Tue, 05/07/2013 - 08:17
PHẦN 1: NGOÀI
CÔNG VIÊN
Sáng CN 05.05,
đúng 8h30 tôi có mặt ở công viên 30/4, đối diện dinh Độc Lập. Khi đến đây, tôi
gặp một số bạn quen như Hoàng Vi (An Đổ Nguyễn), Quốc Anh (August Anh)... Chúng
tôi cùng rảo bước một vòng, thấy có một số bạn trẻ ngồi tụm năm tụm ba trò
chuyện, xung quanh là đủ các loại lực lượng CSGT, CSCĐ, TNXP, CA, AN chìm
nổi... Trong số đó, tôi nhận ra rất nhiều các gương mặt quen thuộc đã từng
"làm việc" với tôi hay theo đuôi tôi. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn vui vẻ
bước đi, hỏi chuyện một số bạn trẻ về Quyền Con Người. Nếu như ai chưa từng
biết hay xem qua Tuyên ngôn Quốc Tế Nhân Quyền thì chúng tôi phát cho họ một
bản để tham khảo. Có một số anh an ninh mặc thường phục cũng đến hỏi xin một
bản để xem...
Có nhiều bạn rất
hồ hởi, quan tâm, muốn trao đổi chia sẻ về Quyền Con Người. Tuy nhiên, góc công
viên phía đường Hàn Thuyên - NKKN hôm nay bỗng nhiên có sự hoạt động của các
nhân viên cây xanh cưa cành, chắt nhánh nên rất ồn ào và nguy hiểm. Chúng tôi
phải băng qua đường Lê Duẩn qua phía bên kia công viên, có nhiều cặp mắt dõi
theo, bộ đàm và điện thoại thì thầm... Một số bạn trẻ tham gia cùng chúng tôi,
có người nói: "An ninh đang đi tìm Hoàng Vi đó!". Hoàng Vi nói:
"Kệ, mình dã ngoại chia sẻ mà, có làm gì sai đâu! Mời họ cùng chia sẻ luôn
có sao đâu!". Có một chú tên Huy còn mang cả một cuốn sách về Quyền Con
Người đi theo nữa. Chúng tôi muốn ngồi lại một chỗ, chia ra từng nhóm nhỏ để
đọc và thảo luận về Quyền Con Người và Tuyên ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, nhưng hễ
chúng tôi ngồi chỗ nào là nhân viên vệ sinh lại xịt nước đến đó.
Chúng tôi đi về
phía đường Phạm Ngọc Thạch, có nhiều an ninh chìm nổi và CSCĐ bám theo. Gần góc
Phạm Ngọc Thạch - Lê Duẩn, chúng tôi cùng hát bài Nối Vòng Tay Lớn, rồi ngồi
xuống tính đọc và trao đổi với nhau dù chỗ đó ướt nhẹp. Tuy nhiên, các nhân
viên vệ sinh lại chĩa vòi nước về phía chúng tôi và xịt nước. Tôi biết chắc là
họ muốn xua đuổi chúng tôi chứ không phải tưới cây hay rửa đường gì cả vì chỗ
này đã được xịt nước rửa sạch trước đó rồi. Chúng tôi lại phải đứng lên, quay
trở lại tìm chỗ khác ngồi. Mới đi được một đoạn thì bỗng tán loạn, nhiều an
ninh mặc thường phục túm cổ chú Huy, Quốc Anh, Hoàng Vi tống lên taxi đưa đi.
Ngay lúc đó, tôi bị một nhóm an ninh lao vào kẹp cổ kéo xuống giật văng điện
thoại ra, một bạn nữ mặc áo xanh chộp giữ lấy muốn đưa lại cho tôi thì bị mấy
người họ lao vào không chế và lấy mất. Nhiều người chứng kiến cảnh tôi bị giật
điện thoại mà hoảng hồn vì xung quanh đó toàn là công an và an ninh. Điện thoại
này của Hoàng Vi đưa cho tôi nhờ chụp ảnh dã ngoại làm kỷ niệm. Tôi la lên:
"Tại sao mấy anh cướp điện thoại?" Tên lao vào kẹp cổ giật điện thoại
của tôi nói: "Ai bảo mày chụp hình?". Hắn còn hung hăng muốn lao vào
đánh tôi, nhưng thấy mấy bạn trẻ đến nâng tôi dậy nên thôi. Trong khi ở đó là
công viên, không cấm quay phim chụp hình, và an ninh quay phim chụp hình chúng
tôi rất nhiều...
