AFR Dân
Nguyễn
18-5-2013
Đinh Nguyên Kha, Nguyễn Phương Uyên, các con yêu quý!
Hãy cho phép ta được gọi các cháu như vậy được không. Ta
gọi vậy, nếu có xứng đáng, cũng chỉ bởi ta đáng tuổi cha chú các con, và bởi
đồng cảm, đồng tình về những việc các con làm, ta cảm phục và tự hào về các con
nhiều lắm; Còn về tấm lòng với non sông đất nước, với dân tộc, và nhất là về
lòng dũng cảm, thì ta tự nhận thấy chưa xứng đáng gọi các con như vậy đâu!
Ta, thế hệ cha chú các con đã làm được gì cho chính các
con, cái thế hệ mà, cũng ở tuổi các con thôi, những thanh thiếu niên ở những
nơi khác trên thế giới này, chúng không phải trăn trở về vận mệnh non sông,
cũng không phải để tâm vào những vấn đề chính trị bẩn thỉu. Chúng đến giảng
đường học, giao lưu, chơi thể thao, đi picnic cuối tuần, và đi du lịch khám
phá…
Ta cứ ngỡ rằng, công trạng ta lớn lắm, là tấm gương sáng
lắm cho các con học tập và làm theo…
Bời vì ta và thế hệ cha ông các con đã tự mình tự hào về
thành tích vẻ vang đánh thắng hai đế quốc to.
Bởi vì ta và thế hệ cha ông các con tự mình tự hào, hãnh
diện rằng, đã góp công làm nên, và xây dựng và ra sức bảo vệ cái nhà nước công
nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Bởi vì ta và cha ông các con vẫn luôn tự hào vì có đảng
cộng sản Việt Nam quang vinh, “người tổ chức và lãnh đạo mọi thắng lợi của cách
mạng Việt Nam”, là “Đỉnh cao trí tuệ của loài người”, nguyện trung thành tuyệt
đối với cái “Đỉnh cao trí tuệ” ấy, nguyện đặt mình dưới sự dẫn đường chỉ lối
bởi cái đảng quang vinh ấy.
Nhưng khi ta ngộ ra rằng, ta và thế hệ của ta đã hy sinh
xương máu, để thu giang sơn về một mối, cũng là lúc làm lòng người chia ly…thì
ta đã làm gì?
Nhưng khi ta ngộ ra rằng, trong vườn ươm Dân tộc, ta và
thế hệ cha ông các con đã ươm, đã vun tưới chăm sóc một loài cây, để rồi tới
ngày nó vươn cao, tàn tán xum suê, thay vì ra trái ngọt cho đời, nó lại ra trái
đắng…thì ta đã làm gi?
Nhưng khi ta ngộ ra rằng, chính thế hệ ta đã và đang là
thủ phạm gây nên Thảm Họa cho dân tộc, một thảm họa có thể nói tệ hại nhất
trong lịch sử dân tộc, tệ hại hơn cả thời Trịnh Nguyễn phân tranh, bởi thời
Trịnh Nguyễn chỉ là cuộc chiến tương tàn, nồi da xáo thịt, còn thế hệ ta, ta
lại góp công ” hun đúc” dân tộc này bằng ý thức hệ, bằng một chủ thuyết sai
lầm…thì ta lại chọn cách lặng câm, tự huyễn hoặc mình, tự chui vào hầm trú ẩn…
Ta vẫn cố tình làm ngơ khi tàu lạ nghênh ngang cày xới
trên vùng biển quê hương, bắt nhốt, đánh đập ngư dân mình.
Ta vẫn làm ngơ, không cật vấn những kẻ ra lệnh cho lũ đầu
trâu bắt nhốt, đàn áp những người biểu tình yêu nước, chống bọn bá quyền xâm
phạm trắng trợn vùng trời vùng biển thiêng liêng của Tổ Quốc.
Ta vấn cố tình làm thinh khi biết bao người nông dân khốn
khổ- đồng bào mình bị cướp đất, bị phá nhà mà không biết kêu oan, chỉ vật vã
kêu Trời…
Ta vẫn lạnh lùng khi nghe những bản tin thời sự hằng
ngày, mà ở đó đầy những tin cướp giật, hãm hiếp, thờ ơ và vô cảm hệt phát thanh
viên thời sự đọc tin 2 trẻ em chết vì ngộ độc bánh ngô, 3 trẻ chết vì một tai
nạn giao thông, 4 trẻ em chết vì đuối nước…
Ta cũng thờ ơ khi nghe tin “Đinh tặc lại rải đinh”…, lâm
tặc lại phá rừng…dù biết rằng, không đâu trên thế gian này, dù ở những quốc gia
nghèo đói nhất cũng không thể sản sinh ra lũ đinh tặc, và ta biết đó chính là
sản phẩm mang nét đặc trưng của riêng quê hương VN, mà không suy nghĩ thêm về
hiện tượng này, thử đặt một câu hỏi, liệu đinh tặc sản sinh từ truyền thống dân
tộc, hay chỉ là một biểu hiện cụ thể của tính cách con người mới xã hội chủ
nghĩa.
