Ngày 17-2-2011, nhóm nghiên cứu thuộc hãng AeroVironment đã cho bay thử nghiệm UAV “Nano Hummingbird” nhỏ bằng chim ruồi, được trang bị camera do thám. Bay với vận tốc hơn 17km/g, “Nano Hummingbird” có thể dễ dàng đậu trên bậu cửa sổ hay cành cây để ghi âm hoặc quay phim trộm. Hãng AeroVironment hiện là một trong những chuyên gia về UAV siêu nhỏ. “Con” Raven của họ có sải cánh 1,4m và nặng 1,9kg, trang bị camera hồng ngoại, đang được dùng rộng rãi tại Afghanistan cho mục đích do thám. Bộ binh Mỹ đã được cung cấp khoảng 4.800 UAV Raven. Ngoài ra, AeroVironment còn có UAV “Wasp” hay “Puma” (đều được phóng bằng lực cánh tay). Được phóng bằng lực tay còn phải kể đến “Desert Hawk” của Lokheed Martin. Với giá chỉ 300 USD, “Desert Hawk” (sải cánh hơn 1,3m; dài hơn 91cm; nặng hơn 3,1kg) có thể bay (bằng nguồn pin) khoảng 60 phút, thực hiện nhiệm vụ thám báo bằng camera hồng ngoại và hệ thống định vị toàn cầu. Khi được trang bị kính đêm, “Desert Hawk” có thể quan sát rõ vật thể trong bóng tối. Tại Afghanistan, “Desert Hawk” được dùng để canh gác quanh các căn cứ quân sự Mỹ… Có chức năng tương tự “Desert Hawk”, UAV “ScanEagle” của Insitu (chi nhánh Boeing) có thể bay (139km/g) hơn 20 tiếng với tầm liên lạc hơn 100km. Điểm khác biệt giữa “ScanEagle” và “Desert Hawk” là “ScanEagle” được phóng bằng “giàn ná” (hệ thống phóng bằng khí nén). Hải quân Mỹ được cung cấp “ScanEagle” từ năm 2005. Một loại UAV cất cánh bằng “giàn ná” nữa là “KillerBee” của hãng Raytheon, cũng có nhiệm vụ chủ yếu là do thám…
Và dưới đây mới là những UAV thứ thiệt, đáng mặt UAV: Predator, Reaper hay RQ-170 Sentinel (mệnh danh “Quái vật Kandahar”). Đặc biệt nhất là “X-47B” – một chiến đấu cơ không người lái thật sự! “X-47B” có thể bay ở độ cao 12.190m với vận tốc siêu thanh, mang theo hai tấn vũ khí, tầm hoạt động hơn 3.800km…

So sánh các mẫu prototype (phải dùng từ này mới chính xác) của Việt Nam với các UAV hiện đại trên thật quá khiên cưỡng và đây không phải là ý định của người viết. Chỉ muốn nói rằng, một lần nữa, Việt Nam, cụ thể là nhóm của ông Lãng, nên hiểu mình đang ở đâu và năng lực thật sự của mình đến mức nào. “Vu vạ” như thế người ta cười cho. Không hiểu nếu những bài báo tường thuật về vụ “chế tạo thành công UAV của Việt Nam” được dịch sang tiếng Anh thì giới khoa học thế giới sẽ ôm bụng cười mỉa như thế nào!

-----------------------------------------

Đào Tuấn
Tháng Năm 4, 2013 in Tạp Pí Lù. 28 Comments

------------------------------------------------


Làm chủ mọi công đoạn sản xuất máy bay không người lái
8:09 AM, 05/05/2013

(Chinhphu.vn) - Việt Nam đã trở thành một trong các nước làm chủ mọi công đoạn từ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, vận hành, bảo dưỡng máy bay không người lái. Từ thành công này, mở ra hàng loạt ứng dụng cụ thể trong đời sống trong tương lai không xa.