Tôi gặp bạn
Trung Hiếu, Chị Nhung (mẹ Phương Uyên) và một người bạn thời đại học. Họ rủ tôi
sang bên quán cafe Đá ngay đường Alexan De Rhodes ngồi trấn tĩnh lại. Vì tôi
rất bất ngờ khi việc đi dã ngoại chia sẻ ôn hòa về Quyền Con Người chẳng có gì
sai trái mà lại bị ngăn cấm, trấn áp như vậy. Chúng tôi đã dặn dò nhau phải ôn
hòa, nhẹ nhàng, không quá khích, không gây ồn ào mất trật tự... Nghe nói trước
đó họ đã bắt một nhóm dân oan bên phía đường Hàn Thuyên bên hông nhà thờ Đức
Bà. Chúng tôi không muốn buổi dã ngoại bị hiểu sai là biểu tình nên cũng né
tránh khu vực người ta đã bắt nhóm dân oán đó. Vậy mà họ vẫn không muốn chúng
tôi được chia sẻ với nhau những điều căn bản nhất của Con Người.
Khi 3-4 người bị
bắt đi, các bạn trẻ ngỡ ngàng hoảng sợ và ngồi xuống đó quan sát tình hình. Có
mấy tay an ninh theo đuôi chúng tôi vào quán cafe Đá, xung quanh đó cũng khá
nhiều chìm nổi. Ngồi được vài phút, một nhóm 4-5 người kéo đến chỗ tôi. Viên an
ninh tên Nguyễn Quang Trung hay làm việc với tôi khoác cổ tôi kéo đi, nói là
mời đi nói chuyện không muốn dùng vũ lực, mấy tên phía sau đẩy tôi ra một chiếc
taxi đã chờ sẵn. Họ nói đưa tôi về Thủ Đức để làm việc. Tôi phản đối tại sao
lại làm việc vào ngày Chủ nhật, trong lúc tôi đang đi dã ngoại uống cafe cùng
bạn bè. Họ nói công việc họ phải làm! Khi xe đi ngang qua công viên Tao Đàn,
tôi thấy rất đông đảo hướng đạo sinh đang sinh hoạt cắm trại, lòng chợt buồn vì
không biết mấy ai trong số này đã từng nghe nói hay đọc về Tuyên ngôn nhân
quyền của quốc tế...
(mệt quá, tạm
nghỉ đã)
Chú Huy (giữa)
cũng bị bắt, không biết giờ thế nào...
Nguồn: facebook.com
PHẦN 2: TRONG
ĐỒN CÔNG AN
Họ tính chở tôi
về Thủ Đức bằng taxi, nhưng tôi nói để tôi ghé qua lấy xe máy gởi ở đối diện
Đài truyền hình HTV đường Đinh Tiên Hoàng vì chỗ ấy chỉ giữ xe đến 18h tối. Anh
Trung suy nghĩ một lát rồi cũng chịu vì lý do tôi đưa ra khá hợp lý: thứ nhất
là nếu "làm việc" với mấy anh về trễ thì mất công lên lấy xe, thứ hai
tôi không muốn đi taxi tốn kém tiền của công quá. Tôi lấy xe máy và anh Trung
chở tôi về đồn CA P. Hiệp Bình Chánh (qua cầu Bình Triệu, ngay chỗ đường rầy xe
lửa, bên tay trái). Một lát sau có thêm 2, 3 an ninh khác chạy đến. Và chính
trong đồn CA, Quyền Con Người của tôi đã bị vi phạm…
Tôi nói hôm nay
anh em mình nói chuyện chia sẻ về Quyền Con Người chứ không có làm việc gì hết
vì là ngày nghỉ. Anh Trung gạt đi và cứ khăng khăng đòi "làm việc"
với tôi về việc tại sao tôi ra ngoài công viên 30/4, đi ra đó với ai, tối hôm
trước tôi gặp những ai, ngủ ở đâu... (vì họ canh me tôi ở nhà mà không thấy).
Anh ta nói biết rõ những quyền căn bản của con người là quyền sống, quyền được
tự do, hạnh phúc, được vui chơi giải trí... nhưng chỉ vì nhiệm vụ của mình mà
anh ta lại dám ngang nhiên vi phạm tự do đi lại của tôi, mời tôi đi nói chuyện
(mà không đi thì chắc chắn không được). Anh ta tra hỏi những vấn đề riêng tư cá
nhân tôi không muốn trả lời. Và cả những điều tôi không biết trong khi anh ta
đinh ninh là tôi biết như: ai soạn thảo những hướng dẫn cho cuộc dã ngoại, ai
khởi xướng tổ chức buổi dã ngoại... Tôi trả lời rằng tôi cũng như mọi người,
được biết đó là do công dân trên mạng khởi xướng, thông tin trên mạng và bạn bè
chia sẻ trên facebook với nhau thôi. Theo điều 12 của Tuyên ngôn Quốc tế
Nhân quyền năm 1948của Liên Hiệp Quốc đã nêu rõ: “Không một ai bị xâm phạm
một cách độc đoán về đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, hay thư tín, cũng như
bị xúc phạm danh dự hay tiếng tăm của mình. Mọi người đều có quyền được luật
pháp bảo vệ, trước những xâm phạm và xúc phạm như vậy”.
