Monday, 6 May 2013

CHẾT VÌ DANH DỰ DÂN TỘC, ĐẤT NƯỚC TẤT PHẢI HỒI SINH (Lê Quế Lâm)




Chi tiết
Được đăng ngày Thứ tư, 30 Tháng 11 -0001 00:00

Trên con đường phát triển, Hoa Kỳ cũng như nhiều nước khác đều có những bất đồng trong nội bộ dân tộc, đưa đến nội chiến. Tám mươi lăm năm sau khi nước Mỹ ra đời, vào năm 1861 nội chiến xảy ra khi 11 tiểu bang miền Nam ly khai với 21 tiểu bang miền Bắc để chống lại chủ trương xóa bỏ chế độ nô lệ của TT Abraham Lincoln. Các tiểu bang miền Nam sống về canh nông, nên cương quyết duy trì chế độ nô lệ để khai thác nông nghiệp. Nội chiến kéo dài 4 năm với số tử vong lên đến 620 ngàn, hơn một triệu bị thương trong số 2,4 triệu quân của hai bên, so với dân số Mỹ lúc bấy giờ là 30 triệu.

Cuộc nội chiến với số thương vong quá lớn có nguy cơ gây hận thù chia rẻ trầm trọng dân tộc Mỹ và làm tan rả Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Nhưng dân tộc này có những nhân vật xuất chúng biết xóa bỏ thù hận dân tộc, giúp đất nước thống nhất và phát triển. Vào giữa cuộc chiến, trong 3 ngày đầu tháng Bảy năm 1863, một trận chiến ác liệt diễn ra ở Gettysburg thuộc Tiểu bang Pennsylvania với số tổn thất tương đương, mỗi bên đều có trên 23 ngàn binh sĩ thương vong. Trong số đó miền Nam có 4,708 tử sĩ, miền Bắc có 3,155 được chôn cất ngay tại chiến trường này.

Ngày 19/11/1863, TT Lincoln đã đến đây khánh thành Nghĩa trang Gettysburg. Bài diễn văn của ông chỉ trên 300 chữ nhưng được coi là bài diễn văn hay nhất, được nhiều người đọc nhất trong lịch sử, khởi đầu bằng câu: “Tám mươi bẩy năm về trước, cha ông chúng ta đem đến lục địa này, một quốc gia mới, thai nghén trong Tự Do, và dâng hiến cho nguyên lý rằng mọi người được sinh ra bình đẳng. Bây giờ chúng ta đang ở trong nội chiến lớn, thử nghiệm xem quốc gia đó, hay bất kỳ quốc gia nào khác, thai nghén như vậy và dâng hiến như vậy có thể tồn tại. Chúng ta gặp nhau trên bãi chiến trường lớn của cuộc chiến tranh đó. Chúng ta đã đến để dâng hiến một phần của bãi chiến trường này làm nơi an nghĩ cuối cùng cho những người hy sinh đời mình ở đây để tổ quốc có thể sống...
Chúng ta những người còn đang sống, nên được dâng hiến ở đây cho công việc còn dang dở mà những người liệt sĩ nơi đây đã oanh liệt tiến đến mức độ này. Chúng ta nên được dâng hiến ở đây cho nhiệm vụ to lớn còn lại trước chúng ta -từ tay những anh hùng liệt sĩ, chúng ta chấp nhận hiến thân nhiều hơn cho sự nghiệp họ đã hiến thân, đến mức thành tâm tối hậu-chúng ta quyết tâm không để những người ở đây chết đi vô ích -quốc gia này, trong Chúa sẽ tái sinh trong tự do- và chính phủ của dân, do dân và vì dân, sẽ không biến mất trên trái đất này”.

Năm 1864, TT Lincoln tái đắc cử nhiệm kỳ hai. Bài diễn văn nhậm chức của ông kết thúc bằng những lời lẽ sau đây: “...không chút tà tâm ác độc, với lòng từ thiện khoan dung vì mọi người, với niềm tin vững chắc vào lẽ phải như đức tin về Chúa, đã khiến chúng ta nhìn thấy điều đúng đắn, chúng ta hãy nổ lực hoàn thành công việc chúng ta đang làm để hàn gắn những vết thương của dân tộc; để chăm lo cho người lính đã từng phải ra trận, chăm lo cho góa phụ và những đứa trẻ mồ côi- để làm tất cả những gì có thể đem lại và nuôi dưỡng nền hòa bình công bằng và lâu dài giữa đồng bào chúng ta và với tất cả mọi dân tộc”.

