Friday, 3 May 2013

TỰ DO BÁO CHÍ - ĐÂU LÀ HƯỚNG ĐI CHO TỰ DO THÔNG TIN Ở VIỆT NAM ? (Wegreen Vietnam)




May 3, 2013

Sẽ là buồn cười nếu tôi bắt đầu cho bài viết về báo chí – thông tin ở Việt Nam trong ngày WORLD PRESS FREEDOM DAY bằng những chỉ trích hay bình luận về thực trạng tự do báo chí mà chúng ta đang phải đối mặt. Nhưng lại sẽ là sai sự thực, nếu chúng ta phủ nhận quan điểm này.

Xét trên khía cạnh lịch sử, nền báo chí Việt Nam hình thành từ khá sớm và đặc biệt ban đầu đóng vai trò như một công cụ quảng bá chữ Quốc ngữ. Tờ báo đầu tiên “Gia Định báo” ra đời năm 1865 bằng chữ Quốc ngữ, là một cuộc cách mạng về truyền thông, mở đường cho các tờ báo tư nhân, quốc doanh nối tiếp ra đời bàn về đủ mọi nội dung từ kinh tế, chính trị, các vấn đề xã hội, có khi viết cả bằng chữ Nôm, chữ Hán hay cùng lúc song, tam ngữ… Dù đã từng bị kìm kẹp và hạn chế dưới thời thực dân-phong kiến, đã từng trở thành công cụ truyền bá tư tưởng, lừa mị dân chúng của chính quyền thực dân; nhưng có lẽ, chưa có một giai đoạn nào, nền báo chí Việt Nam lại lâm vào một tình trạng tiến thoái lưỡng nan và gặp nhiều thử thách như bây giờ.

Theo chính quan điểm của chủ nghĩa Marx – Lenin, báo cơ bản có 5 vai trò:[1]
- Vai trò thông tin
- Vai trò giáo dục tư tưởng, cổ vũ hành động
- Vai trò khai sáng và giải trí
- Vai trò giám sát và phản biện xã hội
- Vai trò phục vụ kinh tế và quảng cáo

Trên những cơ sở sở đó, khi còn tham gia hoạt động cách mạng, chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng lên án gay gắt sự kiểm duyệt của chính quyền thực dân đối với hoạt động báo chí Việt Nam. Báo chí lúc này do chính quyền Pháp ở Đông Dương quản lý và kiểm duyệt. Chính quyền này đã cấm ngặt những tờ báo đả động đến chuyện chính trị hoặc có liên quan đến chính trị “Trước khi đưa đi nhà in, tất cả các bài báo phải dịch ra tiếng Pháp và đưa kiểm duyệt. Cấm ngặt những tờ thông tin ấy không được đả động gì đến những vấn đề chính trị hay tôn giáo, mà chỉ được đăng những tin tức thông thường, những vấn đề xét ra có lợi cho Nhà nước”[2]. Nó cũng áp dụng chế độ kiểm duyệt báo chí gay gắt. Không phải chỉ là vấn đề chính trị mà ngay cả những chuyện kinh tế, những sinh hoạt hàng ngày cũng bị theo dõi và kiểm duyệt gắt gao: “Các bạn chớ tưởng rằng mấy tờ báo thông tin khốn khổ ấy được tự do phân tích tất cả những cái thuộc về kinh tế. Chẳng hạn, họ không được nói đến đời sống đắt đỏ, đến việc mất mùa, đến việc buôn gian bán lận của bọn con buôn người Âu, đến việc xoay xở tiền nong bất lương của bọn quan cai trị, đến những vụ đầu cơ đê tiện của bọn chủ đồn điền và chủ nhà máy người da trắng” [2].

Sau khi hòa bình, độc lập, báo chí Việt Nam tưởng chừng như sẽ thay đổi một bộ mặt mới, diện mạo mới. Những tờ Nhân văn, Giai phẩm (1955-1958) được những trí thức cấp tiến yêu nước lập nên với một xu hướng chính trị, đòi tự do dân chủ, lời lẽ phản biện khá gay gắt và thẳng thắn. Những gương mặt lớn như Phan Khôi, Trần Dần, Văn Cao, Đặng Văn Ngữ, Đào Duy Anh, Nguyễn Đình Thi, Trần Đức Thảo, Nguyễn Tuân,… đều góp mặt với tư cách là những nhà phản biện xã hội với ý thức trách nhiệm rất cao. Đi ngược lại phong trào đó, sắc lệnh số 282/SL ngày 14-12-1956 do chính chủ tịch Hồ Chí Minh ký đã dập tắt phong trào với sự trừng phạt thẳng tay đối với những nhà phản biện – những chí sĩ yêu nước tham gia phong trào này. [3]

Kể từ đó đến nay, không có thêm một tờ báo tư nhân nào được ra đời nữa. Nền báo chí Việt Nam có lẽ bắt đầu một ngã rẽ mới kể từ ngày đó.