Một tay an ninh
khác tên là Bình (có một nốt ruồi gần mép phải) khích tướng tôi này nọ. Hắn nói
sao cứ tập trung đi đòi quyền mà không tuân theo nghĩa vụ? Sao không ngon làm
cuộc dã ngoại trao đổi về nghĩa vụ đi? Tôi trả lời rằng chúng tôi không phải
tập trung để đòi quyền mà chỉ là dã ngoại trao đổi về Quyền Con Người, và những
quyền lợi nào chính đáng, cơ bản mà chúng tôi không có thì tất nhiên chúng tôi
phải đòi hỏi thôi. Còn nghĩa vụ thì tất nhiên ai cũng phải tuân thủ luật pháp,
chúng tôi làm thế có gì sai trái pháp luật đâu, nếu muốn thì sau này có thể làm
buổi dã ngoại trao đổi về nghĩa vụ sau... Trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân
quyền, điều 20 có viết rằng: “Mọi người đều có quyền tự do hội họp và lập
hội, một cách ôn hòa”. Hơn nữa, nếu như nước ta đã ký kết tham gia Công ước
Quốc tế về Quyền Con Người thì cần tuân thủ luật chơi chung, nếu luật pháp của
nước thành viên quy định khác với Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền thì phải
tuân theo Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền mà hành xử: “Không một điều nào
trong Bản Tuyên Ngôn này được hiểu và hàm ý cho phép một nước, một nhóm hay một
cá nhân nào được quyền có những việc làm hay hành động nhằm hủy diệt nhân quyền
và tự do được thừa nhận trong bảnTuyên Ngôn này” – (điều 30). Tay Bình hỏi tôi
có thuộc hết 30 điều ấy không, tôi trả lời không cần phải thuộc nằm lòng vì
chúng tôi đã có trên tay bản Tuyên ngôn ấy, chúng tôi sẽ cùng đọc và trao đổi
về nó. Không hẳn cứ phải thuộc lòng mới chia sẻ được, anh biết rõ các quyền của
con người, anh thuộc làu làu bản Tuyên ngôn quốc tế về Quyền Con Người nhưng
anh không thực hiện nó thì cũng như không…
Tôi bị hỏi về
cuộc gặp gỡ với Tổng Lãnh sự quán Pháp: ai liên hệ với ai, bằng cách nào, nội
dung cuộc gặp gỡ ra sao, ngài Tổng hỏi những gì, Hoàng Vi và tôi đã nói những
gì... trong khi những điều đó đã được Hoàng Vi viết công khai trên facebook của
cô ấy. Người ta muốn biết rõ Tổng lãnh sự quán Pháp có thái độ như thế nào về
cuộc dã ngoại Quyền Con Người này, có ủng hộ về vật chất hay tinh thần gì hay
không? Tôi cảm thấy rất e ngại khi đụng đến những con người ngoại giao nên
không muốn nói gì đến điều đó cả. Họ còn hỏi tôi về những người bạn thân hôm
nay có tham gia không như: Bách Việt, Lê Diên An, Lê Thuận, Paulo Thành Nguyễn…
Tôi nói thông tin đã có trên mạng, ai rảnh thì đi thôi. Họ dò hỏi về chị Nhung
(mẹ Phương Uyên), gia đình thế nào, ghé nhà chị mấy lần, đi với ai…
Họ kiểm tra điện
thoại, máy chụp hình của tôi xem có chụp hình, quay phim gì không. Họ biết sáng
nay tôi có dùng điện thoại quay phim, chụp hình và muốn biết rõ tôi quay bao
nhiêu clip, chụp bao nhiêu tấm hình. Nhưng điện thoại mà tôi dùng chụp hình là
của Hoàng Vi và đã bị họ cướp mất rồi còn đâu. Họ nói tôi không quen mặt người
cướp điện thoại đó thì sao dám cho đó là an ninh. Tôi trả lời ở đó toàn công an
với an ninh, ai mà dám trộm cướp nếu không phải là chính các anh. Và họ đã tự
tố cáo chính mình khi buổi chiều đem đến chiếc điện thoại Lenouvo của Hoàng Vi