Sáu ngày sau khi nội chiến chấm dứt, TT Lincoln bị ám sát (15-4-1865). Ông được lịch sử tôn vinh là một vĩ nhân đã giải phóng nô lệ. Và Nội chiến Mỹ (1861-1865) kết thúc dưới thời ông lãnh đạo cũng được thế giới ngưỡng mộ là mẫu mực tuyệt vời có một không hai trong lịch sử chiến tranh của nhân loại.

Lịch sử ghi lại vào sáng ngày 9/4/1865, Richmond thủ đô của phe Liên hiệp miền Nam thất thủ. Quân đội của phe miền Nam bị kỵ binh miền Bắc và 3 quân đoàn bộ binh bao vây. Tướng Gordon báo cáo “Quân sĩ của tôi đã chiến đấu hết mình. Trình Đại tướng, tôi không làm gì hơn được nữa”. Tổng tư lịnh quân miền Nam là tướng Robert E. Lee nói với các tướng trong Bộ tham mưu “Giờ đây tôi chẳng còn làm gì hơn là đến gặp tướng Grant và đầu hàng”. Sau đó ông gởi thư báo cho tướng Ulysses S. Grant thu xếp việc đầu hàng. Tướng tư lệnh quân miền Bắc ra nghiêm lệnh cấm thuộc cấp không được tỏ ra bất cứ hành động nào vô lễ đối với vị tướng miền Nam bại trận.

Theo yêu cầu của tướng Lee, tướng Grant đích thân thảo bản văn đầu hàng của quân đội Liên hiệp miền Nam và tự tay trao cho tướng Lee xem lại. Chậm rãi, từ tốn, tướng Lee lấy khăn lau kính và chăm chú đọc “….Vũ khí, đại bác và các tài sản công phải được liệt kê, sắp xếp và giao nộp cho một viên sĩ quan do tôi chỉ định. Những vũ khí này sẽ không gồm có vũ khí cá nhân của các sĩ quan, cũng như ngựa và tư trang của họ. Sau khi hoàn tất, mọi sĩ quan và binh sĩ sẽ được phép trở về nguyên quán, và sẽ không bị quấy nhiễu bởi các cơ quan cầm quyền tại các địa phương nơi họ cư ngụ.”

Tướng Lee nói, “Thưa Đại Tướng, những điều kiện đầu hàng thế này sẽ có ảnh hưởng rất tốt với quân đội của tôi, nhưng thưa ngài, trong quân đội miền Nam của tôi, ngay cả binh sĩ khi gia nhập cũng mang theo ngựa của họ vào quân đội.” Tướng Grant nói ông sẽ không thay đổi gì trong văn kiện đầu hàng, nhưng sẽ ra khẩu lệnh cho phép mọi binh sĩ miền Nam được phép mang ngựa và lừa về quê quán để sử dụng trong việc trồng trọt ở các nông trại. Tướng Lee còn thêm một lời yêu cầu nữa. Ông còn giam giữ hơn một ngàn tù binh quân đội miền Bắc nhưng không có lương thực cung cấp cho họ và ngay chính quân đội của ông cũng không còn lương thực. Không ngập ngừng, tướng Grant ra lệnh cấp ngay khẩu phần cho hơn 25,000 quân sĩ của quân đội Liên hiệp miền Nam.

Tướng Grant hỏi, “Như vậy, đủ chưa?” “Thưa, quá đủ, quá đủ, thưa đại tướng.” Tướng Lee trả lời. Sau này khi đề cập về bản văn đầu hàng, lịch sử ghi rằng đây là thỏa hiệp của những người quân tử (The Gentlemen’s Agreement) Tướng Lee đứng dậy, bắt tay các sĩ quan trong Bộ Tham Mưu của tướng Grant, bắt tay tướng Grant, nghiêng mình chào tất cả mọi người và bước ra khỏi phòng họp. Trên bao lơn xung quanh tướng Grant và suốt trong sân trước căn nhà lịch sử, sĩ quan và binh sĩ miền Bắc đều đưa tay chào kính vị tướng bại trận quân đội Liên hiệp miền Nam. Khi ngựa tướng Lee rảo bước đi qua, cặp mắt của hai vị tướng quân nhìn nhau trong giây phút, họ đồng ngả nón chào nhau.

