Sunday 12 May 2013

VÌ SAO TÔI THAM GIA PHONG TRÀO CON ĐƯỜNG VIỆT NAM ? (Hoàng Triết)




Hoàng Triết
Thứ Bảy, 11/05/2013

“The whole problem with the world is that fools and fanatics are always so certain of themselves, but wiser men so full of doubts.”

“Vấn nạn của thế giới này là những kẻ ngu ngốc và cuồng tín thì lúc nào cũng tin chắc rằng mình đúng, nhưng những người thông minh hơn thì lại đầy những nghi kỵ.”

― Bertrand Russell,
triết gia, nhà logic học, nhà toán học
người Anh của thế kỷ 20.

Tôi còn nhớ rằng cách đây gần một năm khi thư mời tham gia phong trào Con Đường Việt Nam (CĐVN) của bác Lê Thăng Long được công bố trên mạng thì tôi đã góp ý trên trang FB của tôi rằng: “Nếu mình là người nằm trong danh sách mời, thì câu trả lời của mình sẽ là Yes.” Và sau bài viết “Con Đường Việt Nam: Hãy Cứ Là Phong Trào, Đừng Là Tổ Chức tôi đã tự động gửi email làm thành viên ủng hộ dù người nhà đa số chẳng thích mấy chuyện tôi vác ngà voi. Tôi vẫn thường hay nghĩ đến lý do mình ủng hộ CĐVN như một cách để xét lại xem đó có còn là những gì mình thích làm cũng như PT có còn phù hợp với mong ước của mình hay không. Trước những dị nghị được tác giả Bình Minh khơi lại với bài viết Từ Dã Ngoại Nhân Quyền đến “Chọn đường” của Phạm Thị Hoài và “Khi đảng cộng sản tự giải thế” của Ngô Nhân Dụng, tôi nghĩ đây là thời điểm tốt để chia xẻ các lý do tại sao tôi chọn tham gia phong trào CĐVN.

Vì cương lĩnh và mục tiêu lấy dân làm gốc

Là một con nghiện sách vở và phim truyện lịch sử từ nhỏ, khái niệm Dân Là Gốc đối với tôi không phải lạ. Đó là một chuyện không cần bàn cãi. Cho nên cảm nhận của tôi khi lần đầu tiên đọc về cương lĩnh và mục tiêu của PT CĐVN, tôi đã viết rằng nó “đi đúng với phương châm ‘tự lực khai hóa’ và tư tưởng dân quyền của phong trào Duy Tân đáng lẽ đã phải được bắt đầu từ lâu để đất nước hưng thịnh” vì “bắt đầu từ quyền được sống trong một xã hội công bằng, quyền được đại diện và xét xử công minh trước những tranh chấp pháp lý, quyền làm người để được tôn trọng, không bị đánh đập và bóc lột để làm giàu cho kẻ khác. Nó bắt đầu bằng cách đánh động sức mạnh của một quốc gia: người dân và [nung núc] lòng tự tin của họ.” Với mục đích “khai dân trí - chấn dân khí - hậu dân sinh” làm cương lĩnh, PT CĐVN miễn không hoạt động nằm ngoài mục đích này thì nhất định nó sẽ không gây cản trở mà thậm chí còn hỗ trợ các nỗ lực chính trị khác hướng đến xã hội dân chủ thịnh vượng.

Có rất nhiều tổ chức, đảng phái chính trị được lập ra với bài bản cũ với lãnh tụ, với tổ chức (danh từ), với tuyên truyền, với hô hào cách mạng, v.v... Nhưng hầu như tất cả các phương hướng chính trị đảng phái đều chọn con đường ngắn mà trong đó, người dân được xem như làm một công cụ có thể thuyết phục, có thể đe dọa, thậm chí có thể lường gạt để có được sự ủng hộ của họ để rồi sau khi mục đích chính trị đạt được tất cả sẽ trông chờ vào lãnh tụ và đảng phái của lãnh tụ đứng ra giàn xếp trật tự, nói thẳng ra là nắm quyền hoặc tạm thời thao túng quyền lực chính trị. Theo tôi, lợi ích của người dân trong một bài bản như vậy giảm thiểu rất nhiều khi phần lớn họ không biết gì về chính trị và chỉ nghe theo những lời tuyên truyền ngon ngọt chứ không đủ khả năng để thấu hiểu và cân nhắc những lợi hại trong quyết định của mình, một sự quyết định chọn một trong những chọn lựa đã đặt ra cho họ chứ không phát xuất từ chính xác những gì họ mong muốn. Nếu ví một quốc gia như cây cổ thụ thì bài bản chính trị này sẽ dẫn đến kết quả một cái gốc to đùng lắc lư theo sự lãnh đạo của cái ngọn. Cây cổ thụ này sẽ không bám rễ được để đứng vững trước giông bão. Đến một lúc nào đó thì dân trí và nhận thức chính trị của người dân vẫn sẽ là thứ vẫn phải đề cập đến.