Nếu như vai trò thông tin kịp thời và chính xác là một vai trò tất yếu và đặc biệt quan trọng của báo chí, thì những vấn đề như việc mất quần đảo Hoàng Sa (1974-1988), và sự đe dọa về việc mất Trường Sa diễn ra không rõ từ bao giờ trong quá khứ, thì đến tận ngày hôm nay, thế kỉ 21, những năm 2000s, người Việt Nam mới ngỡ ngàng trên mặt báo những tin tức kiểu “Để không giật mình” [4] hay “Bi hài sinh viên Việt: 'TQ gọi Trường Sa, Hoàng Sa là... đảo lưỡi bò'!” [5] và cả “Sinh viên VN không biết tàu gì của Trung Quốc lởn vởn ngoài khơi!?” nay link đã bị xóa. Đọc những tin ấy, người ta không khỏi giật mình, vậy báo chí đã làm cái gì suốt 40 năm qua? Để nên nỗi người dân giật mình thon thót về quá khứ xa xôi đến thế? Và cớ làm sao lại ngày càng có nhiều hiện tượng sau vài tiếng đăng bài, tòa báo lập tức rút bài xuống, mà không có một đính chính hay xin lỗi gì đến độc giả?

Nếu như vai trò cổ vũ hành động và định hướng tư duy của báo chí, cũng được khẳng định bởi chủ nghĩa Marx-Lenin, thì nay khi người dân đi khiếu kiện tập thể để đòi lại công bằng cho bản thân, thì báo chí hùa nhau, bảo họ gây mất mỹ quan, làm xấu hình ảnh thủ đô. Người dân đi biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn trên biển Đông, cắt cáp tàu Việt Nam, thì báo chí hùa nhau, gọi đó là hành động được trả tiền, được giật dây bởi một cá nhân hay tổ chức “thế lực thù địch” nào đó mà không ai có thể chỉ rõ là thế lực thù địch nào. Nếu ác miệng, người ta có thể gọi là “chó cắn ma” theo tục ngữ của các cụ ta ngày xưa.

Nếu như vai trò của báo chí bao gồm giải trí và khai sáng, tôi xin nhấn mạnh KHAI SÁNG, thì nay nhan nhản trên hàng trăm tờ báo-Đảng là các tin lộ ngực, lộ hàng, hiếp dâm, gây sốc, nóng bỏng, hót, xì căng đan.... của các ngôi sao-nghệ sí mới nổi nào đó. Tìm mỏi mắt mới ra một tin có hàm lượng tri thức đủ cao để đọc xong người đọc có thể nhíu mày trầm ngâm gật gù một chút. Cũng xin bới móc cùng quí độc giả, chuyên mục gây “nhíu mày nhăn trán”, trầm ngâm nhiều nhất cho tôi ấy là mục “Trò chuyện Triết học” do học giả Bùi Văn Nam Sơn phụ trách trên SGTT, đã bị đỏng cửa một cách đột ngột mà tin đồn rằng đó là kết quả của một câu nói bâng quơ từ một ông lớn ghét triết nào đó “Báo tiếp thị thì bàn gì đến chuyện triết học”. Hẳn vị này phải tư duy biện chứng lắm, mới nhận ra được sức mạnh của triết học và ra cái lệnh cấm kì khôi này.

Có lẽ báo chí của ta đã và chỉ làm rất tốt vai trò quan trọng đối với sự phát triển và quảng bá thương hiệu và thúc đẩy kinh tế thông qua quảng cáo. Có bao giờ bạn ngỡ ngàng và lúng túng khi gặp tin về thao túng trị trường vàng vừa được báo đăng sáng nay, đến chiều bỗng có ti vi công kích lại, hoặc là nhà nào đó đã gặp cảnh dở mếu dở cười khi vừa hôm trước báo nói giá đô la có khả năng hạ nhanh, vội vã bán ra, rồi tuần sau tiếc đứt ruột vì đô tăng chứ chẳng hạ. Hay nhà nông đổ xô nhổ cây này trồng cây kia hoặc thay vì trồng trọt thì nuôi đỉa hoặc nuôi rùa tai đỏ, để đến mức gây hại cho sinh thái và mùa màng. Báo chí Việt giờ đây giống như một tấm lưới bẫy người nhiều hơn là chức năng ma trận thông tin, góp phần làm phong phú thông tin và cập nhật cho người đọc xu hướng thời đại và cách phân tích, tiếp cận mới chất lượng và đúng đắn.