Dọc hai bên đường, binh sĩ miền Nam nghiêm chào vị tướng lãnh mà họ tôn sùng. Về đến đại bản doanh, trước mặt sĩ quan và binh sĩ đứng chờ, tướng Lee nói với họ: “Tôi đã cố gắng làm tất cả những gì có thể làm được. Và nay lòng tôi nặng chĩu và không thể nói gì hơn”. “Các anh em hãy trở về quê quán. Và nếu các anh em sống được như những công dân tốt như các anh em đã từng chiến đấu như các chiến sĩ thì các ngươi sẽ thành công rồi. Và tôi sẽ luôn luôn hãnh diện vì các anh em.”

Tin đầu hàng của tướng Lee tràn lan mau chóng, khắp nơi binh sĩ miền Bắc reo mừng.Thế nhưng tướng Grant nhanh chóng ra lệnh ngưng ngay tức khắc những biểu lộ nỗi vui mừng của binh sĩ miền Bắc. Ông nói: “Rồi sẽ có ngày mừng chiến thắng, nhưng không phải là ngày hôm nay. Quân đội miền Nam đã đầu hàng. Chúng ta không được phép reo mừng trên chiến bại của họ”. Điều quan trọng là phải gìn giữ cho bằng được sự toàn vẹn tình cảm giữa những người cùng trong cộng đồng dân tộc Hoa Kỳ”. Ông lưu ý họ: “Những người ly khai lại là đồng bào của ta. Cuộc chiến tranh vì nền độc lập của miền Nam tuy trở thành một sự nghiệp thất bại, nhưng người anh hùng của sự nghiệp đó, Robert E. Lee, đã được đông đảo mọi người thán phục vì sự xuất sắc trong tài lãnh đạo và sự vĩ đại của ông trong thất bại”

Văn kiện đầu hàng được hai tướng Lee và Grant ký kết tại Appomattox ngày 9/4/1865. Ba ngày sau, ngày 12/4 mới là ngày quân liên hiệp miền Nam chính thức buông súng đầu hàng. Chỉ huy cánh quân miền Bắc và điều khiển buổi lễ là tướng Chamberlain, nguyên là một giáo sư đại học, Huy Chương Danh Dự, hai lần bị thương trên chiến trường. Chỉ huy 28,000 sĩ quan và binh sĩ Liên hiệp miền Nam là tướng Gordon, một trong những cận tướng can trường của Đại tướng Lee, 4 lần bị thương tại mặt trận, một lần bị trúng đạn xuyên qua mặt.

Tướng Chamberlain đã ghi trong hồi ký của mình: “Từng đoàn, từng đoàn, họ tiến bước theo nhịp quân hành, ép chặt vào nhau giống như một giòng người đội vương miện màu đỏ ối, giương cao quân kỳ và hiệu kỳ. Đây là những người mà gian lao, đau khổ, nhọc nhằn, kể cả tử thần không bẻ cong được quyết tâm của họ. Họ đứng thẳng hàng trước mặt đoàn quân chúng tôi, một đoàn quân tơi tả, xương xẩu, nhưng hiên ngang, mắt sáng ngời chiến thắng, họ là những hình ảnh sống phản ảnh mối liên hệ thắm thiết chỉ có thể có giữa những đồng đội trên chiến trường”. Không dự định trước, cũng không được chuẩn y trước, tướng Chamberlain bất thần hô lớn ra lệnh cho đội quân miền Bắc “Bồng súng chào!” Một tiếng kèn lệnh vang lên, và lập tức toàn thể đoàn quân miền Bắc bồng súng lên vai, tiếng báng súng rập khuôn vang lên.