Cương lĩnh và mục tiêu cũng là một trong những băn khoăn của nhà văn Phạm Thị Hoài trong bài viết Chọn Đường trước đây. Những khúc mắc giữa quyển sách Con Đường Việt Nam của ông Nguyễn Sỹ Bình và một tác phẩm dang dở của Trần Huỳnh Duy Thức (cũng như việc Nguyễn Sỹ Bình không có trong danh sách mời) là điều chính đáng để đặt câu hỏi. Tôi tin rằng rồi đây PT sẽ có câu trả lời thỏa đáng cho sự việc khiến chị Hoài “ngạc nhiên” này. Riêng đối với tôi, tôi không nghĩ nó đủ để hoài nghi về cương lĩnh của phong trào vì đó là một lời tuyên bố chỉ có thể chứng minh bằng hành động. Với các hoạt động cổ xuý nhân quyền và phát huy sự nhận thức của người dân về những quyền lợi của mình, tôi nghĩ PT CĐVN trong thời gian qua đã làm sáng tỏ một phần nào những gì khó hiểu trong mục tiêu Quyền Con Người, một đề tài rất mới lạ so với bài bản tranh đấu chính trị xưa nay.

Mục tiêu Quyền Con Người nhắm vào người dân, cái gốc của một quốc gia và là sức mạnh duy nhất để tạo thay đổi. Những tiến triển trong nhận thức và sự quan tâm của người dân về bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc cùng với hoạt động của các riêng rẽ nhắm vào những quyền lợi cơ bản của công dân trong thời gian gần đây đã chứng minh được Quyền Con Người là con đường thích hợp hơn để đi gần với lợi ích thực tiễn của người dân. Dân có đủ kiến thức về quyền lợi của mình mới có tự tin chất vấn những ai chà đạp lên nó, và sự hiểu biết về quyền lợi cá nhân sẽ đưa những cá nhân đang bị chà đạp đến gần với nhau, quan tâm đến nhau. Khi đó, họ mới có cơ hội thoát khỏi cái nghèo, cái bất công đang vây hãm họ.

Vì tranh đấu cho nhân quyền là một hình thức đấu tranh hợp thời mang nhiều hứa hẹn

Sau thời gian dài bị đô hộ nối tiếp bởi mấy thập kỷ nội chiến và mấy thập kỷ dưới chủ nghĩa CS, Việt Nam hôm nay đã tụt hậu rất xa trên con đường phát triển đến thịnh vượng. Chúng ta không thể trông đợi vào những bước tiến chính trị và kinh tế của quá khứ để chạy nước rút hòng đuổi kịp những quốc gia tiên tiến. Đó là những nước cờ cũ trong một ván cờ mới, chúng ta sẽ mãi mãi là một quốc gia đuổi theo sau. Quyền Con Người là một thế cờ mới có thể tạo cơ hội để Việt Nam đuổi kịp hoặc thậm chí qua mặt những quốc gia đang dẫn đầu vì nó là nét đặc trưng của một xã hội văn minh tiến bộ. Xã Hội Chủ Nghĩa không tôn trọng quyền con người, nó rồi sẽ bị đào thải. Xã Hội Tư Bản đặt nặng lợi ích vật chất và sử dụng hệ thống pháp lý chằng chịt như một biện pháp kềm chế những suy thoái đặt nặng lợi ích cá thể lên trên lợi ích con người. Nhưng một Xã Hội Nhân Bản sẽ đào tạo con người có văn hóa, biết tôn trọng sự sống, không gian quyền lợi của mỗi cá nhân, có tinh thần trách nhiệm và khả năng nhận thức được hệ quả của việc mình làm. Một xã hội như thế sẽ tận dụng tài lực cho việc phát triển hơn là kềm chế suy thoái. Xã Hội Nhân Bản sẽ là mục tiêu mới cho thế giới văn minh trong tương lai. Nó không phải là một ước vọng cho Việt Nam, nó phải là một mục đích tất yếu ngay bây giờ song song với những mục đích chính trị khác để Việt Nam không ở mãi vị thế cố chạy nước rút nhưng vẫn lẽo đẽo ở phía sau. Mở mang kiến thức của người dân về Quyền Con Người là bước đầu giúp XH tiến nhanh trên con đường Nhân Bản.