Ta cũng không dành nhiều thời gian để suy tư về hiện
tượng bà mẹ đau yếu treo cổ tự tử, để…dành tiền cho con học, để giải thoát gánh
nặng cho chồng con gia đình…
Ta quá biết cái xã hội ngày nay là thành quả chính ta và
thế hệ cha ông các con đổ xương máu, cùng chung tay xây đắp và vẫn đang gìn giữ
mấy mươi năm qua.
Cái xã hội mà người bệnh, cả bệnh nhi phải chui vào gầm
giường bệnh trong mùa hè ngột ngạt, nằm chờ tiêm thuốc, thăm khám, vì không đủ
chỗ trên giường, trong khi bệnh viện sẵn có phòng “tự chọn” cho bệnh nhân với
giá cao hơn giá phòng khách sạn 3, 4 “sao”, từ 5 trăm tới 7 trăm ngàn đồng một
ngày đêm- một hình thức kinh doanh kiếm tiền dễ hơn trở bàn tay, không phải
quảng cáo, khỏi cần khuyến mãi hay tiếp thị.
Cái xã hội mà ngành “trồng người” chính là nơi hành hạ cả
học sinh lẫn phụ huynh bởi những khoản chi phí hươu vượn, nhưng luôn được hợp
thức hóa dưới nhiều chiêu trò, là nơi gieo rắc thói hư tật xấu, phô bày ra cách
nói dối và ngụy biện đầu đời cho trẻ em chập chững đến trường, và nối dài đến
khi các em trở thành những chủ nhân tương lai của đất nước…
Cái xã hội mà ở đó, người muốn hối lỗi cũng không được,
bèn là bị quàng cho cái tiếng xấu “Trở cờ”. Người yêu nước bị chụp mũ phản
động.
Cái xã hội mà ở đó, nền chính trị tha hóa tới mức quan
lại thả sức nói, muốn sao lên vậy, thả sức làm sai, thậm chí gây tội ác, mà chỉ cần kèm theo câu xin lỗi (không thật tâm) là xong- Một nền
chính trị tới mức có thể tóm gọn trong một câu “Nói dzậy mà không phải dzậy”
Một nền chính trị mà ở đó quan lại từ trung ương tới địa
phương lấy việc chia bè kết đảng làm kế hoạch, lấy việc đấu đá nhau, “cho nhau
ăn bùn” làm nghị quyết bất thành văn…
Các con!
…
Ta không dám nói rằng mình đang khóc khi viết những dòng
này gửi tới các con, vì các con có lý do kết tội ta đang nhỏ những giọt nước
mắt cá sấu.
Xét về tất cả, từ tư tưởng, tình cảm, cho đến di sản, tài
sản đất nước, từ thượng tầng chính trị thối tha, đến hạ tầng kinh tế vỡ nát, từ
nền “trồng người” hỏng bét mang tính hệ thống, đến nền “cứu người” đã “xuống
cấp” đến mức thành “nan y”, từ một quá khứ trọn vẹn đau thương mất mát đến hiện
tại bẽ bàng, và một tương lai mờ tối…các con, phải, chính các con có quyền
trách cứ, lên án ta và thế hệ cha ông các con.
Ta và thế hệ ta, những cha ông các con biết rằng hối lỗi
bây giờ là quá muộn, để các con bị lạc mất trong rừng thẳm thâm u, mà những
đường mòn cũng không còn vì cây dại đã mọc trùm che lấp lối đi.
Càng ngẫm càng đau. Càng thương càng xót!…
Nhưng các con là những “Chú bé Tý Hon”, thông minh, lanh
lợi, đã biết tự cứu mình, cứu được cả cha mẹ.
Các con đã tìm được đường ra, trong cái rừng già thâm u
ấy, nơi mà chính cha ông các con cũng bị lạc mất…
Sáu năm tù, hay tám năm trong chốn ngục kia- mấy ngàn
ngày họ vùi dập các con trong bóng tối và đọa đày…
Kết án các con, nặng nhẹ, ấy là quyền của họ.
Không có tội, họ còn bẻ thành có tội, thì việc họ khoác
lên cổ các con cái tròng sáu năm, tám năm tù, đâu có gì lạ.
Nhưng đó là ý chí của họ, là cách làm của họ- là người
tính.