Phiá đối diện, tướng Gordon thúc nhẹ con tuấn mã khụy hai chân trước xuống, người và ngựa cùng cúi đầu, gươm tuốt trần chúc mũi trong một dáng đìệu hùng vĩ tuyệt vời. Cùng lúc, đoàn quân miền Bắc chuyển qua bồng súng nghiêm chào. Họ chào những “anh hùng bại trận”, họ bày tỏ sự kính trọng của những người Mỹ đối với những người Mỹ. Và phía hàng quân miền Bắc tiếp tục giữ đúng thế nghiêm. Không có thêm một tiếng kèn. Không có một tiếng trống. Không có một tiếng hô chiến thắng. Không có một tiếng nói. Không cả một tiếng thầm thì. Mà chỉ còn là một hàng quân im phăng phắc. Mọi nhịp thở như ngừng lại...”

Cách hành sử của tướng Grant đúng là bậc “anh hùng mã thượng”, ông trở thành tổng thống thứ 18 của Mỹ. Nhưng trong các Bảo tàng viện, đặc biệt Bảo tàng viện Appomattox ở Virginia hình ảnh của phe bại trận lại được chú ý hơn phe thắng trận. Hình tướng Lee cưỡi ngựa đến gặp tướng Grant được đoàn quân nhạc miền Bắc chào đón. Hình tướng Lee ký xong bản văn đầu hàng được các sĩ quan và binh sĩ miền Bắc chào kính tiễn đưa. Đặc biệt có bức tranh sơn dầu Tướng Lee hiên ngang quắc thước trong bộ quân phục xanh dương, tóc và râu bạc, thể hiện người Mỹ anh hùng không bị khuất phục dù thua trận. Ông được Quốc hội Mỹ tuyên dương “Không một ai ở Miền Nam có thể mẫu mực hơn Tướng Robert E. Lee trong việc mang lại Đoàn kết cho Tổ quốc chúng ta”. Lịch sử nhớ mãi câu nói để đời của viên tướng bại trận trong Nội chiến Mỹ 1861-1865: “Tôi tin rằng đây là Nghĩa vụ của mỗi người nên Đoàn kết trong việc hồi phục lại quốc gia và thiết lập lại Hòa bình và Hòa Hợp”. (I believe it is the duty of everyone to unite in the restoration of the country and the re-establish of Peace and Harmony)

Đúng một thế kỷ sau, vào đầu tháng Ba năm 1965, HK đổ quân vào miền Nam VN. Họ đã tạo điều kiện thuận lợi để tái lập hòa bình ở VN và dựa trên cơ sở hòa giải hòa hợp dân tộc, giúp người VN đoàn kết quốc gia phát triển đất nước thời hậu chiến. Cuối cùng quân đội miền Nam VN cũng bại trận và đầu hàng như quân đội niềm Nam nước Mỹ một thế kỷ trước cũng vào tháng Tư. Nhưng ở VN không có được hình ảnh tuyệt vời như nước Mỹ. Vì ở HK, kẻ thắng người bại, họ đều tôn kính lẫn nhau, còn VN thì hành sử trái ngược. Quân đội miền Bắc VN không có được những tướng “mã thượng anh hùng” như tướng Grant, tướng Chamberlain... Cũng xin đừng trách họ, vì lẽ họ bị nhồi sọ bởi một chủ thuyết ngoại lai lấy đấu tranh giai cấp, lấy hận thù dân tộc làm đường hướng chỉ đạo. Chính vì tư tưởng đó, mà những người lãnh đạo miền Bắc đã phát động chiến tranh giải phóng MN, quyết cưỡng chiếm miền Nam để thực hiện chủ nghĩa Mác Lê, đưa cả nước trở thành chư hầu của ngoại bang. Như thế làm sao có thể hòa giải hoà hợp dân tộc được.

Trong những ngày cuối tháng Tư năm 1975, các tướng lãnh QLVNCH tuân lịnh thượng cấp tử thủ, tức nhiên họ đã chấp nhận cái chết như lời của Tổng thống Trần Văn Hương: “Không mong gì người gọi là bạn chúng ta giúp chúng ta nữa, thì chúng ta đành chấp nhận sẽ đi đến cùng. Nếu ý trời muốn cho nước Việt Nam này không còn nữa thì thôi. Chúng ta sẽ cùng nhau với nước Việt Nam này mà chết, chớ không thể chấp nhận đầu hành được”. Ông tuyên bố sẽ nằm bên cạnh các chiến sĩ VNCH chết cho tổ quốc.