Tất nhiên lý do này nếu có ai hiểu được thì vẫn có thể cho nó là chập chạm, còn gọi là tiệm tiến. Nhưng so với những mơ ước không tiến rằng một ngày nào đó người dân sẽ lật đổ chế độ và những mơ ước thụt lùi về thiên đường XHCN thì ước mơ về Xã Hội Nhân Bản vẫn có nhiều hy vọng hơn, nhất là khi nó có thể bắt đầu qua những hoạt động cụ thể.

Vì đấu tranh nhân quyền, khai dân trí không mang nặng màu sắc chính trị, đảng phái

Nói một cách ngắn gọn hơn là vì nó phù hợp với nhu cầu phi đảng phái của tôi. Trong khi danh sách mời tham gia gồm những nhân vật tên tuổi từ nhiều đảng phái, thế lực chính trị khác nhau khiến nhiều người hoài nghi, tôi nghĩ mình hiểu được kỳ vọng của những người phát động thư mời đó. Bạn hãy thử tưởng tượng nếu những nhân vật được mời có thể đặt vấn đề khai dân trí, chấn dân khí lên trên lợi ích cá nhân, các mục tiêu chính trị khác biệt cùng những tranh chấp thù hận thì viễn ảnh mở rộng của Việt Nam sẽ như thế nào. Một danh sách mời lẫn lộn như vậy chứng minh mục đích phi chính trị của người đề xướng PT. Tôi đã từng đọc rất kỹ băn khoăn của nhà văn Phạm Thị Hoài về vấn đề đảng phái và tọa độ chính trị trong bài Chọn Đường, nhưng vẫn thấy rằng thành viên của các đảng phái một khi gia nhập PT, họ sẽ phải hoạt động dựa trên cương lĩnh lấy dân làm gốc của PT hoặc phải trả lời những chất vấn của cả người trong PT lẫn những nguời quan tâm và chống đối đang quan sát từ bên ngoài.

Kết quả của lời mời cho thấy ‘tọa độ chính trị ở quá xa nhau” không còn là băn khoăn nữa vì các đối tượng được mời mang tọa độ chính trị quá xa việc “khai dân trí, chấn dân khí” đã thẳng thừng từ chối tham gia. Họ thừa hiểu khi nhận làm thành viên của PT thì sẽ bị cương lĩnh của PT gò bó và sẽ phải tốn thời gian giãi bày với thiên hạ hơn là lợi dụng PT theo mục đích riêng. Dù nghĩ vậy, tôi cũng có những suy nghĩ đi đôi với nỗi băn khoăn trong bài Chọn Đường về v/đ đảng phái. Khả năng PT CĐVN được “ngài” Trương Tấn Sang bật đèn xanh và/hoặc được “cụ” Nguyễn Minh Triết hậu thuẫn không phải là không có nên mới đề xuất nó hãy cứ là một phong trào, đừng là tổ chức. Khi tham gia, tôi cũng đã nêu rõ tôi tham gia với tư cách thành viên của một PT và được giữ quyền từ chối và đặt dấu hỏi những công việc tôi cảm thấy không phù hợp với quan điểm của mình.