Máy bay không người lái phục vụ nghiên cứu khoa học do Việt Nam chế tạo

Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu chế tạo tổ hợp máy bay không người lái phục vụ nghiên cứu khoa học (máy bay không người lái) là Tiến sĩ Phạm Ngọc Lãng, Giám đốc Viện Khoa học công nghệ không gian – Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam. Nhóm nghiên cứu của ông đã triển khai đề tài này từ năm 2008.

Tất cả linh kiện đều sản xuất trong nước
TS. Phạm Ngọc Lãng chia sẻ: “Việt Nam đã chính thức tham gia vào nhóm các nước thiết kế, chế tạo được máy bay không người lái. Nhiều nước đã tiến hành nghiên cứu, chế tạo máy bay không người lái, nhưng không phải tất cả đều thành công. Đối với Việt Nam, chúng ta đã làm chủ hoàn toàn mọi công đoạn, quy trình từ việc nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, vận hành, bảo hành, bảo dưỡng máy bay không người lái”.
“Đó là một quy trình khép kín. Chúng tôi đã chế tạo ra được những chiếc máy bay mà gần như tất cả các linh kiện, kể cả linh kiện điện tử đều được sản xuất tại Việt Nam” TS. Lãng nói.
Theo đó, nhóm nghiên cứu đã tự thiết kế và làm chủ được phần mềm bay tự động tuân thủ những chuẩn mực cao nhất của Châu Âu. Đây là thành công rất quan trọng, đảm bảo tính “khép kín” trong quy trình nghiên cứu, chế tạo máy bay không người lái. Đây là điều mà không nhiều quốc gia có thể chủ động được hoàn toàn.
“Chúng tôi cũng đã tiến hành rất nhiều thử nghiệm như đưa camera chuyên dụng lên để quay quan sát ảnh trên mặt đất, độ phân giải ảnh đạt chính xác tới hàng xăng-ti-mét”, TS. Lãng cho biết về ứng dụng đầu tiên của những chiếc máy bay không người lái.
Theo vị “cha đẻ” của máy bay không người lái, nhóm nghiên cứu của ông đã đã sản xuất được 5 loại máy bay không người lái.
Loại lớn nhất có chiều dài 4,20m, sải cánh 5,0m. Khối lượng tối đa của máy bay là 170kg, trong đó khối lượng tải có ích là 50kg. Như vậy, máy bay hoàn toàn có thể mang theo các thiết bị chuyên dùng ở rất nhiều lĩnh vực. Loại máy bay này có thể bay cao tối đa 3000m, tốc độ lớn nhất 180km/h. Bán kính hoạt động là 100km, thời gian hoạt động liên tục trên không là 6h, bay cả ban ngày và ban đêm.
“Tầm bay của máy bay có thể được mở rộng trên một khu vực rộng lớn, kể cả trên phạm vi toàn lãnh thổ Việt Nam nếu sử dụng các trạm chuyển tiếp mặt đất hoặc dùng tín hiệu điều khiển vệ tinh” TS. Lãng cho biết.
Loại máy bay nhỏ nhất chỉ dài 1,0m, sải cánh 1,2m. Tuy chỉ có khối lượng tối đa 4kg nhưng máy bay có thể mang tới 1kg, tức là đủ sức mang theo mình những thiết bị quan sát chuyên dụng. Bán kính hoạt động của chiếc máy bay “hạt tiêu” này là 2km, đạt độ cao tối đa 200m, tốc độ lớn nhất 70 km/h. Máy bay có thể hoạt động liên tục trên không trong 1 giờ. Trước mắt, loại máy bay này được trang bị camera chuyên dụng, cự ly truyền 2km.
TS. Lãng cho biết, loại máy bay này có thể cất cánh không cần đường băng, thậm chí ném bằng tay cũng có thể bay lên được.
“Loại máy bay này có ý nghĩa rất quan trọng dùng để quan sát các mục tiêu như các tòa nhà cao tầng trong thành phố vào ban đêm, quan sát trong điều kiện cần ngụy trang, quan sát các mục tiêu nhỏ trên mặt đất…” TS. Lãng nói.
“Chúng tôi đã thử nghiệm thành công cả 5 loại máy bay nêu trên, bay biểu diễn công bố thành công 3 loại. Từ ngày 27/4 đến 3/5, chúng tôi đã bay 115 chuyến, chỉ có 2 lỗi và đều đã khắc phục ngay”, TS. Lãng cho biết.