để tôi nhận diện. Họ bắt tôi khởi động, mở nó ra nhưng tôi bó tay vì không biết
xài. Nếu như mở ra sẵn chỉ nhờ tôi chụp hay quay thì rất dễ dàng, còn các chức năng
khác thì tôi mù tịt… Trong lúc tra hỏi tôi thì điện thoại của tôi bị họ bắt
phải mở ra để cho họ chép lại hết các số điện thoại có trong danh bạ, đòi xem
nhật ký cuộc gọi, đòi kiểm tra các tin nhắn có liên quan đến buổi dã ngoại hoặc
các nhân vật có liên quan… Họ nói những tin nhắn riêng tư thì họ sẽ không xem,
nhưng thực ra khi đụng đến điện thoại cùng với những thông tin cá nhân, thư từ,
tin nhắn của tôi thì đó chính là đã hiển nhiên xúc phạm đến sự riêng tư cá nhân
tôi. Bởi vì tất cả tôi công khai nên chả sợ gì, nhưng cảm giác vẫn rất khó chịu
khi người ta đụng chạm đến sự riêng tư cá nhân của mình. Cũng như cái cảm giác
dù cho anh ta cũng là người đàn ông như tôi, nhưng chắc chắn cả tôi lẫn anh ta
đều không muốn thấy mình bị lột trần truồng dưới mắt nhau… Nói điều này ra với
viên an ninh trẻ tự nhận mình tên Tuấn, bạn ấy mới hiểu tôi cảm thấy ra sao khi
nhất quyết đòi giám sát khi bạn ấy chép danh bạ điện thoại của tôi.
Đến 3h30 chiều,
tôi bị chuyển qua đồn CA P. Hiệp Bình Phước ở gần ngã tư Bình Phước. Có một sếp
an ninh xuống gặp nói chuyện với tôi rất hòa nhã, trao đổi tranh luận với nhau
nhiều thứ về quyền con người, về quan điểm sống, về tình hình thời cuộc… Sếp ấy
tự nhận mình tên là Phạm Minh Hoàng (điều này tôi hoàn toàn không tin) và nói
rằng tôi còn non trẻ, nhận định sai vấn đề, nên quay đầu trở lại… Tôi nói rằng
mình cám ơn những lời khuyên đó, nhưng thực ra trước khi quyết định điều gì tôi
đều đã suy nghĩ đắn đo trước và không làm những gì hổ thẹn với lương tâm của
mình. Sếp hỏi có cần ông ấy hỗ trợ, làm điều gì đó cho tôi không? Tôi trả lời
rằng nếu anh làm đúng với phận vụ, lương tâm của mình và không làm hại đến
người nào khác, giúp cho xã hội này tốt đẹp hơn thì đó chính là anh đã giúp em
rồi.
Tôi không chịu
ký nhận vào biên bản vì hai lý do: 1/ Đây chỉ là buổi chia sẻ, trao đổi chứ tôi
không cho là làm việc; 2/ Tôi không làm gì sai nên không chấp nhận Biên bản gì
cả! Tôi bị giữ đến 20h tối thì cho về. Vậy là, họ đã vi phạm trắng trợn điều 9
của bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền: “Không một ai bị bắt bớ, cầm tù
hay lưu đày một cách độc đoán.” Khi về đến nhà thì mới hay tin Hoàng Vi và Quốc
Anh bị bọn họ đánh đập thê thảm, vài ba bạn khác cũng đã được cho về. Lo lắng
vì thấy tối rồi mà chưa về, thân nhân của tôi thì kéo lên đồn CA P. Hiệp Bình
Chánh sau đó qua P. Bến Nghé để hỏi thăm về tôi. Cảm ơn gia đình, bạn bè và
những ai quan tâm rất nhiều vì đã thăm hỏi, lo lắng cho tôi!
Người bạn thời
đại học của tôi ơi, bạn nghĩ gì khi bị bọn an ninh giựt lấy bản Tuyên ngôn
Quốc tế Nhân quyền ngay trên tay bạn? Tôi vẫn còn nhớ ánh mắt bạn sững sờ
biết bao! Ngày đáng nhớ, bạn nhỉ?
Mọi người đều có
quyền sống, quyền tự do và an toàn cá nhân (Điều 3 Tuyên ngôn Quốc tế Nhân
quyền)
Hành Nhân
Nguồn: facebook.com
No comments:
Post a Comment