Sunday 5 May 2013

SỢ TINH THẦN THIỆN NGUYỆN CỦA DÂN (Lê Phan)




Lê Phan
Friday, May 03, 2013 7:42:13 PM

Hôm thứ bảy tuần trước, một trận động đất quan trọng lại xảy ra ở Tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc. Quen lệ sau trận động đất năm 2008, các tổ chức dân sự và thiện nguyện tư nhân đã bảo nhau tìm tới để cứu giúp đồng bào mình bị nạn.

Nhưng lần này khác năm 2008. Hồi đó, khi trận động đất kinh hồn xảy ra ở tỉnh Tứ Xuyên, lần đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc Cộng sản, những nhóm tình nguyện tư nhân, những tổ chức dân sự thành lập vội vàng, đổ tới vùng này và đóng một vai trò quan trọng trong công cuộc cứu trợ. Lúc đó chính quyền đã lên tiếng ca tụng tinh thần tương thân tương ái này. Nhưng chỉ vài tháng sau, nhiều người trong số các nhân viên thiện nguyện này đã bị yêu cầu phải rời khỏi khu đó. Chính quyền đã quyết định là họ không cần các nhóm thiện nguyện tổ chức cứu trợ nữa vì qua hành động đó họ đã “xâm lăng” vào lãnh vực mà theo truyền thống của chế độ là độc quyền của nhà nước.

Lần này, chính quyền đã chuẩn bị trước, hành động thật sớm để kiểm soát số những người tình nguyện, những nhóm thiện nguyện cũng như tiền cứu trợ của tư nhân chuyển đến vùng động đất. Chỉ một ngày sau khi vụ động đất xảy ra, nhà chức trách ra lệnh cấm các toán tình nguyện cũng như các tổ chức dân sự vào khu xảy ra thiên tai nếu không có giấy phép của Quốc vụ viện, tức là chính phủ trung ương.

Bởi đối với chính phủ, những nhóm thiện nguyện này đại diện không những sự cứu trợ mà là một hình thức thách thức chính trị. Các tổ chức dân sự và sự tham dự vào các hoạt động dân sự, từ thiện nguyện và tình nguyện đến tích cực vận động- đang gia tăng ở Trung Quốc, mặc dầu mọi cố gắng của chính quyền để kiểm soát.

Trận động đất ở Nhã An đã cho thấy những nhóm dân sự này có thể tổ chức một cách dễ dàng đến thế nào và sự nhậm lẹ của họ trong việc huy động sự ủng hộ qua các địa chỉ liên lạc xã hội. Những tình nguyện viên đến từ mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi. Họ là những học sinh trung học, họ cũng có thể là các chuyên viên y tế từ bác sĩ đến y tá, và họ còn là những tổ chức Ki-tô giáo nữa. Chỉ vài phút sau khi trận động đất xảy ra hôm thứ Bảy tuần rồi, trên toàn quốc mọi người đã tụ tập vào WeChat, một app để gửi message với hơn 300 triệu thành viên. Trước hết là để thăm hỏi bà con họ hàng có sao không, rồi sau đó là để xem có làm gì để giúp đỡ được không.

Một trong những toán được thành lập trên WeChat là “Phong trào Đoàn kết Cứu nguy 420”, một nhóm liên kết lỏng lẻo khoảng 20 các tổ chức phi chính phủ ở Tứ Xuyên, mang cái tên của ngày xảy ra động đất 20 tháng 4. Điều phối viên họ Phó của nhóm giải thích với phóng viên của tờ Financial Times, “Lúc đầu khi động đất mới xảy ra, chúng tôi không dùng điện thoại hay text được, nhưng WeChat thì hoạt động tốt.” Tổ chức đã đưa ra lời kêu gọi vào lúc 10 giờ sáng ngày thứ Bảy, chỉ 90 phút sau khi trận động đất xảy ra, và chuyến xe chở phẩm vật cứu trợ đầu tiên của họ đến nơi ngay trong ngày hôm đó.
Tuy nhiên, sau thông cáo của Quốc vụ viện, những nhóm như vậy gặp khó khăn xin đủ giấy phép để được vào vùng động đất. Ông Phó than “Chúng tôi chỉ có được một số giấy phép giới hạn, không nhiều lắm. Chính tôi đã nghe người ta cãi nhau vì không kiếm được ngay cả một cái giấy phép.”

Lý do mà nhà nước đưa ra để chặn các tình nguyện viên là vì nạn kẹt xe trên những con đường núi chật hẹp ở khu trung tâm của địa chấn. Tuy nhiên, các tình nguyện viên chỉ ra là kẹt xe chính là do những đoàn xe quá khổ nhiều đoạn của chính quyền cứ nhất định đi vào những con đường quá hẹp. Ấy là chưa kể quá thiếu người điều khiển giao thông.