TS. Phạm Ngọc Lãng cho biết sẽ sớm đưa vào ứng dụng các loại máy bay này

Sớm đưa vào ứng dụng
Trong thời gian ngắn sắp tới, những chiếc máy bay không người lái sẽ được đưa vào ứng dụng trong các chương trình bay khảo sát địa chất, đo, vẽ bản đồ, phát hiện chặt – phá rừng, quan sát bảo vệ những cá thể động thực vật quý hiếm, quan sát đập thuỷ điện, đường dây 500 KV, quan sát ảnh hưởng của biến đổi khí hậu…
Ngay trong tháng 5 này, nhóm nghiên cứu của TS. Lãng sẽ cùng với Viện Vật lý địa cầu thực hiện các chuyến bay lấy mẫu khí quyển trên các tầng điện ly.
“Những nhiệm vụ này hiện nay chúng ta phải dùng máy bay có người lái để thực hiện, rất tốn kém. Nay nếu bay bằng máy bay không người lái, chi phí sẽ giảm đi rất đáng kể”, TS. Lãng khẳng định.
Trò chuyện với phóng viên về hướng nghiên cứu tiếp theo, TS. Phạm Ngọc Lãng cho biết, ông cùng với nhóm nghiên cứu sẽ tập trung hoàn thiện 5 loại máy bay nêu trên hơn nữa theo hướng mở rộng tầm bay, trần bay của cả 5 loại máy bay nêu trên. “Chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu để đưa những loại thiết bị chuyên dụng ở nhiều lĩnh vực khác nhau lên máy bay”.
Xa hơn nữa, vị Giám đốc của Viện khoa học công nghệ không gian Việt Nam không giấu tham vọng muốn tiếp cận công nghệ chế tạo vệ tinh quỹ đạo thấp, phục vụ cho các mục đích kinh tế, xã hội.

*

Tính năng của 5 loại máy bay do Viện Khoa học công nghệ không gian chế tạo
AV.UAV.MS1: Chiều dài 1,0m; sải cánh 1,2m; khối lượng tối đa 4kg; tải có ích 1kg, bán kính hoạt động 2km, trần bay 200m; tốc độ lớn nhất 70 km/h; thời gian hoạt động trên không 1h, được trang bị camera chuyên dụng, cự ly truyền 2km.
AV.UAV.S1: Chiều dài 1,80m; sải cánh 2,70; khối lượng tối đa 12,0kg; khối lượng tải có ích 1,5kg; bán kính hoạt động 15km, trần bay 3000m; động cơ 45cm3; tốc độ lớn nhất 120 km/h; thời gian hoạt động trên không 2h; đường cất hạ cánh 50m; có thể cất cánh bằng bệ phóng, hạ cánh bằng dù; truyền ảnh online từ camera khoảng cách 15km.
AV.UAV.S2: Chiều dài 2,60m; sải cánh 3,20m; khối lượng tối đa 45kg; tải có ích 15kg, động cơ 80cm3; tốc độ lớn nhất 150km/h; trần bay 3000m; đường cất, hạ cánh 200m; có thể cất cánh bằng bệ phóng, hạ cánh bằng dù; thời gian hoạt động trên không 3h.
AV.UAV.S3: Chiều dài 3m; sải cánh 3,4m; khối lượng tối đa 115kg; khối lượng tải có ích 35kg; bán kính hoạt động 70km; trần bay 3000m; động cơ 350cm3; tốc độ lớn nhất 180km/h; thời gian hoạt động trên không tối đa 5h.
AV.UAV.S4: Chiều dài 4,20m; sải cánh 5,0m; khối lượng tối đa 170kg; khối lượng tải có ích 50kg; bán kính hoạt động 100km; trần bay 3000m; động cơ 400 cm3; tốc độ lớn nhất 180km/h; thời gian hoạt động trên không 6h; bay cả ban ngày và ban đêm

Xuân Tuyến


No comments:

Post a Comment

View My Stats