Nhằm tránh cho đồng bào và binh sĩ khỏi chết một cách vô ích trong giờ phút lâm chung của đất nước, lãnh tụ Lực lượng thứ ba -cựu Đại tướng Dương Văn Minh vận động Quốc hội trao quyền cho ông. Ông kỳ vọng MTGPMN sẽ hợp tác với thành phần thứ ba và những người hòa giải dân tộc, chấp nhận một miền Nam trung lập sau khi ông yêu cầu HK ra đi. Sáng ngày 29/4/1975, thủ tướng Vũ Văn Mẫu tuyên đọc trên đài phát thanh Sàigòn lá thư của Tổng thống Dương Văn Minh, yêu cầu cơ quan Tùy Viên Quân lực HK tức DAO phải rút khỏi VN trong vòng 24 giờ. Ngay sau đó hàng đoàn trực thăng từ hạm đội 7 vào phi trường Tân Sơn Nhất và Tòa Đại sứ để di tản người Mỹ và những người Việt làm việc cho Mỹ ra khỏi VN. Lúc đó các giới chức cao cấp dân sự và quân sự VNCH đã thấy rõ ngày tàn của chế độ miền Nam đã tới, nên lo tìm lối đào sanh.

Tối 29/4/1975, sau khi tiếp xúc với CS trong trại Davis, ông Dương Văn Minh đã biết rõ đòi hỏi của CS là buộc VNCH phải đầu hàng. Do đó ông cho phép các tướng lãnh vừa được ông bổ nhiệm ra đi. Con gái và rễ của ông là đại tá Nguyễn Hồng Đài di tản cùng chuyến tàu với Trung tướng Vĩnh Lộc và Phó Đô đốc Chung Tấn Cang. Trong khi đó, trên Đài phát thanh Sàigòn, ông Minh kêu gọi “Các tư lịnh Quân đoàn, Sư đoàn hãy giữ vững vị trí và chờ lịnh mới”. Lời kêu gọi đó lập đi, lập lại suốt đêm, có lẽ để nhắc nhở các tướng lãnh và sĩ quan cao cấp hãy sớm ra đi, trước khi ông ra lịnh quân đội buông súng vào ngày hôm sau.

Cũng trong đêm đó, các tướng tư lịnh Sư đoàn và Quân đoàn IV tuân lịnh thượng cấp tử thủ, giữ vững vị trí để ủng hộ ông Minh đứng ra thương lượng với CS. Đến 10 giờ rưỡi sáng 30/4/1975 khi ông Minh ra lịnh bàn giao chính quyền cho đại diện MTGPMN. MN tự do kể như đã mất. Sống và chiến đấu không bảo vệ đất nước được tồn tại, thì tuẫn tiết để bảo toàn danh dự người chiến sĩ và danh dự dân tộc. Năm tướng lãnh miền Nam và một số sĩ quan và binh sĩ đã quyên sinh. TT Lincoln đã nói: “Người ta có thể từ bỏ mọi thứ, nhưng không ai từ bỏ được lịch sử.Trước sau gì, lịch sử của các bậc anh hùng sẽ phải được dựng lại ở chính nơi mà những con người vĩ đại đã ngã xuống”.