Một số, nhất là những người thuộc chính quyền thì bênh vực cho hệ thống giấy phép. Một viên chức của một tổ chức xã hội trực thuộc một tổ chức tương đương với Mặt trận Tổ quốc của Bắc Kinh, chê bai là có hơn 700 tổ chức đang ở trong khu vực xảy ra động đất, nhưng chỉ có 20 phần trăm là có đủ kinh nghiệm và huấn luyện học được từ những trận động đất đã xảy ra trước đây. Viên chức này chỉ ra là nhiều người tình nguyện tìm đến nhưng chẳng làm được gì cả.

Nhưng đại đa số dân chúng tin là có một lý do quan trọng hơn cho sự cấm cản này, đó là ý chính quyền muốn duy trì độc quyền cứu nguy.

Bắc Kinh đang cố gắng tránh sự lập lại của trận động đất năm 2008, vốn đã lần đầu tiên tạo nên một làn sóng cứu trợ tư nhân. Ông thần nhân dân đó, một khi đã “sổng chuồng”, thật khó mà nhốt lại vào trong cái lọ. Một số những nhóm thiện nguyện này đã trở thành cái gai đối với chính quyền địa phương vì họ đã đưa ra những sự việc mà chính quyền muốn che  giấu.

Ông Vương Lý Vệ, sáng lập ra tổ chức Charitarian, một tổ chức báo chí chuyên về thiện nguyện, nói là nhà chức trách ở Bắc Kinh muốn chặn không cho xảy ra một sự “bùng nổ” các tổ chức phi chính phủ như thời năm 2008. Một lý do rất quan trọng là chính quyền không muốn dân chúng địa phương so sánh công tác cứu trợ của mình với của tư nhân, nhất là khi công tác cứu trợ của chính quyền bị chê bai trong khi dân chúng lại khen các cố gắng tư nhân.

Điều còn làm chính quyền bực tức hơn là trận động đất đã cho thấy dân chúng bây giờ không còn tin cậy vào Hội Hồng thập tự Trung Quốc, vốn là tổ chức thiện nguyện lớn nhất nước, nằm dưới sự kiểm soát của nhà nước.

Ngay khi trận động đất xảy ra, Hội Hồng thập tự tuyên bố trên địa chỉ Weibo, một thứ Twitter của Trung Quốc, là họ đã gửi một toán đến để ‘thanh tra’ vùng bị động đất. Nhiều chục ngàn người Hoa đã lập tức phản ứng với đại đa số bảo “cút đi”. Một người viết trên Weibo “Là một người dân bình thường, tôi sẽ không bao giờ tặng một xu cho hội Hồng thập tự.” Một người khác viết “Hội Hồng thập tự thật là không biết xấu hổ. Trận động đất đã rất kinh hồn. Chúng tôi không cần quý vị ‘thanh tra’. Hãy cút đi.”
Khi hội đưa lời kêu gọi quyên góp, phản ứng rất hờ hững. Cho đến 7 giờ tối hôm thứ bảy, hội chỉ nhận được có 142,000 nguyên (23,000 đô la) từ dân chúng. Trong khi đó, tổ chức One Foundation, được sự ủng hộ của tài tử Jet Li của Điện ảnh Hương Cảng đã nhận được hơn 15 triêu nguyên.

Sở dĩ dân chúng đã đổi thái độ với Hội là vì vụ động đất năm 2008. Lúc đó hội nhận được 4.3 tỷ nguyên. Khác với các hội Hồng thập tự khác trên thế giới, hội ở Trung quốc là một phần của bộ Y tế, và nhân viên là công chức với tất cả quyền lợi. Đối với người dân họ thuộc giai cấp cai trị hưởng thụ. Nhưng uy tín của Hội đã xuống đến đất đen hồi năm 2011, khi một cô tên là Quách Mỹ Mỹ, tự nhận mình là giám đốc của hội, đã phô trương cuộc sống xa hoa của mình trên Weibo bằng những tấm hình xe hơi mắc tiền, nhà cao cửa rộng. Hội bác bỏ nói cô ta không phải là nhân viên nhưng dầu sao dân chúng bắt đầu đặt câu hỏi thế hội làm gì với số nhiều tỷ nguyên mà dân chúng đã đóng góp.

Trong khi đó, tinh thần của dân chúng cũng đã đổi khác. Một doanh nhân cưỡi xe gắn máy với hai người bạn cho biết “Năm 2008, chúng tôi quyên góp tiền nhưng lần này chúng tôi quyết định đến tận nơi để giúp đỡ.”

Động đất, thiên tai là những cơ hội tuyên truyền cho đảng Cộng sản, và các tờ báo của nhà nước ở Bắc Kinh đầy những bài vở và hình ảnh của các quân nhân cứu các em nhỏ. Nhưng sự gia tăng của các hoạt động dân sự đã là một đe dọa căn bản vào quyền lực của đảng vì nó cho thấy là một cá nhân có thể thực hiện được biết bao nhiêu việc, không cần sự lãnh đạo của đảng.




No comments:

Post a Comment

View My Stats