Nếu như ai đó đã quen tai với “Tam quyền phân lập” thì hẳn sẽ thích thú với sức mạnh của QUYỀN LỰC THỨ TƯ – Quyền lực của truyền thông và báo chí, và, hẳn người đó lại sẽ cay cú với sự hèn kém và ác độc không thể hơn của báo chí Việt Nam. Quyền lực thứ tư mạnh, vì nó phản biện xã hội, và bảo vệ lẽ phải, cũng như bảo vệ quyền được lên tiếng như là sinh mạng của nó. Nhưng Quyền lực thứ tư ở Việt Nam lại sẵn sàng sa thải một nhà báo, một phóng viên hay chấp nhận để một đồng nghiệp bị bỏ tù vì dám phản biện ông Tổng Bí thư, dám phân tích sâu về bản chất một hiện tượng lũng đoạn thị trường nhà đất/vàng, dám chụp ảnh ghi hình công an ăn hối lộ...

Tôi còn nhớ khi bé, tôi đã rất thích thú khi được đọc những loạt phóng sự điều tra trên An ninh thế giới; hoặc hâm mộ anh chàng nhà báo Tintin dù đó chỉ là một nhân vật hoạt hình, nhưng với lòng dũng cảm, dám xả thân để tìm đến công bằng và chân lý, đó sẽ mãi mãi là một hình ảnh đẹp về nhà báo trong lòng bất kì ai từng đọc và theo dõi những cuộc phiêu lưu Tintin.

Nước ta, cũng như các nước độc tài/đảng trị khác, không tồn tại cả ba thứ quyền lực đầu [6], nữa là đòi hỏi đến một thứ quyền lực thứ tư, cho các anh nhà báo.

Nhưng ở phương tây, khi internet và mạng xã hội ra đời, nó đã trở thành thứ QUYỀN LỰC THỨ NĂM, hỗ trợ cho sức mạnh của báo chí và như một dịch sởi bùng phát (mượn chữ của Fukuzawa trong Thoát Á Luận), không gì có thể ngăn cản được sức mạnh và sự lan truyền của nó. Với công cụ mới này, ai ai cũng có thể trở thành một phóng viên, một nhà báo nếu họ muốn.

Vậy bây giờ, chúng ta phải làm gì? Làm gì cho sự tự do thông tin, tự do báo chí của mình, và làm gì cho nền báo chí nước nhà đang bị trói chân trói tay, che tai, che mắt, bịt miệng?

Câu trả lời là sự lựa chọn của mỗi người.


Bạn có quyền tiếp cận với thông tin tự do, nếu bạn muốn, và bạn có quyền từ chối nó. Bạn có quyền viết ra những điều bạn cho là phải và quảng bá nó như một sự kích thích truyền thông, bạn cũng có quyền phản biện, đả kích một luồng thông tin mà bạn cho là lệch lạc. Xã hội ngày nay, đòi hỏi con người phải nhạy bén và tinh ý để phân biệt thông tin và lựa chọn chỗ đứng cho mình trong cái mạng lưới chằng chịt của nó.

Báo chí là công cụ của chính trị? Không sai, nhưng nó không phải là nô lệ của chính trị. Miến Điện, một nước độc tài năm ngoái, nay đã cởi trói, giải phóng cho truyền thông - báo chí của họ. Nhưng báo chí chính thống Việt Nam thì vẫn đang là cái loa cho chính trị, nó đã đánh mất đi cây quyền trượng của mình, và không còn khả năng phản biện xã hội nữa. Giờ đây, cây quyền trượng đó nằm trong tay các bạn, xây dựng một nền báo chí – thông tin tự do mới, hay vẫn nương vào bóng của báo chí chính thống?

Hãy là người tiêu thụ thông tin thông thái.

Và xin gửi lời chúc tốt lành cho một nền báo chí tự do của Việt Nam trong tương lai!


Chú thích:
[2] Hồ Chí Minh, toàn tập, Tập 1, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr 404.


Bài viết: [Admin TKN]
Hình ảnh: [Admin T]






No comments:

Post a Comment

View My Stats