Xã thân ngoài chiến trường, chết vì bom bay đạn lạc, đã là hy sinh cao cả cho tổ quốc. Còn chết khi tiếng súng đã ngưng, con người ai cũng tham sinh úy tử, nhất là Tướng Lê Văn Hưng -Tư lịnh Phó Quân đoàn IV có mẹ già, vợ dại con thơ bên cạnh mà tự sát thì không bút mực nào có thể diễn tả hết cái can trường đó. Tôi chợt nhớ hai câu thơ của thi sĩ Đằng Phương (Nguyễn Ngọc Huy) trong bài Ngày Tang Yên Báy: “Và Tử Thần kính cẩn đứng ghi tên Những liệt sĩ vào bia người tuẫn quốc”. Chết mà đến Tử Thần còn phải kính cẩn, thì cái chết đó phải vô cùng cao quý: Chỉ có chết vì danh dự dân tộc để đất nước hồi sinh như 5 tướng lãnh Nguyễn Khoa Nam Tư lịnh Quân đoàn IV, Phạm Văn Phú Tư lịnh Quân đoàn II, Lê Văn Hưng Tư lịnh phó Quân đoàn IV, Lê Nguyên Vỹ Tư Sư đoàn 5, Trần Văn Hai Tư lịnh Sư đoàn 7 cùng một số sĩ quan và binh sĩ QLVNCH trong Ngày Tang Dân tộc 30/4/1975. Họ đã chết như những tướng lãnh Phù Tang vì tinh thần võ sĩ đạo, tuân lịnh Nhật hoàng buông súng đầu hàng (1945), nhưng mổ bụng quyên sinh để bảo vệ danh dự nước Nhật. Phải chăng nhờ đó mà nước Nhật hồi sinh mau chóng sau khi bại trận nặng nề, trở thành một cường quốc chỉ trong vòng hai thập niên.
Nhân ngày 30/4, tưởng niệm các chiến sĩ Quốc gia Vị Quốc Vong Thân và 5 tướng lãnh cùng một số sĩ quan QLVNCH đã tuẩn quốc trong Ngày Tang Dân Tộc 30/4/1975, trong đó có các sĩ quan Phòng 2 Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH - nơi mà tôi đã phục vụ trong suốt cuộc đời quân ngũ. Năm 1993, tôi đã viết quyển Tổng kết bản nghiên cứu cuộc chiến VN trong bối cảnh chiến tranh lạnh, tựa đề Việt Nam Thắng và Bại. Theo suy nghĩ của tôi: Thắng tất đưa đến mất nước, mà hiện nay nguy cơ bị Hán hóa đang bày ra trước mắt. Còn Bại mà có những chiến sĩ can trường dám chết vì Danh Dự Dân Tộc, Đất Nước tất phải hồi sinh.

Nay tôi xin kính cẩn cuối đầu trước sự can trường của các đàn anh thuộc Phòng 2 Bộ TTM/QLVNCH đã tuẩn tiết trong ngày Tang của Dân tộc

-Đại tá Đặng Sỹ Vịnh, nguyên là Trưởng ban Binh Địa Phòng 2, được thuyên chuyển về Bộ Tư Lịnh Cảnh Sát Quốc Gia. Cuối năm 1974 Ông được thăng cấp Đại tá vì là Sĩ quan Khóa I Thủ Đức-Nam Định. (tất cả sĩ quan khóa này, nếu không gián đoạn quân vụ đều được vinh thăng đại tá) Đại tá Vịnh tự sát cùng với vợ và 7 con, trong đó có Trung úy Quân Y Đặng Trần Vinh.
-Trung tá Nguyễn Xuân Trân khóa 5 Thủ Đức, Trưởng ban Ước tính Tình Báo thuộc Khối Tình báo Quốc nội Phòng 2.
- Trung tá Phạm Đức Lợi, Khoá 5 Thủ Đức, trưởng ban Không Ảnh Phòng 2.
- Trung tá Vũ Đình Duy, Trưởng đoàn 66 Đơn vị 101 trực thuộc Phòng 2.
-Trung tá Nguyễn Văn Hoàn, thuộc Bộ chỉ Huy Đoàn 67 Đơn vị 101 trực thuộc Phòng 2.
-Đại úy Trần Huy Hựu, Trưởng ban Hành chánh P2. Đại úy Hựu có con là Trung úy Trần Huỳnh phục vụ tại Trung tâm Khai thác Tài liệu Hổn Hợp (CDEC) tử nạn trong trại Cải tạo ở Hoàng Liên Sơn.

Ngoài nhữnh anh hùng tuẩn quốc, Phòng 2 còn có hai niên trưởng -Đại tá Trịnh Bảo Chương Phó Trưởng phòng và Đại tá Lê Đình Luân Chỉ Huy Trưởng Đơn vị 101 trực thuộc Phòng 2, đã cùng chung cảnh ngộ tù đày với anh em thuộc cấp với 17 năm tù cải tạo.