Cho dù họ không ăn năn vào một ngày nào đó về bản án phi
lý mà họ tròng lên vai các con, không có nghĩa các con hết hy vọng vào một ngày
sớm hơn cái hạn sáu năm, hay tám năm kia, các con được nhìn ánh mặt tròi rạng
chiếu vào buổi sớm bình minh trên quê hương mình.
Còn Trời tính nữa! Chúng ta được phép hy vọng điều đó
chứ. Tại sao không?
Nhìn Phương Uyên cười, ta dám chắc, không người có lương
tri nào lại không cảm phục; Nhìn con cười, không một người làm cha làm mẹ nào
không mỉm cười rơi lệ trong niềm tự hào dâng trào đến nghẹn ngào.
Không làm gì tiếp theo đây để rút ngắn đêm trường trong
lao ngục cho các con, chính là chuỗi tội lỗi của hết thảy thế hệ cha ông các
con tiếp tục dài thêm.
Làm sao có thể nói các con có tội chỉ với cái khẩu hiệu
phản đối kẻ xâm lược, trong lúc mà có kẻ chễm trệ trên chiếc ghế quyền lực đòi
xóa sổ một quốc gia ở xa lắc cuối trời, không gây thù chuốc oán cho VN, thì
không sao!?
Làm sao có thể kết án các con có tội, khi các con chỉ bày
tỏ một nguyện vọng chính đáng là nguyền rủa cho bầy sâu cắn lá đục thân phá
hoại mùa màng kia chết hết đi, và muốn đào phá bỏ đi cái hang hố nơi ẩn nấp và
nuôi dưỡng bầy sâu…
Làm sao bảo các con manh động, khi mà đứng trước vành
móng ngựa của bạo quyền, các con hiên ngang, tự tin, không một biểu hiện của
run sợ? Các con đã cho cả thế giới thấy dáng vẻ hiên ngang, nụ cười đẹp như
thiên thần của các con!
Ta ghen tỵ với cha mẹ các con, những người sinh thành các
con, vì ta không có được niềm tự hào to lớn như họ, mà chỉ có niềm tự hào nhỏ
nhoi vì tự cho mình cái quyền là bậc cha chú các con.
Nhưng họ- cha mẹ các con xứng đáng hưởng niềm tự hào lớn
lao đó, bởi công dưỡng dục của họ.
Mỗi khi nhìn nụ cười đẹp thiên thần của các con, ta lại
buồn rầu mà liên hệ tới những lo lắng ích kỷ của những đứa con ta, với những lo
lắng, toan tính cho bố mẹ, với những can ngăn khi thấy ta thở dài về chế độ
này: “Mặc kệ chúng nó. Cứ để chúng nó gây nhiều tội ác cho chúng chóng sụp đổ.
Bố chẳng làm gì được với cái xã hội đen xã hội đỏ này đâu…”. Thậm chí mỗi khi
ta nghe thời sự, gặp lúc đồng chí ủy viên này phát biểu, đồng chí bí thư kia
đọc diễn văn, chúng giằng ngay cái remote control trong tay ta mà dứt khoát
chuyển kênh, với vẻ hậm hực: Tại sao không tìm kênh thể thao, du lịch mà xem mà
bố cứ nhẫn nại nghe chúng nó nói. Thấy chúng nó làm chưa đủ tin hay sao…
Ưh, nói về tin, ta liệu có được phép tin rằng, ngày các
con ra khỏi chốn lao tù sẽ không là cái hạn của sáu năm, tám năm kia?
Bởi vì ta tin rằng, ngay kẻ vừa gõ búa tuyên bản án kia,
trong thâm tâm cũng nguyền rủa cái thể chế này lắm, muốn vứt cái búa quan tòa
trong tay đi lắm, “nhưng kẹt nỗi các con khuyên…?”. Không tin hãy nhìn ánh mắt
ông ta nhìn các con- những thiên thần tự chắp cánh.
Bởi ta cũng tin rằng, trong cái đảng hư hỏng trầm trọng
này, còn nhiều người có lương tri. Họ im lặng chờ thời cơ, hoặc họ chưa đủ can
đảm để vượt lên trên nỗi sợ hãi đó thôi…
Bởi ta tin rằng cái đảng này hư hỏng, cũng bởi cái căn
nguyên gốc là do cái chủ nghĩa, cái tư tưởng bắt bỏ tù họ đó thôi.
Dù trong hoàn cảnh nào, xin các con cứ giữ mãi nụ cười
tỏa sáng kia nhé. Các con có biết các con đang là niềm tự hào của thế hệ trẻ VN
hôm nay không?
Các con có biết cả đất nước đang tự hào về các con không?
Các con không đơn độc trong cuộc đấu tranh này. Mọi người
đang sát cánh bên các con!…
Ta tự hào về các con!
Tác giả gửi quechoa.vn
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác
giả
No comments:
Post a Comment