Vì PT CĐVN được khởi xướng từ quốc nội

Vâng, đó là một điều kiện rất quan trọng đối với tôi. Với quan điểm hải ngoại chỉ có thể ủng hộ những nhà tranh đấu trong nước, tôi không tin rằng vào những thay đổi từ một tổ chức phát xuất ở hải ngoại với hầu như tất cả những thành phần nòng cốt đều sống ở nước ngoài. Tôi cho rằng dù tổ chức này có lớn rộng đến mức nào, họ cũng không thể tiếp cận, thấu hiểu, và tôn trọng nhu cầu của người dân quốc nội. Một tổ chức ở hải ngoại càng không thể sát cánh cùng người dân và đồng chịu hoạn nạn với họ trong những hoạt động nên khó có thể hô hào được sự ủng hộ của số đông từ bên kia bờ đại dương.

Và khi đặt mình ở vị thế hỗ trợ, ủng hộ vì đời sống người dân quốc nội, tôi chọn chỉ ủng hộ những nỗ lực từ đó mà ra.

Kết luận

Qua PT CĐVN, tôi được quen biết những người bạn tài giỏi hơn tôi, cần cù hơn tôi, và gan dạ hơn tôi. Đó là một niềm vui. Họ có thể là những người từ những đảng phái chính trị khác. Họ có thể là những người tôi chưa gặp mặt. Nhưng một khi các hoạt động của họ vẫn đi sát với cương lĩnh và mục tiêu của PT CĐVN, họ vẫn là những người bạn tôi hân hạnh được quen biết. Với những hoài nghi về việc PT CĐVN sẽ là nơi hạ cánh an toàn cho đảng viên ĐCSVN, tôi chỉ có một vài lời như sau: Tôi không nghĩ PT CĐVN có tư cách để quyết định ai sẽ hạ cánh an toàn. Quyết định đó phải thuộc về người dân, quyết định chung của tất cả. Thành viên của PT CĐVN từng cá nhân vẫn chỉ là những con người bình thường, những đảng viên của đảng phái của họ. Những con người riêng rẽ này nếu có ai mang nợ với nhân dân, người đó rồi sẽ trả lời với nhân dân trước những lỗi lầm của họ. PT CĐVN theo quan điểm của tôi chỉ có quyền yêu cầu người dân cân nhắc công và tội mà thôi.

CĐVN không chỉ là của riêng những người khởi xướng nó. CĐVN cũng không phải là của riêng những người thành viên tham gia nó. CĐVN là của chung đối với tất cả những ai đang quan tâm đến nó, ủng hộ hay đối lập. Hãy cùng nhau giúp nó đi đúng với cương lĩnh và mục tiêu đã được đề ra. Hãy hỗ trợ nó bằng mọi cách để nó có thể tiến nhanh trên con đường khai dân trí. Hãy giám sát nó từ trong lẫn ngoài để nó mãi chỉ là một phong trào tranh đấu cho nhân quyền, giao quyền lực cho dân, chứ không phải một tổ chức chính trị. Được vậy, nó rồi đây sẽ chỉ là một con đường người ta có thể bước đi để lấy công chuộc tội chứ không thể là một nơi hạ cánh an toàn.

Biết đâu chừng rồi một ngày PT CĐVN sẽ không thọ lâu trước những gièm pha và hoài nghi. Biết đâu chừng một ngày nào đó PT sẽ lớn mạnh với sự tham gia của nhiều thành phần bất đồng quan điểm rồi như nhà văn Phạm Thị Hoài dự đoán, nó sẽ lâm vào ngõ cụt vì không thể đạt tới đồng thuận. Nếu ngày đó xảy ra, tôi hy vọng gốc rễ nhận thức và thực thi nhân quyền đã bám sâu và có sức sống riêng trong tư tưởng người dân Việt Nam. Còn như không, tôi vẫn sẽ có thể nói với con cái của tôi rằng ít nhất những người tin tưởng vào nó đã cố gắng, đã không nguyền rủa bóng tối. Và sự thất bại của họ là một mất mát lớn cho tất cả.

11/5/13
Hoàng Triết,
thành viên ủng hộ PT
Con Đường Việt Nam  



---------------------------------

Tin liên quan


No comments:

Post a Comment

View My Stats