Tôi chỉ thấy Đại tá Lê Đình Luân một lần duy nhất khi ông hướng dẫn đội bóng chuyền Đơn vị 101 đến giao đấu với Trung tâm Khai thác Tài liệu năm 1970. Trông ông hiền lành, nho nhã như một nhà giáo hơn là một sĩ quan tình báo cao cấp có nhiệm vụ sưu tầm tin tức chiến lược và chiến thuật ở ba nước Đông Dương và cả Hồng Kông; trinh sát để khám phá các mục tiêu mới trong vùng địch; phối kiểm các tin tức do mật báo viên tại hậu tuyến địch cung cấp hoặc các toán xâm nhập chuyển về. Một bạn tôi thuyên chuyển về Đơn vị 101, dù chỉ là một Thiếu úy cũng được ông tiếp xúc, hỏi han ân cần như một người bạn chớ không phải tra hạch đối với thuộc cấp. Qua trao đổi, ông nắm được khả năng cũng như cá tính của người đối thoại để bố trí công tác thích hợp. Vì thế thuộc cấp rất kính phục ông và hoàn thành công tác xuất sắc. Buổi trưa ngày 30/4/1975, Đại tá Luân và Trung tá Trương Văn Tỷ Chỉ huy phó Đơn vị 101 đã uống thuốc độc quyên sinh, nhưng được cứu sống nhờ Thiếu tá Võ Thành Tường phát hiện kịp thời.

Tôi gặp Đại tá Trịnh Bảo Chương nhiều lần để trình bày những tin tức quan trọng. Ông rất hiền lành, sống trong trại Gia binh Quân báo, trong căn nhà không có gì đặc biệt, song có vẽ khang trang hơn nhà của các hạ sĩ quan. Nghe nói là nhờ sự giúp đỡ của một người bạn cùng là dân Phòng 2 ở Quân khu IV nay là Phụ tá Đặc biệt Bộ Tư lịnh CSQG.

Nhắc đến nhị vị huynh trưởng trong phần cuối bài viết “Chết vì Danh dự Dân tộc, Đất nước tất phải hồi sinh”, tôi muốn nói lên lòng kính trọng đối với tài năng, đức độ và trong sạch của Đại tá Trịnh Bảo Chương -cựu trưởng phòng 2 và Đại tá Lê Đình Luân -cựu Chỉ huy Trưởng Đơn vị 101 Phòng 2 Bộ TTM/QLVNCH. Nhị vị niên trưởng đã tận tụy trong vai trò chỉ huy anh em. Nhị vị đã cùng chia sẻ đắng cay với thuộc cấp trong lao tù, anh em càng kính phục. Kính chúc nhị vị niên trưởng luôn mạnh khoẻ, vui với đời, sống thọ để chứng kiến ngày đất nước hồi sinh, hoa tự do dân chủ nở rộ trên quê hương.

Lê Quế Lâm
(30/4/2013)


2 comments:

  1. Xã hội ổn định thì gia đình mới bình yên. Việc dự đoán tình hình, chuẩn bị lực lượng để đề phòng những tình huống xấu xẩy ra là điều tất yếu. Cẩn trọng như Mỹ mà còn xẩy ra bao nhiêu vụ tấn công. Xem ra việc Giã ngoại về nhân quyền cũng chỉ là trò tung hỏa mù, các nhà chức trách cần phải có dự đoán tình huống để đảm bảo an ninh trật tự xã hội và an toàn cho cho nhân dân tham gia là điều hiển nhiên đúng.

    ReplyDelete
  2. Đất nước nào trải qua chiến tranh rồi mới thấu hiểu hết được lòng yêu nước và đức hy sinh của người dân. Ở Mỹ hay ở Việt Nam hay ở bất kỳ quốc gia nào cũng thế. Khi quyền lợi bị xâm hại, bát cơm đang ăn bị đổ đi thì mọi người sẽ vùng lên. Trải qua 2 cuộc chiến tranh khốc liệt bao nhiêu người Việt nam đã ngã xuống, bao nhiêu đưa trẻ mồ côi cha, vợ mất chồng, mẹ mất con và hơn thế nữa, có biết bao nạn nhân chất độc da cam vẫn còn ở đó, gầy còm, tật nguyền, quắt queo, nhưng không hề có một lời tham vãn vì họ đã hy sinh cho dân tộc mình, bảo vẹ cho nhân dân mình.

    ReplyDelete

View My Stats